Rong chơi làng chài

19:30 | 30/09/2021

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Thiên nhiên ưu ái ban tặng cho Bình Ðịnh nhiều bờ biển đẹp. Những làng chài ở đây vừa chắc khỏe ở những hình ảnh lao động, vừa thơ mộng với những nét lượn duyên dáng bất ngờ. Sự kết hợp nhuần nhị ấy khiến sức hút từ các làng chài thật khó cưỡng.

Đến làng chài, ngắm "Thuyền trăng Hàn Mặc Tử"

Như những làng chài miền Trung khác, các làng chài xứ Nẫu cũng bình dị, cũng có những không gian bao la khiến biển - trời như đan vào nhau làm một. Bãi Xép, Hải Minh, Nhơn Hải, Nhơn Lý… là những làng chài lâu đời, nổi tiếng với khung cảnh yên bình, được nhiều du khách ghé thăm khi đến Quy Nhơn. Đến đây, du khách sẽ có những trải nghiệm độc đáo như lặn ngắm san hô, câu cá, bắt ốc, thưởng thức các món ăn được chế biến từ hải sản.

Làng chài Tân Phụng, Phù Mỹ.
Làng chài Tân Phụng, Phù Mỹ.

Nhưng đến nếu muốn tìm không gian đẹp, độc đáo và lạ lẫm, bạn nên đến làng chài Quy Hòa. Nhắc đến Quy Hòa, người ta thường nghĩ tới Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa và những bệnh nhân phong. Nhưng ngay trong khuôn viên bệnh viện còn có một làng chài yên bình, với những ngư dân chèo lái con thuyền mang cái tên nghe rất thơ - “Thuyền trăng Hàn Mặc Tử”.

Đó là một chiếc thuyền có thật.

Người tạo ra những con thuyền đặc biệt này là ông Lê Văn Chín (55 tuổi, quê ở TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận). Vừa tỉ mẩn chuốt thân cây tre làm khung thuyền, cẩn thận cắt những tấm phuy nhựa làm thân thuyền, ông Chín tâm sự: “40 năm trước, tôi đến Quy Hòa chữa bệnh. Trong cơn bĩ cực đến tuyệt vọng, nụ cười hồn hậu của những bệnh nhân đã chào đón và giữ tôi ở lại với cuộc đời này. Bà con nơi đây chỉ kéo lưới gần bờ vì điều kiện sức khỏe không cho phép, phương tiện ra khơi chủ yếu là thuyền thúng tre hoặc bè tự chế, cả hai thứ đều khá nặng và không hợp với bệnh nhân phong. Sau nhiều năm mày mò nghiên cứu, tôi đã chế tạo được mẫu thuyền bằng nhựa, có hình dáng như vầng trăng khuyết, tạo điều kiện cho người dân đi đánh cá an toàn và hiệu quả hơn”.

Ngư dân làng chài Quy Hòa đóng thuyền.
Ngư dân làng chài Quy Hòa đóng thuyền.

Từ cổng chính của bệnh viện đi dọc theo bờ biển về phía Nam, ta sẽ bắt gặp hình ảnh những căn nhà nhỏ ẩn mình trong rừng hoa giấy. Trước hiên nhà, phụ nữ đan lưới, trẻ em nô đùa, đàn ông đóng thuyền, sửa thuyền - những chiếc thuyền nhựa xanh tươi màu hy vọng! Họ kể về tình yêu với mảnh đất này, về những buổi sáng ngắm mặt trời mọc trên biển, dù đã khỏi bệnh nhưng vẫn không muốn rời xa nơi đây.

Cổ kính vạn chài Bình Thái

Vạn chài Bình Thái ở thôn Bình Thái, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, luôn cổ kính trong không gian yên tĩnh, thanh bình. Cũng như nhiều làng chài khác, Bình Thái hút ánh nhìn đầu tiên bằng những chiếc thuyền neo đậu ven bờ, bè nuôi cá và những ngư dân đang bận bịu với công việc của mình. Nhà trong làng san sát nhau, đường vào làng nhỏ, hẹp tựa một mê cung.

Bà Nguyễn Thị Mãnh (thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, TX Hoài Nhơn) chuẩn bị lưới, dụng cụ để ra khơi.
Bà Nguyễn Thị Mãnh (thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, TX Hoài Nhơn) chuẩn bị lưới, dụng cụ để ra khơi.

