Tết năm cùng của người Dao xứ Thanh

03:05 | 15/01/2022

Theo dõi Du lịch - Năng lượng xanh trên
|
Tết năm cùng của người Dao quần chẹt ở Thanh Hóa là nét văn hóa đặc trưng, thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó của anh em trong dòng họ và tình đoàn kết cộng đồng.

Ý nghĩa Tết năm cùng

Tết năm cùng là một trong 3 cái tết quan trọng trong một năm của cộng đồng người Dao ở xứ Thanh cũng như đồng bào Dao quần chẹt nói riêng ở các huyện miền núi Cẩm Thủy, Ngọc Lặc. Cứ cuối tháng 11, đầu tháng 12 âm lịch hàng năm, hầu hết các gia đình trong thôn lần lượt chuẩn bị cỗ, mời thầy cúng về làm lễ và mời anh em, họ hàng đến ăn Tết.

Tết năm cùng cũng là dịp để anh em, người thân làm ăn xa về tụ họp, lễ cúng tổ tiên, báo cáo một năm làm ăn thuận lợi và cầu mong một năm mới làm ăn thuận lợi, gia đình khỏe mạnh. Nghi lễ thờ cúng ngày Tết năm cùng của đồng bào dân tộc Dao quần chẹt không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn thể hiện sự thành kính của con cháu với tổ tiên. Vì vậy, công tác chuẩn bị và bày trí cho nghi lễ này được đồng bào rất chú trọng.

Nghi lễ quan trọng nhất

Trong Tết năm cùng của đồng bào Dao quần chẹt xứ Thanh thì nghi lễ cúng là quan trọng nhất. Trong tín ngưỡng thờ cúng, đồng bào Dao chịu ảnh hưởng sâu sắc của Khổng giáo, Phật giáo và nhất là Đạo giáo. Ba mâm lễ lần lượt được bày biện thành kính để cúng hương hỏa tổ tiên (những bậc cao niên trong gia đình), cúng Bàn vương (thủy tổ của người Dao) và cúng quần chúng gia tiên (những người nhỏ hơn trong gia đình như vợ, con...).

Các thầy cúng sẽ thay mặt gia chủ kính cáo với tổ tiên, bàn vương, gia tiên những công việc đã làm được và những công việc chưa làm được trong năm, đồng thời cầu mong những điều may mắn, thuận lợi sẽ đến trong năm mới.

Mâm cỗ ngày Tết

Để đón Tết năm cùng, các gia đình dân tộc Dao đã tăng gia sản xuất, chuẩn bị trước 2 tháng như nuôi heo, nuôi gà trống thiến, chuẩn bị gạo nếp, nguyên liệu làm bánh...

Tết năm cùng của người Dao xứ Thanh
Phụ nữ Dao ở Thanh Hóa nặn bánh để sử dụng trong lễ đón Tết năm cùng

Trong ngày Tết năm cùng, có 3 món ăn không thể thiếu trong mâm cơm cúng là thịt heo, gà và bánh dày. Heo phải mổ nguyên cả con, thủ heo được dùng để làm lễ cúng, phần còn lại được chế biến thành các món ăn. Để mổ heo, từ sáng sớm, những thanh niên khỏe mạnh, nhiệt tình trong dòng họ đều được trưởng họ huy động đến để đi bắt heo, mổ heo và tham gia vào việc giã bánh dày. Bánh dày được làm từ gạo nếp đồ thành xôi chín, sau đó cho vào cối đá giã nhuyễn, trộn cùng với vừng rang rồi nặn thành từng chiếc bánh tròn vừa ăn.

Chúc nhau những điều tốt đẹp

Sau nghi lễ cúng, lễ vật được hạ xuống để tất cả mọi người cùng ăn Tết. Thức ăn được đặt trong mâm hoặc rổ hình tròn, bên trên lót lá chuối tươi. Thầy cúng và các vị chức sắc trong làng, con trai trong họ ngồi mâm riêng trong nhà lớn. Còn thanh niên, phụ nữ trong gia đình thì ăn ở ngoài sân hoặc nhà dưới. Trong bữa ăn, người Dao thường mời nhau chén rượu, chúc nhau những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới.

Người Dao quần chẹt quan niệm, gia đình nào có nhiều khách thăm nhà, ăn Tết năm cùng sẽ càng may mắn trong năm mới, vì thế trong những ngày Tết năm cùng, cộng đồng người Dao luôn sống trong không khí tràn đầy hân hoan, phấn khởi... Sau Tết năm cùng, bà con người Dao lại tất bật dọn dẹp nhà cửa để đón Tết Nguyên đán đang đến rất gần.

https://dulich.petrotimes.vn/

Nguyễn Hồng/ Báo Đắk Nông

Chuyên trang du lịch rất mong nhận được bài viết, hình ảnh của bạn đọc. Xin vui lòng gửi về: [email protected]