Thừa Thiên Huế: “Nuôi” cá giữa biển

19:40 | 20/09/2021

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
“…Ai đặt tre lộng, tre khơi/gồng thân bứt lá, nắng phơi cháy người”, câu vè của ngư dân vùng biển bãi ngang đã bao đời lưu truyền. Chỉ có điều trong thời buổi hiện đại, lớp thế hệ kế nghiệp không biết vô tình hay hữu ý quên mất những thứ quý giá cha ông để ai. Đó là kinh nghiệm đánh bắt chẳng có sách vở nào ghi chép.
Thừa Thiên Huế: “Nuôi” cá giữa biển
Ngư dân từng bước hiện đại hóa tàu cá để vươn khơi/https://dulich.petrotimes.vn/

“Xây nhà” cho cá

Hơn nửa thế kỷ theo con sóng, ông Nguyễn Văn Tái (xã Phú Diên, huyện Phú Vang) vẫn kiên trì bám biển, những lúc gian khó nhất ông giành giật từng miếng ăn giữa trùng vây con nước. “Biển là nhà, cá là bạn” - ông nói về tình yêu của mình khiến tôi liên tưởng đến ông lão Santiago, nhân vật chính trong tiểu thuyết “Ông già và biển cả” của Ernest Hemingway. Đâu chỉ trong tiểu thuyết và cũng đâu chỉ ông lão Santiago, ở nước Việt vẫn có những người như ông Tái, từng ngày trăn trở với con nước.

Nghề cá trong tâm thức thế hệ ông Tái không như bây giờ, thời mà công nghệ chỉ là con số 0 nhưng sau chuyến biển cá, tôm vẫn cứ đầy khoang. “Cần cù và kinh nghiệm” – ông nói về bí quyết để gắn bó với sóng biển. Những bó lá chuối khô vẫn được ông được xếp đặt cẩn thận ở góc nhà, những cây tre dài cũng được ông chuẩn bị sẵn. Các con của ông thừa sức để bám lấy con nước, nhưng kinh nghiệm giữa trùng dương thì chắc chắn không bằng lão ngư ngoài 70 tuổi. Ông bảo: “Mần chi thì mần nhưng nếu biết cách... “nuôi” cá giữa Biển Đông sẽ không lo thiếu nguồn đánh bắt.

Thừa Thiên Huế: “Nuôi” cá giữa biển
Trở về/https://dulich.petrotimes.vn/

Bó lá chuối khô, những cây tre khẳng khiu ở nhà ông thì ra là những dụng cụ cho một phương thức dẫn dụ, nuôi cá đã có từ ngàn xưa. “Xây nhà” cho cá nghe chừng vô lý nhưng ông Tái cùng bạn nghề dùng cách ấy để bảo tồn nguồn cá mấy chục năm nay. Những cây tre được đặt thẳng đứng, đọt tre ngoi trên mặt nước. Phía dưới lá chuối khô làm tổ, “xây” quanh bao cát đủ nặng để chìm xuống nước. Đọt tre là dấu hiệu ngư dân nhận biết vùng đánh bắt, còn “tổ lá chuối” là nơi cá cư ngụ, sinh sản.

Thừa Thiên Huế: “Nuôi” cá giữa biển
Trở về sau chuyến biển tại cảng cá Thuận An/https://dulich.petrotimes.vn/

“Không phải vùng biển nào cũng “xây tổ” cho cá. Ngư dân dân cần xác định luồng di chuyển của cá theo mùa rồi đặt tre. Ví dụ như con cá trích, cá nục thường di chuyển vùng lộng; con cá ong, cá thu, cá căng di chuyển vùng nước sâu. “Xây tổ” không chỉ tạo nơi cho cá sinh sản mà để chúng quần tụ quanh vùng mặt nước đó. Tại những khu vực này, đến mùa ngư dân thoải mái đánh bắt. Trước đây, nhờ biết cách làm nhà cho cá cư ngụ nên nhiều chuyến biển tôi trúng đậm”, ông Tái tiết lộ.

