Rau cay Mèo Vạc

16:28 | 13/03/2019

Theo dõi Du lịch - Năng lượng xanh trên
|
Đến Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang) vào tiết cuối xuân, ta vẫn có thể mang về xuôi một món quà: Rau cay! Người dân tộc trồng rau cay không chỉ vì thức ăn hàng ngày, mà còn vì một vẻ đẹp lãng mạn đặc trưng trên từng tầng núi đá. Và nữa, đây là cây rau chăm chỉ biết thương người nghèo...

Từ tháng Giêng cho đến đầu tháng Năm, đến núi đá Mèo Vạc, bạn sẽ vui khi trên đường đi, thấp thoáng trong khe đá xanh xám hay những mảnh đất nhỏ ven đường, rau cay trổ ngọn hoa vàng mơ rực rỡ và lãng mạn. Rất nhiều những nhiếp ảnh gia, những chàng lãng tử ngán khói bụi ầm ĩ phố phường đã dừng chân ngỡ ngàng bên những vạt rau cay để chụp ảnh, lưu lại vẻ đẹp vừa hoang sơ, vừa diễm lệ rất riêng của vùng núi đá.

Rau cay Mèo Vạc
Ray cay được bày bán dưới thị trấn

Nhưng với bà con người Nùng, Dao đỏ, H’mông, Lô Lô, Giáy, Xuồng, Tày... ở Mèo Vạc thì rau cay không chỉ để ngắm. Hàng ngày họ lên núi, ra ruộng hái rau cay về ăn, rồi mang ra chợ bán lấy tiền mua lưỡi hái, mua gạo, mua muối, mua vòng bạc... Rau cay vừa dễ tính, vừa đẹp lại vừa chăm. Chỉ cần gieo hạt xuống, không phải chăm sóc gì mà cây cứ lên ngùn ngụt, hoa nở thắm, ngọn tua tủa. Người dân tộc ở Mèo Vạc ai cũng hiểu được nết rau: “hái càng đau rau càng cay”, với vị cay đặc biệt ngon thơm mát lành cho ruột.

Chẳng thế mà sáng sớm nào người dân tộc cũng đi hái rau cay, hái hết ngọn này sang ngọn khác, rồi tuần sau các ngọn mới bên nách lá lại đẻ ra mau mắn. Rau cay bỏ đầy gùi mang ra chợ thị trấn Mèo Vạc hoặc bán luôn ven đường. Bó rau được buộc gọn lại bằng sợi dây leo ngắt trên rừng, bó rau mượt mà, xanh non xen lẫn màu vàng chanh của hoa, của nụ trông thích mắt và an toàn.

Người dân tộc hái rau cay về, bỏ vào thùng hay chậu to, không cần rửa nước lã, sau đó giội nước đun sôi ngập rau, đậy kín lại, để đến hôm thứ ba là có thể lấy rau cay ra xào hoặc nấu canh ăn với cơm hoặc mèn mén. Rau cay lúc này ngả màu dưa muối, có vị hơi chua, mùi cay đắng nhằng nhặng rất lạ, rất trôi cơm. Bà con người dân tộc cứ ăn rau cay suốt cả bốn tháng như vậy mà không thể chán được. Rau cay cho họ sức khoẻ lên nương rẫy, vượt đường vượt núi cả ngày tháng dài không mỏi. Thùng rau cay ngâm nước sôi có thể giữ tới mười ngày ăn dần, như người miền xuôi muối dưa chua, vẫn giữ được vị ngon, không sợ hỏng. Mỗi lần lấy ra lượng rau vừa đủ ăn, xong lại đậy kín thùng rau để dành cho bữa sau. Trong nhà người dân tộc, bên thùng mèn mén có thùng rau cay là họ yên tâm, không sợ bị đói.

Rau cay Mèo Vạc
Rau cay xào với dồi lợn

Rau cay mang về xuôi, có thể biến tấu xào rau cay cùng dồi lợn, hay thịt bò, hoặc nấu canh thịt bò, gân bò, sườn thăn... cũng rất ngon và lạ. Bên đĩa rau cay vừa dai vừa giòn, các anh các chị cũng có thể nhâm nhi chén rượu, ly bia và long rong kể chuyện đường dài lên núi đá Mèo Vạc... Tưởng như mình đang gồng tay lái lượn giữa sườn núi cao trập trùng đá hộc.

Ai có lên Mèo Vạc vào mùa xuân, cho tôi gửi món rau cay mang về xuôi với...

Đặng Thanh

Chuyên trang du lịch rất mong nhận được bài viết, hình ảnh của bạn đọc. Xin vui lòng gửi về: [email protected]