Những “cột mốc sống” ngoài biển khơi

13:55 | 22/01/2022

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Không chỉ bám biển, giỏi làm ăn, nhiều lão ngư ở vùng biển Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định còn can trường, dũng cảm, luôn nêu cao ý thức bảo vệ chủ quyền vùng biển đảo của Tổ quốc, được người dân địa phương ví như những “cột mốc sống” ngoài biển khơi.
Những “cột mốc sống” ngoài biển khơi
Ông Tư Chiến - một lão ngư dày dạn kinh nghiệm với nghề đi biển. Ảnh: Đăng Bảy, https://dulich.petrotimes.vn

Mỗi con tàu, mỗi ngư dân là một cột mốc chủ quyền trên biển

Hơn 23 năm, tôi mới có dịp quay trở lại vùng đất Hoài Nhơn. Điều bất ngờ thú vị là Thiếu tá Nguyễn Văn Đức, lái xe của BĐBP Bình Định đưa tôi đi lần này cũng chính là người mà hơn 23 năm trước đã đồng hành với tôi trong suốt chuyến công tác tại vùng quê trồng dừa nổi tiếng cả miền Nam: “Công đâu công uổng công thừa. Công đâu xách nước tưới dừa Tam Quan”. Ngày đó, anh nhà báo tuổi 30 là tôi cứ ngẩn ngơ trước bạt ngàn những rừng dừa, nấn ná mãi không muốn rời chân. Đức nói, dừa bây giờ ít hơn xưa nhiều rồi, chỉ còn lại một số vườn dọc quốc lộ 1A thôi. Khu vực dưới biển giờ đã lên thị xã, đất đai đắt đỏ, người ta chia cho con cháu làm nhà hết. Phố thị mọc tới đâu, vườn dừa thu hẹp tới đó...

Trong ký ức của tôi, ở thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, có nhiều điểm đến rất thú vị. Ngoài bạt ngàn dừa Tam Quan, còn có những làng chài vang danh xa gần bởi sự phát triển vượt bậc về đánh bắt cá, đặc biệt là cá ngừ đại dương. Điển hình là những làng chài ở các phường Tam Quan Nam, Tam Quan Bắc. Ngư dân ở những làng chài này không chỉ vươn khơi, làm giàu từ biển, mà còn luôn nêu cao ý thức bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Ở cửa biển Tam Quan, “lão ngư” Trần Chiến (còn gọi là Tư Chiến, sinh năm 1955, ở phường Tam Quan Nam) được nhiều người nể trọng vì ý chí và nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Cha hy sinh, mẹ mất sớm, 13 tuổi, Tư Chiến đã xoay sở nuôi các em bằng cách đi làm công (bạn) cho chủ thuyền. Lúc đó, nghề đánh cá ở Hoài Nhơn chưa phát triển mạnh như bây giờ, Tư Chiến khăn gói vào tận vùng biển miền Tây Nam Bộ theo nghề đi biển. Gần 10 năm vừa làm bạn, vừa học nghề, ông Tư Chiến trở lại quê nhà, sắm thuyền làm chủ, quyết tâm làm giàu ngay trên vùng biển quê hương. Sau này, ông còn là người tiên phong và trở thành “thủ lĩnh” của “Tổ tự quản tàu thuyền trên biển” của phường Tam Quan Nam.

Nói về việc ngư dân bảo vệ biển, đảo, ông khảng khái: “Dân đi biển chúng tôi ăn sóng, nói gió vậy thôi, nhưng kiên cường và yêu nước lắm. Mỗi khi đụng độ với tàu nước ngoài, không ai sợ đâu, mà mắc gì phải sợ? Chúng tôi đánh bắt trong địa phận Việt Nam, tuân thủ nghiêm theo quy định của pháp luật, vừa kiếm thu nhập, vừa khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Nhiều lần thấy phương tiện lạ, hay các tàu có biểu hiện nghi vấn, chúng tôi đều báo cho mấy chú Biên phòng, Hải quân biết để có cách giải quyết kịp thời”.

Tuy tuổi đã lớn, giao tàu lại cho con cái, nhưng trong con người ông Tư Chiến vẫn đầy nhiệt huyết: “Tôi thường hay nói với các bạn thuyền rằng, khi vươn ra biển lớn, nhất là khu vực Trường Sa, Hoàng Sa, mỗi con tàu, mỗi ngư dân Việt Nam cũng trở thành một cột mốc chủ quyền. Không những không được vi phạm vùng biển nước ngoài mà trách nhiệm, ý thức về chủ quyền biển, đảo của nhiều chủ tàu, bạn thuyền đều phải được nâng lên”. Với những thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 01/CT-TTg ngày 9-1-2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, năm 2018, ông Tư Chiến được Bộ Tư lệnh BĐBP tặng Bằng khen.

