Tên móc túi dạy ta một bài học

12:23 | 18/03/2019

Theo dõi Du lịch - Năng lượng xanh trên
|
Tôi từng nghe người ta nhắc nhở nhiều về tệ nạn móc túi ở các thành phố du lịch nổi tiếng thế giới như Paris, Rome, London, và đặc biệt là Barcelona. Mọi người cũng phổ biến cho tôi một số kinh nghiệm chống móc túi và tôi cũng đã đi qua Paris, London, Rome một cách an toàn, không mất mát gì. Nhưng khi tới Barcelona thì tôi trở thành nạn nhân của tụi móc túi trên tàu điện ngầm.  

Đó là ngày cuối cùng tôi ở Barcelona (Tây Ban Nha). Theo kế hoạch, chúng tôi lên máy bay lúc 19h30 hôm đó, nên tranh thủ cả ngày để đi thăm quan thêm hai điểm du lịch nổi tiếng nữa, đó là Sân vận động Camp Nou (Câu lạc bộ FC Barcelona), và Công viên Ciutadella. Để tránh bị mất cắp, những ngày trước đó tôi để hộ chiếu và ví tiền ở lại khách sạn, chỉ mang đi chừng 100 Euro để chi tiêu ăn uống và vé thăm quan. Tiền và bản photo hộ chiếu, tôi để trong một túi ni-lon nhỏ trong ba lô, cùng với máy ảnh và một số đồ lặt vặt khác. 5 ngày đầu đi lại ở Barcelona, sử dụng các phương tiện như tàu điện ngầm, tàu hỏa, bus, đi vào các đám đông chen chúc trong các khu du lịch nổi tiếng nhưng tôi không bị kẻ móc túi tấn công nên hầu như quên mất việc phòng vệ. Đến ngày cuối cùng, chúng tôi trả phòng khách sạn, gửi lại hành lý nặng, chỉ mang theo ba lô khi đi thăm quan nốt hai điểm định đến trong ngày.

ten moc tui day ta mot bai hoc
Bên trong tàu ngầm tại Barcelona

Hầu như quên bẵng tệ nạn móc túi thiện nghệ tại Barcelona, tôi đã bỏ hộ chiếu và ví tiền vào cái túi ruột gà, đeo ở thắt lưng. Khi lên tàu điện ngầm để đi tới công viên Ciutadella, vừa bước lên tàu điện ngầm, tôi thấy có nhiều người chen lên, do tàu đông hơn bình thường nên tôi lùi lại nhường cho em gái và con nhỏ lên trước. Vừa lúc ấy, có người đàn ông mặc áo thun màu đỏ đun kêu lên một câu gì đó bằng tiếng Tây Ban Nha và lao ngược ra phía cửa tàu, chen qua sát người tôi, tôi nhìn theo anh ta thì thấy anh ta lao ra để giúp một người đàn ông đang cố nâng xe nôi trẻ em lên tàu. Tôi né ra để họ có đường rộng hơn lên tàu, rồi tôi nhìn lên để quan sát bảng báo ga sắp tới mà chuẩn bị xuống tàu. Chúng tôi chỉ đi qua một ga rồi phải xuống và chuyển sang chuyến tàu khác mới tới được công viên.

Trong lúc chạy qua đường nối để tìm chuyến tàu cần chuyển, tôi đột ngột phát hiện ra cái miệng túi ruột gà của tôi mở toang hoác! Tôi lập tức lật nắp túi lên thì chiếc ví nhỏ của tôi không cánh mà bay. Tôi hốt hoảng kêu lên với em gái:

Chị bị mất ví rồi!

Trời ơi! - Em gái tôi sững lại - Mất nhiều tiền không? Có mất hộ chiếu không?

Tôi lục lại cái túi ruột gà. Ngăn để hộ chiếu của tôi vẫn đóng kín, thế là hộ chiếu không mất. Ví tiền tôi chỉ để 100 Euro, vài cái ảnh thẻ dự trữ của tôi và chồng, tờ giấy nhỏ ghi địa chỉ một số người quen ở châu Âu và mã mở email, tài khoản ngân hàng, cái sim điện thoại Việt Nam...

Nhưng tôi choáng lần nữa khi nhớ ra trong ví nhỏ bị mất còn để cái thẻ visa (thẻ ghi nợ ngân hàng). Trong thẻ này tôi được phép tiêu trước 80 triệu đồng, sau 45 ngày mới phải trả nợ. Khi chi tiêu tại các cửa hàng, chỉ cần quẹt thẻ mà không cần bấm mã! Tôi cần phải khóa thẻ trước khi tên móc túi kịp tiêu tiền của tôi!

