Mỹ thuật Việt Nam – vẻ đẹp có tiềm ẩn

22:52 | 24/07/2019

Theo dõi Du lịch - Năng lượng xanh trên
|
Trong cuộc sống đầy hối hả lo toan, có lúc nào đó người ta quên mất rằng bên cạnh những giá trị vật chất còn có những giá trị tinh thần của sức sáng tạo và nghệ thuật,  giàu văn hóa được tích lũy qua năm tháng. Sẽ rất may mắn nếu chúng ta được một lần chiêm ngưỡng những tác phẩm bất hủ này.
my thuat viet nam ve dep co tiem anNhững bức ảnh tôn vinh vẻ đẹp con người trên khắp thế giới
my thuat viet nam ve dep co tiem anCùng Petrotimes khám phá và tìm hiểu qua vẻ đẹp phong cảnh có một không hai của Châu âu

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nằm ngay phố Nguyễn Thái Học bên cạnh dòng người ngược xuôi qua lại tấp nập mỗi ngày. Tòa nhà với kiến trúc cổ điển và lãng mạn của Pháp đầu thế kỷ 20 được bao phủ bởi không gian yên ắng, dưới những vòm cây cổ thụ xum xuê xanh mát. Tòa nhà kiến trúc này được người Pháp xây dựng vào những năm 30 của thế kỷ trước- vốn là nơi dành cho con gái của các quan chức người Pháp ở các nước Đông Dương về Hà Nội trọ học.

my thuat viet nam ve dep co tiem an
Toà nhà Bảo tàng Mỹ thuật VN – 66 Nguyễn Thái Học

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã sưu tầm, lưu giữ được một khối lượng gần 20.000 hiện vật, tác phẩm mỹ thuật có giá trị, phản ánh được cơ bản lịch sử phát triển của nền Mỹ thuật Việt Nam, một nền mỹ thuật lâu đời, phong phú, đa dạng và đậm đà bản sắc dân tộc. Đặc biệt là bộ sưu tập của các thế hệ họa sĩ Mỹ thuật Đông Dương có một chỗ đứng quan trọng, đánh dấu một giai đoạn phát triển rực rỡ của nền Mỹ thuật Việt Nam. Ở đây lưu giữ và trưng bày các tác phẩm nghệ thuật từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 19, trải qua các triều đại Việt Nam từ Lý - Trần, Lê Sơ - Mạc - Lê Trung Hưng đến thời Tây Sơn - nhà Nguyễn. Các tranh tượng mỹ thuật đương đại của thế kỷ 20 bao gồm Tranh tượng sáng tác trước Cách mạng (1925-1945), tranh tượng trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp (1945-1954), tranh sơn mài và điêu khắc hiện đại, tranh lụa, sơn dầu và điêu khắc hiện đại đều có ở đây.

Có thể bạn nghĩ rằng mỹ thuật là một cái gì đó thật xa vời, khó hiểu và chả để làm gì. Tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam khách tham quan sẽ được chiêm ngưỡng nhiều bảo vật quốc gia trong đó có bức tượng Phật Bà Quan Âm bằng gỗ phủ sơn, cao 327cm từ thế kỷ 16. Người Việt Nam đã rất quen thuộc với tượng Phật trên chùa, nơi các bức tượng Phật, tượng Tam thế, Quan Âm, Bồ Tát, La Hán,... là biểu tượng của tín ngưỡng, tôn giáo được dân chúng thờ phụng, kính cẩn. Tượng Phật trong các chùa cổ Việt Nam rất đẹp, vẻ đẹp tôn nghiêm, trầm mặc và còn có giá trị rất lớn về văn hóa, nghệ thuật và rất đặc trưng của Việt Nam và không hề giống với bất kỳ nơi nào trên thế giới. Đạo Phật Việt Nam có thể bắt nguồn từ Ấn Độ, nhưng tượng Phật Việt Nam lại rất riêng. Tượng Phật Việt Nam được làm bằng gỗ, phủ lớp sơn ta gọi là sơn son thiếp vàng ở ngoài, mềm mại, óng ả mà tôn nghiêm, rực rỡ. Bức Phật Bà Quan Âm nghìn mắt nghìn tay là công trình nghệ thuật vô cùng đặc sắc, tỉ mỉ và công phu của những người thợ tài hoa của thế kỷ XVI.

