Giãn dân phố cổ Hà Nội

Đi cũng dở, ở không xong!

07:00 | 16/06/2021

673 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Gần đây, câu chuyện giãn dân phố cổ lại bắt đầu được hâm nóng trở lại khi Hà Nội tái khởi động đề án giãn dân tưởng chừng đã nguội lạnh. Có thể coi đó là một tín hiệu mừng, là động lực để người dân phố cổ kiếm tìm một cuộc sống mới “tử tế” hơn. Song, thực tế còn nhiều cản ngại.
Đi cũng dở, ở không xong!
Cảnh sinh hoạt chung quen thuộc của người dân phố cổ

Đằng sau vẻ sầm uất, đông đúc của 36 phố phường thì hàng nghìn hộ dân phố cổ Hà Nội đang phải sống trong những căn nhà chật chội, xuống cấp trầm trọng, ngột ngạt, bí bách, ẩn sâu trong những con ngõ sâu hun hút. Phần lớn cuộc sống mưu sinh của họ qua nhiều thế hệ đã gắn chặt ở phố cổ nên có tâm lý “đi cũng dở, ở không xong”.

Ông Mạnh, người bán hàng ăn vỉa hè lâu năm ở gần chợ Đồng Xuân, bày tỏ: “Nhà tôi mấy đời đều buôn bán ở đây, cũng chỉ đủ miếng ăn. Nếu về ở khu nhà cao tầng thì mất cơ hội kiếm sống”.

Bà Tâm, trú tại số nhà 17 Hàng Buồm, cho biết, hầu hết các hộ dân sống trong các ngõ đều chỉ có diện tích 6-8m2. Có nhiều hộ phải sống “chui rúc” 4-5 người qua nhiều thế hệ, vô cùng khó khăn. Bởi vậy, chuyện di dời, tái định cư là mong mỏi của nhiều người. “Gia đình tôi có 4 người, cả nhà sống nhờ vào bán trà đá. Nơi ở chật chội, mọi sinh hoạt cá nhân đều phải sử dụng chung với các hộ xung quanh như tắm giặt, nấu nướng. Muốn đi lắm nhưng điều kiện kinh tế chưa cho phép”, bà Tâm nói.

Nhà ông Hải ở 35 Hàng Bạc rộng chừng 9m2 nhưng có tới 7 nhân khẩu, 3 thế hệ chung sống. Dù chật chội nhưng ông Hải chưa có ý định chuyển gia đình đi nơi khác sinh sống, bởi ở đây ông còn có đồng ra đồng vào nhờ buôn bán vặt. Ông Hải cho biết, nếu Nhà nước có chính sách di dời cụ thể, ông và nhiều người dân mong muốn được mua lại nhà với giá hợp lý, tạo điều kiện làm ăn khi chuyển đến nơi ở mới, bảo đảm cuộc sống.

“Tận cùng” ở khổ có lẽ là trường hợp nổi tiếng của ông Xuân (59 tuổi) ở 44 Hàng Buồm, với diện tích ở bé kỷ lục: rộng 5m2, cao khoảng 1,2m, thực chất chỉ là cái gác xép nhỏ trong cái ngõ chật hẹp, tối đen, sâu hun hút. Khi nhắc đến chuyện tái định cư, nét mặt ông Xuân đượm buồn, bởi 20 năm qua vẫn không có phương án nào khả thi. “Báo, đài đã nhắc đến trường hợp của tôi khá nhiều, thậm chí nước ngoài đưa tin, ảnh nhiều lắm, vẫn không giải quyết được gì ngoài cái tiếng người đàn ông ở nơi chật chội nhất Việt Nam”, ông Xuân bộc bạch.

