Quảng Ninh: Huyện đảo Cô Tô - Nơi hội tụ những dòng chảy văn hóa biển

03:05 | 08/01/2022

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Đến Cô Tô mùa đông với tôi luôn là một cảm xúc đặc biệt. Ngoài vị thế về địa chính trị, địa kinh tế và địa quân sự, quần đảo Cô Tô còn là nơi hội tụ những dòng chảy văn hóa biển…

Đến Cô Tô, tôi chợt liên tưởng việc Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng ý cho đặt tượng Người tại đây khi Người còn sống hẳn là bắt nguồn từ tinh thần dùng văn hóa để bảo vệ đất đai cương thổ từ hơn 60 năm trước. Vì thế, giờ đây huyện đảo Cô Tô có thêm niềm tự hào to lớn khi Khu di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô đang được lập hồ sơ là Di tích cấp quốc gia đặc biệt. Đó là niềm vui không chỉ của nhân dân huyện đảo Cô Tô, mà là niềm tự hào của nhân dân Việt Nam.

Đến Cô Tô ta sẽ gặp ở đó là một gương mặt của những cư dân mới, họ đến và ở lại quãng trên dưới nửa thế kỷ nhưng cái mới ấy là một vóc dáng của nguồn lực văn hóa dân gian đậm chất văn hóa vùng ven biển Bắc Bộ. Với tôi, trong mỗi chuyến đi, dù ở góc độ nào, đến mỗi vùng đất, tôi luôn mang theo câu hỏi: Họ là ai và từ đâu đến?. Và không ngạc nhiên khi các cư dân Việt có những chuyến di cư đến mọi vùng đất nước Việt Nam đều mang theo tâm thức Việt, văn hóa làng rất rõ. Họ mang theo phong tục, tập quán và tín ngưỡng, mang theo tất thảy những gì từ quê hương tổ tiên ra vùng đất mới lập nghiệp như một hành trang không thể thiếu. Họ thích nghi và tiếp nhận văn hóa ở vùng đất mới một cách tự nhiên, một cách thức “nhập gia tùy tục” và để lại di sản rất lớn cho con cháu là các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể còn đến bây giờ.

Và tôi cứ day trở câu hỏi cư dân đến Cô Tô từ đâu, những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của Cô Tô có gì? Và cô bạn tôi – một công chức huyện Cô Tô hay làm thơ, gắn bó với đảo đã nói với tôi, ở quần đảo này có 50 hòn đảo lớn nhỏ đã có tên gọi và cô ấy đang ấp ủ một trường ca về những hòn đảo đó! Tôi ồ lên, thế thì tuyệt quá! Tôi biết chỉ mỗi gọi tên các cửa lạch, cửa biển, tên làng, tên xóm, tên hòn đảo to, hòn đảo nhỏ... đều trở thành tài sản văn hóa phi vật thể vô giá của huyện đảo Cô Tô. Đó là kho tàng văn hóa vô giá nơi mảnh đất đầu sóng này.

Quảng Ninh: Huyện đảo Cô Tô - Nơi hội tụ những dòng chảy văn hóa biển
Các văn nghệ sĩ của tỉnh trong một chuyến đi thực tế sáng tác tại Cô Tô, tháng 10/2021, https://dulich.petrotimes.vn

Với số dân chỉ dao động trên dưới 7.000 người, giữa bốn bề sóng nước, nhưng Cô Tô đã tạo cho những cư dân “mới” vô vàn những giá trị văn hóa được chưng cất từ các vùng quê từ Thanh Hoá, Nghệ An đến Đồng bằng Bắc Bộ đã hội tụ về đây. Vì thế, dù trở đi, trở lại nhiều lần, tôi mới thấm thía sự thầm lặng cống hiến các cư dân đã bám biển, bám đảo ở Cô Tô trên dưới nửa thế kỷ qua, họ là những báu vật dân gian sống, họ như những cột mốc văn hóa để góp phần làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, là sự bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của đất nước Việt Nam thân yêu. Vì thế, ở huyện đảo Cô Tô có thể coi là nơi hội tụ dòng chảy văn hóa biển, đã và đang hiện diện những góc riêng mang sứ mạng là văn hóa Cô Tô của thế kỷ 21.

Đặc điểm nổi bật là cư dân Cô Tô hiện đang cư ngụ trên quần đảo này là cư dân đa dạng văn hóa vùng miền, nhưng vẫn có mẫu số chung là Văn hóa vùng biển Đông bắc Tổ quốc. Dòng người đến đảo, dù trước, dù sau, đều là cư dân biết làm nghề biển, nếu làm nông nghiệp họ cũng thích nghi ngay các công việc nghề nông. Trên đảo Thanh Lân có những xóm tập trung dân đến từ Nam Định, Ninh Bình và Hà Nam. Họ đến đã mang theo nghề quen thuộc của mình là nghề biển, là đánh bắt hải sản, là nghề nuôi sống họ giàu có lên như nghề thu hoạch và chế biến con sứa. Một nghề mà không phải cư dân nào cũng thích nghi được. Nhiều hộ làm nghề sứa đã trở thành các thương nhân rất chuyên nghiệp, sản phẩm của họ đã đảm bảo là hàng hóa xuất khẩu.

Quảng Ninh: Huyện đảo Cô Tô - Nơi hội tụ những dòng chảy văn hóa biển
Đặc điểm nổi bật là cư dân Cô Tô hiện đang cư ngụ trên quần đảo này là cư dân đa dạng văn hóa vùng miền, https://dulich.petrotimes.vn

Đến Cô Tô sinh sống, các cư dân đã không quên mang theo các tập tục, tín ngưỡng ở quê. ở đảo Thanh Lân có Nhà thờ Thiên Chúa giáo vì ở đó có nhiều cư dân là theo đạo công giáo từ Hải Phòng và Nam Định. Ở bên đảo Cô Tô lớn có chùa Cô Tô dành cho những cư dân theo đạo Phật. Các xóm, cụm dân cư người Nghệ An, Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình… đều có những nét văn hóa riêng. Họ tới đây và giao thoa văn hóa tạo nên những nét văn hóa mang tên Cô Tô hôm nay.

Do công việc mà tôi gặp Hải, công tác tại một phòng nọ của huyện. Hải nhấn nhá kể rất nhiều chuyện biển đảo nơi gia đình cậu đã cư ngụ đến đời thứ tư rồi. Nghe Hải nói tôi nhận ra niềm yêu biển của cậu thì hiếm ai có được, dân văn phòng chính hiệu, nhưng buông giờ làm việc, có thể thu xếp được là Hải ra biển, hành trang là một tay lưới. Hải thả lưới, vẫy vùng trong làn nước biển Cô Tô xanh lùa cá vào lưới. Thành quả thả lưới đem về nhà ngả ra với một cách ăn cũng rất biển: Chỉ cần có xoong nước sôi, nắm lá chua hay quả chanh là có nồi cá riêu (hay người Cô Tô quen gọi là cá luộc) tuyệt vời.

Bữa đó tôi ngồi lan man với Hải và nhóm bạn, ngồi với một mẹt ốc lớn, đủ loại, những con ốc còn bám đầy rêu. Hải chỉ cho tôi đủ loại nào ốc nón, ốc đá, ốc gai, ốc… cơ man tên các loại ốc nếu thu thập đủ cũng là một câu chuyện thú vị, tại sao ốc có tên hay đến thế! Tôi ngồi nhìn Hải với cái phong thái điềm tĩnh, thong dong rót rượu ra ly, sắp sửa bát đũa mời bạn trong bữa tiệc dân dã ấy, chợt thấy Hải như mang vóc dáng nhân vật trong tác phẩm Ông già và biển cả của nhà văn Mỹ Hemingway.

