Bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương và nguồn lợi biển: Nhiều thách thức

09:26 | 04/12/2021

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Mục tiêu số 14 trong Chương trình nghị sự 2030 là bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn lợi biển. Sau 5 năm triển khai Chương trình, mục tiêu này hiện đang gặp nhiều thách thức.

Ngoài việc nghiêm cấm các loại hình trợ cấp thủy sản được thực hiện có hiệu quả, các nhiệm vụ khác đang gặp nhiều khó khăn. Đó là các mục tiêu về bảo vệ các hệ sinh thái biển, ven biển, hải đảo; mục tiêu về diện tích các khu bảo tồn biển và ven biển, mục tiêu về ngăn ngừa, giảm đáng kể và kiểm soát các loại ô nhiễm biển, mục tiêu về giảm thiểu và xử lý tác động của a-xít hóa đại dương, mục tiêu về quản lý bền vững khai thác hải sản và phục hồi trữ lượng hải sản.

Đặc biệt, số liệu thống kê liên quan đến mục tiêu 14 hiện nay đang rất thiếu hoặc chưa được thu thập, khiến cho công tác giám sát, đánh giá gặp khó khăn. Môi trường biển hiện đang chịu tác động đáng kể và ngày càng tăng từ du lịch và các hoạt động kinh tế-xã hội dọc ven biển. Điều này đang đe dọa hệ sinh thái biển, nguồn lợi hải sản và từ đó tác động đến sinh kế của hàng triệu ngư dân Việt Nam.

Có thể kể ra hàng loạt thách thức đối với việc bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn lợi biển hiện nay. Đó là hệ sinh thái thảm cỏ biển, các rạn san hô, rừng ngập mặn ven biển bị thu hẹp diện tích và suy thoái. Môi trường biển bị ô nhiễm bởi rác thải sinh hoạt. Thống kê ở 28 tỉnh, thành phố có biển cho thấy có 647 đơn vị, doanh nghiệp có hoạt động xả thải trực tiếp ra biển lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh khoảng 38.500 tấn/ngày.

Bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương và nguồn lợi biển: Nhiều thách thức
Ô nhiễm ven biển đang là thách thức môi trường hiện nay, https://dulich.petrotimes.vn

Bên cạnh đó là lượng chất thải rắn tại các tỉnh kinh tế trọng điểm ven biển đang có xu hướng tăng dần, đặc biệt là các chất thải nguy hại ngành công nghiệp nhẹ, hóa chất, luyện kim.

Hiện lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh của 28 tỉnh ven biển vào khoảng 14,03 triệu tấn/năm (khoảng 38.500 tấn/ngày) là những yếu tố dẫn đến nguy cơ ô nhiễm nguồn nước biển ven bờ rất cao. Với tốc độ phát triển kinh tế-xã hội như hiện nay cùng với hạ tầng chưa đồng bộ, việc ngăn ngừa, giảm đáng kể và kiểm soát được các loại ô nhiễm biển là rất khó thực hiện.

Hiện có 12/16 khu bảo tồn biển được thành lập và đi vào hoạt động. Diện tích khu bảo tồn biển chiếm rất nhỏ, chỉ khoảng 0,185% diện tích vùng biển tự nhiên. Nguồn lợi hải sản có xu hướng giảm dần về trữ lượng, sản lượng và kích thước đánh bắt.

https://dulich.petrotimes.vn

monre.gov.vn