Ánh sáng điện với du lịch Quảng Bình(Kỳ I)

07:36 | 12/04/2019

Theo dõi Du lịch - Năng lượng xanh trên
|
Trên chặng đường phát triển du lịch tỉnh Quảng Bình thời gian qua, ngành điện đã để lại những dấu son đáng ghi nhận, luôn đồng hành, mang đến ánh sáng, góp phần giúp “vương quốc hang động” tiến xa, lan rộng trên bản đồ du lịch trong nước và thế giới. 

Kỳ I: Huyền ảo chốn "Thiên Đường"

Để khẳng định vai trò của ánh sáng điện đối với sự phát triển ngành “công nghiệp không khói” tại vùng đất miền Trung đầy gian khó này, xin mượn câu nói của Phó giám đốc Trung tâm Du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng Lê Chiêu Nguyên: “Nếu không có điện, chắc chắn chúng tôi không thể làm du lịch được”.

anh sang dien voi du lich quang binhky i
Động Thiên Đường

Vào động Thiên Đường, xung quanh tôi, chảy tràn trong tầm mắt là lớp lớp nhũ đá uốn lượn mềm mại, mờ tỏ theo ánh đèn màu, “cưỡng bức” cái nhìn đắm đuối đến mụ mị, con người như phiêu bồng, ngỡ dần thoát tục… Cứ như thế, dường như tôi đang lạc lối ở chốn thiên đường?

Nhũ đá vươn dậy lộng lẫy

Mới giữa tháng 3, nắng vẫn còn e ấp, vậy mà ai nấy mồ hôi đều túa ra, chảy giọt khi vừa chinh phục 524 bậc cấp để đứng trước cửa động Thiên Đường. Nghỉ chân chốc lát lấy sức, tôi bước qua cửa động, cảm giác mát rượi lan dần toàn thân, bởi lẽ “hoàng cung trong lòng đất” nằm ở độ cao 360 mét so với mực nước biển, nền nhiệt độ trong động chỉ từ 18-20oC. Sức lực bỗng như hồi phục trong khoảnh khắc.

Khi người khỏe lại, đôi mắt tôi mặc sức tung tẩy, lạc lối theo ánh đèn mờ tỏ ảo diệu, kéo các khối nhũ lại gần theo những bước chân gõ nhịp xuống con đường gỗ đều đặn, thảnh thơi.

Kỳ lạ thay, ánh sáng đã hạ mình xuống soi rọi cho nhũ đá vươn dậy lộng lẫy, tôn lên vẻ đẹp huyền bí mà tạo hóa chắt chiu hàng triệu năm mới thành hình. Phải chăng, ở khía cạnh nào đó, bản thân ánh điện cũng chính là cái đẹp, thứ ánh sáng huyền ảo, ma mị này đã góp công cộng hưởng với nhũ đá để tạo thêm nét đẹp cho những kiệt tác của thiên nhiên.

Này đây, cơ man nào là nhũ đá để du khách mặc sức ngắm nhìn, rồi thỏa chí tưởng tượng như: Đức mẹ đồng trinh tay bế hài đồng. Cung Giao Trì của Ngọc hoàng bàn việc nước. Cung Quảng Hàn với bức rèm the của tiên nữ. Cung Quần Tiên, Phật A Di Đà. Những hình kỳ lân, chim phượng hoàng. Nhà rông của đồng bào Tây Nguyên, tháp Chăm, tháp Liên Hoa… Tạo hóa đã mất hàng triệu năm kỳ công chạm khắc để cho ra những hình thù kỳ ảo như thế đó.

anh sang dien voi du lich quang binhky i
Ông Phan Sĩ Hùng - Phó giám đốc phụ trách Khu du lịch sinh thái động Thiên Đường chia sẻ về chế độ “hậu mãi” của PC Quảng Bình

Dưới bàn tay và khối óc của những người thợ, dòng điện biến thiên qua những bóng đèn màu, chiếu rọi vào lớp lớp trầm tích hàng triệu năm của nhũ đá, làm nên những kiệt tác sống động. Lấy cái nhanh nhất là dòng điện để soi chiếu cái chậm nhất là quá trình thành hình của nhũ đá, nghe có vẻ trái ngược nhau, nhưng không, ánh điện và nhũ đá đang hòa quyện, cùng tôn lên nét lộng lẫy uy nghi hiếm có. Có lẽ, cái tên Thiên Đường được khai sinh để đánh dấu di tích cũng là hợp lẽ, thuận theo thiên định và tạo hóa đã rộng lượng ban cho Quảng Bình.

Trong khoảng không nhập nhoạng của đèn điện và bóng tối, những giọt khoáng đều đặn tí tách bồi đắp vào cột nhũ là thứ âm thanh khiến tôi liên tưởng đến sự cần mẫn của những người thợ điện đang ngày đêm đưa ánh sáng vươn xa khắp chốn cùng quê.

