Hồ Ba Bể Bắc Kạn: Chung một dòng sông

19:09 | 16/01/2019

Theo dõi Du lịch - Năng lượng xanh trên
|
Hồ Ba Bể được ví như  “viên ngọc xanh” giữa núi rừng Bắc Kạn, nhưng đang đứng trước nguy cơ bị bồi lấp, mất đi vẻ đẹp thiên tạo do tác động của nhiều yếu tố. Các cơ quan chuyên môn mặc dù  đã đưa ra một số phương án khắc phục nhưng chưa khả thi. Điều đặc biệt là từ đầu năm đến nay vấn đề môi trường  tầm vĩ mô ấy  lại được chính những người dân bản địa cùng nhau hợp tác bảo vệ gìn giữ có hiệu quả.  

Con sông Lèng vào mùa này mực nước không cao chỉ ngang hông người nhưng trong vắt tới tận đáy -điều mà trước đây không thể có, dọc hai bên bờ sông ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh rất đẹp: từng hàng cây cổ thụ khỏa bóng mát chạy dài tít tắp song song với con đường rải nhựa từ trung tâm Hồ Ba Bể tới xã Hoàng Trĩ. Bờ bên kia sông những vạt ngô xanh mướt đang độ vào chắc hạt. Chạy khoảng 30 phút xe máy từ Hồ Ba Bể là tới trung tâm xã Hoàng Trĩ. Xã nằm lọt thỏm trong một thung lũng rất đẹp, dân cư sống tập trung đông đúc, nhà cửa khang trang, đường trải nhựa băng băng. Từ thung lũng này nhìn lên, phía trước mặt là dãy núi hình vòng cung với thế đứng cực kỳ vững trãi bao bọc toàn bộ khu vực. Núi tiếp núi, từ đỉnh Pù Loòng đến sang Cốc Phung qua Thẳm Mòn, về Pù Cuốc, tiếp đến Tẩn Tỳ - đây chính là thượng nguồn sinh ra mạch nước của con sông Lèng chảy về Hồ Ba Bể, nơi đó có 29 hộ đồng bào Tày, Dao sinh sống.

Vẻ đẹp của Hồ Ba Bể được tạo nên bởi nhiều yếu tố: hang động, núi rừng nguyên sinh, mặt nước trong xanh. Nguồn nước của hồ được cung cấp bởi con sông với tên gọi rất giản dị-sông Lèng. Sông này được hợp nhất từ các nhánh sông nhỏ chảy từ đầu nguồn về, trong đó có nhánh Pác Pjẹt từ đỉnh Pù Loòng thuộc thôn Bản Duống xã Hoàng Trĩ (Ba Bể) chảy về, sông Lèng chảy trực tiếp vào Hồ Ba Bể . Nếu ai có dịp đến Hồ Ba Bể trong những ngày tiết trời hơi se se lạnh của mùa thu, ngược lên phía Bắc sẽ cảm nhận được vẻ đẹp trong trẻo, yên bình và rất đỗi hoang sơ của núi rừng nơi thượng nguồn và cũng rất ngạc nhiên khi phát hiện có sự chuyển đổi nhận thức rõ rệt của đồng bào đối với việc gìn giữ môi trường theo cách rất riêng của họ.

ho ba be bac kan chung mot dong song
Bình minh trên hồ Ba Bể (Bắc Kạn)

Để đến với Bản Duống phải vượt qua con dốc dựng đứng tựa như sống dao, trời nắng ráo mới lên được đây, đường nhỏ hẹp vắt lên đỉnh núi nếu bất cẩn sẽ rất nguy hiểm. Bản Duống cách Hồ Ba Bể 13km. Bản Duống và khu vực Nam Mẫu-Hồ Ba Bể có chung một nguồn nước đó là con sông Lèng. Có một thực tế : nếu người dân trên Bản Duống thải rác ra sông thì sau đó một vài ngày Hồ Ba Bể sẽ hứng trọn số rác ấy.

Cách đây 2-3 năm khi đến Ba Bể khách du lịch cảm thấy chưa hài lòng vì chất lượng môi trường, những hình ảnh không đẹp rất dễ bắt gặp nào là rác sinh hoạt vứt bừa bãi thậm chí trôi lềnh bềnh trên mặt hồ, nào là phân gia súc rải rác khắp nơi, bốc mùi nồng nặc rất khó chịu. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến khách du lịch một đi không trở lại, doanh thu dịch vụ nơi đây không tăng mà còn sụt giảm. Vấn đề này là bài toán đặt ra đối với ngành du lịch cũng như chính quyền địa phương. Được sự hỗ trợ của dự án 3PAD, dự án trực tiếp giúp người dân cải thiện môi trường bằng sáng kiến rất mới đó là tổ chức dịch vụ chi trả môi trường. Với mô hình này các hộ dân làm du lịch ở thôn vùng thấp phải ký hợp đồng chi trả tiền cho người bảo vệ môi trường ở thôn vùng cao. Đây là mô hình rất mới lần đầu tiên thực hiện ở Việt Nam. Mặc dù mô hình chi trả dịch vụ môi trường ở nước ta đã từng được thực hiện ở các tỉnh như Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Quảng Nam nhưng chủ yếu lại do các công ty hoạt động sản xuất kinh doanh từ môi trường chi trả cho người trồng rừng như các nhà máy thủy điện, sản xuất nước sinh hoạt…Tuy nhiên trong bối cảnh kinh tế khó khăn việc chi trả này không được thường xuyên, kịp thời, tình trạng các công ty nợ tiền chi trả dịch vụ môi trường đối với người dân rất phổ biến.