Vừa bám biển, vừa bảo vệ chủ quyền biển, đảo

Theo Trung tá Huỳnh Công Hợi, Chính trị viên Đồn Biên phòng Tam Quan Nam, đơn vị quản lý 6 phường, xã trong tổng số 17 phường, xã của thị xã Hoài Nhơn. Có trên 60% dân số trong tổng số 93.978 nhân khẩu ở địa bàn sống chủ yếu bằng nghề khai thác, đánh bắt, nuôi trồng thủy, hải sản và dịch vụ nghề cá.

Những năm qua, Đồn Biên phòng Tam Quan Nam đã phối hợp tốt với địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, củng cố, duy trì 462 Tổ tự quản an ninh trật tự/8.326 thành viên; 466 Tổ tàu thuyền an toàn/1.833 thành viên. Cùng với đó là vận động hơn 3.600 chủ tàu, thuyền trưởng viết cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài. Đó cũng là lực lượng, là cánh tay nối dài hỗ trợ cho đơn vị trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ vùng biển, đảo. Điển hình trong đó là ông Bùi Thanh Ninh (còn gọi là Sáu Ninh, sinh năm 1957, ở phường Tam Quan Bắc).

Những “cột mốc sống” ngoài biển khơi
Cán bộ Đồn Biên phòng Tam Quan Nam và lãnh đạo địa phương tuyên truyền cho ngư dân về ý thức bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo. Ảnh: Đăng Bảy, https://dulich.petrotimes.vn

Đang là những ngày cận Tết Nguyên đán, tuy rất bận công việc, nhưng ông Sáu Ninh vẫn thu xếp để tiếp chúng tôi. Ông nói, BĐBP, nhất là Đồn Biên phòng Tam Quan Nam gắn bó, chia sẻ với ông mấy chục năm nay, nên coi nhau như người nhà. Hễ ai nhắc tới Biên phòng là ông thấy gần gũi, có cảm tình. Ngư dân ở vùng biển Hoài Nhơn này nhiều người biết tới gương ông Sáu Ninh từ 2 bàn tay trắng gây dựng nên cơ đồ trị giá hàng chục tỷ đồng, sở hữu 10 chiếc tàu đánh cá xa bờ.

Đặc biệt, ông còn là người tiên phong của Bình Định thành lập “Đội tàu đoàn kết đánh bắt thủy sản xa bờ”. Những lần tàu xuất kích, ông Sáu Ninh lại nhắc nhở anh em phải có trách nhiệm giữ gìn biển, đảo như giữ ngôi nhà chung. Ra ngoài biển xa càng cần phải đoàn kết, hỗ trợ nhau khi gặp hoạn nạn. Nhất là phải có ý thức và quyết tâm bám biển, giữ vững chủ quyền biển, đảo.

“Biển của mình mà, sao lại phải sợ ai. Do vậy, tôi luôn nhắc các thuyền trưởng, mỗi khi ra khu vực Hoàng Sa, Trường Sa, không nên tách rời nhau xa quá, có gì còn kịp hỗ trợ nhau. Nếu gặp tàu nước ngoài, chúng tôi luôn đặt chữ “nhẫn” lên đầu, tìm giải pháp xử lý ôn hòa, phù hợp quy định giữa các nước, không tạo “điểm nóng”, khó xử cho quan hệ ngoại giao của Chính phủ Việt Nam. Đó là cách chúng tôi bám biển, bảo vệ biển, đảo quê hương mình” - ông Sáu Ninh chia sẻ.

Suốt đời gắn bó với biển cả, là tấm gương sáng trong lao động sản xuất và trong bảo vệ biển, đảo Tổ quốc, ông Sáu Ninh vinh dự có lần được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến tận nhà thăm hỏi, động viên. Ông cũng đã nhiều lần ra Hà Nội để tham dự các hội nghị quan trọng về chủ quyền biên giới, gặp mặt những tấm gương điển hình tiêu biểu... Năm 2014, ông được Bộ Tư lệnh BĐBP tặng Kỷ niệm chương “Vì chủ quyền an ninh biên giới”. Năm 2015, ông được tặng Huân chương Lao động hạng Ba về thành tích tiêu biểu trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2015, góp phần xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc.

Ông Phạm Trương, Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Hoài Nhơn cho biết, quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, nên các thuyền trưởng cũng như ngư dân luôn nêu cao ý thức bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo. Nhiều người còn cung cấp nhiều thông tin quan trọng về những vụ việc xảy ra trên biển cho BĐBP và các cơ quan chức năng. Những việc làm đó của ngư dân đã góp sức bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới vùng biển, xây dựng tuyến Biên phòng lòng dân vững chắc. Họ chính là những “cột mốc sống” giữa biển khơi!

https://dulich.petrotimes.vn

bienphong.com.vn