Chua cay tré Huế

01:03 | 05/03/2020

Theo dõi Du lịch - Năng lượng xanh trên
|
Trong mắt tôi, mẹ tôi là người phụ nữ khéo tay nhất. Những món ăn mà bà chế biến, không chỉ ngon bởi hương vị, mà còn hàm chứa bao nhiêu tình yêu trong đó.
chua cay tre hueFestival Huế 2020: Sẽ là một lễ hội an toàn
chua cay tre hueĐiện Voi Ré - Di tích độc đáo ở Huế

Mẹ hiếm lắm mới mua thức ăn chế biến sẵn bên ngoài. Bà lo không đảm bảo sạch và đủ lành. Thế nên, muốn ăn thứ gì, hầu như mẹ đều tự tay chế biến. Ví như hôm đó, tự dưng nghe tôi nói thèm cái vị chua chua, cay cay, giòn giòn sật sật của món tré, mẹ lại bảo “đợi đi”. Có ai như bà, đang thèm ăn mà bảo đợi. Đợi đến lúc được ăn chắc cũng đã qua cơn thèm. Nhưng nhiều năm nay đã được mẹ tôi luyện quen nếp, nên có thèm cũng phải đợi. Muốn ăn tré ngon “chuẩn mẹ nấu”, phải mất thời gian vậy đó.

chua cay tre hue

Để làm món tré, phải đòi hỏi sự tỉ mẩn, cẩn thận trong từng công đoạn, nào là luộc, xắt thịt, băm tỏi băm riềng, rang mè giả thính… thật sự rất mất thời gian. Muốn ăn ngon, và sạch, phải kỳ công. Thế nên, tôi tất nhiên không thể thoát khỏi chân sai vặt bóc tỏi, gọt riềng.

Thịt heo dùng làm tré là thịt mui, tai cùng ít da heo. Mẹ thường đi chợ sớm, đến hàng thịt quen. Mẹ bảo sạp thịt đó là người ta tự mổ heo bán. Heo được mua ở làng, hầu như chỉ ăn chuối, cám. Thịt giòn và ngọt. Bây giờ vẫn còn người nuôi heo theo kiểu xưa. Giá thường cao hơn một chút. Có thịt rồi, mẹ sẽ rửa sạch rồi ngâm với muối trong chốc lát, sau đó luộc lên cùng với miếng gừng đập dập. Gừng để khử mùi. Thịt luộc chín thì vớt ra ngâm trong thau nước lạnh cho miếng thịt săn lại, để ráo, tiếp nữa cắt thành từng lát thật mỏng, nhỏ.

Riềng, ớt, mẹ trồng ở góc vườn nhà, chỉ cần đi một vòng là đã đầy nắm tay. Riềng cạo sạch, cắt sợi nhỏ. Ớt, tỏi, băm nhuyễn. Mè rang lên cho thơm. Gạo làm thính thì rang chín dậy mùi, giã nhuyễn. Sau khi nguyên liệu đã chuẩn bị đủ đầy, mẹ sẽ cho vào thau thịt trộn lên. Thêm ít ớt cay (loại ớt phơi khô rồi giã nhỏ) càng ngon. Nêm chút tiêu, muối, tí đường và ít bột ngọt rồi trộn đều lần nữa. Đường và bột ngọt nêm ít thôi, ăn nhiều không tốt. Mẹ nói vậy. Nếu không nêm càng tốt hơn. Nhưng ăn sẽ ít ngon, vị không đằm.

Tré mẹ làm, không gói thành từng lọn xinh xinh như ngoại chợ. Mẹ nói, mất công. Dù lá chuối ngoài vườn không thiếu. Mẹ luôn bỏ tré trong hũ thủy tinh, đậy kín nắp, rồi để ở góc thoảng mát trong bếp chừng 2-3 ngày là ăn được. Trước khi cho tré vào hũ, mẹ không bao giờ quên bỏ thêm mấy ngọn lá ổi vào bên trong. Mẹ nói lá ổi ngoài việc tạo nên mùi thơm đặc trưng còn giúp khử khuẩn, hút ẩm, giúp tré khô ráo. Chưa kể ăn tré kèm vài ngọn lá ổi càng dễ tiêu hóa. Lá ổi chọn lá non, ăn có vị chát nơi đầu lưỡi, sau là dư âm ngòn ngọt cứ quẩn quanh.

Khi tré chín, chỉ cần mở nắp hũ ra đã nghe mùi thơm dậy lên đầu chóp mũi. Tré có vị chua chua sau khi lên men, cay cay của ớt, nồng nồng của tỏi, thơm thơm vị riềng và thính, béo thơm của hạt mè, vị lá ổi chan chát. Miếng thịt giòn sần sật thấm đẫm hương vị. Mùa đông xứ Huế, dù có lạnh đến mấy, chỉ cần ăn miếng tré cay xè xè là ấm lòng ngay, mặc cho bên ngoài mưa to gió lớn cũng kệ.

https://dulich.petrotimes.vn/

Linh Chi

baothuathienhue.vn/

Chuyên trang du lịch rất mong nhận được bài viết, hình ảnh của bạn đọc. Xin vui lòng gửi về: [email protected]