Nhờ sự vận động tích cực của dự án 3PAD mô hình này bắt đầu thực hiện từ tháng 3/2013, hiện nay mô hình vẫn được duy trì đều đặn có nhiều triển vọng tốt. Với cách tổ chức mô hình đại diện 40 nhà nghỉ và 100 xã viên hợp tác xã kinh doanh xuồng ở khu vực Pác Ngòi, Bó Lù, Cốc Tộc xã Nam Mẫu đã tiến hành ký hợp đồng với đại diện 29 hộ dân ở thôn Bản Duống xã Hoàng Trĩ, theo đó các hộ dân ở thôn vùng cao đầu nguồn phải có trách nhiệm tuần tra bảo vệ rừng, phục hồi rừng, vệ sinh môi trường khu vực đầu nguồn, thu gom đốt rác vào ngày cuối tuần. Việc đóng góp kinh phí của người dân thôn vùng thấp được tổ chức rất quy củ, chặt chẽ, với nhà nghỉ mức đóng là 4000đồng/01khách lưu trú. Hợp tác xã xuồng sẽ đóng 2% trên tổng doanh thu hàng tháng. Mỗi buổi sáng các nhà nghỉ bắt buộc phải đến công an xã để đăng ký lượng khách tạm trú, khi đó họ sẽ tự giác bỏ tiền vào thùng đặt tại UBND xã. Việc làm này đều có sự giám sát chặt chẽ của các bên do Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban quản lý quỹ, cùng Trưởng công an xã và Chủ nhiệm hợp tác xã xuồng. Số tiền trên được kiểm kê mỗi tháng một lần. Trong đợt chi trả đầu tiên tổng số tiền mà thôn Bản Duống được hưởng là gần 14 triệu đồng, đợt 2 sẽ được tiến hành chi trả trong tháng 11 với tổng số tiền khoảng trên 20 triệu đồng.

Bí thư thôn Bản Duống Lý Liên Trung và Trưởng thôn Đàm Văn Phong cho biết khi thực hiện mô hình này thôn đã tổ chức họp các hộ dân bàn bạc thống nhất thành lập 4 tổ tuần tra rừng, mỗi tổ 7-8 người định kỳ mỗi tháng đi tuần tra 3 lần. Là thôn giáp ranh với các xã Bằng Phúc, Đồng Phúc, Tân Lập của huyện Chợ Đồn, diện tích rừng mà thôn quản lý gần 200ha, trước đây là cũng là một trong những điểm “nóng” về nạn khai thác rừng trái phép. Tuy nhiên từ khi thực hiện đi tuần tra thôn chưa phát hiện được vụ vi phạm nào, rừng được bảo vệ cực kỳ nghiêm ngặt. Khu rừng này có vai trò đặc biệt quan trọng bởi đây là rừng đầu nguồn, nếu không được bảo vệ đất sẽ bị xói mòn khiến cho tốc độ bồi lấp hồ Ba Bể ngày càng nhanh hơn, nguồn nước sẽ dần cạn kiệt. Cùng với việc tuần tra bảo vệ rừng người dân trong thôn còn tiến hành trồng phục hồi rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc, vệ sinh môi trường bằng cách thu gom đốt rác không xả rác ra sông suối như trước đây.

Từ số tiền mà thôn vùng thấp chi trả bà con thôn Bản Duống một phần chi cho công tác tuần tra bảo vệ rừng, phần gây quỹ cho câu lạc bộ sinh kế cho hộ nghèo vay phát triển kinh tế gia đình, phần dành để mua cây giống trồng rừng, sửa chữa kênh mương, đường làng ngõ xóm, mua sắm vật dụng chung, tổ chức các hoạt động mà không cần kêu gọi đóng góp tiền của người dân.

ho ba be bac kan chung mot dong song
Các hộ kinh doanh ở Hồ Ba Bể hàng ngày tự nguyện đóng tiền để chi trả dịch vụ môi trường

Ông Dương Văn Hồi-Chủ nhiệm Hợp tác xã xuồng-đại diện cho những hộ kinh doanh ở khu du lịch Hồ Ba Bể tự nguyện trích tiền từ lợi nhuận của mình để chi trả cho người dân Bản Duống quả quyết nói rằng: Chúng tôi ý thức được rằng môi trường là cái không phải miễn phí mà phải mất tiền mua mới có được, vậy nên chúng tôi sẵn sàng chi trả cho những người tạo ra môi trường tốt cho chúng tôi kinh doanh hiệu quả. Tuy nhiên để 100 xã viên của hợp tác xã xuồng và 40 hộ kinh doanh nhà nghỉ thông hiểu vấn đề này không phải điều đơn giản mà là cả một quá trình tuyên truyền vận động mới chuyển biến được nhận thức để rồi họ tự nguyện đóng góp. Việc chi trả này hoàn toàn phù hợp và thoả đáng nhưng nếu như người dân trên thôn Bản Duống không thực hiện đúng như cam kết thì chúng tôi sẽ lập tức cắt nguồn kinh phí này.

Có mặt trong buổi chi trả tiền dịch vụ môi trường giữa thôn vùng thấp và thôn vùng cao, chứng kiến những cái bắt tay thật chặt của cán bộ hai thôn mới thấy rằng cái việc tưởng chừng rất khó mà lại không hề khó quan trọng là người dân phải đồng sức đồng lòng bởi họ đã chung một dòng sông.

P.Thảo

Chuyên trang du lịch rất mong nhận được bài viết, hình ảnh của bạn đọc. Xin vui lòng gửi về: [email protected]