Tin ngân hàng ngày 24/4: MSB thông tin về việc khách hàng bị mất tiền gửi

09:09 | 24/04/2024

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
NHNN điều chỉnh tăng lãi suất qua các kênh quan trọng; Đề xuất TP HCM phát hành trái phiếu để thu hút kiều hối cho các dự án hạ tầng; NCB ra mắt tính năng đặt nickname tài khoản ngân hàng… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.
Tin ngân hàng ngày 23/4: Techcombank báo lãi 7.802 tỷ đồng trong quý ITin ngân hàng ngày 23/4: Techcombank báo lãi 7.802 tỷ đồng trong quý I
Tin ngân hàng ngày 22/4: Nợ xấu của Bac A Bank gần 1.118 tỷ đồng, tăng 22%Tin ngân hàng ngày 22/4: Nợ xấu của Bac A Bank gần 1.118 tỷ đồng, tăng 22%

MSB thông tin về việc khách hàng mất tiền gửi tại ngân hàng

Sáng ngày 23/4/2024, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024. Trong phần thảo luận tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, cổ đông ngân hàng đã có những thắc mắc liên quan đến việc khách hàng mất tiền gửi tại MSB.

Tin ngân hàng ngày 24/4: Tổng giám đốc MSB thông tin về việc khách hàng mất tiền gửi tại ngân hàng
Ảnh minh họa

Thông tin về vụ việc này, ông Nguyễn Hoàng Linh - Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc MSB cho biết, hàng năm, tất cả các ngân hàng đều có lượng tiền gửi được trích lập dự phòng để xử lý khoản vay lớn.

"Trong số các khách hàng thì không phải rủi ro đều đến từ khách quan mà có một số khách hàng có chủ đích trong việc trốn tránh nghĩa vụ trả nợ. Khi đó, ngân hàng cũng phải mất một số nguồn vốn gây ảnh hưởng đến lợi ích của cổ đông. Tuy nhiên, các phương tiện đại chúng lại không nhắc đến việc tổn thất chủ ý do khách hàng", ông Hoàng Linh cho biết.

Đại diện MSB cũng khẳng định, liên quan đến khoản tiền gửi, các khách hàng chân chính tham gia hoạt động dịch vụ tiền gửi của nhà băng này luôn được MSB đảm bảo quyền lợi và ngân hàng cũng chủ động phát hiện sự việc và đưa cơ quan công an làm rõ sự việc này, đồng thời cũng luôn tôn trọng quyền phán quyết của cơ quan chức năng.

Thông tin thêm, ông Nguyễn Hoàng An - Phó Chủ tịch HĐQT MSB cho biết, trước thời đại ngân hàng ngày càng hiện đại hoá, các đối tượng tội phạm cũng tìm ra các kẽ hở để lợi dụng để chiếm đoạt quyền kiểm soát của người dùng, chiếm tiền của khách hàng và của ngân hàng. Không riêng MSB, các ngân hàng khác cũng gặp tình trạng tương tự và cơ quan công an đã có những khuyến nghị về công nghệ hết sức thận trọng.

"Còn đối với trường hợp lỗi tại ngân hàng với lý do lãnh đạo biến chất, cố tình lừa đảo nếu có kết luận của cơ quan điều tra khách hàng sẽ được thanh toán đầy đủ quyền lợi của mình. Nếu hiện tượng xảy ra cơ quan công an sẽ truy vết dòng tiền vì vậy cổ đông có thể yên tâm là ngân hàng sẽ có trách nhiệm với khách hàng sau khi đợi kết luận của cơ quan có thẩm quyền", Phó Chủ tịch MSB nói với cổ đông.

NHNN điều chỉnh tăng lãi suất qua các kênh quan trọng

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa bơm lượng tiền lớn qua kênh OMO trong ngày 23/4 đồng thời nâng lãi suất kênh OMO lên 4,25%.

Cụ thể, ngày 23/4, Ngân hàng Nhà nước cho 9 thành viên vay gần 36.000 tỷ đồng thông qua kênh OMO với kỳ hạn 14 ngày. Đáng chú ý, lãi suất trúng thầu đã tăng lên 4,25%/năm thay vì 4%/năm trong thời gian qua. Đây cũng là mức lãi suất cao nhất trên kênh OMO kể từ giữa năm 2023.

