Quả na với những công dụng và bài thuốc hay

01:06 | 18/01/2021

Theo dõi Du lịch - Năng lượng xanh trên
|
Năm nào cũng vậy, na chỉ xuất hiện đúng một lần trong năm đó là vào cuối tháng 8, đầu tháng 9, kéo dài trong 1-2 tháng, hiếm khi kéo dài tới đầu Đông. Na là loại quả "vạn người mê" vì là loại quả quê, sạch sẽ, an toàn và ngọt mềm phù hợp với vị giác của đông đảo người Việt.

Quả na rất giàu canxi, magiê, sắt, niacin và kali, giàu chất chống oxy hóa như vitamin C, giúp loại bỏ các gốc tự do khỏi cơ thể. Nhờ giàu vitamin A, quả na là thực phẩm siêu tốt cho người muốn có làn da, mái tóc khỏe đẹp và thị lực cũng tốt hơn vì đóng vai trò quan trọng trong việc giữ ẩm và chống lão hóa. Các lớp vỏ bên ngoài của quả na rất hữu ích trong việc chống lại sâu răng, đau răng. Có thể nói, ăn na đem lại vô vàn công dụng cho nhan sắc và sức khỏe.

Quả na với những công dụng và bài thuốc hay

Công dụng của quả na không chỉ khi cho trái chín thơm ngon. Quả na chín được dùng với tác dụng bồi bổ cơ thể. Trong khi đó, quả na điếc dùng trị mụn nhọt ở vú, chữa ho, viêm họng...

Na có tên khác là mãng cầu (Annona squamosa), phan lệ chi, mác kiếp. Na có mùi vị thơm ngon đặc biệt, nhất là na dai.

Lá na giã nát cùng với lá bồ công anh, đắp chữa sưng vú; nếu thêm lá ớt, lá táo, lá từ vi lại chữa mụn nhọt có mủ, đầu đinh. Lá na (10-20g) rửa sạch, giã nát, thêm nước, vắt lấy nước đem phơi sương một đêm, rồi thêm ít rượu mà uống trước khi lên cơn sốt rét khoảng hai giờ. Dùng riêng hoặc phối hợp với ngải cứu (10g), thạch xương bồ (8g), sắc uống. Dùng 5-7 ngày.

Rễ na cũng chữa sốt rét. Khi dùng, lấy 50g rễ na sắc uống với 30g rễ và lá cây ngâu rừng, 30g rễ xoan rừng.

Quả na ương (chín nửa chừng) thái nhỏ, bỏ hạt, sắc uống chữa kiết lỵ. Quả na chín chứa 14,5% đường glucose, 1,7% saccharose, protid nên được dùng với tác dụng bổ dưỡng.

Quả na đang lớn bị một loài nấm làm hỏng, tự khô xác có mầu nâu đỏ tím được gọi là quả na điếc hay sa lê, là một vị thuốc được dùng theo kinh nghiệm dân gian:

Chữa ho, viêm họng: Quả na điếc (50g), nhân hạt gấc (20g), sinh địa (50g), rễ xạ can (30g), cam thảo dây (25g), lá bạc hà (50g), lá chanh (25g), lá táo (25g). Tất cả phơi khô (riêng quả na điếc đốt tồn tính), giã nhỏ, tán bột, rồi trộn với 150g đường đã nấu thành sirô để làm viên, mỗi viên 0,5g. Người lớn: ngày uống 6-8 viên, chia làm hai lần; trẻ em: 3-6 viên. Dùng 3-5 ngày.

Chữa sốt rét: Quả na điếc (40g), giun khoang cổ (80g), phèn phi (20g). Quả na điếc đập vỡ vụn, tẩm rượu, sao vàng. Giun lộn trái, rửa sạch, tẩy bằng rượu, phơi khô, sao vàng. Hai thứ trộn với phèn phi, tán bột mịn và luyện với nước tỏi làm viên bằng hạt đỗ xanh. Người lớn: Ngày uống hai lần, mỗi lần 10 viên.

Chữa nhọt ở vú: Quả na điếc phơi thật khô, tán thành bột, rồi hòa với giấm, bôi nhiêu lần trong ngày.

Chữa tiêu chảy, kiết lỵ: Quả na điếc (20g, đốt tồn tính), cỏ lào (ngọn non, 50g), gạo tẻ (30g, rang thật vàng). Tất cả sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm ba lần trong ngày.

Hạt na giã nhỏ, ngâm rượu, ngậm nhổ nước chữa đau nhức răng. Dùng dung dịch rượu hạt na chấm vào chân tóc, giữ 15 phút, rồi gội đầu để trừ chấy. Không để dung dịch hạt na bắn vào mắt, có thể gây hỏng mắt. Nước sắc hạt na cũng diệt được chấy.

Vân Anh

https://dulich.petrotimes.vn

Chuyên trang du lịch rất mong nhận được bài viết, hình ảnh của bạn đọc. Xin vui lòng gửi về: [email protected]