Du lịch "đảo tỏi" Lý Sơn

Độc đáo và bền vững

08:00 | 15/03/2018

Theo dõi Du lịch - Năng lượng xanh trên
|
“Phát triển du lịch sẽ cần bảo đảm tính bền vững, cần phát triển sản phẩm riêng có của Lý Sơn, đồng thời bảo tồn di tích, di sản văn hóa. Phát triển du lịch phải mở ra sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân huyện Lý Sơn”.
doc dao va ben vung
Ông Nguyễn Viết Vy

Ông Nguyễn Viết Vy, Bí thư Huyện ủy Lý Sơn nhấn mạnh tầm quan trọng về việc phát triển du lịch biển đảo trong chiến lược tổng thể phát triển kinh tế, xã hội tại huyện đảo tiền tiêu tỉnh Quảng Ngãi.

Tăng trưởng theo “hình thẳng đứng”

“Lý Sơn không chỉ có hành và tỏi. Lý Sơn được hình thành từ núi lửa phun trào, có nhiều di sản thiên nhiên độc đáo và các di sản văn hóa gắn liền với quá trình bảo vệ đất nước của cha ông, nếu cụ thể hóa và có chiến lược phát triển phù hợp, du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện” - ông Vy cho biết thêm.

Theo bà Nguyễn Thị Phương Hoa, Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi, tiềm năng và thực tế phát triển du lịch của đảo Lý Sơn thuộc một trong các địa phương dẫn đầu tỉnh và trở thành một điểm du lịch biển đảo hút khách tại miền Trung. Theo bà Hoa, lượng khách đến đảo Lý Sơn chiếm 1/4 lượng khách đến Quảng Ngãi.

Báo cáo của UBND huyện Lý Sơn cho thấy: Nếu như năm 2016, tổng giá trị các ngành kinh tế của huyện đạt 1.355 tỉ đồng, tăng gấp đôi năm 2013. 3 quý đầu năm 2017, tổng sản phẩm ước đạt 1.043 tỉ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lĩnh vực thương mại dịch vụ du lịch nhiều năm liền tăng trưởng trên 30%, riêng 7 tháng đầu năm 2017 đã tăng trưởng 40%. Cơ cấu thương mại dịch vụ tăng từ 21,49% năm 2010 lên 26,11% năm 2016.

Biểu đồ tăng trưởng của Lý Sơn cả về kinh tế lẫn du lịch chỉ rõ, từ năm 2010-2013, biểu đồ này gần như đi ngang. Nhưng từ năm 2013 đến nay, sau khi Lý Sơn hòa điện lưới quốc gia thì tăng trưởng đột biến, gần như theo hình thẳng đứng.

Cụ thể, năm 2016, Lý Sơn đón 165.000 du khách, tăng 37,5 lần so với năm 2010 và 20 lần so với năm 2013. Trong 8 tháng năm 2017, đảo Lý Sơn tiếp tục đón 210.000 lượt du khách. Các dịch vụ du lịch huyện đảo ngày càng phát triển, có đến 109 cơ sở dịch vụ lưu trú đang hoạt động, các cơ sở ăn uống tăng về cả số lượng và chất lượng. Mỗi ngày, hòn đảo đón tới 3.000 lượt du khách.

Phát triển du lịch theo hướng bền vững, độc đáo

Tuy nhiên, sau khi phân tích ở tầm chiến lược, Bí thư Huyện ủy Lý Sơn cho rằng, việc khai thác phát triển du lịch vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập và Lý Sơn cần có những giải pháp phát triển du lịch tổng thể đặc biệt là phát triển kết hợp với bảo tồn các di tích tự nhiên, tránh tình trạng tăng trưởng “nóng”.

doc dao va ben vung

Ngày càng đông du khách đến Lý Sơn

Đánh giá của các chuyên gia cho thấy, trong 2 năm trở lại đây, đảo Lý Sơn bị "bê tông hóa" khi các khách sạn, nhà nghỉ và công trình cao tầng cấp tập mọc lên. Điều này khiến nhiều ý kiến lo ngại Lý Sơn dần mất đi vẻ nguyên sơ, là điểm quyến rũ du khách, đồng thời xâm phạm đến cảnh quan, môi trường và các di sản thiên nhiên.

PGS.TS Vũ Cao Minh, nguyên Phó viện trưởng Viện Địa chất Việt Nam cho biết, Lý Sơn có thế mạnh về tài nguyên du lịch địa chất - địa mạo, núi lửa, biển và văn hóa biển đảo. Thế mạnh vượt trội này là cơ sở để tạo nên sự khác biệt của du lịch Lý Sơn đối với cả nước và quốc tế.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Bộ VH-TT&DL) cho biết, để du lịch Lý Sơn phát triển bền vững, chính quyền địa phương cần thận trọng trong việc đầu tư các công trình, nhất là giao thông, đồng thời phải làm quy hoạch chi tiết về phát triển du lịch.

Bên cạnh việc bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa, nhiều đại biểu cũng thẳng thắn đề nghị Lý Sơn cần phát triển hình thức du lịch cộng đồng để người dân được hưởng lợi.

Được thiên nhiên ưu đãi với nhiều cảnh đẹp, hoang sơ và sự kiến tạo đảo Lý Sơn là nơi có nhiều thắng cảnh đẹp nổi tiếng, Lý Sơn đang là điểm đến của khách du lịch trong và ngoài nước.

An An

Chuyên trang du lịch rất mong nhận được bài viết, hình ảnh của bạn đọc. Xin vui lòng gửi về: [email protected]