Ngoài ra, khoản vay qua kênh OMO hôm 16/4 (kỳ hạn 7 ngày) cũng đáo hạn với tổng giá trị gần 12.000 tỷ đồng, từ đó hút về số tiền tương ứng.

Cũng trong phiên ngày 23/4, NHNN đã phát hành 2.150 tỷ đồng tín phiếu với kỳ hạn 28 ngày, lãi suất 3,73%/năm. Có 3 thành viên tham gia và 2 thành viên trúng thầu. Đồng thời lô tín phiếu phát hành ngày 26/3 đáo hạn, theo đó NHNN bơm trở lại thị trường 3.700 tỷ đồng.

Như vậy trong ngày hôm qua, NHNN đã bơm ròng hơn 25.500 tỷ đồng.

Trước đà tăng nóng của tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện đồng bộ các biện pháp để ổn định thị trường. Song song với phát hành tín phiếu, NHNN sử dụng thêm kênh OMO để điều tiết thanh khoản, lãi suất thị trường liên ngân hàng.

Động thái tăng lãi suất OMO được cho sẽ có tác động tới lãi suất VND trên thị trường 2, từ đó thu hẹp chênh lệch lãi suất USD - VND trên thị trường liên ngân hàng mà không ảnh hưởng nhiều tới mặt bằng lãi suất trên thị trường 1. Thông qua đó nhà điều hành hạn chế hiện tượng đầu cơ USD, giảm sức ép lên tỷ giá.

Trong cơ cấu các lãi suất điều hành, lãi suất OMO là loại lãi suất có tác động mạnh tới thị trường bởi gắn trực tiếp và thường trực với chi phí hỗ trợ nguồn cho hệ thống, đặc biệt có tính bình ổn trong những trường hợp thanh khoản hệ thống cần hỗ trợ.

Trước đó, ngày 19/4, NHNN đã có động thái công khai bán can thiệp ngoại tệ cho các ngân hàng có trạng thái ngoại tệ âm để chuyển trạng thái ngoại tệ về 0, với mức bán tỷ giá can thiệp là 25.450 đồng. Tuy nhiên thực tế đến ngày 23/4, tỷ giá USD tại các ngân hàng vẫn tiếp tục tăng mạnh và niêm yết ở mức kịch trần 25.488 đồng.

Đề xuất TP HCM phát hành trái phiếu để thu hút kiều hối cho các dự án hạ tầng

Ngày 23/4, tại tọa đàm "Nắn dòng kiều hối vào hạ tầng" do Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức, nhiều chuyên gia kinh tế đề xuất TP HCM có thể phát hành trái phiếu để huy động nguồn lực từ kiều hối vào dự án hạ tầng trọng điểm.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường, thành phố là một siêu đô thị với trên 10 triệu dân, nhu cầu về hạ tầng từ hạ tầng giao thông, đến trường học, bệnh viện, nhà ở, công viên… là rất lớn và không ngừng tăng lên. Làm thế nào để đáp ứng tốt nhu cầu, nâng cao chất lượng môi trường đời sống người dân là trách nhiệm mà TP HCM phải giải quyết, đòi hỏi phải huy động được nguồn lực tổng hợp đủ lớn.

"Có một nguồn lực rất lớn những năm qua luôn đổ về thành phố một cách bền bỉ đó là kiều hối. Các thống kê chính thức cho thấy lượng kiều hối về thành phố cao hơn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài như năm 2023 là 9,46 tỷ USD, gấp gần 3 lần vốn FDI" - Phó chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường nói.

Đầu năm 2023, UBND TP đã giao Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài TP xây dựng Đề án "Chính sách thu hút và phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trên địa bàn thành phố". Qua nhiều lần dự thảo, đến nay đề án đang được tiếp tục hoàn thiện để sớm được thông qua và thực hiện.

Năm 2023, người Việt sinh sống và làm việc tại nước ngoài gửi về nước khoảng 16 tỉ USD, trong đó TP HCM tiếp nhận 9,5 tỷ USD, chiếm gần 60% lượng kiều hối của cả nước.

