Hà Nội: Từng bước nới lỏng vùng an toàn và nối lại giao thông công cộng

07:23 | 17/09/2021

116 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Trong bối cảnh vừa đảm bảo kiểm soát dịch, từng bước trở lại bình thường mới, Hà Nội nới lỏng lưu thông trong 19 quận, huyện được bán hàng trở lại, song các cửa ngõ tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ; tập trung lên phương án mở lại giao thông công cộng theo từng giai đoạn.
Hà Nội: Từng bước nới lỏng vùng an toàn và nối lại giao thông công cộng
Người dân thực hiện quét mã QR khai báo y tế tại một chốt kiểm soát

Duy trì chốt cửa ngõ

Tại giao ban trực tuyến giữa Sở Chỉ huy thành phố với Sở Chỉ huy các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã để triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn chiều 16/7, lãnh đạo Công an thành phố Hà Nội cho biết vẫn đang duy trì 12 tổ cơ động trên địa bàn thành phố.

Về vấn đề triển khai văn bản ngày 15/9 của UBND TP Hà Nội về cho phép mở một số cơ sở kinh doanh tại 19 quận, huyện, Công an thành phố đề xuất, Hà Nội cho phép Công an tiếp tục cấp giấy đi đường theo các nhóm đã được phê duyệt. Đặc biệt, đề nghị xác định rõ khu vực từng vùng để Công an thành phố căn cứ để có cơ chế kiểm soát di chuyển. Đồng thời tiếp tục duy trì 67 chốt trực ra vào các cửa ngõ lớn của thành phố.

Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội thống nhất việc Công an thành phố vẫn tiếp tục cấp giấy đi đường, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để quản lý theo dữ liệu dân cư, hoàn thiện phần mềm quản lý công dân để kiểm soát hiệu quả hơn nữa.

Theo đó, việc đi lại trong 19 quận, huyện được nới lỏng, song các cửa ngõ tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ. Người dân lưu thông cần chú ý thực hiện nghiêm việc khai báo y tế trên hệ thống trước khi ra đường.

Bên cạnh đó, tại 19 quận huyện, người dân đến mua hàng tại các cở kinh doanh được mở lại cũng cần quét mã QR khai báo y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Với các khu vực dịch còn phức tạp như Thanh Xuân, Hoàng Mai, Đống Đa... vẫn đang ở vùng đỏ, vùng cam, lãnh đạo Hà Nội yêu cầu cần có phương án, giải pháp cụ thể hơn để sớm chuyển sang trạng thái bình thường mới để phục hồi.

Hiện Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang phối hợp cùng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội bắt đầu chạy thử nghiệm trên phần mềm quản lý dân cư quốc gia từ ngày 17/9, phấn đấu tích hợp việc cấp và quản lý QR Code phương tiện vận tải trên phần mềm của Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội vào cuối tháng 9 này.

Mở lại hoạt động vận tải hành khách công cộng theo từng giai đoạn

Đối với hoạt động giao thông vận tải công cộng, Hà Nội đang xây dựng phương án mở lại các loại hình vận tải hành khách công cộng và liên tỉnh sau ngày 21/9 theo từng giai đoạn, phù hợp với các quy định về kiểm soát dịch bệnh theo các hướng dẫn liên quan của Bộ GTVT và Bộ Y tế.

Cụ thể, đối với xe buýt, sẽ có 3 tiêu chí được xem là quan trọng nhất gồm: Thẻ xanh, tần suất hoạt động, lộ trình.

Với tiêu chí thẻ xanh, Sở GTVT Hà Nội yêu cầu, tất cả xe lái phụ xe trở lại hoạt động phải có thẻ xanh về tiêm vắc xin Covid-19. Phương tiện hoạt động được khử khuẩn và tuân thủ các quy định về phòng chống dịch khi hoạt động.

Về tiêu chí tần suất hoạt động, sau 21/9, căn cứ tình hình thực tế công tác phòng chống dịch, Sở GTVT sẽ đưa ra phương án xe buýt hoạt động 50% công suất (trên xe không chở quá 50% hành khách theo số ghế), sau 15 ngày sẽ có tính toán để điều chỉnh lại công suất này.

Với tiêu chí về lộ trình, các tuyến hoạt động trong khu vực vùng xanh, sẽ chạy theo lộ trình đã được cơ quan nhà nước phê duyệt. Các tuyến xe buýt chạy liên vùng sẽ có điều chỉnh để tránh những vùng đỏ nếu dịch vẫn diễn biến phức tạp.

Trong tuần này, Sở GTVT sẽ xây dựng xong phương án và báo cáo xin ý kiến UBND thành phố. Sau đó sẽ có phương án chi tiết để các đơn vị vận hành xe buýt thực hiện.

Trong bối cảnh các địa phương đang chuẩn bị kịch bản nới lỏng giãn cách và các quy định phòng chống dịch, Bộ GTVT giao các cơ quan trực thuộc xây dựng kịch bản, phương án tổ chức giao thông, tổ chức vận tải trên cả 5 lĩnh vực GTVT để hướng dẫn triển khai thực hiện trong tình hình mới với tinh thần khẩn trương, nghiên cứu kỹ lưỡng mọi mặt, đánh giá kỹ mọi tác động. Phương án tổ chức giao thông lần này sẽ lấy ý kiến của các Bộ, ngành và các địa phương. Sau khi thống nhất, các Bộ, ngành, địa phương phải nghiêm túc triển khai theo nguyên tắc chung, không được tạo ra bức xúc đối với người dân và doanh nghiệp.

Lãnh đạo Bộ GTVT cũng đề nghị các cơ quan chức năng ngăn chặn quyết liệt hơn nữa hiện tượng các phương tiện có giấy nhận diện ưu tiên để chở người và hàng hóa trái phép, phải có biện pháp mạnh, xử lý nghiêm đối với những doanh nghiệp, lái xe cố tình vi phạm.

T.H

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan