Thượng đỉnh EU-Mỹ: Mở ra chương mới, xử lý tranh chấp và hợp tác trước “mối đe dọa chung”

19:21 | 16/06/2021

|
(PetroTimes) - Các hãng tin, báo lớn như Reuters, AP, AFP, BBC, CNN, C-Span, CNBC, Washington Post ngày 15/6/2021 đưa nhiều tin về kết quả của Thượng đỉnh EU-Mỹ diễn ra tại Brussels ngày 15/6 với sự tham dự của Tổng thống Mỹ Biden, lãnh đạo các thành viên Liên minh châu Âu (EU), Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. Thượng đỉnh EU-Mỹ, đại diện cho 780 triệu người dân và có quan hệ kinh tế lớn nhất thế giới, đã khôi phục quan hệ xuyên Đại Tây Dương và bình thường hóa quan hệ liên minh truyền thống EU-Mỹ sau 4 năm căng thẳng dưới thời chính quyền Trump.
Thượng đỉnh G7 và dấu ấn “Nước Mỹ quay trở lại” trong các vấn đề quốc tế, Biển ĐôngThượng đỉnh G7 và dấu ấn “Nước Mỹ quay trở lại” trong các vấn đề quốc tế, Biển Đông
Chuyến đi châu Âu của Tổng thống Biden: Tăng cường chiến lược với đồng minh và đối mặt với PutinChuyến đi châu Âu của Tổng thống Biden: Tăng cường chiến lược với đồng minh và đối mặt với Putin
Tổng thống Biden phát biểu về châu Âu, hành động hướng về Trung QuốcTổng thống Biden phát biểu về châu Âu, hành động hướng về Trung Quốc
Thượng đỉnh EU-Mỹ: Mở ra chương mới, xử lý tranh chấp và hợp tác trước “mối đe dọa chung”
Thượng đỉnh EU-Mỹ: Mở ra chương mới, xử lý tranh chấp và hợp tác trước “mối đe dọa chung”. Ảnh: Tư liệu

Hoạt động tại Thượng đỉnh EU là một phần trong nỗ lực sâu rộng của Tổng thống Biden tập hợp đồng minh EU nhằm thách thức ảnh hưởng gia tăng Trung Quốc và thể hiện sự đoàn kết giữa các đồng minh trước cuộc gặp Tổng thống Nga Putin.

Tuyên bố chung hướng tới quan hệ đối tác Xuyên Đại Tây Dương đổi mới

Liên minh châu Âu và Mỹ thông qua Tuyên bố chung, cam kết đổi mới quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương, đề ra các mục tiêu hợp tác quan trọng trong “Chương trình Nghị sự Xuyên Đại Tây Dương” mới cho kỷ nguyên sau đại dịch Covid; cam kết đối thoại, phối hợp hành động và chính sách.

Tuyên bố chung (dài 7 trang, 36 mục) đề xuất nhiều nội dung, giải pháp hợp tác chung chống đại dịch covid, biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, tăng cường thương mại, đầu tư, hợp tác công nghệ; cải tổ hệ thống thương mại quốc tế (WTO), phối hợp tiêu chuẩn trong lĩnh vực công nghệ mới; phối hợp trong các vấn đề địa chính trị, hòa bình, an ninh quốc tế như quan hệ với Trung Quốc, Nga; Biển Đông, Biển Hoa Đông, khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Eo biển Đài Loan; vấn đề ở Trung Âu, Belarus, Ucraina, Tây Balcan, Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, châu Phi, hạt nhân Iran, Afganistan, Myanmar; hợp tác tại Hội đồng Bắc Cực; hợp tác EU-Mỹ trong các vấn đề an ninh, phòng thủ, hợp tác NATO-EU.

