Thị trường dầu mỏ thế giới theo dõi sát tương lai thỏa thuận hạt nhân Iran

18:54 | 22/06/2021

480 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Reuters, Bloomberg ngày 22/6 đưa tin thị trường dầu mỏ thế giới theo dõi sát tình hình Iran và đàm phán hạt nhân Iran để đưa ra các dự đoán về nguồn cung và giá dầu mỏ. Tương lai thỏa thuận hạt nhân Iran không rõ ràng, triển vọng gỡ bỏ cấm vận của Mỹ chững lại, cộng với đồng đô la yếu đang đẩy giá dầu lên cao hơn. Phiên cuối ngày thứ Hai ngày 21/6, dầu thô WTI được bán với giá 72.03 USD, tăng 1,58 USD (+2,24%) và dầu thô Brent là 74.04 USD, tăng 1.31 USD (+1,8%). Giá dầu đã tăng 45% trong năm nay và tăng 70% so với năm ngoái.

Thị trường theo dõi sát thông điệp của Tổng thống đắc cử Iran Ebrahim Raisi và đàm phán Mỹ-Iran

Ngày 21/6, Tổng thống đắc cử Ebrahim Raisi đã có buổi họp báo đầu tiên, cho biết ưu tiên cải thiện quan hệ với các nước láng giềng, làm sống lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015; tăng cường quan hệ với Trung Quốc; kêu gọi Mỹ gỡ bỏ các biện pháp cấm vận, bác bỏ khả năng một cuộc gặp với Tổng thống Biden. “Chúng tôi ủng hộ các cuộc đàm phán bảo đảm lợi ích quốc gia của chúng tôi. Mỹ cần phải quay trở lại thỏa thuận ngay lập tức và thực hiện các trách nhiệm theo thỏa thuận”, Tổng thống Ebrahim Raisi nói và nhấn mạnh lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khameini là người toàn quyền quyết định đối với đàm phán hạt nhân ở Vienne. Tổng thống đắc cử Ebrahim Raisi sẽ lên nắm quyền vào giữa tháng 8.

Thị trường dầu mỏ thế giới theo dõi sát tương lai thỏa thuận hạt nhân Iran
Tổng thống đắc cử Ebrahim Raisi tại cuộc họp báo đầu tiên ngày 21/6. Ảnh: AP/Vahid Salemi.

Thư ký Báo chí của Nhà Trắng Jen Psaki cho biết quan điểm của chính quyền Biden không thay đổi “Mỹ hiện không có quan hệ ngoại giao với Iran và không có kế hoạch gặp gỡ ở cấp lãnh đạo”. Đồng thời cho biết: “Đoàn đàm phán hạt nhân với Iran vừa kết thúc vòng đàm phán thứ sáu (ngày 20/6), chưa thông báo về vòng đàm phán thứ bảy”, chính quyền Biden hy vọng vào con đường phía trước; Mỹ sẽ không gỡ bỏ trừng phạt cho đến khi Iran ngừng các hoạt động gia tăng hạt nhân, trong đó có việc làm giàu uranium. Một quan chức giấu tên cho biết đoàn đàm phán sẽ tạm nghỉ trong 10 ngày tới và tiếp tục đàm phán trong mùa hè này. Hai bên vẫn đang trong tình trạng bế tắc với những điểm nghẽn quan trọng, trong đó có yêu cầu Iran minh bạch với các thanh tra hạt nhân. Thỏa thuận cho phép Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) thanh sát cơ sở hạt nhân Iran sẽ hết hạn vào ngày 24/6. Hiện chưa rõ về việc gia hạn thỏa thuận này; tuy nhiên, EU tin là thỏa thuận sẽ được gia hạn tiếp. Phía Iran yêu cầu gỡ bỏ tất cả các biện pháp cấm vận; Iran chưa thể xuất khẩu dầu khí do các biện pháp cấm vận đối với ngân hàng và các tàu chở dầu của Iran.

Nếu thỏa thuận hạt nhân được hồi sinh, sản lượng dầu Iran sẽ gây áp lực cho thị trường toàn cầu

Thị trường quan tâm tới triển vọng nguồn cung dầu thế giới. Các quan chức Bộ Dầu mỏ của Iran cho biết, nếu thỏa thuận hạt nhân được nối lại và bỏ cấm vận, mức xuất khẩu dầu của Iran ra thị trường có thể quay trở lại mức 3,8 triệu thùng/ngày so với mức 2 triệu thùng/ngày hiện nay. Công ty dầu khí quốc gia Iran sở hữu những giếng dầu hàng đầu, có thể nhanh chóng tăng sản lượng. Ngoài ra, Iran có hơn 100 triệu thùng dầu thô trong kho dự trữ và có thể bán ngay số dầu này trước khi gia tăng sản lượng. Các thương nhân cho biết Iran có thể xuất khẩu thêm 1 triệu thùng dầu/ngày, bằng 1% nguồn cung toàn cầu, trong hơn 6 tháng từ các kho dự trữ dầu.

