Về Tây Ninh khám phá tháp cổ

14:03 | 07/04/2021

Theo dõi Du lịch - Năng lượng xanh trên
|
Nói đến các di chỉ kiến trúc đền, tháp thờ tự tín ngưỡng tôn giáo xây dựng bằng gạch nung chồng khít, người ta thường nghĩ ngay đến khu vực miền Trung và Tây Nguyên của Việt Nam.
Loanh quanh với Đảo BéLoanh quanh với Đảo Bé
Đến Phan Thiết nhớ ghé tham quan vườn thanh long Phú MỹĐến Phan Thiết nhớ ghé tham quan vườn thanh long Phú Mỹ

Tuy nhiên, có lẽ không phải ai cũng biết ở Tây Ninh cũng có 02 di chỉ kiến trúc tháp tương tự thuộc nền văn hoá Óc Eo - một nền văn hoá cổ mà một phần không gian của nó nằm dưới bề mặt của đồng bằng Nam Bộ ngày nay. Tháp cổ Bình Thạnh và tháp Chót Mạt là hai công trình kiến trúc độc đáo còn khá nguyên vẹn của nền văn hóa Óc Eo hiếm hoi còn sót lại trên mảnh đất Tây Ninh.

Về Tây Ninh khám phá tháp cổ
Ảnh: Đỗ Thành Nhân

Theo các nhà nghiên cứu, tháp cổ Bình Thạnh được hình thành từ khoảng thế kỷ thứ VIII đến khoảng thế kỷ thứ IX, tức là cách đây hơn 1.000 năm. Qua bao thăng trầm của lịch sử, tháp cổ này vẫn giữ lại được gần như nguyên vẹn kiến trúc ban đầu, đó cũng là một phần của lịch sử đất nước ta.

Tháp cổ Bình Thạnh được xây dựng bằng gạch với kỹ thuật tương tự như ở các đền tháp Chăm nổi tiếng ở miền Trung nước ta. Kỹ thuật xây dựng này đã bị thất truyền từ lâu và vẫn là một bài toán chưa có lời giải đối với khoa học. Các viên gạch được xếp chồng lên nhau, các khe gạch rất khít. Các nhà nghiên cứu cho rằng, các viên gạch được liên kết với nhau bởi một chất kết dính nào đó. Cũng có giả thuyết cho rằng, các viên gạch được xếp chồng lên nhau, sau đó người xưa dùng lửa để nung các viên gạch dính liền với nhau. Nhưng đến bây giờ, tất cả cũng chỉ là giả thuyết.

Tháp có nền hình vuông, cao 10m, mỗi cạnh 5m, được xây dựng đúng bốn hướng, cửa chính mở về hướng Đông, trước mặt là hình vuông, ba mặt Tây - Nam - Bắc đều có cửa “giả” được đắp nổi các hoa văn, trang trí tinh xảo. Cửa chính Đông được xây nhô hẳn ra ngoài khung cửa là bốn phiến đá được đục, đẽo, mài nhẵn các cạnh, một tấm đặt ngang phía dưới, hai bên khoét hai lỗ tròn để gắn con quay cánh cửa, tấm thứ tư đặt ngang phía trên tạo thành một khung cửa đá vững chắc, rộng 1m, cao 2m.

Về điêu khắc, trang trí đền tháp Bình Thạnh là những tác phẩm tuyệt mỹ. Các họa tiết phù điêu không chỉ đẹp về tạo hình, tỉ mỉ đến trau chuốt trong tạo tác mà còn mang tính biểu tượng cao.

Tháp cổ Bình Thạnh hiện nay tọa lạc tại ấp Bình Phú, xã Phước Bình, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, cách trung tâm thành phố Tây Ninh khoảng 50 cây số về phía Đông Nam. Nằm trên một khu đất cao và bằng phẳng, xung quanh là những tàn cây rợp bóng, nhìn từ xa, tháp cổ Bình Thạnh toát lên vẻ thanh tịnh và huyền bí. Bao quanh tháp cổ là những cánh đồng lúa bát ngát, một màu xanh thăm thẳm hút mắt giúp cho ta có cảm giác thư thái và yên bình.

Về Tây Ninh khám phá tháp cổ
Ảnh: Internet

Nằm tại ấp Xóm Mới - xã Tân Phong - huyện Tân Biên - tỉnh Tây Ninh, tháp Chót Mạt được phát hiện vào đầu thế kỷ 20 bởi một nhà khảo cổ học người Pháp.

Về Tây Ninh khám phá tháp cổ
Ảnh: Đỗ Thành Nhân

Tháp Chót Mạt được cho xây dựng vào khoảng thế kỷ VIII, bằng hai loại vật liệu chính là: gạch khổ lớn và đá phiến. Hình dáng của tháp trông gần giống như tháp cổ Bình Thạnh. Chân tháp rộng, các bức tường thẳng và dày, đỉnh tháp nhọn, các viên gạch được xếp chồng khít lên nhau hầu như không bất cứ khe hở.

Tháp có hình vuông, mỗi cạnh dài 5m, tháp cao trên 10m, các mặt vách, tháp quay ra đúng bốn hướng Đông - Tây - Nam - Bắc. Mặt chính của tháp là hướng Đông.

Về Tây Ninh khám phá tháp cổ
Ảnh: Võ Thanh Tùng

Để đến được với tháp Chót Mạt du khách có thể từ Tây Ninh đi theo quốc lộ 22B về Xa Mát khoảng hơn 18km, thấy biển báo chỉ đường vào tháp Chót Mạt bên trái. Đi theo biển chỉ dẫn khoảng 11km là thấy tháp nằm giữ cánh đồng lúa bao la bát ngát.

Nếu đến Tây Ninh, hãy một lần ghé thăm các ngôi tháp cổ để sống lại năm tháng xưa cũ với những hoài niệm, vấn vương.

https://dulich.petrotimes.vn/

Tayninhdulich.vn

Chuyên trang du lịch rất mong nhận được bài viết, hình ảnh của bạn đọc. Xin vui lòng gửi về: [email protected]