Đào giếng hay gánh nước

11:32 | 10/05/2019

Theo dõi Du lịch - Năng lượng xanh trên
|
Chuyện rằng, có hai người bạn hòa thượng nọ tu trong hai ngôi chùa trên hai ngọn núi sát cạnh nhau, một người tên Nhất Hưu, một người tên Nhị Hưu. Trên cả hai ngọn núi này đều không có nước, do vậy mỗi ngày hai hòa thượng phải xuống khe suối nhỏ gánh nước về dùng.
dao gieng hay ganh nuoc

Nhiều năm trôi qua, một ngày nọ, Nhị Hưu xuống suối gánh nước như mọi khi, bỗng phát hiện Nhất Hưu không xuất hiện, thầm nghĩ chắc Nhất Hưu ngủ quên mất rồi. Đến ngày thứ hai, thứ ba vẫn không thấy Nhất Hưu đi gánh nước. Rồi qua 1 tuần, 1 tháng đều không thấy Nhất Hưu xuống lấy nước.

Nhị Hưu lo lắng: “Chắc bạn mắc bệnh rồi, mình phải đi hỏi thăm anh ấy một chút, xem có thể giúp gì được không”.

Nhị Hưu lên núi tìm tới ngôi chùa của Nhất Hưu, thấy Nhất Hưu đang tập quyền cước rất hăng say, ngạc nhiên hỏi: “Đã 1 tháng rồi không thấy anh xuống suối lấy nước, sao anh vẫn có nước dùng?”.

Nhất Hưu cười và đưa Nhị Hưu ra hoa viên sau chùa, chỉ vào giếng nước và nói: “Nhiều năm qua, mỗi ngày gánh nước, tụng kinh xong, tôi đều dùng thời gian còn lại để đào cái giếng này. Bây giờ giếng đã đào xong, mạch nước cũng đã được khai thông nên giếng đầy nước rồi, từ nay về sau tôi không phải đi xuống núi gánh nước nữa. Do vậy tôi có thể tiết kiệm được rất nhiều thời gian làm những việc mình thích, ví như tập quyền cước, đọc sách...”.

Từ nay, Nhất Hưu không phải vất vả xuống suối lấy nước, còn Nhị Hưu hằng ngày vẫn phải cực nhọc xuống núi gánh nước, không được nghỉ ngơi.

Lời bàn:
Nếu muốn thành công, hãy dấn thân vào những con đường mới, chứ không nên đi du lịch trên lối mòn của những thành công đã được thừa nhận. Là người “đào giếng” hay “gánh nước”, điều quan trọng không phải là vị trí đứng mà là hướng đi đến đích theo con đường mà ta lựa chọn.

Diệu Linh

Chuyên trang du lịch rất mong nhận được bài viết, hình ảnh của bạn đọc. Xin vui lòng gửi về: [email protected]