Một số cam kết, sáng kiến cụ thể như: (i) Chấm dứt đại dịch Covid, chuẩn bị cho các thách thức y tế toàn cầu trong tương lai, thúc đẩy sự phục hồi toàn cầu bền vững: viện trợ 2 tỷ liều vắc-xin vào cuối năm 2021; cải tổ WHO, lập nhóm công tác tạo thuận lợi đi lại an toàn giữa EU và Mỹ; (ii) Bảo vệ trái đất và thúc đẩy tăng trưởng xanh: lập Nhóm hành động Khí hậu cao cấp EU-Mỹ, đẩy nhanh cân bằng carbon, chuyển đổi năng lượng, với các mục tiêu cắt giảm khí thải 2030 và 2050, tiến tới Liên minh Công nghệ Xanh Xuyên Đại Tây Dương; đáp ứng mục tiêu 100 tỷ USD tài chính khí hậu vào năm 2025; ngăn chặn quá trình mất đa dạng sinh học vào năm 2030; bảo vệ đại dương, chống rác thải biển. (iii) Tăng cường hợp tác thương mại, đầu tư, công nghệ: thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư EU-Mỹ; ủng hộ cải tổ hệ thống thương mại dựa trên pháp luật; hợp tác bảo vệ doanh nghiệp trước các “thực tiễn thương mại bất công, đặc biệt từ các nền kinh tế phi thị trường”; thúc đẩy chuyển đổi số; thành lập Hội đồng Thương mại và Công nghệ cao cấp EU-Mỹ (TTC), hợp tác phát triển các quy chuẩn quốc tế, thúc đẩy sáng tạo và vai trò lãnh đạo của Mỹ và các công ty châu Âu, hợp tác về quy chuẩn công nghệ; thiết lập Đối thoại Chính sách Cạnh tranh Công nghệ chung EU-Mỹ; hợp tác giữa Trung tâm Nghiên cứu chung EU và Viện quốc gia về Tiêu chuẩn và Công nghệ Mỹ; hợp tác lưu chuyển dữ liệu qua biên giới an toàn, đáng tin cậy, đảm bảo thương mại Xuyên Đại Tây Dương; ký Nghị định thư về Khuôn khổ hợp tác cho Máy bay dân dụng cỡ lớn, phản ánh mối quan hệ hợp tác mới; cải cách WTO với hệ thống cơ chế đàm phán và giải quyết tranh chấp. (iv) Xây dựng một thế giới dân chủ hơn, hòa bình và an toàn: khẳng định “EU và Mỹ là mỏ neo cho dân chủ, hòa bình, an ninh trên thế giới”; “ngăn ngừa, giải quyết hòa bình các tranh chấp, ủng hộ pháp quyền và luật pháp quốc tế, thúc đẩy nhân quyền”; phối hợp hành động trong các vấn đề khu vực và quốc tế, tự do hàng hải và hàng không trên biển.

Về Trung Quốc, “tham vấn chặt chẽ và hợp tác trong tất cả các lĩnh vực trong khuôn khổ cách tiếp cận đa diện đối với Trung Quốc, bao gồm các cấu phần hợp tác, cạnh tranh và đối thủ mang tính hệ thống”; phối hợp trong các vấn đề quan tâm như Tân Cương, Hồng Công, các vấn đề an ninh khu vực; “phối hợp can dự mang tính xây dựng với Trung Quốc trong các vấn đề như biến đổi khí hậu, không phổ biến vũ khí, một số vấn đề khu vực khác”.

Về Nga, “thống nhất trong cách tiếp cận có nguyên tắc đối với Nga”, “sẵn sàng phản ứng quyết đoán đối với các hành vi gây hại và hành xử tiêu cực” mà Nga cần phải xử lý để ngăn quan hệ tiếp tục xấu đi; “phối hợp chính sách và hành động”, thiết lập đối thoại cấp cao EU-Mỹ về Nga; “duy trì mọi kênh liên lạc mở và các khả năng hợp tác trong các lĩnh vực có lợi ích chung”.

Tuyên bố chung EU-Mỹ bày tỏ quan điểm về Biển Đông và các vấn đề trên biển

Biển Đông và Biển Hoa Đông: “tiếp tục lo ngại sâu sắc về tình hình ở Biển Đông và Biển Hoa Đông và mạnh mẽ phản đối bất cứ mưu toan đơn phương nào nhằm thay đổi nguyên trạng (status quo) và gia tăng căng thẳng”; “tái khẳng định tầm quan trọng thiết yếu của việc tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), ghi nhận các điều khoản về quy định những quyền chính đáng trên biển của các Quốc gia, về phân định biển, quyền chủ quyền và quyền tài phán, nghĩa vụ giải quyết các tranh chấp bằng giải pháp hòa bình, và về quyền tự do hàng hải và hàng không, và những hình thức khai thác hợp pháp khác trên biển”.

Eo biển Đài Loan: “nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định dọc Eo biển Đài Loan, khuyến khích giải quyết hòa bình các vấn đề hai bên Eo biển.

Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương: “hợp tác cùng các đối tác vì một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mở và tự do, dựa trên pháp luật và các giá trị dân chủ, đóng góp cho an ninh, sự phát triển bền vững trong khu vực”.