Đi cũng dở, ở không xong!
Khu nhà ở thương mại phục vụ dự án giãn dân phố cổ ở phường Thượng Thanh, quận Long Biên khá khang trang nhưng chưa thu hút được người dân

Theo ông Đặng Đình Bằng, Phó trưởng Ban thường trực Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội, có 2 đối tượng thuộc diện di dời là di dời bắt buộc (cư dân sống ở khu vực di tích, trường học...) và di dời tự nguyện (cư dân sống tại các nhà cũ xuống cấp, diện tích ở dưới 5m2). Tuy nhiên, việc rà soát, giải quyết gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể, diện trong các di tích xác định rất khó do số lượng di tích trong quận Hoàn Kiếm tương đối nhiều (190 di tích), qua nhiều năm, diện tích lấn chiếm rất nhiều. Bên cạnh đó, có những di tích có tên trong danh mục quản lý nhưng khi kiểm tra thực tế lại không còn nên thiếu cơ sở để yêu cầu hộ dân di dời. Đối với diện tự nguyện, cơ bản đã có thống kê tại các phường nhưng có nhiều lý do khiến người dân không mặn mà. Đó là chính sách tái định cư không thống nhất, trước đây thành phố áp dụng chính sách như nhà ở xã hội nhưng gần đây lại là nhà ở thương mại. Hoặc, đa số người dân lo lắng kế sinh nhai hậu tái định cư...

Theo lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội quyết định khu đô thị Việt Hưng (Long Biên) là nơi tái định cư của người dân sau khi di dời khỏi phố cổ. UBND quận Hoàn Kiếm đã điều chỉnh theo hướng nâng tầng, thêm tầng hầm, đồng thời có khu chợ tại tầng đế để đáp ứng nhu cầu kinh doanh của người dân. Nhiều gia đình đã đồng ý nhận nhà nhưng sau đó đều ngán ngẩm, lại quay trở lại phố cổ để sinh sống. Anh Đức, ở phố Nhà Chung, nói: “Điều kiện ở thì hơn phố cổ rất nhiều, thế nhưng ở đó chúng tôi không thể nào buôn bán được, bị mất nguồn thu nhập. Bởi vậy chúng tôi chưa muốn di chuyển đi”.

Cũng tại quận Long Biên, khu tái định cư 67 Đức Giang đã đón các hộ dân ở số 42-44 Hàng Bạc về ở từ năm 2009. Tuy nhiên, đến nay, nhiều hộ gia đình đã phải bán nhà đi ở nơi khác do không thể làm gì kiếm sống tại nơi ở mới...

Đi cũng dở, ở không xong!
Ngôi nhà bao diêm chật chội, xuống cấp của ông Xuân

Theo số liệu thống kê, hiện nay trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đã giảm cơ học được 20.000 hộ dân so với thời điểm năm 2019, còn khoảng trên 470 hộ dân phải di dời bắt buộc và gần 4.000 hộ dân di dời tự nguyện. Cùng với những giải pháp mà UBND quận Hoàn Kiếm đang triển khai, nhiều hộ dân đã tự chuyển nhượng nhà cho nhau hoặc bán cho người mua gom các hộ cùng số nhà. Thực tế, không dễ gì đạt được thỏa thuận với nhiều hộ cùng một lúc, nhất là sắp tới, quy hoạch phân khu nội đô không xây thêm nhà cao tầng.

Trước mắt, UBND quận Hoàn Kiếm phải tính toán phương án bảo đảm việc làm cho 40% số dân phố cổ đang kiếm sống nhờ kinh doanh trên vỉa hè; tạo điều kiện cho các hộ đang kinh doanh ở phố cổ đến nơi giãn dân tiếp tục được kinh doanh tại các kiốt, chợ dân sinh để bảo đảm cuộc sống. Khu giãn dân được quy hoạch bố trí phố buôn bán theo từng ngành hàng. Toàn bộ diện tích tầng 1 của các tòa nhà là kiốt để người dân kinh doanh.

Tuy nhiên, về lâu dài, người dân phố cổ Hà Nội vẫn ngóng chờ chính sách giãn dân hợp lý, phù hợp thực tế, để có một cuộc sống mới “tử tế” hơn.

Hiện nay, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đã giảm cơ học được 20.000 hộ dân so với thời điểm năm 2019, còn khoảng trên 470 hộ dân phải di dời bắt buộc và gần 4.000 hộ dân di dời tự nguyện.

Minh Châu

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps