Hấp dẫn trải nghiệm khám phá núi non, sông nước An Giang

14:43 | 01/03/2019

Theo dõi Du lịch - Năng lượng xanh trên
|
Theo mục tiêu của “Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Du lịch tỉnh An Giang từ năm 2014 đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” của UNBD tỉnh An Giang, đến năm 2030, An Giang thu hút 8,3 triệu lượt khách (trong đó, khách lưu trú ước đạt 1.689.000 lượt, gồm khách quốc tế là 279.000 và khách nội 1.410.000 lượt). Thế nhưng năm 2018, An Giang đã đón 8,5 triệu lượt khách. Như vậy, ngành Du lịch An Giang đã về đích trước hơn 10 năm.
Hấp dẫn trải nghiệm khám phá núi non, sông nước An Giang

An Giang được thiên nhiên ban tặng tài nguyên du lịch vô giá khó nơi nào sánh được. Điểm đến đầu tiên thu hút du khách chiếm gần 80% tổng lượt khách đến An Giang đó là Khu du lịch Núi Sam, nơi đây hàng năm đón hơn 6 triệu lượt du khách. Trong năm 2018, Bộ VHTTDL công nhận Khu du lịch Núi Sam là Khu du lịch quốc gia. Đây là điểm du lịch tâm linh bậc nhất vùng ĐBSCL với những điểm tham quan tiêu biểu như Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam, lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Tây An, chùa Hang… Điểm đến tiếp theo là Thất Sơn hùng vĩ với Thiên Cấm Sơn (núi Cấm) được mệnh danh là “nóc nhà miền Tây” có chùa Phật Lớn, chùa Vạn Linh và đặc biệt là tượng Phật Di Lặc cao gần 34 mét, được công nhận kỷ lục tượng Phật trên đỉnh núi lớn nhất châu Á, cùng với các hồ thơ mộng trên núi cao như hồ Thủy Liêm, hồ Thanh Long,… Nơi đây hội đủ điều kiện để phát triển thành Công viên tôn giáo quốc tế với các công trình như Trung tâm thông tin, giới thiệu về tôn giáo trong khu tượng Phật, lối đi bộ thiện ngẫm trong rừng, một khu trung tâm thiền định. Nếu phát triển Núi Cấm thành một trung tâm tôn giáo tập trung vào sự yên bình, hạnh phúc, sự khỏe mạnh, chúng ta hoàn toàn có thể cạnh tranh với Thái Lan, Lào hay Campuchia.

An Giang là một tỉnh ĐBSCL nhưng vừa có núi non hùng vĩ vừa có sông nước thơ mộng hữu tình, những cánh đồng lúa chín vàng trông đẹp mắt. Về An Giang vào mùa nước nổi, du khách sẽ thích thú trải nghiệm với mùa lũ miền Tây, hái bông điên điển, bông súng, ăn cá linh non; tham quan búng Bình Thiên, khám phá rừng tràm Trà Sư. Hay du lịch trải nghiệm ở các làng nghề như dệt thổ cẩm của làng Chăm (xã Châu Phong, Tân Châu), đường Thốt Nốt của dân tộc Khmer (Văn Giáo, huyện Tịnh Biên), hay nông nghiệp xanh, vườn rau sạch của cù lao Giêng (Chợ Mới), hoặc tham quan cù lao Ông Hổ, lòng hồ Tân Trung… Hay ngược dòng lịch sử tìm về văn hóa Óc Eo, mà có ý tưởng cho rằng: “Hãy cùng tái hiện một cộng đồng Óc Eo, là một bảo tàng lịch sử “sống” tại Việt Nam. Những người dân địa phương có thể được huấn luyện để nhập vai cư dân Óc Eo, hay vị Vua, hay một người dân làng nghề, thậm chí là thương lái. Họ sẽ kể những câu chuyện cho khách du lịch về cách mà họ sinh hoạt, làm việc, nhảy múa, tạo ra âm nhạc hay trang sức, họ có thể kể câu chuyện về “đời sống hằng ngày” của họ, thì sẽ rất hấp dẫn du khách. An Giang là tỉnh đa dân tộc, đa tôn giáo với 4 dân tộc Kinh, Hoa, Khmer, Chăm sinh sống. Đó những tài nguyên du lịch văn hóa bản địa vô cùng quí giá. Du khách có thể trải nghiệm và khám phá đời sống dân cư nơi đây qua các lễ hội như: Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam – thành phố Châu Đốc; Lễ Đôn-ta – hội đua bò Bảy Núi, Lễ Chôl-chhnămthmây của dân tộc Khmer huyện Tri Tôn, Tịnh Biên; Lễ hội văn hóa Búng Bình Thiên – Tháng chay Ramadan, Tết Roya Haji của dân tộc Chăm huyện An Phú…

Đóng góp vào thành tựu chung của ngành, không thể bỏ qua công tác thông tin, xúc tiến, quảng bá du lịch. Thời gian qua, Trung tâm Xúc tiến Du lịch An Giang, đã nỗ lực, tích cực tổ chức các đoàn xúc tiến tập trung vào thị trường khách mục tiêu. Qua đó, An Giang đã ký kết hợp tác với 23 tỉnh/thành phố trong cả nước, tham gia các đoàn của Hiệp hội Du lịch ĐBSCL xúc tiến thị trường du lịch Campuchia và các nước thuộc tiểu vùng sông Mekong. Bên cạnh đó, Trung tâm Xúc tiến Du lịch tích cực tham gia các sự kiện, Hội chợ Du lịch, Hội chợ thương mại, Liên hoan ẩm thực góp phần quảng bá đặc trưng về cảnh quan, văn hóa, ẩm thực và tiềm năng du lịch của An Giang. Để đa dạng hóa các sản phẩm du lịch của tỉnh, Trung tâm Xúc tiến Du lịch đã tổ chức các chuyến khảo sát trong tỉnh, kết nối những điểm du lịch sẵn có với các làng nghề như làng mộc Chợ Thủ (Chợ Mới), làng lụa Tân Châu, làng dệt chiếu uzu…; những địa điểm du lịch mới như: làng hoa An Thạnh (Chợ Mới), nông trại công nghệ cao (Long Xuyên)… hình thành những tour du lịch nội tỉnh mới mẻ và hấp dẫn.

Với những sản phẩm đặc thù độc đáo hấp dẫn cùng với những chương trình xúc tiến quảng bá qua nhiều kênh, xác định thị trường mục tiêu, hình ảnh du lịch An Giang đã được du khách mọi miền đất nước và khách quốc tế biết đến. Du khách đến An Giang khám phá và trải nghiệm ngày càng nhiều hơn và trở thành tỉnh dẫn đầu về lượt khách vùng ĐBSCL.

Baodulich.net.vn

Chuyên trang du lịch rất mong nhận được bài viết, hình ảnh của bạn đọc. Xin vui lòng gửi về: [email protected]