Quyết liệt ngăn chặn nạn khai thác thủy sản trái phép

19:40 | 10/10/2021

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Vì nguồn lợi trước mắt, một số bộ phận ngư dân trong và ngoài địa phương vẫn lén lút sử dụng các hình thức khai thác thủy sản trái phép ở vùng biển ven bờ của tỉnh Nghệ An. Hành vi trên gây cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, ảnh hưởng đến sự đa dạng sinh học và sinh kế của ngư dân chân chính. Thời gian qua, BĐBP và các lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An đã quyết liệt triển khai nhiều biện pháp để đấu tranh, ngăn chặn hành vi khai thác thủy sản tận diệt.
Quyết liệt ngăn chặn nạn khai thác thủy sản trái phép
Lực lượng liên ngành tỉnh Nghệ An tiếp cận, kiểm tra phương tiện khai thác thủy sản gần bờ. Ảnh: Nguyễn Hải/https://dulich.petrotimes.vn

Trong những năm qua, hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân chân chính trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ an ninh trật tự và chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Tuy nhiên, vẫn tồn tại tình trạng khai thác quá mức ở vùng biển ven bờ của một số đối tượng khiến cho nguồn lợi thủy sản dần cạn kiệt, tác động không nhỏ đến nguồn sinh kế của cộng đồng ngư dân ven biển.

Theo thống kê, hiện, tỉnh Nghệ An có 3.469 tàu thuyền khai thác thủy sản, các phương tiện khai thác thủy sản có chiều dài dưới 12m (chiếm khoảng 49% tổng số tàu thuyền của toàn tỉnh), chủ yếu khai thác trong vùng nước ven bờ và đã gây áp lực lớn cho nguồn lợi thủy sản. Theo phản ánh của ngư dân, các loài động vật không xương sống có giá trị như tôm hùm, trai tai tượng, ốc đụn, trai ngọc, bào ngư, hải sâm... vốn sinh sống ở vùng biển ven bờ của tỉnh Nghệ An hầu như biến mất.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do bị khai thác quá mức, trong đó có một bộ phận ngư dân lén lút sử dụng các phương thức đánh bắt tận diệt. Nhức nhối nhất là tình trạng sử dụng tàu giã cào công suất lớn khai thác ven bờ, dùng thuốc nổ, kích điện trong quá trình hành nghề...

Trước tình hình trên, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, các huyện, thị ven biển tiến hành điều tra, đánh giá lại nguồn lợi hải sản vùng ven bờ và vùng lộng, đề xuất các giải pháp bảo vệ và khai thác bền vững. Đồng thời, UBND tỉnh Nghệ An cũng khuyến khích ngư dân sử dụng các hình thức khai thác thủy sản ven bờ thân thiện với môi trường như làm nghề lưới rê, nghề câu; hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề khai thác ven bờ sang đầu tư tàu công suất lớn vươn khơi hoặc chuyển sang nghề nuôi trồng thủy sản.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong bảo tồn, bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản. Ngành Công an kịp thời phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, bảo tồn biển, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Đặc biệt là các hành vi sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản.

Cùng với đó, UBND tỉnh Nghệ An giao Bộ Chỉ huy BĐBP Nghệ An tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và vận động nhân dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Đồng thời, kiểm tra, kiểm soát việc xuất nhập bến, đẩy mạnh công tác phối hợp với các cấp, các ngành, địa phương, các lực lượng chức năng có liên quan tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện ra vào cửa lạch... Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Chỉ huy BĐBP Nghệ An, thời gian qua, các đồn Biên phòng tuyến biển và Hải đội 2 đã triển khai các biện pháp công tác, quyết tâm đẩy lùi hoạt động khai thác thủy sản trái phép ven bờ.

Trọng tâm là tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho ngư dân chấp hành đúng các quy định của pháp luật trong quá trình khai thác thủy sản, bảo vệ nguồn sinh kế lâu dài. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được các đơn vị triển khai bằng nhiều hình thức khác nhau, như tuyên truyền tập trung, vận động các chủ tàu, thuyền ký cam kết không sử dụng các hình thức khai thác hải sản trái phép. Đi cùng với đó, các đồn Biên phòng cử lực lượng tham gia với các đoàn công tác liên ngành do Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An chủ trì tuần tra, kiểm soát trên biển, trên cửa lạch, bãi ngang, nhằm giám sát và chống các hoạt động khai thác thủy sản trái phép ven bờ.

Chỉ tính từ đầu năm 2021 đến hết tháng 9/2021, các đoàn công tác đã phát hiện và xử lý 244 vụ/244 lượt phương tiện có hành vi khai thác thủy sản trái với quy định của pháp luật, xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 1,2 tỷ đồng. Riêng các đồn Biên phòng tuyến biển và Hải đội 2, BĐBP Nghệ An tổ chức tuần tra, kiểm soát ở các cửa lạch, bãi ngang 192 đợt, xử phạt vi phạm hơn 700 triệu đồng; thu giữ 8 bộ kích điện, 155m dây điện...

Điển hình, trong chuyến tuần tra trên biển từ ngày 7 đến 14/6, đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Nghệ An đã phát hiện, xử phạt đối với 5 trường hợp tàu cá vi phạm gồm: Tàu cá NA 2531 TS, do ông Đặng Văn Thành, trú tại xóm Yên Quang, xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An làm chủ, vi phạm do ghi không đầy đủ nhật ký khai thác thủy sản đối với tàu có chiều dài dưới 24m, vứt bỏ trái phép ngư, lưới cụ xuống vùng nước tự nhiên; tàu cá NA 3651 TS do ông Trần Văn Danh, trú tại xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu làm chủ, vi phạm về hành vi vứt bỏ trái phép ngư cụ xuống vùng nước tự nhiên; tàu cá TH 2146 do ông Mai Văn Lực, trú tại xã Hải Hà, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa làm chủ, vi phạm do tàng trữ công cụ kích điện; tàu cá NA 90166 TS do ông Bùi Văn Kính, trú tại xóm 12, xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, vi phạm do vứt bỏ trái phép ngư cụ xuống biển và ghi sổ đăng ký tàu cá không đúng quy định; tàu cá NA 93046 TS do ông Hồ Đức Tân, trú tại xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu làm chủ, vi phạm do tàng trữ công cụ kích điện để khai thác thủy sản trái phép.

Từ công tác tuyên truyền, vận động nhân dân kết hợp với tuần tra, kiểm soát và xử phạt nghiêm khắc của các lực lượng chức năng trong thời gian qua đã khiến hoạt động khai thác thủy sản trái phép ở vùng biển ven bờ tỉnh Nghệ An phần nào được kiềm chế, tuy nhiên, vẫn còn tiềm ẩn những diễn biến phức tạp. Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng và BĐBP Nghệ An sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát, vừa tuyên truyền, nâng cao nhận thức của ngư dân, vừa kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm.

https://dulich.petrotimes.vn

bienphong.com.vn