Bắc Kạn: Cơ hội và tiềm năng phát triển du lịch ở Ngân Sơn
Camping tại Bắc Kạn - Xu hướng mới của giới trẻ |
Hồ Ba Bể - "Viên ngọc xanh" giữa đại ngàn Việt Bắc |
Thảo nguyên Sam Chiêm ở xã Hiệp Lực, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn |
Thác Nà Khoang nằm ven QL3, dưới chân đèo Gió thuộc thôn Nà Khoang, thị trấn Nà Phặc, huyện Ngân Sơn, cách TP. Bắc Kạn khoảng 40km. Đây là một trong những di tích danh lam thắng cảnh cấp tỉnh. Thác có độ dốc tương đối lớn nên tạo thành nhiều thác nước to, nhỏ khác nhau theo kiểu bậc thang, phong cảnh hữu tình và đặc sắc.
Từ trên đường, du khách đã có thể thấy dòng nước trắng xóa, len lỏi qua triền đá, nổi bật giữa màu xanh của cây cối. Đó là dòng suối Nà Đeng, đoạn chảy hợp lưu với suối Bản Mạch. Khu vực thác Nà Khoang thuộc vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình khoảng 20-25 độ C. Xung quanh khu vực thác chủ yếu là rừng tái sinh. Thắng cảnh này thu hút nhiều du khách đến thưởng lãm, tắm mát vào mùa hè…
Gần với thác Nà Khoang, thời gian gần đây nhiều du khách trong và ngoài tỉnh tìm đến thảo nguyên Sam Chiêm ở xã Hiệp Lực, huyện Ngân Sơn. Nằm cách trung tâm thành phố Bắc Kạn khoảng 35km, đường đến Sam Chiêm vượt qua nhiều con dốc trùng điệp với địa hình đồi núi, men theo con đường nhỏ nổi bật với thảm cỏ xanh mướt.
Ngọn đồi xinh đẹp này ngập trong sắc xanh mơn mởn của cây cỏ, thường được du khách tìm đến để tận hưởng cảnh sắc và khí hậu trong lành vào những ngày cuối tuần. Cùng với cảnh sắc tươi xanh, Sam Chiêm có khí hậu mát mẻ, rất thích hợp cho những hoạt động dã ngoại và tận hưởng thiên nhiên.
Một trong những điểm du lịch của huyện Ngân Sơn, được ví như Đà Lạt thu nhỏ là hồ Bản Chang, xã Đức Vân. Đây là hồ nhân tạo có diện tích mặt nước hơn 40ha, cách thành phố Bắc Kạn 62km về hướng Cao Bằng, cách QL3 khoảng 1km. Xung quanh hồ là những cánh rừng thông vươn mình thẳng tắp, xanh ngút tầm mắt, nơi bản làng của các dân tộc Tày, Nùng sinh sống, tạo nên bức tranh thủy mặc sống động. Đây là địa điểm lý tưởng để du khách tránh ngày hè oi bức, thưởng thức không khí trong lành, tìm cảm giác bình yên và tìm hiểu về bản sắc văn hóa dân tộc.
Hồ Bản Chang đang là một trong những tâm điểm du lịch trên tuyến QL3 Bắc Kạn - Cao Bằng |
Xung quanh hồ có đường bê tông kiên cố, cầu phao nhỏ nối hai bờ hồ, thuận lợi cho du khách chụp ảnh, tham quan. Để khai thác hiệu quả du lịch hồ Bản Chang, HTX Tiến Thịnh đã mạnh dạn đầu tư khoảng 1 tỷ đồng vào trồng hoa, xây dựng tiểu cảnh, lắp ghép các lều kiểu Mông Cổ phục vụ khách lưu trú và chụp ảnh.
Hiện nay HTX đã đưa vào phục vụ dịch vụ ăn uống. Anh Hoàng Văn Đường, thành viên HTX cho biết: HTX đang xin phép khai thác dịch vụ mặt nước tại hồ Bản Chang, tới đây sẽ có thuyền đưa khách tham quan hồ, bơi thuyền kayak, thuyền đạp vịt, đặc biệt là tour du lịch khai thác nhựa thông cùng người dân...
Bà Dương Thị Phương Quế, Phó Chủ tịch UBND huyện Ngân Sơn cho biết: Với lợi thế về giao thông, phong cảnh thiên nhiên độc đáo, Ngân Sơn có nhiều vị trí hấp dẫn để đầu tư phát triển kinh doanh du lịch. Ngoài ra huyện còn có các cây trồng đặc hữu như đào, lê, dẻ và mận, mỗi mùa hoa nở tạo nên cảnh sắc đẹp, cuốn hút du khách. Huyện luôn sẵn sàng chào đón và hỗ trợ các nhà đầu tư đến thực hiện các dự án khai thác du lịch tại địa phương.
Trần Tuyến/ Báo Bắc Kạn
https://dulich.petrotimes.vn/