Trải nghiệm du lịch sinh thái trong mùa dịch Covid-19

09:33 | 22/09/2021

Theo dõi Du lịch - Năng lượng xanh trên
|
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nhiều người dân địa phương đã lựa chọn du lịch sinh thái tại các điểm như: hồ Ba Bể, đồi cỏ Lủng Tráng, xã Hà Hiệu, đồi cỏ Phiêng Chỉ, xã Phúc Lộc (Ba Bể); thác Bạc tại đèo Áng Toòng (Na Rì); thác Nà Khoang, hồ Bản Chang (Ngân Sơn); suối Bản Lù, xã Tân Sơn (Chợ Mới)…
Quyến rũ Pắc TạQuyến rũ Pắc Tạ
Khám phá mùa lúa chín vàng óng và phiên chợ Sừng ở vùng biên giới Sì Lở LầuKhám phá mùa lúa chín vàng óng và phiên chợ Sừng ở vùng biên giới Sì Lở Lầu
Trải nghiệm du lịch sinh thái trong mùa dịch Covid-19
Trải nghiệm du lịch tại "thảo nguyên" Sam Chiêm (còn gọi là đồi Tình) huyện Ngân Sơn.

Những chuyến hành trình du lịch trải nghiệm với chiếc xe ô tô tự lái hoặc phương tiện di chuyển cá nhân đang là hình thức được nhiều du khách lựa chọn trong bối cảnh dịch Covid-19. Chị Ninh Thị Thùy Dương, tổ 10b, phường Đức Xuân (TP Bắc Kạn) cho biết: “Gia đình tôi có sở thích du lịch, khám phá những vùng đất mới, đặc biệt là tại Bắc Kạn. Vì vậy khi được vài người bạn gợi ý địa điểm đẹp, chúng tôi lên đường đi đến đồi cỏ thuộc Phiêng Chỉ, xã Phúc Lộc, huyện Ba Bể. Chuyến đi vào một chiều thu cuối tuần, dưới ánh hoàng hôn, Phiêng Chỉ hiện ra tuyệt đẹp làm chúng tôi ngỡ ngàng và vô cùng thích thú. Những đồi cỏ xanh mát trải dài xen lẫn rừng thông, đàn gia súc thảnh thơi gặm cỏ, tiếng mõ lốc cốc theo nhịp bước chân... tạo một không gian bình yên, thư thái".

Đồi cỏ Phiêng Chỉ trải dài trên đỉnh núi, khí hậu trong lành, mát mẻ. Đặc biệt vào khoảng tháng 9 tháng 10, nếu đón bình minh nơi đây sẽ được ngắm những biển mây trắng lưng chừng núi.

Tuy nhiên, để đến Phiêng Chỉ từ ngoài đường cái rẽ lên mới chỉ có hơn 1km đường bê tông còn lại là đường đất đá rất khó di chuyển, nhất là vào mùa mưa. Vì vậy, nếu du khách đến Phiêng Chỉ cần theo dõi dự báo thời tiết trước khi đi. Nếu đi xe ô tô gầm cao có thể lên tận nơi, còn không thì có thể đi xe máy hoặc thuê người dân chở lên. Để thu hút khách du lịch, điều cần thiết đó là các cấp chính quyền cần quan tâm đầu tư đường giao thông, đường điện giúp cho người dân thuận lợi hơn trong sinh hoạt, sản xuất và xem xét định hướng phát triển du lịch sinh thái.

Trải nghiệm du lịch sinh thái trong mùa dịch Covid-19
Chị Ninh Thị Thùy Dương (TP Bắc Kạn) ưa thích trải nghiệm du lịch sinh thái trên địa bàn tỉnh.

Thời gian gần đây, nhiều người dân Bắc Kạn tìm đến hồ Bản Chang, xã Đức Vân (Ngân Sơn). Đến đây, du khách được chiêm ngưỡng hồ nước trong xanh với những cánh rừng thông xanh ngắt, đồi núi phủ đầy hoa sim tím, trông như một bức tranh thiên nhiên thật đẹp. Hầu hết du khách trong thời gian này là người dân trong tỉnh. Khí hậu nơi đây đặc biệt trong lành mát mẻ, phù hợp để đầu tư phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và các hoạt động du lịch tập thể như: chèo thuyền, bơi lội, câu cá…

Trải nghiệm du lịch sinh thái trong mùa dịch Covid-19
Hồ Bản Chang (Ngân Sơn) thu hút nhiều du khách nội tỉnh.

Khám phá và trải nghiệm, hiện nay nhiều du khách đam mê du lịch đã tìm đến thiên nhiên để cắm trại gia đình, chụp ảnh tại một số điểm như: Đồi cỏ tại thôn Khuổi Luông hay Lủng Tráng (Ba Bể). Nơi đây có những đồi cỏ xanh mướt nối tiếp nhau, nhiệt độ mát mẻ về mùa hè, lạnh về mùa đông nên đã thu hút nhiều người trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận đến khám phá trải nghiệm vào dịp cuối tuần. Tại các điểm này, hiện nay chưa có đơn vị nào đầu tư phát triển du lịch. Người dân tự khám phá tìm đến nơi đây bởi vẻ đẹp hoang sơ, hoàn toàn tự nhiên. Nếu được đầu tư phát triển, đây sẽ là những điểm đến đặc biệt hấp dẫn du khách.

