Sừng sững Núi Nản

19:12 | 28/01/2023

Theo dõi Du lịch - Năng lượng xanh trên
|
Ngay cửa ngõ thị trấn Chợ Chu (Định Hóa), núi Nản sừng sững án ngữ như bức tường thành. Bao đời qua, dãy núi đã góp phần tạo nên phòng tuyến vững chắc và trở thành điểm tựa của nhân dân vùng An toàn khu năm xưa.
Đồi chè Cầu Đá - Điểm tham quan, check in tuyệt vời dành cho du khách tại Thái NguyênĐồi chè Cầu Đá - Điểm tham quan, check in tuyệt vời dành cho du khách tại Thái Nguyên
Thái Hải trở thành Làng Du lịch tốt nhất thế giới năm 2022Thái Hải trở thành Làng Du lịch tốt nhất thế giới năm 2022
Sừng sững Núi Nản
Núi Nản sừng sững án ngữ khu vực phía Đông trung tâm huyện Định Hóa.

Nản trên, Nản dưới

Núi Nản là dãy núi đá vôi thuộc cánh cung Sông Gâm, chạy dài từ tỉnh Bắc Kạn sang phía Bắc huyện Định Hóa, qua trung tâm huyện đến xã Trung Hội, địa hình thấp dần theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Trên địa bàn huyện Định Hóa, người dân ngầm chia núi Nản thành Nản trên và Nản dưới. Trong đó, Nản trên nối tiếp cánh cung Sông Gâm, chạy qua địa bàn các xã Linh Thông, Quy Kỳ, Lam Vỹ. Nản dưới nằm ở các xã, thị trấn: Kim Phượng, Tân Thịnh, Tân Dương, Chợ Chu, Bảo Cường, Phượng Tiến, Trung Hội. Nản dưới có vị trí như trái tim ở khu vực trung tâm huyện Định Hóa.

Theo người dân địa phương, vào thời xa xưa, núi Nản có nhiều cây gỗ lớn và thú dữ. Trên núi có cả hổ trắng, đôi lần cũng hạ sơn, bắt vật nuôi của người dân dưới chân núi, nhất là dê do người dân các xã Trung Hội, Bảo Cường, thị trấn Chợ Chu chăn thả. Núi Nản cũng cung cấp nhiều cây thuốc quý và thực phẩm cho bà con.

Tuy nhiên, đường lên núi Nản không hề dễ dàng. Ông Trương Duy Niên, gần 80 tuổi, ở xóm 4, xã Định Biên (Định Hóa), chia sẻ: Thời còn trẻ, tôi thường trèo lên núi Nản để lấy thuốc và kiếm củi. Hầu hết các mặt núi đều dựng đứng, không có đường lên. Người dân chỉ có thể leo lên Nản dưới qua những sườn núi thoải phía khu vực Quán Vuông, từ đó vượt quãng đường rừng hàng ngày trời mới lên được đỉnh cao nhất của núi. Bởi vậy, đỉnh núi Nản vẫn là bí ẩn với các thế hệ người dân Định Hóa. Bà con vẫn đồn thổi rằng, hiện nay nơi đó có nhiều cây thuốc quý và các loài động vật hoang dã.

Sừng sững Núi Nản
Nhiều dòng suối chảy từ núi Nản tạo cảnh đẹp thiên nhiên kỳ thú.

Về cái tên núi Nản, ông Trương Duy Niên và nhiều người cao tuổi đều không biết có từ bao giờ và bắt nguồn từ đâu. Nhưng ông suy luận, có lẽ các sườn núi đá dựng đứng đã thách thức bao thế hệ, biết bao người không thể vượt núi, nghĩ đến là nản và cái tên núi Nản có thể mang ý nghĩa mộc mạc đó.

“Tường thành” vững chãi

Là một dãy núi đá cao sừng sững, núi Nản như bức tường thành án ngữ khu vực phía Đông trung tâm huyện Định Hóa. Ông Hoàng Văn Luận, hơn 80 tuổi, ở xã Định Biên, một trong những người tham gia nghiên cứu và viết sách sử về vùng đất Định Hóa, nhận định: Cùng các dãy Đèo Ải ở phía Bắc, Đèo Muồng ở phía Tây, Đèo De ở phía Nam, núi Nản tạo cho trung tâm huyện Định Hóa một địa thế kín đáo, “Tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lịch sử ghi nhận Định Hóa đã trở thành cứ điểm rất quan trọng trong nhiều thời kỳ lịch sử.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, do có vị trí chiến lược đặc biệt, Định Hóa đã được Trung ương Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm trung tâm căn cứ địa, nơi các cơ quan đầu não kháng chiến, các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước ở và làm việc. Và, các xã, thị trấn dưới chân núi Nản đều chất chứa nhiều dấu tích của một thời kháng chiến đầy tự hào.

