Ghé Cầu Hai, nhất định phải ăn bánh ép!

09:36 | 09/06/2021

Theo dõi Du lịch - Năng lượng xanh trên
|
Không ai biết bánh ép có xuất xứ từ đâu nhưng vài năm trở lại đây khi đến Huế, du khách dễ dàng bắt gặp món ăn này trên các cung đường Lê Quý Đôn, Nguyễn Huệ, Duy Tân… Người ta thường biết đến những hương vị quen thuộc nên đôi khi không dễ dàng bắt nhịp khi xuất hiện …
9 món ăn không thể bỏ qua khi đến Điện Biên9 món ăn không thể bỏ qua khi đến Điện Biên
Gan ngỗng Pháp - Sự thật đằng sau món ăn đắt đỏ bậc nhất thế giớiGan ngỗng Pháp - Sự thật đằng sau món ăn đắt đỏ bậc nhất thế giới
Ghé Cầu Hai, nhất định phải ăn bánh ép!

Đầm cầu hai - TP Huế, nằm bên đường quốc lộ 1, chạy dài từ Cầu Hai đến chân đèo Phú Gia thuộc địa phận huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, nơi có phá Tam giang mênh mông, huyền ảo, có dãy núi Bạch Mã hùng vỹ, đại ngàn. Về với Cầu Hai, mọi người đừng quên ăn thử món Bánh ép đặc trưng của vùng đầm phá, tuy có nhiều quán bánh ép khác nhau, nhưng nơi đây chỉ dùng một công thức chế biến duy nhất.

Thông thường, Bánh ép làm từ bột lọc và nhiều loại nhân khác nhau như bò khô, thịt, trứng…, bánh ép Cầu Hai đặc biệt ở chỗ chỉ dùng thịt heo. Để được món Bánh ép đúng điệu thôn quê người ta dùng thịt ba chỉ hoặc thịt nọng heo, với bột lọc được nghiền mịn và để khô chứ không để bột ướt như một số nơi khác thường dùng.

Công thức chế biến của bánh ép Cầu Hai khá đơn giản nhưng vẫn đảm bảo được vị thơm ngon của bánh, gồm: 2 thìa bột lọc khô; 3-4 lát thịt heo đã được thêm gia vị cho vừa miệng, cùng một chút hành, rau mùi. Sau đó người ta cho vào khuôn nóng rồi ép chặt, chờ ít phút là hoàn thiện món ăn.

Điểm đặc trưng của bánh ép Cầu Hai là ở khâu nước chấm, người ta dùng mắm nêm thay vì dùng nước mắm pha chút tương ớt và sa tế. Nước chấm ngon cũng cần đến công thức riêng: mắm nêm pha loãng cùng với dấm chua, thêm vào đó là tỏi, ớt tươi xây nhuyễn, cùng một ít mì chính, tạo nên hỗn hợp đặc biệt, đầy đủ vị chua, cay, mặn, ngọt.

Bánh ép sẽ ăn kèm với hỗn hợp các loại xà lách, dưa chuột thái mỏng, rau răm bằng cách cho chúng vào giữa chiếc bánh, đặt trong phần thịt, cuốn tròn đều chiếc bánh chấm cùng mắm nêm mới đúng điệu. Người Huế thường pha nước chấm rất cay. Khi ăn vị giòn rụm của bánh, đậm đà của thịt, cay của ớt, chua ngọt của nước chấm hòa quyện rất hấp dẫn, ăn không ngán.

Ghé Cầu Hai, nhất định phải ăn bánh ép!
Bánh ép khô được ép từ thịt heo, bột lọc và hành lá

Ngoài bánh ép thường, còn có bánh ép khô. Bánh khô được chế biến như bình thường, nhưng thời gian ép bánh lâu hơn, khoảng 4-5 phút để có được độ giòn nhất định. Bánh ép khô được nhiều người ưa chuộng vì sự tiện lợi của nó. Bạn có thể bảo quản bánh ép khô trong thời gian dài hơn mà không sợ bánh hỏng, cũng như mang đi khắp nơi làm quà quê dân dã tặng cho bạn bè.

Bất cứ ai thưởng thức món bánh ép Cầu Hai này, cũng đều thấy hương vị Huế nồng nàn phảng phất, trộn lẫn trong các hương vị khác khoáng đạt tự do không phải đến từ xứ Huế. Cảm nhận được nhưng không phải ai cũng dễ dàng diễn tả được chính xác sự thi vị khi dùng bánh. Hương vị vừa hiện đại vừa truyền thống của bánh ép, luôn ẩn hiện phong thái ẩm thực Huế một cách vừa hiển nhiên vừa có chút mơ hồ đến thật khó gọi tên.

Đã đến với Huế, đừng vội lướt qua nhanh, mà hãy đi chậm lại để cùng thưởng thức ẩm thực nơi đây. Du khách đến Huế khi đi ngang Phú Lộc nhớ ghé quán bánh ép, giá khoảng 10.000 đồng một dĩa. Không khí ồn ào của các quán ăn vỉa hè sẽ giúp bạn cảm nhận một góc Huế không hề trầm tư.

https://dulich.petrotimes.vn/

Visithue.vn

Chuyên trang du lịch rất mong nhận được bài viết, hình ảnh của bạn đọc. Xin vui lòng gửi về: [email protected]