Theo các chuyên gia, nếu thỏa thuận hạt nhân được nối lại, nền kinh tế Iran sẽ có khả năng tăng trưởng 8-10% trong 1 năm, trong giai đoạn 2021-2023. Việc tăng sản lượng dầu thô của Iran sẽ tạo áp lực cho giá dầu và chính sách dầu mỏ của các thành viên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác (gọi chung là OPEC+). Sản lượng dầu Iran cao hơn sẽ kéo tụt giá dầu thế giới, có thể khiến các quốc gia vùng Vịnh phải duy trì chính sách tiền tệ chặt chẽ, cân nhắc về các khả năng hồi phục.

Một khi Iran quay trở lại thị trường dầu toàn cầu, khi đó sẽ không thiếu nhu cầu. Rất nhiều khách hàng mua dầu thô của Iran, đặc biệt ở châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc, muốn nhanh chóng nối lại việc mua dầu của Iran ngay sau khi gỡ bỏ cấm vận. Nhiều nhà máy lọc dầu ở châu Á phù hợp với dầu thô của Iran. Điều đó sẽ tạo thêm cạnh tranh cho các nước láng giềng A-rập Xê-út, Iraq, Oman và các nước sản xuất dầu nặng hơn, chua hơn; nguồn dầu đặc của Iran sẽ cạnh tranh với các nước sản xuất dầu đặc tương đương như Qatar, Mỹ, Úc.

Thị trường dầu mỏ thế giới theo dõi sát tương lai thỏa thuận hạt nhân Iran
Cơ sở chế biến dầu Abquaiq của Aramco. Ảnh: Aramco.

Ed Bell, Giám đốc nghiên cứu hàng hóa của Ngân hàng Emirates NBD cho rằng, về lâu dài, sau khi bỏ cấm vận, vấn đề gây áp lực sẽ là lập trường của Tổng thống Raisi trong quan hệ với các nước OPEC; liệu Iran có chấp nhận định mức sản lượng hay sẽ gia tăng tối đa thị phần của mình để bù đắp cho thời gian đã mất. Một mình Iran sẽ không đủ sức thúc đẩy thị trường quay trở về nguồn cung dư thừa trong năm nay, nhưng cuộc chạy đua thị phần có thể khiến các thành viên OPEC khác hành động tương tự và tạo ra nguy cơ gây áp lực giá dầu đi xuống.

Khi chưa đạt thỏa thuận hạt nhân Iran, giá dầu thô tiếp tục xu hướng đi lên

Triển vọng nối lại đàm phán không tác động tới thị trường. Giá dầu thô sẽ tiếp tục xu hướng đi lên một cách ổn định. Theo các chuyên gia, tại thời điểm này, chưa có dấu hiệu cho thấy dầu Iran “sẽ sớm quay trở lại” thị trường toàn cầu.

Mặc dù Tổng thống đắc cử Ebrahim Raisi phát biểu ủng hộ thỏa thuận hạt nhân, nhưng không đề cập giải quyết các điểm khác biệt tồn tại giữa các bên đàm phán, trong đó có việc Ebrahim Raisi vẫn nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ. Các nhà phân tích chính trị và dầu mỏ cho rằng thắng lợi của Tổng thống đắc cử Ebrahim Raisi sẽ làm chậm lại quyết định gỡ bỏ cấm vận của Mỹ. Nếu thời điểm Tổng thống Ebrahim Raisi chính thức lên cầm quyền (giữa tháng 8) mà không đạt được thỏa thuận về việc gỡ bỏ cấm vận thì việc nối lại thỏa thuận hạt nhân là “hoàn toàn không thể”.

Việc Mỹ không gỡ bỏ cấm vận sẽ làm chậm lại việc dầu Iran quay trở lại thị trường. Các chuyên gia cho rằng thời điểm cho dầu Iran quay trở lại thị trường có thể sẽ bị đẩy xuống cuối năm 2021. Cũng cần một thời gian tới vài tháng trước khi khách hàng thấy yên tâm không bị trừng phạt nếu mua bán với các thực thể Iran. Hiện chưa rõ các đại gia dầu khí Mỹ và các công ty dầu khí châu Âu, có quay trở lại Iran không. EU là khách nhập khẩu dầu của Iran lớn thứ ba trên thế giới (theo mức đầu năm 2018); tuy nhiên, Tổng thống mới Ebrahim Raisi có thể muốn ưu tiên xây dựng quan hệ gắn bó hơn với Nga và Trung Quốc.

Giá dầu sẽ tăng mạnh (thị trường “bò tót”), nếu đàm phán ở Vienne thất bại. Dầu thô Iran tiếp tục nằm ngoài thị trường toàn cầu. Việc thiếu một giải pháp ngoại giao có thể làm gia tăng căng thẳng ở Trung Đông, thêm các cuộc tấn công tàu chở dầu đi qua Biển Đỏ và vịnh Persian, tấn công của lực lượng Houthi ở Yeman vào các cơ sở lọc dầu của A-rập Xê-út.

Thanh Bình