Tìm hiểu Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ

Bài 1: Quá trình du nhập, tồn tại và phát triển của nghệ thuật đờn ca tài tử ở Kiên Giang

11:03 | 21/02/2020

Theo dõi Du lịch - Năng lượng xanh trên
|
Nghệ thuật đờn ca tài tử là loại hình âm nhạc được kết tinh từ trong nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam, một loại hình âm nhạc mang đậm đà bản sắc dân tộc. Tuy nhiên, những thập niên gần đây bộ môn nghệ thuật Đờn ca tài tử bị mai một nhiều.

Quá trình du nhập

Nguồn gốc của nghệ thuật Đờn ca tài tử là nhạc lễ cung đình Huế, pha lẫn âm nhạc từ các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi. Khi một số thầy đờn gốc Miền Trung di cư vào phía Nam đã mang loại hình âm nhạc này phổ biến rộng rãi phục vụ hội hè, đình đám hoặc giải trí, giãi bày tâm tình trong lúc thảnh thơi, nhàn rỗi. Dần dần các nhà chuyên môn bắt đầu soạn lời ca nhằm phục vụ người mộ điệu. Như vậy lúc đầu là khí nhạc giờ đây có thêm thanh nhạc nghĩa là đờn và ca.

bai 1 qua trinh du nhap ton tai va phat trien cua nghe thuat don ca tai tu o kien giang

Câu lạc bộ Đờn ca tài tử Phù Sa – TP Rạch Giá

Đến khoảng giữa thế kỷ XIX, do nhu cầu phục vụ gia chủ và khách trong các tang lễ về khuya đòi hỏi âm lượng nhạc cụ phải nhỏ nhẹ, êm ái nên dàn nhạc phe văn có một sự thể nghiệm mới, đó là việc giảm bớt số nhạc cụ dây kéo vĩ chỉ còn cây đàn cò hoặc đàn gáo, bỏ đi trống nhạc, sáng tạo thêm cái song lang, bổ sung một số nhạc cụ dây gẩy và ống sáo hoặc ống địch vào dàn nhạc. Với hình thức nhạc cụ là những cây đàn bằng gỗ gọn nhẹ như vậy, người ta gọi đó là nhóm nhạc đờn cây, nhóm này dần dần tách hẳn khỏi dàn nhạc lễ chuyển sang chơi trong các buổi hội hè, cưới hỏi hoặc phục vụ trong tư gia của các nhà giàu có, quyền quý và tính chất âm nhạc cũng nghiêng về phong cách thính phòng, trở thành một thú chơi tao nhã của những người phong lưu tài tử. Bên cạnh đó, dần dà còn có việc đặt lời ca vào một số bản nhạc lễ và sáng tác các bài bản mới để đờn ca giải trí, phục vụ người mộ điệu, tri âm. Như vậy, từ tính chất ban đầu hoàn toàn là khí nhạc, giờ đây dòng âm nhạc này đã có thêm tính chất thanh nhạc, nghĩa là có đàn (đờn) và có ca.

bai 1 qua trinh du nhap ton tai va phat trien cua nghe thuat don ca tai tu o kien giang

Bộ nhạc cụ dùng trong Nghệ thuật Đờn ca tài tử

bai 1 qua trinh du nhap ton tai va phat trien cua nghe thuat don ca tai tu o kien giang

Các nghệ nhân trong Ban đờn

Vào khoảng năm 1885 trở đi, nhóm nhạc đơn cây bắt đầu phổ biến trong nhiều tầng lớp nhân dân ở Nam bộ họ chơi nhạc bất cứ nơi đâu từ chốn quê ra phố thị. Trong căn phòng ấm cúng, ngoài hiên vườn hay góc ruộng hoặc trên sông nước vv… Để phân biệt nhạc lễ và nhạc hát bội đang thịnh hành lúc bấy giờ người ta gọi nhạc đờn cây là Đờn ca tài tử.

Đây là một loại nhạc thính phòng thường trình diễn trong phạm vi không gian tương đối nhỏ như trong gia đình, tại đám cưới, đám giỗ, trong các lễ hội, sau khi thu hoạch mùa vụ, thường được biểu diễn vào những đêm trăng sáng ở xóm ấp.