Bà Vũ Thị Huỳnh Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP HCM, thông tin thêm về một trong những mục tiêu chính của đề án là nắn dòng kiều hối vào hạ tầng, vào sản xuất, kinh doanh… để tạo sản phẩm cho xã hội, tạo công ăn việc làm. Khi đề án được triển khai, sẽ có ít nhất 5 dự án phát triển kinh tế - xã hội tại thành phố có sự đóng góp từ nguồn lực kiều hối.

TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cho rằng để huy động nguồn lực từ kiều hối có 2 kênh là phát hành trái phiếu công trình và trái phiếu dự án. Như đường sắt đô thị (metro), có thể chọn 1 dự án để phát hành trái phiếu nhằm thu hút kiều hối kiều bào.

"Kênh thứ hai là phát hành trái phiếu đô thị. Loại trái phiếu này được bảo đảm bằng ngân sách TP, cũng rất an toàn, giống như trái phiếu Chính phủ. Nếu Ngân hàng Nhà nước cho phép loại trái phiếu này được lưu chuyển, giao dịch trên thị trường như trái phiếu Chính phủ thì người dân sẽ lựa chọn. Đây là một kênh cho kiều hối chảy vào" - ông Lịch nói.

NCB ra mắt tính năng đặt nickname tài khoản ngân hàng

Từ 23/04/2024, khách hàng của Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) có thể sở hữu các tài khoản ngân hàng dễ nhớ, mang cá tính riêng bằng nickname thay cho số tài khoản truyền thống chỉ với vài thao tác đơn giản trên ứng dụng ngân hàng số NCB iziMobile.

Tin ngân hàng ngày 24/4: MSB thông tin về việc khách hàng bị mất tiền gửi
Ảnh minh họa

Với tính năng mới này, khách hàng cá nhân của NCB có thể đăng nhập ứng dụng NCB iziMobile và tạo nickname cho tài khoản thanh toán, thay thế số tài khoản thông thường để chuyển và nhận tiền trên kênh ngân hàng số. Tính năng mới cho phép khách hàng tùy ý sáng tạo tên mới cho tài khoản đã có bằng dãy ký tự theo sở thích, ngày sinh, hay bất kỳ biệt danh, tên gọi yêu thích nào. Người dùng chỉ cần lưu ý chọn nickname cho tài khoản phù hợp với thuần phong mỹ tục, có độ dài từ 6 - 20 ký tự, bao gồm cả chữ và số (ký tự đầu tiên là chữ) và không trùng với các tên đã tồn tại trước đó.

Từ đó, người dùng không chỉ dễ dàng tạo một tài khoản dễ nhớ, dễ chia sẻ mà còn thỏa sức thể hiện dấu ấn cá nhân, gây ấn tượng với bạn bè, đối tác khi giao dịch. Thông tin tài khoản cũng trở nên ngắn gọn, thuận tiện hơn cho cả người nhận và người chuyển tiền.

Ngoài ra, khách hàng cá nhân là hộ kinh doanh, chủ cửa hàng cũng có thể ứng dụng tính năng này để tạo tài khoản theo tên cửa hàng, vừa nâng cao uy tín, tăng nhận diện thương hiệu, vừa tránh được rủi ro khách hàng nhập sai thông tin thanh toán.

Để sở hữu ngay một tên tài khoản được cá nhân hóa, chủ tài khoản chỉ cần thực hiện một vài thao tác đơn giản: Đăng nhập vào ứng dụng NCB iziMobile, vào mục "Cá nhân", chọn "Nickname tài khoản", nhập nickname yêu thích và xác nhận.

Sau khi đăng ký thành công, khách hàng có thể sử dụng ngay tên tài khoản mới để nhận tiền thay cho số tài khoản truyền thống. Nhờ vậy, người dùng có thể thuận tiện hơn trong giao dịch ngân hàng, không còn phải ghi nhớ dãy số tài khoản và tránh được các nhầm lẫn vì nhập sai số tài khoản.

Đáng chú ý, tính năng thú vị này được NCB cung cấp hoàn toàn miễn phí cho khách hàng sử dụng ngân hàng số NCB iziMobile. Trong trường hợp muốn thay đổi hoặc xóa nickname để dùng tài khoản thanh toán thông thường, người dùng cũng có thể tùy chỉnh một cách nhanh chóng, linh hoạt ngay trên ứng dụng, không cần đến trực tiếp ngân hàng hay thanh toán bất kỳ khoản phí nào.

Huy Tùng (T/h)

vietinbank
thaco