Trò chuyện về việc cung ứng điện phục vụ phát triển du lịch, ông Phan Sĩ Hùng - Phó giám đốc phụ trách Khu du lịch sinh thái động Thiên Đường (thuộc Công ty TNHH MTV Du lịch Trường Thịnh) nhẩm tính: Riêng đèn chiếu sáng, đèn trang trí trong động đã lên tới khoảng 1.000 bóng đèn các loại, bật sáng liên tục từ 7 giờ đến 19 giờ. Ngoài việc chiếu sáng, công ty còn sử dụng điện để sạc hàng chục xe điện để di chuyển khách, rồi chạy tủ lạnh, tủ đông bảo quản hàng hóa, thực phẩm… Nguồn điện vô cùng quan trọng.

“Nhện” giăng tơ… điện

Nói tới thợ điện, có lẽ ai cũng nghĩ ngay đến những người làm việc trên cao, dầm mưa dãi nắng, gian nan vất vả. Những người thợ điện làm việc ở điều kiện bình thường đã khổ, nên khi thi công hệ thống điện trong hang động, khó khăn càng nhân lên bội phần với trăm mối hiểm nguy rình rập. Có lẽ, động Phong Nha là nơi nan giải và nguy hiểm nhất khi thi công hệ thống điện, vì mọi công việc đều phải dùng sức người và làm thủ công từng chút một trên những vách đá cheo leo, bên dưới là dòng sông Son đen ngòm; lạnh lẽo hun hút.

Anh Trần Đình Long, cán bộ giám sát thi công và vận hành hệ thống điện của động Phong Nha, động Tiên Sơn thuộc Trung tâm Du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng, nhớ lại: “Khoảng năm 1994-1995, chúng tôi bắt đầu thi công hệ thống điện động Phong Nha. Lúc đó, mọi người phải ghép các thuyền gỗ lại để vận chuyển cột điện, kéo dây, rồi bắc thang để khoan định vị trên vách đá hai bên vòm động rất vất vả. Nếu khối lượng công việc bên ngoài làm 1 ngày hoàn thành thì trong động có khi làm cả tuần vẫn chưa xong. Vừa kéo điện, vừa không để ảnh hưởng đến cảnh quan trong động nên việc thi công phải hết sức nhẹ nhàng, tỉ mỉ. Phải mất cả năm trời chúng tôi mới có thể đưa vào sử dụng phục vụ du khách”.

Nhờ đó, giờ đây du khách đang tròng trành trên chiếc thuyền gỗ để chinh phục quãng sông dài 1.200 mét từ cửa động Phong Nha vào điểm cuối động cho phép khách tham quan, thỏa sức chiêm ngưỡng những kiệt tác của thiên nhiên qua ánh đèn màu huyền bí. Bác Danh - người lái thuyền - khom người gồng lực vào đôi cánh tay rắn rỏi quạt mạnh mái chèo, con thuyền rẽ nước tiến về phía trước. Bác lái thuyền ngấp nghé cái tuổi lục tuần, hành động uyển chuyển, lúc thì vặn ngang mái chèo đẩy thuyền lướt đi phăm phăm, lúc lại ép sát vào mạn thuyền để tránh đá ngầm, cảm tưởng như bác thuộc từng khúc, từng đoạn của lòng sông thăm thẳm trong động. Mỗi lần bác khua mái chèo, ánh sáng đang sõng soài trên mặt sông bị khuấy động, cuộn mình lấp lóa. Hình ảnh bác Danh khiến tôi liên tưởng đến “Người lái đò sông Đà” một thời vang bóng của cụ Nguyễn Tuân.

Càng tiến sâu vào bên trong động, tầm mắt của chúng tôi như gom tụ lại dưới những bóng đèn đang tỏa sáng, nhưng chỉ nhìn thấy ánh sáng phát ra từ vách đá, soi rọi những cột nhũ chảy tràn xuống, tạo hình bí ẩn chứ không hề thấy được đường dây điện giăng mắc bằng cách nào. Tôi thực sự thán phục sự khéo léo của những người thợ điện, họ như những chú nhện giăng tơ điện bất chấp mọi loại địa hình. Và nhờ có điện mà tiềm năng du lịch hang động ở Quảng Bình được đánh thức, vươn dậy mạnh mẽ những năm gần đây.

Có thể nói, điện vô cùng quan trọng, là một phần thiết yếu của cuộc sống hiện đại ngày nay. Riêng trong lĩnh vực du lịch, vai trò của ánh sáng điện được ví như hơi thở để tồn tại và phát triển.

“Nếu không có điện, chắc chắn chúng tôi không thể làm du lịch được, hệ thống hang động ở Quảng Bình cũng giống như nàng công chúa ngủ trong rừng mà thôi” - Phó giám đốc Trung tâm Du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng Lê Chiêu Nguyên khẳng định.

Có lẽ, động Phong Nha là nơi nan giải và nguy hiểm nhất khi thi công hệ thống điện, vì mọi công việc đều phải dùng sức người và làm thủ công từng chút một trên những vách đá cheo leo, bên dưới là dòng sông Son đen ngòm, lạnh lẽo hun hút.

(Xem tiếp kỳ sau)

Lê Hải

Chuyên trang du lịch rất mong nhận được bài viết, hình ảnh của bạn đọc. Xin vui lòng gửi về: [email protected]