Nhạc sĩ Trần Tiến: Chờ từng giấc mơ

08:25 | 11/08/2012

1,386 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Sau nhiều năm không tổ chức đêm nhạc nào, ngày 11-12/8 nhạc sĩ Trần Tiến sẽ có đêm nhạc riêng “Như chờ từng giấc mơ” tại Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội. Đây cũng là sự trở về của một người con xa quê sau nhiều năm bôn ba. Nhạc sĩ Trần Tiến đã dành thời gian chia sẻ với chúng tôi.

Học Hemingway: Bơi thuyền thúng và chơi với dân biển

PV: Đã lâu rồi, dễ chừng cả chục năm anh ít xuất hiện trên sân khấu với tư cách là ca sĩ, hát những bản nhạc của chính mình. Không xuất hiện nhiều trên truyền thông. Vậy thì tác giả “Mặt trời bé con” có thể cho độc giả biết cuộc sống bây giờ ra sao?

Nhạc sĩ Trần Tiến: Vẫn guitar và quần bò lang thang nhưng không thích lên sân khấu và truyền hình nhiều, mặc dù cũng cần tiền và cần tiếng. Tôi bây giờ thích cuộc sống của gã nhạc sĩ đồng quê Lobo của Mỹ ngày xưa, tìm nơi hoang mạc, tránh xa cuộc sống đô thị. Nơi dân dã xa đường quốc lộ, cuộc sống thật chất phác và bình yên. Tuy vậy nhiều năm gần đây, những nơi như thế hiếm hoi lắm. Hiện giờ tôi sống gần như một mình ngoài biển Vũng Tàu, lại bắt chước Hemingway, học bơi thuyền thúng và chơi với cư dân biển. Tôi lặn khá vì có hơi dài của dân thanh nhạc nên cũng tiện.

PV: Nhạc của Trần Tiến vốn được định hình là hiện thực, là dương, là hướng ngoại, cho dù những “Ngẫu hứng phố”, “Ngẫu hứng sông Hồng”, “Mùa thu trắng”… anh vẫn viết bằng nỗi nhớ đầy âm bản. Nhưng người ta nhận xét về nhạc của anh thế, anh thấy phần nào đúng, phần nào không đúng?

Nhạc sĩ Trần Tiến: Vừa đúng và vừa không bởi trong âm có dương và trong dương có âm mà. Vì thế bạn sẽ thấy trong hiện thực cái phần ảo mộng như “Mặt trời bé con”. Trong cái ảo của “Sắc màu” lại thấy rất hiện thực.

Nhạc sĩ Trần Tiến

PV: Có một nghịch lý là, sự mạnh mẽ trong âm nhạc của anh gần như chỉ có chính Trần Tiến hát là hay nhất. Giờ anh ít xuất hiện trên sân khấu. Anh có thấy trong thời “âm thịnh dương suy”, việc tìm được một giọng nam hát nhạc của Trần Tiến để thấy đủ cái phần mạnh mẽ, dương tính và đời thực hiếm. Anh có buồn không?

Nhạc sĩ Trần Tiến: Quả thật có thế. Nhưng đành vậy, vì mỗi thời có âm nhạc riêng của nó. Thời loài người trung tính thì thích mẫu đẹp trai kiểu xinh như gái, còn con gái thì đấu võ như hảo hán võ lâm. Đàn ông thì eo éo và đàn bà thì ồ ồ. Đành vậy thôi, mỗi thời có cái hay của thời đó, đừng lo trái đất tận diệt.

PV: Trần Tiến trong âm nhạc đầy tình người và mạnh mẽ, vậy Trần Tiến giữa đời thường là người như thế nào?

Nhạc sĩ Trần Tiến: Tôi là người lành, tôn trọng mọi người và mọi sự sống xung quanh. Ăn ở sạch sẽ, ngăn nắp nhưng thích đọc sách và bụi đời. Thích nấu ăn và thích ăn ngon với người thân. Thà đói chứ không thích ăn một mình. Ghét sự lắm điều và dối trá, ghét người hèn. Tôi là kẻ có nhiều tật xấu, thích uống rượu, nghiện thuốc lá và nhìn những nét cong thiên thần của phụ nữ…

PV: Trong nhóm “Tứ quái Hà Nội: Tiến - Phương - Cường - Thụ”, nhạc sĩ Nguyễn Cường vẫn nói Trần Tiến là khôn nhất. Mà thực ra anh có đủ: nhà đẹp, con khôn, gia tài âm nhạc đồ sộ hơn cả. Nhưng tại sao vẫn có lúc anh muốn “…leo lên một vì sao ngồi uống rượu một mình?”.

