Du lịch Sóc Trăng phát huy thế mạnh, khẳng định bản sắc

03:01 | 03/02/2023

Theo dõi Du lịch - Năng lượng xanh trên
|
Sóc Trăng là vùng đất giàu sức hút đối với du khách trong nước và quốc tế. Hiện nay, ngành Du lịch Sóc Trăng đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm phát huy thế mạnh, khẳng định bản sắc, phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030.
Sóc Trăng: Bảo tồn môi trường sống ven biển đồng bằng sông Cửu LongSóc Trăng: Bảo tồn môi trường sống ven biển đồng bằng sông Cửu Long
Chùa Ompuyear - Nơi giữ gìn văn hóa của dân tộcChùa Ompuyear - Nơi giữ gìn văn hóa của dân tộc
Du lịch Sóc Trăng phát huy thế mạnh, khẳng định bản sắc
Chợ nổi Ngã Năm. Ảnh: Lý Anh Lam

Điểm đến giàu bản sắc văn hóa

Sóc Trăng có hơn 200 ngôi chùa, trong đó có gần 100 ngôi chùa Phật giáo Nam tông, là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, văn hóa cộng đồng của đồng bào Khmer Nam Bộ từ thế hệ này sang thế hệ khác. Sóc Trăng còn có 8 di sản văn hóa phi vật thể được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới và quốc gia. Ngoài ra, tỉnh còn có 8 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, 43 di tích cấp tỉnh. Các di sản văn hóa là tài sản quý, là cơ sở để xây dựng thành những sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo thu hút du khách đến với Sóc Trăng.

Sóc Trăng có 50km chiều dài sông Hậu với nhiều cù lao, vườn cây ăn trái ven sông. Đặc biệt, tỉnh có chợ nổi Ngã Năm với những nét đặc trưng của văn hóa miền sông nước Nam Bộ. Hiện nay, Sóc Trăng đã bước đầu hình thành cụm du lịch tại ấp Phương An 3 (xã Hưng Phú, huyện Mỹ Tú), cụm du lịch cộng đồng cồn Mỹ Phước (xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách) và cụm du lịch cộng đồng huyện Cù Lao Dung.

Sóc Trăng còn được biết đến với những lễ hội mang nét đặc trưng của cư dân vùng biển như Lễ hội cúng Phước Biển, Lễ hội Nghinh Ông, Lễ hội cúng Dừa, Ngày hội sông nước miệt vườn. Trong đó, Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe ngo của đồng bào Khmer được tổ chức vào ngày 15/10 (âm lịch) hàng năm, thu hút hàng chục ngàn lượt du khách đến vui hội. Đến nay, Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe ngo đã trở thành lễ hội cấp khu vực đồng bằng sông Cửu Long và Lễ hội Nghinh Ông được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia…

Du khách đến Sóc Trăng sẽ được thưởng ngoạn cảnh đẹp của những ngôi chùa cổ kính, tham gia các lễ hội sôi động, mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc, đắm mình trong giai điệu của những bản đờn ca tài tử, thưởng thức những đặc sản ẩm thực như bánh pía, bún nước lèo, bánh ống…

Du lịch Sóc Trăng phát huy thế mạnh, khẳng định bản sắc
Nét đẹp kiến trúc chùa Khmer. Ảnh: Nguyễn Thị Thanh Kiều Phương

Phát triển sản phẩm du lịch có thương hiệu và sức cạnh tranh cao

Tỉnh Sóc Trăng đặt mục tiêu đến năm 2025 du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; sản phẩm du lịch hình thành rõ nét, đặc trưng, có sức cạnh tranh; hoạt động du lịch mang tính chuyên nghiệp. Đến năm 2030, du lịch Sóc Trăng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh với hệ thống hạ tầng đồng bộ, sản phẩm du lịch đa dạng, có thương hiệu và sức cạnh tranh cao; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, tăng nguồn thu cho ngân sách, tạo động lực để thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển. Tỉnh phấn đấu thu hút khoảng 2,6 triệu lượt khách mỗi năm trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, trong đó có 50.000 lượt khách quốc tế, đạt doanh thu 1.450 tỷ đồng. Đến năm 2030, Sóc Trăng phấn đấu mỗi năm đón gần 3,6 triệu lượt khách, đạt doanh thu 3.500 tỷ đồng.

