Thượng đỉnh NATO: “Nước Mỹ quay trở lại” và kỷ nguyên hợp tác mới trong NATO

20:16 | 15/06/2021

|
(PetroTimes) - Các hãng tin, báo chí như Reuters, AP, BBC, CNN, CNBC, NYT trong hai ngày nay đưa nhiều tin, bài về Hội nghị thượng đỉnh NATO lần thứ 31 với sự tham dự của 30 thành viên, diễn ra tại Brussels ngày 14/6. Tổng thống Mỹ Joe Biden tái khẳng định vai trò “phòng thủ tập thể” của liên minh và mong muốn thúc đẩy kỷ nguyên hợp tác mới trong NATO.

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra vào “thời điểm mấu chốt, thời điểm của cuộc cạnh tranh địa chính trị ngày càng tăng, bất ổn khu vực, khủng bố, tấn công mạng và biến đổi khí hậu”, là những thách thức mà không một quốc gia nào, một châu lục nào có thể giải quyết một mình”; nhấn mạnh “châu Âu và Bắc Mỹ không đơn độc”, hội nghị thượng đỉnh này là “cơ hội đặc biệt” để làm mới lại quan hệ xuyên Đại Tây Dương.

Thượng đỉnh NATO: “Nước Mỹ quay trở lại” và kỷ nguyên hợp tác mới trong NATO
Ảnh chụp chung các lãnh đạo NATO tham dự Thượng đỉnh NATO lần thứ 31 (Ảnh: Yves Herman/Pool/AP)

Thông cáo chung Hội nghị Thượng đỉnh NATO lần thứ 31

Hội nghị thượng đỉnh NATO đã trao đổi về các thách thức an ninh đối với liên minh, thông qua thông cáo chung khẳng định sự đoàn kết, thống nhất; “mở ra một chương mới trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương vào thời điểm môi trường an ninh ngày càng phức tạp”; tái khẳng định các nhiệm vụ cốt lõi của liên minh là “phòng thủ tập thể”, “quản lý khủng hoảng”, “hợp tác an ninh”, “diễn đàn quan trọng cho các tham vấn an ninh và quyết định của các đồng minh". Thông cáo chung đã đề cập một loạt các thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống (như đại dịch Covid-19), thách thức an ninh hỗn hợp, trong đó có nhiều thách thức liên quan đến Trung Quốc, Nga; các vấn đề kiểm soát vũ khí, chương trình phòng thủ của NATO ở Trung, Đông Âu, khu vực Biển Đen, Biển Địa Trung Hả; việc mở rộng thành viên, trong đó có kết nạp Ukraina vào NATO; một số vấn đề an ninh khu vực và quốc tế như Tây Balkan, Kosovo, hạt nhân Iran, bán đảo Triều Tiên, tình hình Syria, Myanmar, Afganistan... Nga bị coi là “mối đe dọa” đối với Liên minh Bắc Đại Tây Dương, liên quan đến các vấn đề kiểm soát vũ khí, an ninh khu vực, tình hình Ukraina.

Hội nghị thượng đỉnh đã đề ra phương hướng để NATO thích ứng với các thách thức tới năm 2030, nhất trí hội nghị thượng đỉnh năm 2022 sẽ được tổ chức ở Tây Ban Nha. Nguyên tắc “phòng thủ tập thể” được nâng cấp trong bối cảnh thách thức an ninh mạng, nhấn mạnh một cuộc tấn công mạng “trong một số hình huống có thể xem như là một cuộc tấn công vũ trang”, có thể dẫn đến việc áp dụng Điều 5, nguyên tắc nền tảng của Liên minh Bắc Đại Tây Dương về tự vệ chung (việc tấn công vào một nước thành viên được coi là tấn công vào tất cả các thành viên).

NATO coi Trung Quốc là “thách thức an ninh toàn cầu”

Trung Quốc là một trọng tâm trao đổi tại Hội nghị thượng đỉnh NATO. Các lãnh đạo NATO cho rằng Trung Quốc là “thách thức an ninh toàn cầu”, “thách thức an ninh thường xuyên”, “làm phương hại trật tự toàn cầu”, lo ngại rằng Trung Quốc đang phát triển tên lửa hạt nhân và “thái độ cứng rắn tạo ra thách thức có hệ thống đối với trật tự thế giới trên cơ sở pháp luật và các lĩnh vực liên quan đến an ninh của liên minh”. Thông cáo chung không gọi Trung Quốc là “đối thủ”, nhưng bày tỏ lo ngại về “chính sách cưỡng bức”, “cách thức mờ ám trong hiện đại hóa lực lượng quân sự và thông tin sai lệch”; kêu gọi Trung Quốc tôn trọng những cam kết quốc tế của mình và hành động có trách nhiệm trong hệ thống quốc tế. NATO cần cùng xử lý các thách thức với tư cách một liên minh. “Chúng ta cần can dự với Trung Quốc để bảo vệ các lợi ích an ninh của liên minh”; sẽ tăng cường quan hệ đối tác với các nước Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đề cao vai trò ngoại giao và can dự, các thành viên NATO cam kết duy trì “cuộc đối thoại mang tính xây dựng với Trung Quốc trong các lĩnh vực có thể”, trong đó có các vấn đề như biến đổi khí hậu; kêu gọi Trung Quốc minh bạch hơn về quốc phòng, đặc biệt là về khả năng hạt nhân.