Nhạc sĩ Trần Tiến: Cái gì nằm trên cao chẳng cô đơn như ngọn cờ kia vậy. Cả thế kỷ giờ buồn tênh đến thế đấy, đâu phải riêng mình.

Xưa thèm ăn, giờ thèm đọc

PV: Hà Nội trong các sáng tác của Trần Tiến thường là một ký ức nghèo, ở đó có bạn bè, có mẹ, có chị. Tuổi thơ nghèo đó có ý nghĩa thế nào trong quãng đời sống nhiều thăng trầm của anh sau này?

Nhạc sĩ Trần Tiến: Tuổi thơ đã và sẽ mãi mãi cho tôi những khúc ca man mác buồn như chính số phận đời tôi. Đó là món quà vô giá của thời gian.

PV: Nhiều người thành tài sau này đều tự hào vì ngày trẻ họ đọc rất nhiều, chăm chỉ học hành. Chỉ có anh là tự nhận “cả thời tuổi trẻ chả thấy nghệ thuật, triết học, triết cháo gì sất, chỉ thấy thèm ăn”. Giờ tuổi không còn trẻ, anh thèm gì ạ?

Nhạc sĩ Trần Tiến: Lại thèm đọc…

PV: Anh hay nhắc đến “anh Sơn” trong các bài viết của chính mình. Anh có thể chia sẻ về mối tình thân giữa hai người? Khi vào Sài Gòn, anh đã bắt đầu nhập vào cuộc sống ấy như thế nào trong những năm đầu tiên và những người bạn như Trịnh Công Sơn có giúp anh được nhiều trong những ngày đầu tiên ấy?

Nhạc sĩ Trần Tiến: Anh Sơn tài năng và nhân cách. Ai cũng biết. Riêng với tôi, anh ấy có nhiều thứ mà tôi không có, nên mỗi lần gặp tôi rất háo hức. Ngược lại anh ấy cũng rất quý tôi như một đứa em, một đồng nghiệp cùng sở thích. Tôi bận không đến ngồi cùng là anh ấy dỗi như đứa trẻ bị bạn bỏ rơi. (cười)

PV: Nhạc sĩ Nguyễn Cường nói khi anh ấy chưa ai biết đến tên thì Trần Tiến đã nổi như cồn. Và đến bây giờ tên của anh vẫn chưa có ai làm lu mờ trong làng nhạc Việt. Anh cũng làm giám khảo nhiều cuộc thi hát, yêu các bạn ca sĩ trẻ, nhưng người thân của anh lại cho biết, thực tế Trần Tiến chẳng quan tâm đến cái gì trong đời sống âm nhạc nước nhà. Vì anh chỉ hát nhạc của mình, cũng không biết có ca sĩ nào đang nổi, nhạc sĩ nào đang lên. Thái độ ấy nếu có thể gọi tên thì nó là gì, thưa anh? Và anh có thể chia sẻ lý do được chứ?

Nhạc sĩ Trần Tiến: Việc theo dõi tình hình âm nhạc là của nhà báo. Dân nhạc sĩ đích thực thì chỉ bận theo dõi âm nhạc đang biến chuyển trong cõi riêng của mình thôi. Đôi khi còn chẳng biết chủ tịch nước là ai nữa là ca sĩ.

PV: Nhạc sĩ Nguyễn Cường từng chia sẻ, vì muốn vào Sài Gòn, anh đã nhận lời đi Tây Nguyên viết ca khúc cho họ để được một chuyến bay đến thành phố này. Nhưng vào Sài Gòn chính anh lại để Nguyễn Cường đi thay mình, vì thế mới có một Nguyễn Cường của Tây Nguyên như hôm nay. Anh nhớ chuyện này không?

Nhạc sĩ Trần Tiến: Tôi rất nhớ. Tây Nguyên mời tôi, tôi lại giới thiệu thêm Nguyễn Cường, vì anh ấy giỏi nhưng chưa được người ta biết đến. Trong lúc đang đi thực tế thì có thư mời vào Sài Gòn sống và sáng tác của cố thủ tướng Võ Văn Kiệt. Tôi đành phải chia tay giấc mơ viết về Tây Nguyên để đi tìm một cuộc sống hoàn toàn mới của cuộc đời mình. Có vậy thôi.