Hải thủng thẳng: Ở Cô Tô vẫn có thi chèo bơi chị ạ. Là Lễ hội ''chèo bơi'' ở Quan Lạn có từ lâu đời, ăn sâu vào tiềm thức của người dân vùng đảo Vân Đồn, mang tinh thần thượng võ. Ồ, tôi chợt nhớ ra, con tàu đưa tôi đến Cô Tô phải qua dòng sông Mang lịch sử chảy dọc những dãy núi từ phía trong ra đây là gặp Cửa Đối, là gặp quần đảo Cô Tô mênh mang sóng nước. Qua sông Mang thì ai có thể quên chiến công Trần Khánh Dư đã lập mưu đánh chìm đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ, góp phần vào đại thắng quân Nguyên Mông lần thứ 3 vào năm 1288. Cái thú chơi đua thuyền ấy mang theo tinh thần thượng võ của cha ông được hình thành khi các thế hệ trước, những cư dân biển đảo luôn phải sẵn sàng trở thành dân binh bảo vệ làng xóm, quê hương, gia đình và bản thân mình ở nơi cửa biển này. Hải bảo quê cậu ở Minh Châu, cũng chỉ vài nhịp bơi chèo là đến quê. Hải mời tôi con ốc nón. Tôi còn đang loay hoay chưa biết làm thế nào để khêu thì Hải bảo: Ốc này dân đảo nhà em bắt về, người ta đập sống. Nó khá rắn nên phải dùng búa đập đấy, rồi lấy ruột để xào với măng chua, với lá lốt, đại loại thế. Rổ ốc hôm nay lại có một con thôi, nên em luộc cả, giờ, em đập luôn mời chị ăn nhé. Và với động tác thuần thục, Hải đập con ốc đưa cho tôi: Chị lấy ruột nó đi, loại này ăn đậm đà, thơm lắm!.

Tôi nhâm nhi cái vị ốc để cảm nhận đầy đủ theo cách Hải nói. Và, tôi như thấy biển cả dâng đầy, vị mặn của biển, vị ngọt của đất đảo, như hôm nay đúng cữ thủy triều, ngoài cầu cảng đang sóng lừng, những con sóng dâng trong lòng tôi, ấy là tâm thức Việt, dù đi đến đâu, cư dân Việt đều mang theo tất cả lề thói, tập tục, tín ngưỡng như câu thơ của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã viết trong trường ca Mặt đường khát vọng: “…Họ truyền giọng điều mình cho con tập nói/Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân…”.

Ấy là họ - những chuyến di dân đã góp phần làm nên Đất nước, họ là cột mốc văn hóa ở nơi biên cương tứ bề sóng gió này. Rồi thì vài ly rượu, Hải và nhóm bạn tiếp tục kể về việc câu mực đêm, vớt sứa, nhặt ốc, đẽo hà… với vô vàn câu chuyện xung quanh đó. Rồi chuyện rượu ngâm các loại quả có ở đảo là quả sim, quả ổi mọc tự nhiên trên rừng và thức uống dân dã đó như một dẫn dụ văn hóa của người vùng đảo. Vẫn giọng thủng thẳng, là tục chèo biển ấy mang từ đảo Quan Lạn quê nhà em ra đây. Ồ vậy hả?. Vâng, nó đã thành lễ hội từ xưa mà chị. Như ai cũng biết, dân biển giỏi bơi lội và có sức khỏe đặc biệt hơn vùng đồng bằng vì dân biển còn phải biết chèo thuyền giỏi. Vì phương tiện chính của cư dân biển là thuyền, ngày xưa bao thế hệ ăn ở trên thuyền, đi cả tháng nếu gặp gió bão thì tiện đâu ghé đó, tránh bão xong lại giong thuyền trên biển. Vì thế, có những làng dân chài lênh đênh trên vùng biển này trước năm 1960 của thế kỷ 20 rất đông vui.

Giờ thì dân biển đảo vùng Cô Tô, Vân Đồn này đều ở trên các hòn đảo là chính. Khi còn kiếm kế sinh sống lênh đênh thì hát hò giao duyên trên biển rất là vui vẻ và sảng khoái, họ hát cho quên nỗi nhọc nhằn của nghề, hát cho thỏa lòng mong nhớ cha mẹ, hát để ghẹo nhau, hát để gửi lời yêu nhau. Giờ thì có các câu lạc bộ hát chèo, câu lạc bộ dân vũ và những nét văn hóa các vùng miền tụ về đây rất phong phú như dâng cho Cô Tô một dòng chảy âm thầm trong dòng chảy văn hóa Việt ở mảnh đất tiền tiêu phía Đông bắc của Tổ quốc.

https://dulich.petrotimes.vn

quangninh.gov.vn