Tuy có nhiều lợi thế để phát triển du lịch sinh thái nhưng hiện nay, việc đầu tư, khai thác, phát triển du lịch sinh thái trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn do địa phương thiếu vốn, kinh nghiệm, kiến thức làm du lịch hạn chế. Các huyện miền núi trong tỉnh có nhiều khu vực có thể phát triển các địa điểm du lịch sinh thái, tuy nhiên do khó khăn về vốn nên chậm được đầu tư, quy hoạch. Tại đây chủ yếu mới chỉ thu hút người dân địa phương chứ chưa có giải pháp thu hút khách ngoài tỉnh đến tham quan.

Trải nghiệm du lịch sinh thái trong mùa dịch Covid-19
Du khách trải nghiệm chèo thuyền Kayak trên hồ Ba Bể.

Mặc dù đã rất nhiều lần đến hồ Ba Bể, nhưng lần này gia đình chị Lăng Thu Huyền, tổ 9a, phường Đức Xuân (TP Bắc Kạn) mới thật sự cảm nhận được hết vẻ đẹp tiềm ẩn nơi đây. Chị Huyền cho biết: “Trước đây chúng tôi đều đưa khách của gia đình đi trên xuồng ngắm một vòng hồ, thời gian gấp gáp nên chưa được khám phá, trải nghiệm. Mỗi lần tới hồ Ba Bể, tôi đều cảm nhận được khí hậu mát mẻ, dòng nước xanh ngắt, không gian yên tĩnh, con người thân thiện. Trong mùa dịch Covid-19, gia đình tôi đã lựa chọn hồ Ba Bể để đi nghỉ dưỡng, di chuyển bằng xe ô tô cá nhân, thưởng thức các món ăn đặc sắc của vùng hồ, nghỉ tại căn nhà sàn yên tĩnh thoáng mát. Đây là chuyến đi với nhiều kỷ niệm đáng nhớ nhất của gia đình tôi”.

Thực tế, hoạt động du lịch cộng đồng ở Ba Bể đã và đang phát triển mạnh nhất là tại thôn Pác Ngòi, xã Nam Mẫu. Tại đây, phần lớn những ngôi nhà sàn của các hộ dân đều dựa lưng vào núi, hoặc chạy dọc con đường chính, hướng ra con sông Lèng, hồ Ba Bể, tạo phong cảnh non nước hữu tình. Khách du lịch đến với Pác Ngòi đều chủ động vào những nhà dân mà họ đã liên hệ từ trước thông qua sự giới thiệu của người quen, qua sự quảng bá của chính các hộ làm du lịch trên mạng internet hoặc thông qua các doanh nghiệp lữ hành.

Trải nghiệm du lịch sinh thái trong mùa dịch Covid-19
Du khách được trang bị áo phao an toàn khi bơi trong hồ Ba Bể ở khu vực an toàn.

UBND tỉnh Bắc Kạn đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 phát triển đồng bộ, hoàn thiện các dịch vụ tại Khu du lịch Ba Bể để hình thành dòng sản phẩm du lịch sinh thái gắn trải nghiệm văn hóa truyền thống. Để hiện thực hóa chủ trương trên, tỉnh đã đưa ra một số giải pháp trọng tâm như: Hỗ trợ cải tạo không gian cảnh quan tại bản Pác Ngòi, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách du lịch tại Khu du lịch Ba Bể; đầu tư nâng cấp, cải tạo một số tuyến du lịch đi bộ đặc trưng trong rừng nguyên sinh Vườn Quốc gia Ba Bể kết hợp với tuyến tuần tra bảo vệ rừng; đầu tư, khai thác phát triển hang Thẳm Phầy, xã Hoàng Trĩ phục vụ phát triển du lịch; đầu tư xây dựng, nâng cấp chợ đêm và không gian trải nghiệm văn hóa truyền thống tại bản Pác Ngòi...

Nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch, tuyên truyền, quảng bá về vùng đất, con người, văn hóa, lịch sử, tiềm năng sản phẩm du lịch Bắc Kạn đến du khách trong và ngoài nước, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch quảng bá, xúc tiến du lịch tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021-2025; xây dựng hệ thống Cổng thông tin du lịch Bắc Kạn và ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động thuộc Đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ du lịch thông minh”.

Phát triển du lịch sinh thái là hướng đi phù hợp với xu thế hiện nay. Nhu cầu khám phá văn hóa vùng miền ngày càng nhiều, đây là hướng đi mang tính bền vững để khai thác sâu tiềm năng, lợi thế của địa phương. Du lịch sinh thái sẽ tạo thêm nhiều việc làm cho lao động nông thôn, các cơ sở lưu trú và dịch vụ ăn uống của đơn vị kinh doanh du lịch vừa và nhỏ, hộ kinh doanh cá thể…, phát triển kinh tế bền vững cho cư dân bản địa, đồng thời giúp bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy những nét văn hoá của đồng bào các dân tộc trong tỉnh.

Thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo các khu, điểm du lịch, các cơ sở kinh doanh du lịch và dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên lượng khách du lịch đến tỉnh đạt thấp. Trong tháng 8/2021, tỉnh Bắc Kạn đón hơn 1,3 nghìn lượt khách; lũy kế đón 95,5 nghìn lượt khách, đạt 15,4% kế hoạch, bằng 76% so với cùng kỳ năm 2020; doanh thu du lịch đạt 66,85 tỷ đồng, đạt 16,4% kế hoạch và bằng 81,5% so với cùng kỳ năm 2020.

https://dulich.petrotimes.vn/

Bích Ngọc/Báo Bắc Kạn

Chuyên trang du lịch rất mong nhận được bài viết, hình ảnh của bạn đọc. Xin vui lòng gửi về: [email protected]