Tỉnh sẽ tập trung phát triển 10 sản phẩm du lịch chủ lực: du lịch văn hóa tâm linh thành phố Sóc Trăng; du lịch văn hóa lễ hội - ẩm thực thành phố Sóc Trăng; du lịch văn hóa tín ngưỡng Giếng Tiên huyện Châu Thành; du lịch sinh thái biển Mỏ Ó huyện Trần Đề; du lịch sông nước miệt vườn cồn Mỹ Phước huyện Kế Sách; du lịch sinh thái biển Cù Lao Dung; du lịch sinh thái biển Hồ Bể Vĩnh Châu; điểm du lịch Tân Huê Viên Châu Thành; du lịch sinh thái rừng tràm kết hợp văn hóa về nguồn tại Khu Căn cứ Tỉnh ủy huyện Mỹ Tú; du lịch văn hóa thương hồ chợ nổi Ngã Năm.

Ngoài ra, tỉnh còn phát triển 6 sản phẩm bổ sung: du lịch cộng đồng cồn Phong Nẫm huyện Kế Sách; du lịch văn hóa cộng đồng tại xã Phú Tân và xã Phú Tâm huyện Châu Thành; du lịch sinh thái, tâm linh vườn cò Sáu Xom huyện Mỹ Xuyên; du lịch sinh thái sông nước miệt vườn tại xã An Thạnh I và An Thạnh Tây huyện Cù Lao Dung; du lịch sinh thái nông nghiệp, nông thôn Mỹ Xuyên - Trần Đề; du lịch điện gió Vĩnh Châu - Trần Đề - Cù Lao Dung.

Du lịch Sóc Trăng phát huy thế mạnh, khẳng định bản sắc
Khuôn viên chùa Som Rong có tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn. Ảnh: Trần Minh Trí

Đồng thời, tỉnh sẽ quy hoạch phát triển các không gian du lịch theo cụm với các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư theo từng giai đoạn:

Cụm du lịch đô thị thành phố Sóc Trăng: sẽ phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh; du lịch văn hóa lễ hội - ẩm thực - mua sắm; du lịch kết hợp làm đẹp và chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng, với 5 dự án triển khai giai đoạn 2022 - 2025: Dự án Phát triển mô hình dịch vụ văn hóa nghệ thuật ca múa nhạc truyền thống phục vụ phát triển du lịch của tỉnh Sóc Trăng; Dự án xây dựng khu phố du lịch Maspero (với các hạng mục chợ đêm, phố đi bộ, phố ẩm thực, trang trí bờ sông); Dự án phát triển sản phẩm du lịch kết hợp làm đẹp và chăm sóc sức khỏe tại thành phố Sóc Trăng; Dự án phát triển sản phẩm du lịch về đêm; Dự án xây dựng Làng Homestay Sông Đinh (tại bờ đối diện trung tâm thành phố, khu vực cầu Sông Đinh bắc qua). 2 dự án định hướng đến năm 2030 là Dự án phát triển thuyền du lịch trên sông Maspero (đoạn từ cầu Nguyễn Văn Linh đến cầu Sông Đinh); Dự án phát triển Làng homestay Maspero (tại bờ đối diện trung tâm thành phố Sóc Trăng).