Tôi gọi điện cho người quen tại Ngân hàng tại Việt Nam nhờ khóa thẻ, nhưng hôm đó lại là thứ Bảy, ngày nghỉ nên người quen bảo phải gọi điện tới số hotline mới xử lý được. Mấy chừng gần 1 tiếng đồng hồ, thẻ visa của tôi mới khóa được.

Tôi ngơ ngẩn mất cả ngày, dù chúng tôi vẫn cứ đến được công viên Ciutadella thăm quan, dù tôi không mất tất cả số tiền mang theo trong người. Có lẽ là cảm giác xấu hổ khi ta bị kẻ gian qua mặt dễ dàng. Tôi đã cẩn thận đến thế mà vẫn có lúc sơ sẩy, tạo điều kiện cho móc túi tấn công. Lỗi là ở chính mình mà thôi! Tên móc túi thiện nghệ đã tạo tình huống giúp đỡ người khác, đánh lừa sự chú ý của tôi để mở túi của tôi mà tôi không hay biết gì. Tôi đã không tập trung vào chính mình, mải chú ý đến bên ngoài nên gặp vận rủi.

Bài học mà tôi nhận được khi du lịch, đó là cần biết ngụy trang. Những tên móc túi thường chú ý đến ví tiền. Vì thế, đừng bao giờ mang ví. Ví vừa làm nặng hành trang, lại vừa là trọng tâm tấn công của móc túi. Tiền nên chia nhỏ ra để ở các phần khác nhau trong hành trang. Tiền và thẻ ngân hàng có thể kẹp vào mảnh giấy, để trong túi nilon có răng cài, loại ở các sân bay phương Tây phát miễn phí cho khách để đựng mỹ phẩm dung tích nhỏ mang lên khoang hành khách máy bay. Túi nilon này để lẫn cùng các đồ dùng vặt vãnh khác để trong trường hợp tên móc túi có mở được túi của ta, cũng không chú ý đến cái túi nilon đựng tiền. Hắn sẽ không ngờ rằng tiền lại để trong túi nilon. Nếu không dùng túi nilon, ta có thể cuộn gọn tiền lại, để trong hộp nhựa đựng thuốc cũng gọn nhẹ và an toàn hơn. Kẻ gian khi mò vào túi, sẽ không lấy hộp đựng thuốc làm gì. Có người bạn Đài Loan chuyên du lịch còn mách tôi cách may một đai lưng giả bằng vải, nhét tiền bên trong, đeo quanh eo lưng, phủ áo ra ngoài cũng rất an toàn.

Đặc biệt là hộ chiếu, bạn không bao giờ được để mất hộ chiếu, vì hộ chiếu còn quan trọng hơn tiền. Hộ chiếu chỉ mang theo người khi ra sân bay, hoặc di chuyển đến nơi ở mới. Hộ chiếu cũng nên để sát người, có khóa. Tốt nhất là cho hộ chiếu vào túi áo bên trong, có zip kéo hoặc nút gài chắc chắn.

Ta cũng nên có những ổ khóa nhỏ, để khóa hai đầu zip kéo lại với nhau, cho dù túi hoặc ba lô đã đeo trước ngực. Bởi tên móc túi cần hành động nhanh, nên khóa sẽ khiến chúng bó tay dù có chạm được đến túi của ta. Nếu không có ổ khóa, ta có thể dùng tạm sợi dây đồng nhỏ để xoắn hai đầu zip khóa kéo lại.

Bài học thấm thía nữa mà tôi thu nhận được từ kẻ móc túi, đó là khi du lịch, những gì ta tiêu đi cho các điểm thăm quan, bảo tàng, cho món ăn ngon, thì kẻ móc túi dù thiện nghệ đến mấy cũng không moi của ta được. Chỉ có tiền, điện thoại, trang sức quý, những tài sản mà ta cố mang vác và gìn giữ vất vả, thì có thể mất đi bất cứ lúc nào, dù ta thận trọng đến mấy. Những tri thức ta đã nạp vào đầu, những cảnh đẹp ta thu nhận vào ký ức, những thức ăn ngon ta đã thưởng thức, thì không kẻ gian nào móc được của ta.

Tôi lại thấm thía lần nữa câu nói chí lý của một danh nhân, rằng “Tiền mà ta đã tiêu đi mới là tiền của ta. Tiền còn giữ lại chưa chắc đã là của ta!”.

Việt Quất

Chuyên trang du lịch rất mong nhận được bài viết, hình ảnh của bạn đọc. Xin vui lòng gửi về: [email protected]