Dại gì để mất hồn quê

PV: Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý kể, đã sống ở Sài Gòn mấy chục năm nhưng ông vẫn không có thói quen uống cà phê mỗi sáng, thậm chí không uống được cà phê. Anh cũng đã ở Sài Gòn mấy chục năm, anh thấy mình có Sài Gòn hóa được chút ít nào không? Có điều gì ở mảnh đất này anh không tìm thấy ở Hà Nội và ngược lại?

Nhạc sĩ Trần Tiến: Dại gì để mất hồn quê mình. Chỉ nên học thêm những gì thú vị nơi đất khách quê người. Tôi đã đi khá nhiều nơi, đâu cũng thấy nhiều cái hay và cũng không thiếu những thứ chẳng ra gì. Từ cảnh vật đến con người, tập tục. Những kỳ hoa dị thảo và những hiểm nguy rình rập trên mỗi bước chân. Nếu kể ra thì phải một tấn báo. (cười)

PV: Anh từng đóng phim, một vai chính trong “Lương tâm bé bỏng” của đạo diễn Lê Hoàng. Nhiều người xem xong bộ phim đều đồng tình nhân vật Trần Việt là bản sao của Trần Tiến thực ở ngoài đời. Và vì thế, anh là nhạc sĩ duy nhất ở Việt Nam được người ta làm phim về mình từ khi còn rất trẻ. Giờ anh đã sống thêm hơn 20 năm, có nhiều trải nghiệm hơn, nếu có người muốn được làm phim về anh, anh thấy thế nào ạ?

Nhạc sĩ Trần Tiến: Làm phim về tôi ư. Nếu bán được thì cứ làm. Nhưng nếu mời tôi đóng phim thì tôi chạy làng. Làm được nhạc thì cứ làm. Mọi chuyện khác ngoài nhạc chỉ là tào lao cho vui thôi. Mỗi người may lắm chỉ làm được một chút việc tử tế cho đời. Chỉ có thời hồng hoang mới có một Leonardo da Vinci thôi, lấy đâu ra nhiều thế như ở xứ ta. Vừa hát vừa nhảy vừa sáng tác vừa đóng phim vừa làm người mẫu vừa làm MC vừa kinh doanh vừa… không kịp, đánh dấu... phẩy.

PV: Điều quan trọng nhất trong cuộc sống với anh là điều gì?

Nhạc sĩ Trần Tiến: Tôi thích cô độc, nhưng không cô đơn. Tôi thích những con người sống giản dị xung quanh tôi. Không quan tâm đến họ làm gì, chỉ cần kiên nhẫn ngồi cùng mình bên chén rượu và ít nói. Thế là hạnh phúc. Những buổi chiều thật đẹp bên quán cóc vắng khách, những sớm tinh mơ, lác đác vài người đi đâu sớm, tiếng chổi tre quét đường của các chị lầm lũi vất vả… sương sớm và... mây trắng tinh khôi ngàn năm. Nếu không được như thế tôi sẽ chuyện trò với lũ kiến bé nhỏ.

PV: Liveshow “Trần Tiến - In the Spotlight” có chủ đề “Như chờ từng giấc mơ”. Đến lúc này anh có thể tiết lộ về giấc mơ lớn nhất của đời mình? Giấc mơ ấy có liên quan đến một mối tình bí mật nào đó của anh không?

Nhạc sĩ Trần Tiến: Rất may tôi chưa có được một tình yêu bí mật nào và không quan tâm lắm đến những giấc mơ yếu mềm kiểu đó. Ngày thơ bé tôi mơ được đến Lương Sơn Bạc chơi với hảo hán giang hồ. Lớn lên, nghèo khó tôi chỉ thích làm tướng cướp. Rồi chiến tranh, tôi đi Trường Sơn, chả mong làm anh hùng, chỉ mơ có ngày về, buộc võng trước cửa nhà, để sớm mai mẹ dậy, thấy đứa con trai còn nguyên vẹn hình hài mẹ mất công nuôi nấng bao năm.

PV: Nhạc sĩ có nhận định như thế nào về đời sống âm nhạc Việt Nam hiện nay?

Nhạc sĩ Trần Tiến: Chẳng có gì hay, không chỉ Việt Nam mà còn cả thế giới. Tôi không hiểu trên đường tập thể dục mỗi sớm, những người trẻ tuổi mặc những bộ tập đắt tiền và đeo những tai nghe xịn chăm chú nghe nhạc. Không thể biết, có thư nhạc gì có thể hấp dẫn được họ nhỉ. Họ thật hạnh phúc. Mà cũng có thể, họ chỉ đeo cho oai vậy thôi.

Hằng Nga (thực hiện)

(Năng lượng Mới số 145, ra thứ Sáu ngày 10/8/2012)