Cụm du lịch Châu Thành - Mỹ Tú - Ngã Năm - Thạnh Trị: tập trung phát triển sản phẩm du lịch văn hóa và du lịch sinh thái, với 6 dự án triển khai giai đoạn 2022 - 2025: Dự án phát triển Khu du lịch văn hóa tín ngưỡng Giếng Tiên huyện Châu Thành (đang triển khai - dự kiến đưa vào hoạt động năm 2023); Dự án công trình Tòa Liên Hoa Bảo tháp - Tân Huê Viên (đã triển khai - dự kiến hoàn thiện đưa vào hoạt động năm 2022); Dự án phát triển Làng văn hóa du lịch Chợ nổi Ngã Năm (đang xây dựng dự án); Dự án Bảo tồn chợ nổi Ngã Năm, cải tạo cảnh quan môi trường; Dự án phát triển Khu du lịch sinh thái rừng tràm kết hợp du lịch văn hóa về nguồn tại Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng (Mỹ Tú); Dự án xây dựng điểm dừng chân Thạnh Trị (tại thị trấn Phú Lộc).

Cụm du lịch Mỹ Xuyên - Trần Đề - Vĩnh Châu: tập trung phát triển du lịch sinh thái biển và du lịch tâm linh, với 4 dự án triển khai giai đoạn 2022 - 2025: Dự án phát triển du lịch sinh thái Hồ Bể (chùa Quan âm Đông Hải Vĩnh Châu - đang triển khai thực hiện); Dự án xây dựng ngọn Hải Đăng kết hợp Đài Quan sát tại phường 1 thị xã Vĩnh Châu (kết hợp khai thác điểm tham quan Miếu Bà Thiên Hậu); Dự án mở rộng phát triển dịch vụ du lịch tại chùa Chén kiểu (Mỹ Xuyên) + Phát triển Điểm dừng chân Minh Khải phục vụ khách du lịch (Mỹ Xuyên); Dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, phát triển dịch vụ du lịch sinh thái vườn cò Sáu Xom (Mỹ Xuyên). 4 dự án định hướng đến năm 2030 gồm: Dự án phát triển du lịch sinh thái biển Mỏ Ó huyện Trần Đề; Dự án phát triển Phố biển Trần Đề (Trần Đề); Dự án xây dựng “Điểm dừng chân Trần Đề”; Dự án Phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp, nông thôn Mỹ Xuyên - Trần Đề (Nông, Thủy, Hải sản, xây dựng Bảo tàng lúa nước Sóc Trăng).

Cụm Du lịch Cù Lao Dung - Kế Sách - Long Phú: phát triển sản phẩm du lịch sinh thái miệt vườn và sinh thái biển, với 6 dự án triển khai giai đoạn 2022 - 2025: Dự án phát triển sản phẩm du lịch sinh thái sông nước miệt vườn trên dãy cù lao dọc Sông Hậu (Kế Sách - Cù Lao Dung); Dự án nâng tầm Lễ hội du lịch sinh thái sông nước miệt vườn cồn Mỹ Phước (huyện Kế Sách); Dự án Khu sinh thái nghỉ dưỡng - sân golf tại Cồn nổi số 3 (Long Phú); nâng cấp đường giao thông Cồn Mỹ Phước xã Nhơn Mỹ, Kế Sách; Dự án xây dựng “Điểm dừng chân Kế Sách”; Dự án Bến tàu du lịch kết nối Cù Lao Dung với Trần Đề, Kế Sách và thành phố Sóc Trăng. 2 dự án định hướng đến năm 2030: Dự án phát triển du lịch sinh thái biển Cù Lao Dung; Dự án phát triển khu du lịch sinh thái rừng ngập mặn kết hợp nghỉ dưỡng tại homestay, farmstay trong rừng bần (Cù Lao Dung).

Không chỉ đầu tư phát triển sản phẩm, ngành Du lịch Sóc Trăng cũng rất quan tâm đến nhiều giải pháp khác như quảng bá xúc tiến, liên kết hợp tác, đào tạo nhân lực, chú trọng đẩy mạnh chuyển đổi số trong du lịch…

TTTTXTDL Sóc Trăng/ Tạp chí Du lịch

https://dulich.petrotimes.vn/

Chuyên trang du lịch rất mong nhận được bài viết, hình ảnh của bạn đọc. Xin vui lòng gửi về: [email protected]