Mời cá vào lưới

Cuộc sống luôn song hành với con nước, sóng lớn thì tàu phải to. Ngoài tình yêu với biển và ngoài kế sinh nhai tồn tại ngàn đời còn có cả tình yêu với vùng biên cương của Tổ quốc. Ngư dân Lê Văn Bảo (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc) bảo rằng, dù là ở thời nào, song kinh nghiệm sóng nước sẽ giúp người cầm lái vượt mọi bão giông. “Luồng cá sẽ xuất hiện trên mặt nước nhưng “non” nghề thì ngư dân chẳng thể nào thấy được”, ông Bảo quả quyết.

Thừa Thiên Huế: “Nuôi” cá giữa biển
Được mùa cá khoai/https://dulich.petrotimes.vn/

Theo ông Bảo, cá thường đi theo đàn, khi màu nước thay đổi ngư dân có thể nhận ra sự khác biệt. Những đàn cá nổi lên màu đỏ giữa làn nước xanh thì đó thường là những loại cá to, nơi đàn cá xuất hiện mặt nước trông như bóng mây, ngư dân có thể phát hiện dẫu cách xa cả nửa cây số.

Còn với lão ngư Trần Văn Hải (thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang), gần 40 năm bám biển, bây giờ ông là chủ tàu cá có công suất gần cả ngàn mã lực, nhắc đến khai thác hải sản, ông Hải nói: Phải học chú ạ! Ngoài những văn bằng, chứng chỉ theo quy định của Nhà nước, ngư dân phải học cách… “đứng vững” trên con sóng. “Vậy giữa trùng khơi con sóng, biết tìm đâu cá cho đầy khoang thuyền khi về?!” - “Công nghệ đã hỗ trợ cho ngư dân xác định luồng cá nhưng đó chỉ là 50%, còn lại là kinh nghiệm “dụ” cá, “mời” cá của ngư dân”, ông Hải hé lộ.

Ngư dân lan truyền câu chuyện xuôi tàu theo dòng hải lưu, “dụ” cá bằng hệ thống hệ thống đèn cao áp, rồi “nuôi” cá ngay dưới ánh sáng của bóng đèn đến lúc cá “phê”. Trong khi đó, một tàu đánh bắt khác sẽ được gọi đến, dùng lưới vây… thu hoạch. Ông Hải bảo rằng, tại Thừa Thiên Huế, chiêu “dụ” cá thường được các tàu hậu cần áp dụng. Trong quá trình thu mua trên biển từ 5-7 ngày, nhiều tàu hậu cần dò tìm luồng cá rồi mở hệ thống đèn “mời”… cá. Nếu phát hiện luồng cá sẽ phát tín hiệu để tàu đánh bắt đến khai thác, sau đó chia nhau theo tỷ lệ. “Hiện nay, nhiều tàu hậu cần trang bị hệ thống dàn đèn rất hiện đại. Ngoài việc để các thuyền viên có thể nâng cao thu nhập bằng nghề câu thì dàn đèn giúp ngư dân dẫn dụ cá, tôm. Nếu luồng cá phù hợp với năng lực thì tàu hậu cần có thể đánh bắt, còn không sẽ phát tín hiệu cho các tàu khác đến. Quá trình đánh bắt phải tuân theo Luật Thủy sản để bảo tồn nguồn cá”, ông Hải chia sẻ.

Ông Võ Giang, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Thủy sản tỉnh cho rằng, trong lịch sử nghề cá, ngư dân đều có những chiêu thức, ngón nghề đặc trưng. Nếu đánh bắt xa bờ là sự ứng dụng của công nghệ thì ở các vùng biển lộng, phần lớn ngư dân dựa vào kinh nghiệm tích lũy qua nhiều thế hệ. Họ sẽ thành công nếu biết áp dụng vào thực tế một cách hợp lý, nghĩa là đánh bắt, sử dụng ngư cụ theo đúng luật định và ý thức được việc bảo tồn nguồn hải sản tự nhiên.

Miên man theo chuyện bám biển theo đuôi con cá, tôi chợt nhớ tới Alexander Fridman trong cuốn “Nghề cá thế giới” từng nói: “Không có nghề cá, và nếu thiếu vắng ngư dân thì có lẽ loài người đã nghèo khó hơn nhiều”. Những lời đó đến nay, vẫn còn nguyên giá trị!

https://dulich.petrotimes.vn/

Báo Thừa Thiên Huế online