Thượng đỉnh NATO: “Nước Mỹ quay trở lại” và kỷ nguyên hợp tác mới trong NATO
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg (Ảnh: Oliver Holse/AP)

NATO nhất trí nâng cấp tầm nhìn Tư duy chiến lược năm 2010 (Strategic Concept 2010), trong đó chưa hề đề cập đến Trung Quốc. Việc xử lý quan hệ với Trung Quốc sẽ là một nội dung quan trọng đối với việc cập nhật văn kiện này. Tổng Thư ký NATO cho biết các lãnh đạo NATO đã nhất trí tăng đóng góp vào ngân sách chung của NATO.

Tổng thống Mỹ được các đồng minh NATO hoan nghênh

Cố vấn an ninh Jake Sullivan cho biết mục tiêu quan trọng nhất của Tổng thống Biden tại Thượng đỉnh NATO đầu tiên là gửi một thông điệp rõ ràng cho các đồng minh cũng như các đối thủ rằng “Mỹ coi NATO là nền tảng của an ninh của Mỹ, không chỉ ở châu Âu Đại Tây Dương, mà là toàn cầu”, khẳng định “Mỹ sẽ ở đây cùng đồng minh”.

Thượng đỉnh NATO: “Nước Mỹ quay trở lại” và kỷ nguyên hợp tác mới trong NATO
Tổng thống Joe Biden (Ảnh: Francois Mori/AFP/Getty)

Tổng thống Biden khẳng định Mỹ sẽ “kề vai sát cánh với các đồng minh thân cận nhất của mình”, rũ bỏ hoàn toàn chính sách “Nước Mỹ trên hết” của chính quyền Trump. Sau 4 năm bị chính quyền Trump coi là “lỗi thời”, thường xuyên dèm pha, chia rẽ, phê phán về mức đóng góp cho quốc phòng và hoài nghi về Điều 5 phòng thủ tập thể, các đồng minh NATO có thể tin tưởng vào sự ủng hộ của Mỹ với sự tham dự của Tổng thống Biden. Tổng thống Biden có cuộc gặp với Tổng Thư ký NATO ngay trước cuộc gặp thượng đỉnh, cam kết “trách nhiệm thiêng liêng” của nước Mỹ, muốn tất cả châu Âu biết rằng “nước Mỹ đang ở đây”, nhấn mạnh liên minh NATO “đặc biệt quan trọng đối với lợi ích của Mỹ”.

Thủ tướng Bỉ Alexander de Coo nhấn mạnh: “Sự hiện diện của Tổng thống Biden đã khẳng định việc làm mới lại mối quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương”, “chúng ta đã sẵn sàng mở sang trang mới”. Thủ tướng Italia Mario Draghi cũng khẳng định Thượng định NATO cùng với Thượng đỉnh G7 là “một phần của quá trình tái khẳng định, tái xây dựng những liên minh nền tảng của Mỹ mà đã bị chính quyền trước làm suy yếu”.

NATO đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Mỹ trong quan hệ với Trung Quốc, Nga

Tổng thống Biden cho rằng NATO đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Mỹ, mặc dù còn có các khác biệt trong chiến lược đối với Trung Quốc giữa các nước Phương Tây. Tổng thống Biden muốn thúc đẩy các thành viên NATO có quan điểm cứng rắn hơn với Trung Quốc. Các vấn đề liên quan đến Trung Quốc được đề cập nhiều tại Thượng đỉnh NATO, và việc xử lý quan hệ với Trung Quốc sẽ là phần chính trong Tư duy Chiến lược mới (Strategic Concept) của NATO, sẽ được đưa ra vào năm tới.

Chính quyền Mỹ đang tiến hành sự xoay trục sang châu Á Thái Bình Dương, muốn NATO cùng tham gia trong việc đối đầu với vị thế ngày càng cứng rắn của Trung Quốc. Cố vấn An ninh Mỹ Jake Sullivan nói “NATO cần phải đóng một vai trò trong các khả năng tương tác để có thể giải quyết thách thức từ Trung Quốc nằm ngoài khu vực và mở rộng hơn”. Một số nước, trong đó có Anh hưởng ứng, gửi tàu sân bay mới HMS Queen Elizabeth, tới vùng biển Đông Á.

Tuy nhiên, không phải tất cả các đồng minh chung quan điểm cứng rắn với Mỹ, một số không muốn làm ảnh hưởng quan hệ kinh tế của nước mình với Trung Quốc; một số không muốn mạnh mẽ phê phán Trung Quốc. Thủ tướng Đức Merkel cho rằng “không nên tuyên bố quá lời” về “mối đe dọa” của Trung Quốc, vì Trung Quốc, cũng như Nga, là đối tác trong một số lĩnh vực; Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Đức, điều quan trọng là “tìm sự cân bằng đúng đắn”. Tổng thống Pháp Macron cho rằng không nên phung phí nỗ lực chung và thành kiến trong quan hệ với Trung Quốc.

Về quan hệ với Nga, trước cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Nga, Tổng thống Biden cho biết đã có các cuộc thảo luận rộng rãi với các đồng minh NATO về kế hoạch gặp Tổng thống Putin, tất cả đều ủng hộ kế hoạch của Mỹ gây áp lực với Nga trong việc “ngừng các cuộc tấn công mạng” các nước Phương Tây, “can thiệp vào các cuộc bầu cử ngoài biên giới Nga”; nhấn mạnh sẽ làm rõ với Tổng thống Nga “những lĩnh vực hai bên bên có thể hợp tác”.

Thanh Bình