Lên Tây Nguyên xem lễ hội “bắt chồng”

16:20 | 15/02/2020

Theo dõi Du lịch - Năng lượng xanh trên
|
Khi những cơn mưa phùn phủ kín các buôn sóc, bản làng Tây Nguyên, khi màu trắng tinh khôi của hoa cà phê phủ khắp nương rẫy, các cánh đồng cà phê bạt ngàn bất tận, hoa pơ- lang bắt đầu thắp lên những đốm lửa đỏ rực rỡ tô điểm thêm bức họa mùa Xuân tuyệt mỹ, cũng là lúc các buôn làng người dân tộc Chu Ru, Cil, Cơ Ho, Bh’noong, Gia Rai... nô nức lễ hội “bắt chồng”.
len tay nguyen xem le hoi bat chongLễ hội Tao Đàn Chiêu Anh Các ở Hà Tiên - Nơi tôn vinh thi ca và những bậc tiên nhân mở cõi
len tay nguyen xem le hoi bat chongLễ hội Yên Tử và nguồn gốc ít ai biết

Người Chu Ru, Cil, Cơ Ho, Bh’noong, Gia Rai... theo chế độ mẫu hệ, quyền chủ động cưới hỏi được ưu tiên cho phụ nữ. Những cô gái dân tộc ở Tây Nguyên muốn có chồng phải đi bắt, lễ bắt chồng thường diễn ra vào ban đêm mùa Xuân. Các cô gái khi thích một chàng trai nào đó sẽ về thông báo cho gia đình và dòng họ biết. Gia đình nhà gái sẽ chủ động đến nhà trai nói chuyện hỏi dạm. Khi mà cả hai dòng họ đều đồng ý, cô gái sẽ đeo Srí (nhẫn cưới) vào tay người con trai trong đêm đẹp trời. Trường hợp người con trai không thích thì có thể tháo nhẫn trả lại. Nhưng 7 ngày sau, cô gái lại chọn một đêm đẹp trời đến đeo nhẫn cho chàng trai. Quá trình này cứ thế lặp đi lặp lại cho đến khi nào chàng trai “xiêu đổ” và chấp nhận thì lễ cưới được diễn ra.

Chuẩn bị nhẫn cưới

Srí (nhẫn cưới) là một tín vật thiêng liêng không thể thiếu trong đám cưới của người Tây Nguyên. Khác với cách làm nhẫn cưới của người Kinh, những cặp S rí mang một sức mạnh huyền bí, nó như sợi dây kết nối cũng là lời thề về hạnh phúc gia đình khi người con gái đã hoàn thành những thủ tục bắt chồng. Để có cặp S rí như ý, các nghệ nhân lấy sáp ong nấu chảy rồi đem trộn với phân trâu, dùng que gỗ tròn bằng ngón tay nhúng vào, khi nào khô que gỗ thì rút ra. Sáp ong và phân trâu khô quánh lại thành những ống tròn, nghệ nhân cắt thành những vòng nhỏ để làm khuôn đúc nhẫn. Sau đó người ta sẽ nung nóng bạc rồi đem đổ vào khuôn. Dưới sức nóng của bạc mới nấu, sáp ong và phân trâu sẽ dính chặt tạo thành một lớp men bên ngoài nhẫn. Có hai loại khuôn đúc nhẫn: Loại lớn dành để đúc “nhẫn trống” cho con trai; loại nhỏ để đúc “nhẫn mái” cho nữ. Người ta thường nấu nước lá cây Kơ –nia hoặc nước bồ kết đun sôi để rửa nhẫn khi đánh bóng hoặc khi chạm trổ nghệ thuật.

len tay nguyen xem le hoi bat chong

Lễ bắt chồng

Trước khi cưới một ngày, buôn làng của cô dâu sẽ tổ chức một đêm hội gọi là “Đêm hội bắt chồng”. Lý do tổ chức ban đêm (người Chu Ru) là vì có một số trường hợp đi hỏi bị từ chối, cho nên việc dạm hỏi được tiến hành ở buổi tối để nhà gái không cảm thấy bị xấu hổ. Đoàn nhà gái gồm: ông mối (thường là ông cậu) hoặc người có uy tín, khỏe mạnh, ăn nói lưu loát (già làng, trưởng họ...); cô gái cùng những người ruột thịt, người thân (khoảng 10 người).

Đầu tiên, ông mối đặt vấn đề với nhà trai. Trong lúc ông mối dạm hỏi, cô gái sẽ đưa 3 tấm khăn đã dệt lên phía trước để thể hiện thành ý của mình. Nhà trai bàn bạc, nếu cha mẹ chàng trai đồng ý sẽ cử một người có uy tín cầm vòng hoặc nhẫn của nhà gái đến hỏi ý kiến con trai. Trước sự chứng kiến của hai họ, chàng trai nhận vòng hoặc nhẫn là chấp thuận lời hỏi cưới.