my thuat viet nam ve dep co tiem an
Tượng Phật Bà Quan Âm

Tác phẩm chạm gỗ Tiên cưỡi rồng xuất phát từ Đình Lộc Dư, huyện Thường Tín, Hà Nội thuộc thế kỷ XVII cũng là tác phẩm độc nhất vô nhị. Thế kỷ XVII là thế kỷ của nền văn hóa phong kiến đang phát triển tột cùng, người phụ nữ bị chế độ phong kiến đưa xuống vị trí thứ yếu, không xếp cùng đẳng cấp với nam giới chứ chưa nói đến việc có thể cưỡi rồng là biểu tượng của vua, của vương quyền. Khí thế của Bà Trưng, Bà Triệu, người phụ nữ Việt Nam của ngàn năm lịch sử vẫn vươn lên giành đúng vị trí của mình trong xã hội.

my thuat viet nam ve dep co tiem an
Trạm gỗ Tiên cưỡi rồng

Bức tượng Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc và Công chúa Lê Thị Ngọc Duyên, thế kỷ 17 quả là những kiệt tác nghệ thuật. Vẫn là vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam với khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang, nét mặt phúc hậu, điềm tĩnh. Các tác phẩm này lưu giữ cho chúng ta vẻ đẹp của phụ nữ xưa là mắt lá răm, lông mày lá liễu, rất mực đoan trang, thùy mị mà nghiêm nghị và quyền năng. Những pho tượng tỏa ra nguồn năng lực huyền bí, tạo ra một không khí tôn thờ, kính cẩn, trang trọng không chỉ ở trong đình, chùa mà ngay ở không gian của bảo tàng. Đó cũng là bí ẩn của nghệ thuật, của những nghệ nhân đã dồn hết tâm hồn của mình vào bảo vật.

my thuat viet nam ve dep co tiem an
Tượng Công chúa Lê Thị Ngọc Duyên

Chúng ta gặp trong bảo tàng các họa sĩ nổi tiếng Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương qua nhiều thế hệ như Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Văn Long, Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái…Cuộc sống thường ngày ta có thể đã nghe, đã biết rằng có những họa sĩ làm vẻ vang nền hội họa Việt Nam, rằng tác đó đã vẽ những bức tranh được nhắc đến rất nhiều trên báo chí, tranh ảnh, TV,...Nhưng thực sự được thấy tên Bùi Xuân Phái, Tô Ngọc Vân,...bên cạnh những tác phẩm của họ, thấy tác phẩm đó hiển hiện trước mặt mình, suy nghĩ, cảm nhận về nó,...thì lại khác. Cảm nhận là một trạng thái tinh thần không phải lúc nào chúng ta cũng cảm thấy. Tôi đã phải nhờ một họa sĩ giảng giải cho mình về tranh của Bùi Xuân Phái. Vì sao họa sĩ Bùi Xuân Phái lại là cây đa cây đề của nền hội họa Việt Nam, tranh của ông đơn giản, màu sắc rõ ràng, không cầu kỳ.

my thuat viet nam ve dep co tiem an
Tranh Phố cổ của họa sĩ Bùi Xuân Phái

Tranh phố của Bùi Xuân Phái thể hiện rõ hồn cốt của phố cổ Hà Nội những năm đầu của thế kỷ 20. Họa sĩ đã gửi gắm những tình cảm của mình trên mỗi góc phố nhỏ từ Hàng Mắm, Hàng Bồ, ngõ Phất Lộc qua Đồng Xuân, đình Yên Thái, đình Hàng Than, qua từng mái nhà ngói ngả màu nâu đậm, từng mảng tường rêu phong đầy ắp kỷ niệm, từng ô cửa gỗ sơn nâu mộc mạc như chính tâm hồn ông. Chỉ bằng vài nét chấm phá, họa sĩ đã thể hiện được cái cốt lỗi thâm sâu, tinh chất của của hồn phố cổ. Đó là tài năng.