Loại nhạc này mang đậm tính cách giải trí vui chơi chứ không thuộc loại nhạc lễ. Cải biên hơi điệu sáng tác những bài bản phù hợp với ngôn ngữ vùng đất Nam bộ. Ban nhạc thường dùng năm nhạc cụ, thường gọi là ban ngũ tuyệt gồm đờn tranh, đờn tỳ bà, đờn kìm, đờn cò, đờn tam. Phụ họa thêm là tiếng sáo thường là sáo bảy lỗ.

Đến khoảng cuối thể kỷ XIX đầu thế kỷ XX, phong trào Đờn ca tài tử phát triển rộng khắp Nam bộ, các bậc tiền bối nổi tiếng ở nhiều địa phương liên kết sáng tác bài bản, dạy môn đệ nhưng trong phạm vi 20 bài bản tổ (gọi là nhị thập Huyền tổ bản) do ông Nguyễn Quang Đại (tức Ba Đợi) ở Cần Đước Long An và ông Trần Quang Qườn tức (Ký Qườn) ở Vĩnh Long, hai ông này có công lớn trong việc xây dựng nền âm nhạc Đờn ca tài tử Nam bộ, do phong trào phát triển nhanh mỗi ông có cách nghĩ riêng của mình nên nghệ thuật Đờn ca tài tử tách ra thành hai khối (khối Miền Đông và khối Miền Tây) khối Miền Đông do ông Ba Đợi đứng đầu, khối Miến Tây do ông Ký Qườn đứng đầu, hai khối này thường giao lưu tranh tài quyết liệt nên mỗi khối nghiên cứu sáng tác bổ sung bài bản làm cho bài bản tài tử phát triển, phong phú về số lượng và hơi điệu.

Khoản năm 1919 – 1920 bài Dạ cổ Hoài lang của số nhạc sĩ Cao Văn Lầu ra đời là một bước phát triển mới của âm nhạc tài tử lúc bấy giời, các nhạc sĩ vận dụng sáng tạo một số bài bản của âm nhạc tài từ cấu trúc bổ sung hơi điệu phù hợp với người hâm mộ khắp mọi miền đất nước tạo tiền đề cho nghệ thuật cải lương phát triển.

bai 1 qua trinh du nhap ton tai va phat trien cua nghe thuat don ca tai tu o kien giang

Khu lưu niệm nhạc sỹ Cao Văn Lầu tại Bạc Liêu

Từ năm 1945 – 1975 phong trào đơn ca tài từ Nam bộ nói chung và Kiên Giang nói riêng bị chựng lại số lượng bài bản tài tử phát triển không đáng kể, nguyên nhân đất nước bị chiến tranh triền miên hai khối tài tử Miền đông và Miền tây không có người dẫn dắt, không có đối tượng để thi thố bài bản với nhau, bên cạnh đó sự phát triển ào ạt của sân khấu cải lương và âm nhạc phương Tây, làm cho bài bản của âm nhạc tài tử thăng trầm theo thời gian. Rõ ràng khoảng giữa thế kỷ 20 đến nay âm nhạc tài từ Nam bộ gặp nhiều thăng trầm biến cố do ảnh hưởng chiến tranh, chịu sự chi phối của âm nhạc phương Tây làm cho âm nhạc tài tử bị chựng lại.

bai 1 qua trinh du nhap ton tai va phat trien cua nghe thuat don ca tai tu o kien giang

Không gian Đờn ca tài tử được tổ chức hàng năm vào dịp Lễ hội Nguyễn Trung Trực tại TP Rạch Giá

Những năm gần đây nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch nên các nhóm nhạc tài tử hợp lại với nhau thành các Câu lạc bộ Đờn ca tài tử mang tính bán chuyên nghiệp. Bên cạnh nghề nghiệp chính, họ phục vụ văn nghệ khi có yêu cầu. Nhờ công lao của các nghệ nhân có tâm huyết bảo tồn nền nghệ thuật Đờn ca tài tử nên đến nay di sản văn hóa phi vật thể đã được nhà nhước quan tâm chỉ đạo xây dựng hồ sơ đệ trình và đã được UNESCO chính thức công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là danh dự cao quý của dân tộc Việt Nam nói chung, người dân Nam bộ nói riêng, mang một ý nghĩa sâu sắc không phụ lòng kỳ vọng của các bậc tiền bối.

