Người phụ nữ Mông tiên phong làm “du lịch xanh” 2

15:37 | 10/05/2018

Theo dõi Du lịch - Năng lượng xanh trên
|
Khi mới bước vào tuổi 21 Tẩn Thị Shu đã có kinh nghiệm 12 năm làm du lịch. Tự học tiếng Anh qua những lần giao tiếp, hướng dẫn khách du lịch nước ngoài, cô gái người Mông đã trở thành người tiên phong làm “du lịch xanh” ở thị trấn Sa Pa (Lào Cai), nơi quanh năm sương trắng, mây mù giăng giăng.

Cô gái làm du lịch số một “thị trấn sương mù”

Những năm giữa của thập niên 90 thế kỷ trước, thị trấn Sapa vẫn còn đêm ngày heo hút và chỉ sôi động vào những buổi tối thứ Bảy, Chủ nhật cuối tuần khi có những đoàn khách du lịch dưới xuôi hay những đoàn khách “Tây ba lô” lên khám phá. Đó cũng là thời gian mà người Mông chợ huyện thường xuyên thấy một cô gái mặt mũi lấm lem nhưng có đôi mắt rất sáng ngày ngày theo mẹ đi bộ từ bản ra thị trấn để bán hàng rong. Đối với nhiều người, cô bé Tẩn Thị Shu đã trở nên quen mặt, biết tiếng không chỉ bởi Shu nổi tiếng là “người bán hàng cho khách du lịch giỏi nhất” mà còn bởi Shu lúc nào cũng có một quyết tâm: Phải biết khách du lịch cần gì và muốn mua những gì để bán.

Quanh năm suốt tháng, người ta thấy một cô bé 9 tuổi nhỏ thó (Shu sinh năm 1986 - PV), mang vác trên vai nhiều thứ, từ thổ cẩm đến những đặc sản của người Mông, từ chiếc khăn len đan tinh xảo đến những địu đồ ngất ngưởng. Những ngày chưa bán hết hàng, Shu ngủ ngay hè thị trấn với manh áo mỏng rét căm căm quyết bán được hết hàng mới về nhà.

nguoi phu nu mong tien phong lam du lich xanh
Tẩn Thị Shu trong một lần trả lời phỏng vấn truyền hình nước ngoài về mô hình “du lịch xanh”

Với những gì đã tích lũy được suốt tuổi thơ lam lũ, với số vốn ít ỏi, năm 2007, Tẩn Thị Shu đã thành lập cơ sở du lịch đầu tiên của người Mông tại xã Lao Chải (thị trấn Sa Pa) theo mô hình du lịch cộng đồng có tên Sapa O’Chau (tiếng Mông có nghĩa là “cảm ơn Sa Pa”). Du khách khi tham gia vào các tour của Sapa O’Chau đến tham quan đồng thời giảng dạy một nghề hoặc ngôn ngữ miễn phí cho trẻ em địa phương.

Sau hơn tám năm hoạt động, trải qua muôn vàn khó khăn, Sapa O’Chau đã phát triển, mở rộng từ du lịch thiện nguyện sang kinh doanh đồ uống, hàng thổ cẩm tại Sa Pa như một cách tạo nguồn thu bền vững doanh thu lên đến hàng tỉ đồng.

Từ những cố gắng và nỗ lực của Shu và những người đồng hành, loại hình du lịch và cá nhân Shu đã đạt được những đền đáp xứng đáng. Năm 2016, Shu và Sapa O’Chau đã đạt danh hiệu “kép”: tạp chí Forbes Việt Nam vinh danh là “1 trong 30 gương mặt trẻ Việt dưới 30 tuổi”, và giải thưởng “World’s Responsible Tourism Award 2016” - giải thưởng Du lịch có trách nhiệm của thế giới.

Bền vững với loại hình “du lịch xanh”

Theo đánh giá của các chuyên gia du lịch về hướng phát triển các loại hình du lịch trong tương lai, “du lịch xanh là du lịch hướng về thiên nhiên trở thành một xu hướng chung không chỉ ở Việt Nam mà còn cả trên thế giới. Hình thức du lịch này gần gũi, đồng thời có thể phát huy hết vai trò của yếu tố thiên nhiên, lợi thế tự nhiên của một quốc gia. Đặc biệt, du lịch có sự đóng góp về mặt văn hoá, có giáo dục môi trường, đóng góp cho nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững, có sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương.

“Mình không hiểu lắm về các tiêu chí, khái niệm về loại hình du lịch xanh, nhưng theo cách nghĩ của mình, việc vừa làm du lịch vừa phát huy được văn hóa cổ truyền của người Mông, vừa đảm bảo hài hòa các môi trường tự nhiên được khách du lịch, nhất là khách du lịch nước ngoài rất ưa chuộng ở Sa Pa” - chị Shu tâm sự.

nguoi phu nu mong tien phong lam du lich xanh
Sa Pa đang hướng đến một mô hình du lịch xanh bền vững

Trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài, tâm sự của Shu cũng là thông điệp của Sapa O’Chau một lần nữa khẳng định giá trị của phát triển du lịch xanh một cách bền vững: “Đối với người dân địa phương, họ cũng cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình đối với số phận của vùng đất nơi họ đang ở và đối với con cháu đời sau của họ. Nếu họ không tỉnh táo mà chạy theo cái lợi trước mắt thì họ chỉ kiếm tiền được trong một khoảng thời gian ngắn mà thôi. Sau đó môi trường có thể bị hủy hoại, hình ảnh người dân trong mắt khách du lịch sẽ suy giảm và họ sẽ không quay trở lại nữa. Đời mình no mà đời con cháu đói thì đâu có được”.

Hiện tại, dưới sự đi đầu của Tẩn Thị Shu và Sapa O’Chau, nhiều đơn vị, doanh nghiệp khác kinh doanh về dịch vụ và du lịch cũng đang hướng đến một thị trường du lịch xanh. Gần đây nhất, đoàn tư vấn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cùng các chuyên gia, tư vấn thực hiện dự án đã đến thị trấn Sa Pa để triển khai việc hỗ trợ kỹ thuật phát triển đô thị hành lang tiểu vùng sông Mê Kông lần thứ 2 và UBND tỉnh Lào Cai, huyện Sa Pa đã tổ chức hội thảo kế hoạch xây dựng Sa Pa trở thành đô thị du lịch xanh ở vùng Tây Bắc.

Mục tiêu trước mắt là xây dựng Sa Pa thành đô thị loại ba, với yếu tố môi trường đặt lên hàng đầu; tập trung phát triển kinh tế du lịch và nông nghiệp; giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc và cảnh quan tự nhiên; phát triển nguồn nhân lực trong tương lai; ưu tiên phát triển các làng nghề truyền thống…

“Các khu du lịch quốc gia cần sớm được quản lý theo tư duy tiếp cận xanh, phát triển bền vững. Đặc biệt, theo khẳng định của bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, mỗi loại hình khu du lịch quốc gia có những tính chất riêng, vì vậy yêu cầu phát triển xanh, bảo vệ môi trường cũng có những đặc điểm khác nhau” - PGS.TS Nguyễn Danh Sơn - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

An An

Chuyên trang du lịch rất mong nhận được bài viết, hình ảnh của bạn đọc. Xin vui lòng gửi về: [email protected]