Bùi Xuân Phái đã truyền tình yêu Hà Nội rất sâu, rất đậm của ông cho người Hà Nội. Ai đi xa thấy tranh của Bùi Xuân Phái mà không ngậm ngùi, một thời rất xa, một thời rất nhớ, đầy ắp tuổi thơ, đầy ắp hoài niệm.

my thuat viet nam ve dep co tiem an
Tranh Sông Đà của họa sĩ Bùi Xuân Phái

Gợi cảm, rất đời và cũng rất tình là những bức tranh của Tranh Bùi Xuân Phái họa thơ của Hồ Xuân Hương. Thơ Hồ Xuân Hương đã rất tình, rất đời, tranh của Phái, có khi chỉ vài nét, hay một mảng màu hoàn toàn lột tả được những điều thầm kín ấy, những đam mê ngùn ngụt trong con người đa tình luôn khao khát tình yêu.

my thuat viet nam ve dep co tiem an
Tranh Bùi Xuân Phái họa thơ Tự tình của Hồ Xuân Hương

“Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn

Trơ cái hồng nhan với nước non

Chén rượu hương đưa, say lại tỉnh

Vầng trăng bóng xế, khuyết chưa tròn…”

Ấn tượng mạnh đối với tôi là tranh của Nguyễn Khang (1912-1989). “Đánh cá đêm trăng” sáng tác năm 1943 vừa thực vừa hư, mang vẻ ma mị bởi màu đen huyền, bởi dáng vẻ của những người đánh cá, là người hay là..., họ đang thức hay đang mơ..., họ đang đàn hay đang ca..., mỗi người mỗi vẻ, được mô tả rất tỉ mỉ, rất đời và cũng rất ma...Giỏ cá của họ đen, nhung huyền và cảm giác rất sâu..., sông cũng đen mà chả biết nông, sâu...Đàn cá vây sắc nhọn, vằn hổ báo...cũng như thực, như hư...

my thuat viet nam ve dep co tiem an
my thuat viet nam ve dep co tiem an
Tranh Đánh cá đêm trăng

“Ông nghè vinh qui” - 1944 của Nguyễn Khang cũng vẫn trên nền sơn mài đen ấy. Đập vào mắt là ông nghè mặt vênh ngược, lính của ông rõ ràng là được thơm lây, dân đi rước chả thấy ai cười, thấy má hóp.

my thuat viet nam ve dep co tiem an
Tranh Ông nghè vinh qui

Hà Nội ai cũng đã từng nghe tranh của Tô Ngọc Vân, với “Thiếu nữ bên hoa huệ". Tài năng của Tô Ngọc Vân được đánh giá cao ngay từ thời Pháp thuộc, ông đoạt Huy chương Vàng ở Triển lãm thuộc địa Paris năm 1931. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông là Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Mỹ thuật Việt Nam. Tô Ngọc Vân không chỉ có với “Thiếu nữ bên hoa huệ", Bức tranh “Hai thiếu nữ và em bé” của ông là Bảo vật quốc gia.

“Hai thiếu nữ và em bé” được sáng tác năm 1944. Nhìn vào tranh là thấy tâm hồn của mỗi nhà, mỗi người Việt Nam. Người chị mặc áo vàng trong dáng ngồi đoan trang trên chiếc chõng tre, dáng dấp thiếu phụ toát lên từ cử chỉ hai bàn tay chắp vào nhau, nếp áo dài rủ là mềm mại. Cô em mặc áo trắng, nếp áo bối rối xô lệch theo dáng ngồi bồn chồn bất an. Trong lòng cô đang dâng trào sóng gió tình yêu ban đầu khó nói. Sự xuất hiện đứa bé trai đang ngồi nghịch dưới sàn nhà tô điểm cho hạnh phúc đủ đầy.

my thuat viet nam ve dep co tiem an
Tranh “Hai thiếu nữ và em bé” của họa sĩ Tô Ngọc Vân

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam còn rất nhiều những tác phẩm của các họa sĩ nổi tiếng Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương qua nhiều thế hệ như: Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Văn Long, Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái… Mỗi căn phòng trưng bày như một thế giới thu nhỏ, mỗi bức tranh chính là một miền ký ức của thời gian, không gian đầy ắp sự thư thái.Đến một lúc nào đó sẽ tự nhận ra rằng mỹ thuật chính là một trong những phương cách truyền tải dễ hiểu và gần gũi nhất giúp tái hiện một cách đơn giản và chân thực mọi vẻ đẹp và dấu ấn của thời gian.

Dường như đó chính là chất xúc tác để tôi đắm chìm hơn vào sức hút lạ lùng của những mảng màu. Sự tĩnh lặng, thư thái bỗng mang lại cho chúng ta một cái nhìn khác về cuộc sống bộn bề, bon chen này, khiến cho con người trở nên nhẹ nhàng và nhân ái hơn nhiều lắm.

https://dulich.petrotimes.vn/

Ngọc Linh