Khi phong trào nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ phát triển, Rạch Giá là nơi sớm để tiếp thu những tinh hoa nghệ thuật của các bậc tiền bối, nhiều nghệ nhân nghiên cứu sáng tác thể hiện nỗi lòng của người dân đi mở đất Phương Nam. Nhất là khi dây đờn Rạch Giá ra đời (1930) được người hâm mộ yêu thích và nhanh chóng phát triển khắp Nam bộ, gây tiếng vang trong giới chơi nhạc tài tử.

Những thập niên tiếp theo phong trào nghệ thuật Đờn ca tài tử Kiên Giang có nhiều tiến bộ, không ít người đã trưởng thành trên con đường nghệ thuật, có người trở thành nhà văn, nhà thơ, nhà đóng đờn nổi tiếng, nhiều nhạc sĩ sáng tác âm nhạc tài tử gắn với nội dung thập cảnh hữu tình, di tích lịch sử được người dân cả nước ghi ân mến mộ.

Từ năm 1970 đến nay phong trào nghệ thuật Đờn ca tài tử chựng lại, nguyên nhân do ảnh hưởng chiến tranh và khi hòa bình lập lại, người dân trăm công ngàn việc khắc phục hậu quả, những nghệ nhân nòng cốt từng bước ra đi, đặc biệt là dây đờn Rạch giá bị thất truyền. Bên cạnh đó phong trào nghệ thuật cải lương phát triển mạnh, các nhạc sĩ tập trung sáng tác bài vọng cổ và bài bản nhỏ có chăng cũng thể hiện ở vài ba câu hoặc một vài lớp trong các bài bản tổ nhằm đáp ứng nhu cầu người hâm mộ.

Thực trạng Đờn ca tài tử hiện nay ở Kiên Giang.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Kiên Giang có tổng số 157 Câu lạc bộ Đờn ca tài tử . Các Câu lạc bộ đòn ca tài tử này được thành lập tại 15/15 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Nghệ thuật đơn ca tài tử là loại hình âm nhạc được kết tinh từ trong nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam, một loại hình âm nhac mang đậm đà bản sắc dân tộc, điệu thức độc đáo đa dạng, phong phú. Chủ thể của di sản văn hóa này chính là người dân Nam Bộ trong đó có Kiên Giang đã có công nuôi dưỡng, bảo tồn và phát huy giá trị của bộ môn nghệ thuật này.

bai 1 qua trinh du nhap ton tai va phat trien cua nghe thuat don ca tai tu o kien giang

Hội nghị triển khai Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam Bộ tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2018-2020”

Theo số liệu thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh Kiên Giang có tổng số 1.707 nghệ nhân tham gia hoạt động trong các Câu lạc bộ Đờn ca tài tử tại địa phương. Nghệ nhân Đờn ca tài tử ở Kiên Giang phần nhiều là những người nông dân gắn bó với ruộng vườn. Nhiều người đã ở vào lứa tuổi trung niên nhưng vẫn nhiệt tình tham gia sinh hoạt Đờn ca tài tử tại địa phương. Nghệ thuật Đờn ca tài tử thường có số người biết ca nhiều hơn là biết đờn, thông thường khi đã biết đờn thì người nghệ nhân thường biết ca, vì đã nắm chắc các bài bản. Tuy nhiên có rất nhiều người biết ca nhưng không biết đờn do việc luyện tập diễn tấu nhạc cụ thường đòi hỏi một thời gian dài, tính bằng năm. Chỉ có một số ít biết đờn mà không biết ca vì các lý do như chất giọng không phù hợp hoặc dơn giản là trong các cuộc vui trình diễn Đờn ca tài tử người ta đã quen với vai trò là người nhạc công nên không quen ca .