Vạn chài Bình Thái còn hấp dẫn bởi nét cổ kính hiếm có. Ở đây vẫn giữ bền lễ hội cầu ngư độc đáo hằng năm vào ngày 16/2 âm lịch. Chính quyền thôn, xã, ban đại diện vạn chài và người dân địa phương cùng tổ chức lễ hội, cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, bà con ngư dân làm ăn khấm khá. Điểm nổi bật của lễ hội là tiết mục chèo bả trạo, tái hiện sinh động cảnh sinh hoạt, lao động của người dân làng chài. Ở Bình Định, lễ hội cầu ngư không hiếm, nhưng ít nơi giữ được khung cảnh và không khí lễ hội vừa nồng hậu vừa mộc mạc như Bình Thái, nên mấy năm gần đây, cứ đến dịp này, đông đảo du khách lại rủ nhau trẩy hội.

Ông Đặng Văn Hiếu, Vạn trưởng vạn nghề thôn Bình Thái, cho biết: “Sau lễ cầu ngư, người dân trong thôn sẽ vui chơi, giao lưu nghệ thuật. Mỗi dịp như vậy có rất đông người tham gia. Không chỉ có già, trẻ, lớn, bé trong làng chài mà khách du lịch ở khắp nơi cũng đến đây để tham quan”. Nếu bạn đến Bình Thái, hình ảnh của những hàng đước cắm rễ sâu xuống nước, gìn giữ từng bờ ao, đìa nuôi hải sản của bà con sẽ ở lại thật lâu trong ký ức của bạn. Ngay cả trong một ngày bình thường trời nước, cỏ cây xanh thẳm cũng đủ khiến tâm hồn bạn nhẹ bâng.

Lộ Diêu và vệt nối biển trời

Từ TP Quy Nhơn vượt cầu Thị Nại qua bán đảo Phương Mai, ruổi rong trên cung đường ven biển, ta sẽ được dịp “duyệt” qua những làng chài tuyệt đẹp chen cùng những đồi cát vàng đẹp mê ly. Đó là làng chài Trung Lương (xã Cát Tiến, huyện Phù Cát), nơi có rừng cây xanh ngăn ngắt Vũng Tô nép mình dưới núi Bà, nơi Hòn Vọng Phu nhìn ra phía biển đợi chờ bao đời. Làng chài Vĩnh Lợi, Tân Phụng ở huyện Phù Mỹ với một loạt thắng cảnh lừng danh như hải đăng Hòn Nước, Mũi Rồng… Nhưng không đâu bằng làng chài Lộ Diêu (TX Hoài Nhơn). Bãi đá, bãi gành ở Lộ Diêu hiện ra như một “nàng tiên” chờ đợi bạn ở cuối chặng hành trình.

Làng chài Lộ Diêu thuộc thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, TX Hoài Nhơn, nơi say đắm lòng người này từng là chổ ẩn cho tàu không số. Ngày 1/11/1964, tàu không số đầu tiên mở bến khu 5, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân phối hợp đưa tàu cập bến, chuyển vũ khí an toàn, chi viện cho chiến trường khu 5, góp phần đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, Lộ Diêu đã đi vào lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển.

Biển Lộ Diêu.
Biển Lộ Diêu.

Người dân Lộ Diêu sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt hải sản, kể cả phụ nữ. Rất nhiều phụ nữ Lộ Diêu sát vai bên chồng ra khơi đánh bắt hằng ngày trở thành hình ảnh vừa khỏe khoắn, đáng yêu vừa ngân lên một cung bậc khác của giai điệu hạnh phúc. Bà Nguyễn Thị Mãnh, một nữ ngư phủ Lộ Diêu, chia sẻ: “Ban đầu cũng vất vả nhưng mình mau chóng quen dần. Sau những lần lênh đênh trên sóng biển, vượt qua cuộc mưu sinh, tôi thêm yêu thương chồng con mình hơn, chia sẻ được nhiều hơn. Có lẽ vì thế mà phụ nữ Lộ Diêu mạnh mẽ mà vẫn rất đằm thắm”.

Đứng trên gành đá Lộ Diêu, bạn sẽ đắm đuối với bức tranh thiên nhiên hùng vĩ được bao quanh bởi rừng xanh và sóng biển trắng xóa dạt vào bờ. Bất kể mùa nào trong năm, Lộ Diêu cũng có thể làm du khách xiêu lòng. Xuân hè biển trong xanh, cát vàng lấp lánh dưới nắng; mùa đông biển cuồn cuộn sóng, gió rít qua từng khe núi. Cảnh trí khoáng đạt của Lộ Diêu thích hợp với những du khách yêu thích thiên nhiên, muốn được khám phá cảnh đẹp nguyên sơ của núi, rừng, biển. Đứng giữa biển trời Lộ Diêu, ta bất ngờ có cảm giác dường như mình đang là vệt nối giữa biển và trời.

https://dulich.petrotimes.vn/

Báo Bình Định