Sừng sững Núi Nản
Chùa Hang - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng ở và làm việc - có ban thờ Người. Những năm qua, đông đảo du khách thập phương đã về đây thắp nén nhang thơm, kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ công lao trời biển của vị Cha già dân tộc.

Ở thị trấn Chợ Chu, trung tâm huyện Định Hóa, có chùa Hang - ngôi chùa “thiên tạo” nằm trong lòng dãy núi Nản hùng vĩ - còn ghi dấu một sự kiện trọng đại: Chủ tịch Hồ Chí Minh đến ở và làm việc trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Ông Dương Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND thị trấn Chợ Chu, cho biết: Theo các tài liệu lịch sử, Bác Hồ chọn chùa Hang để ở, làm việc và giữ gìn các kiện hàng là tài sản quốc gia. Khoảng thời gian ở chùa Hang có vai trò quan trọng để Người chuẩn bị các điều kiện cho một sự kiện lịch sử nhằm hoạch định đường lối, chủ trương cách mạng phù hợp với tình hình mới.

Điểm tựa của người dân

Nhắc đến chuyện lên núi Nản, ông Trương Duy Niên vẫn không quên được cảnh vườn cam trên dãy Nản dưới. “Đó là vào khoảng những năm 70 của thế kỷ trước, tôi chứng kiến cả vườn cam sai trĩu quả trên bãi phẳng lưng chừng núi. Người đi rừng như tôi không biết chủ vườn cam nhưng không ai dám hái quả. Tuy nhiên, về sau, do đường đi lại khó khăn, trồng, chăm sóc và thu hoạch rất vất vả, cộng với núi đá lởm chởm, diện tích có thể trồng cây rất nhỏ, nên hiện không còn ai trồng cây trên núi” - ông Niên chia sẻ.

Hiện nay, các loại cây trên núi Nản đều là mọc tự nhiên, chủ yếu là cây bụi. Những tán cây xanh ngát núi trở thành địa điểm lý tưởng để người dân chăn nuôi trâu, bò và dê. Nhiều năm qua, các xã Trung Hội, Phượng Tiến, Kim Phượng… dưới chân núi Nản vẫn là địa phương nuôi gia súc ăn cỏ số lượng lớn trên địa bàn Định Hóa. Buổi sáng và chiều tà, cảnh dê ngược, xuôi núi Nản cũng tạo nét chấm phá cho bức tranh trù phú, sung túc của Định Hóa.

Sừng sững Núi Nản
Nhờ tập trung phát triển kinh tế, đời sống của người dân Định Hóa ngày càng ổn định, ấm no.

Từ núi Nản, những lạch nước trong vắt róc rách chảy hợp nguồn vào dòng suối Chợ Chu, cung cấp nước cho người dân địa phương canh tác lúa trên những cánh đồng dưới chân núi. Bao đời nay, người dân bám ruộng, bám núi, vươn lên sản xuất, kinh doanh, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Các xã, thị trấn dưới chân núi Nản như: Chợ Chu, Trung Hội, Bảo Cường, Phượng Tiến, Kim Phượng… nhiều năm qua vẫn đi đầu trong huyện về phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới.

Một điều đặc biệt nữa là từ năm 2007, trên núi Nản có trạm vi ba của Viễn thông Định Hóa. Trạm có độ cao gần 1.000m so với mặt nước biển, ở đó có một căn nhà cấp 4 nhỏ, một nửa lợp tôn, nửa còn lại đổ mái bằng. Tất cả có 4 phòng, 2 phòng để thiết bị, một phòng đặt máy nổ, một phòng vừa đựng đồ đạc và nơi nấu ăn.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Kỹ thuật - Đầu tư, Viễn thông Thái Nguyên, cho biết: Trạm có nhiệm vụ truyền tải tín hiệu viba cho hệ thống tổng đài, thiết bị di động giữa các khu vực lân cận. Khoảng năm 2015, hệ thống viba ngừng sử dụng. Trạm được đầu tư thiết bị chuyển sang nhiệm vụ phát sóng di động và truyền hình. Sự xuất hiện của trạm đã giúp thông tin liên lạc thông suốt, không còn tình trạng sóng yếu do dãy núi đá sừng sững ngăn trở…

Núi Nản qua bao đời vẫn vậy, sừng sững trấn giữ, bảo vệ khu vực trung tâm huyện. Dãy núi như một biểu tượng về sự vững chãi, an toàn của vùng An toàn khu và người dân Định Hóa.

Quốc Tuân/ Báo Thái Nguyên

https://dulich.petrotimes.vn/

Chuyên trang du lịch rất mong nhận được bài viết, hình ảnh của bạn đọc. Xin vui lòng gửi về: [email protected]