Những nhạc cụ thường được các nghệ nhân sử dụng hiện nay: Chủ yếu là các nhạc cụ như: Song loan/lan, Ghi ta phím lõm, Đàn Cò, Đàn Tranh, Đàn Kìm, Những nhạc cụ ít được sử dụng hơn là: Hạ uy di, Đàn sến/xến. Đờn ca tài tử thường được tổ chức vào những dịp sinh hoạt Câu lạc bộ nhóm, và sinh hoạt gia đình, liên hoan văn nghệ, lễ hội, đám cưới, đám phước, lễ khánh thành vv…

Khó khăn

Nhìn chung nghệ thuật Đờn ca tài tử có vai trò rất quan trọng của trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Nam Bộ. Giá trị của nó đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Tuy nhiên từ khó khăn thực tế ở địa phương là các Câu lạc bộ đa phần hình thành tự phát, thiếu kinh phí, nhạc cụ và phương tiện để hoạt động. Nghệ nhân ngày càng ít đi do tuổi già sức yếu. Giới trẻ đang có xu hướng không còn mặn mà, tâm huyết với Đờn ca tài tử như các bậc tiền bối. Các phương tiện nghe, nhìn, giải trí ngày càng nhiều, Đờn ca tài tử ít còn hấp dẫn. Cuộc sống hiện đại luôn bận rộn, mọi người không có nhiều thời gian để thưởng thức hoặc tham gia Đờn ca tài tử.

Có thể nói những thập niên gần đây bộ môn nghệ thuật Đờn ca tài tử bị mai một nhiều, một số nghệ nhân sinh hoạt từng nhóm, từng nơi, thiếu sự tập trung giao lưu trao đổi kiến thức, cơ quan thông tin đại chúng ít tuyên truyền phổ biến nội dung về nghệ thuật Đờn ca tài tử. Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo về chuyên môn có quan tâm nhưng không đáng kể, các tụ điểm vui chơi giải trí hoạt động ào ạt. Có những thợ đờn chạy theo cuộc sống thể hiện không đúng bản chất tài tử Nam bộ, đây là bức tranh thực tại chúng ta cần nghiên cứu và định hướng bảo tồn, phát triển nghệ thuật Đờn ca tài tử một cách đúng đắn có khoa học.

Giải pháp

Ở Kiên Giang hiện nay đang triển khai đề án Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử với nhiều giải pháp đồng bộ thông qua mở các lớp truyền dạy, Bảo tồn ở đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, Bảo tồn trong sinh hoạt văn hóa quần chúng, Bảo tồn qua sách báo, phim ảnh, băng đĩa, hỗ trợ các địa phương xây dựng phong trào. Kiện toàn bộ máy tổ chức các Câu lạc bộ Đờn ca tài tử từ tỉnh xuống cơ sở, phát huy phong trào nghệ thuật Đờn ca tài tử trong mọi tầng lớp nhân dân, quy tụ những nghệ nhân có tâm huyết, có kiến thức về âm nhạc tài tử. Viện âm nhạc cũng nên hỗ trợ các tỉnh tiếp tục công tác sưu tầm những tài liệu về bài bản âm nhạc tài tử Nam bộ, phổ biến rộng rãi đến người hâm mộ. Vận dụng sáng tác những bài bản thuộc hệ thống âm nhạc tài tử với chủ đề phản ánh đời sống xã hội, ca ngợi quê hương trong xu thế hội nhập. Tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng. Hàng năm tổ chức hội thi và liên hoan nghệ thuật Đờn ca tài tử. Từng bước biểu diễn Đờn ca tài tử gắn liền với phục vụ khách du lịch nhằm quảng bá hình ảnh con người, di tích lịch sử quê hương Kiên Giang. Nhà nước cũng đang hoàn thiện các văn bản, cơ chế phù hợp đề tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức và cá nhân có tâm huyết cùng chung tay bảo tồn và phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật độc đáo này.

https://dulich.petrotimes.vn/

Bùi Công Ba

Chuyên trang du lịch rất mong nhận được bài viết, hình ảnh của bạn đọc. Xin vui lòng gửi về: [email protected]