Khởi đầu cho “một liên minh mạnh mẽ hơn” giữa EU và Mỹ

Phát biểu khai mạc Thượng đỉnh EU-Mỹ, Tổng thống Biden nhấn mạnh “thế giới đã thay đổi, thay đổi hoàn toàn”, việc Mỹ và EU hợp tác là “câu trả lời tốt nhất để đối mặt với các thay đổi”. Tại Thượng đỉnh EU-Mỹ, cũng như trong cả chuyến đi châu Âu, Tổng thống Biden tập trung vào chủ đề Trung Quốc, đại dịch Covid, biến đổi khí hậu, hợp tác giữa các đồng minh; tiếp tục khẳng định “nước Mỹ quay trở lại”, “chúng tôi cam kết”, “hoàn toàn là lợi ích của Mỹ có mối quan hệ tuyệt vời với NATO và EU”; khẳng định có quan điểm hoàn toàn khác với chính quyền trước.

Thượng đỉnh EU-Mỹ: Mở ra chương mới, xử lý tranh chấp và hợp tác trước “mối đe dọa chung”
Phiên họp toàn thể Thượng đỉnh EU-Mỹ. Ảnh: Tân Hoa Xã

Chủ tịch Hội đồng EU Charles Michel nói Thượng đỉnh EU-Mỹ “mới là khởi đầu” cho quan hệ liên minh mạnh mẽ hơn giữa EU và Mỹ, mô tả Tổng thống Biden là “một đối tác chúng ta có thể trông cậy”; “sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác để thúc đẩy các giá trị chia sẻ chung”.

Mỹ và EU, cũng như Trung Quốc, là các cường quốc thương mại hàng đầu thế giới. EU và Mỹ đã nhất trí thành lập Hội đồng Thương mại và Công nghệ EU-Mỹ (TTC), như một sáng kiến chung về thương mại và công nghệ để đối trọng với Trung Quốc, thúc đẩy cải tổ WTO, phối hợp quy định trên các nền tảng công nghệ, tạo các tiêu chuẩn mới trong các công nghệ mới (AI, chip, đa dạng sinh học...), thúc đẩy các giá trị của phương Tây trên mạng, tăng hiệu quả nghiên cứu, thiết lập chuỗi cung ứng bền bỉ, giảm phụ thuộc Trung Quốc. Hội đồng Thương mại và Công nghệ EU-Mỹ cũng là nỗ lực mới nhất của chính quyền Biden tạo đòn bẩy sức mạnh kinh tế tổng hợp của Mỹ và EU để cạnh tranh tốt hơn với Trung Quốc. Quan chức Nhà Trắng khẳng định một phần quan trọng trong công việc của Hội đồng TTC là "xử lý các thực tiễn phi thị trường của Trung Quốc, nỗ lực của Trung Quốc định hình các quy định trên con đường công nghệ của thế kỷ 21”.

Tổng thống Biden cho biết sẵn sàng gỡ bỏ việc áp thuế đối với sản phẩm thép và nhôm của EU (từ năm 2018 chính quyền Trump áp 25% thuế đối với sản phẩm thép và 10% thuế sản phẩm nhôm của EU với lý do an ninh); hai bên đang đàm phán và có thể giải quyết vào cuối năm nay. Phía EU cũng tạm ngừng áp dụng biện pháp trả đũa áp thuế đối với các sản phẩm sắt và nhôm của Mỹ trong 6 tháng như một cử chỉ thiện chí. Hai bên nhất trí gỡ bỏ thuế quan 11,5 tỷ USD đối với rượu vang EU và thuốc lá, đồ có cồn của Mỹ trong 5 năm.

Thượng đỉnh EU-Mỹ: Mở ra chương mới, xử lý tranh chấp và hợp tác trước “mối đe dọa chung”
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Tổng thống Mỹ Biden tại Thượng đỉnh EU-Mỹ. (Ảnh: Oliver Hosler/EPA)

Mỹ và EU đã nhất trí giải quyết tranh chấp thương mại giữa Boeing và Airbus kéo dài 17 năm (từ 2004) liên quan vấn đề trợ cấp nhà nước; thành lập Nhóm Công tác mới, tạo ra một Khuôn khổ Hợp tác cho các Máy bay dân sự cỡ lớn. Đây cũng là sáng kiến nhằm phối hợp xử lý các thực tiễn phi thị trường của các nước khác, trong đó có Trung Quốc trong phát triển máy bay dân sự cỡ lớn (máy bay C919) của mình. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen khẳng định việc giải quyết tranh chấp giữa Boeing và Airbus “đã thực sự mở ra chương mới trong quan hệ của chúng ta, chuyển từ kiện tụng sang hợp tác về máy bay, sau 17 năm tranh cãi”.

Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai cho biết “thay vì đấu tranh với một trong các đồng minh thân thiết nhất, chúng ta bây giờ hợp tác để chống lại một mối đe dọa chung”. /.

Thanh Bình