Thông thường, sau lễ dạm hỏi, nhà trai mời nhà gái ở lại bàn chuyện thách cưới và cùng nhau ăn uống, nhảy múa đến sáng. Tiếp đó, đại diện nhà gái thỏa thuận về thủ tục “gửi dâu”. Cô gái ở lại nhà trai trong một khoảng thời gian nhất định để thử lòng chung thủy và nết na. Sau thời gian gửi dâu, nếu không đồng ý, nhà trai làm lễ mời nhà gái đến để từ chối mà vẫn thể hiện sự tôn trọng với nhà gái. Nếu chấp thuận, nhà trai sẽ thông báo để nhà gái mang lễ vật đến đón rể (cũng có những dân tộc, hôn lễ được tổ chức ngay sau khi dạm hỏi, khoảng 1- 2 giờ sáng, đôi trai gái sẽ được đưa về nhà gái, chính thức nên vợ thành chồng).

len tay nguyen xem le hoi bat chong

Đám cưới

Khi nhà gái lo đủ lễ vật thách cưới của nhà trai sẽ thông báo cho buôn làng việc tổ chức lễ cưới. Lễ cưới thường được tổ chức trong hai ngày. Ngày đầu là lễ đón rể, sau khi đón rể về là lễ ăn mừng hạnh phúc đôi lứa. Lễ vật đón rể phải có vòng đồng, nhẫn, ché rượu cần, gói xôi, con gà trống... Nếu có voi, chú rể được cưỡi voi, không có phải đi bộ. Tiếp đến, cô dâu chú rể trao S rí cho nhau và cùng nhau uống rượu. Đôi S rí được coi như vật chứng cho lời thề thủy chung, đồng thời lời chúc tụng hạnh phúc cho cô dâu chú rể và anh em hai họ. Đặc biệt là sau lễ cưới 7 ngày, cô dâu tháo nhẫn cưới đưa cho mẹ chồng cất giữ còn chú rể lại đưa nhẫn cho mẹ vợ cất giữ. Chúng thường được lưu giữ suốt đời, khi chết chôn theo hoặc trao lại cho con cháu. Ngoài các nghi thức cơ bản trên, người Giẻ - Triêng, Chu Ru, Ê Đê… còn có thêm lễ trùm khăn hoặc chăn. Cặp vợ chồng mới cưới sẽ cùng nhau trùm một tấm chăn với ngụ ý hợp nhất hai linh hồn của họ.

Người K’ho ở huyện Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng), sau khi nhà trai đồng ý để nhà gái bắt con về làm rể, ngay trong đêm đó nhà trai sẽ thịt một vài con gà làm cơm cho cả hai bên quây quần ăn mừng và uống rượu cần. Họ cùng nhau bàn về tương lai của chàng trai, cô gái, nhất là chuyện sinh con cái để gia đình nhà gái sớm được mổ heo, giết trâu mời nhà trai, họ hàng gần xa kéo tới ăn mừng.

Với người Bh’noong, tục bắt chồng được thực hiện vào đêm thứ 3 của lễ ăn mừng chiến thắng (Pơ-tuh), được tổ chức tại nhà rông với sự tham gia của cả làng, mời họ hàng thân thuộc, bà con anh em láng giềng, con cháu dâu rể hoặc đi làm ăn xa. Hội đồng già làng họp và phân công từ 10 đến 16 người cả trai lẫn gái khỏe mạnh tham gia vào cuộc bắt chồng. Tục bắt chồng được thực hiện bí mật nên hầu hết cha mẹ, họ hàng nhà trai và chàng trai không hề biết gì. Họ bí mật đi tìm những chàng trai đã được chỉ định. Tại đây, hội đồng già làng tiến hành lễ ăn thề với lễ vật là tiết gà và rượu cần. Già làng dùng que tre chấm vào ché rượu vung lên đầu của chàng trai và cô gái, lấy huyết gà làm phép rồi bôi lên trán của họ, tiếp đó đưa chén rượu cần cho từng cô gái uống trước, chàng trai uống sau. Cứ thế hết cặp này đến cặp kia trong tiếng hò reo, vui mừng của mọi người. Sau đó, mọi người mời rượu cho những cặp trai gái đó và không quên những lời chúc tốt lành. Khi những cặp trai gái này thấm rượu, mọi người lần lượt khiêng từng cặp vào góc nhà rông và lấy những tấm đồ đẹp nhất đắp cho họ. Lúc này, tục bắt chồng cơ bản đã hoàn tất, cặp trai gái này qua lại hai bên cha mẹ để giúp gia đình mọi việc Sau khoảng 2 tháng đến một năm, gia đình tổ chức đám cưới.

Ngày nay tuy xã hội văn minh hơn đời sống phát triển hơn về mọi mặt nhưng lễ hội bắt chồng vẫn còn được lưu giữ ở nhiều buôn sóc ở Tây Nguyên. Lễ hội bắt chồng là nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc vùng đất đỏ phì nhiêu này.

https://dulich.petrotimes.vn/

Vi Thanh Hoàng

baodulich.net.vn

Chuyên trang du lịch rất mong nhận được bài viết, hình ảnh của bạn đọc. Xin vui lòng gửi về: [email protected]