Bảo vệ bền vững di sản Vịnh Hạ Long

15:18 | 15/01/2019

Theo dõi Du lịch - Năng lượng xanh trên
|
Những năm qua, công tác quản lý, bảo tồn di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long luôn được quan tâm thực hiện chặt chẽ, hiệu quả, kiên quyết với những vi phạm, nhận được sự đồng tình của nhân dân và du khách.
bao ve ben vung di san vinh ha longChính thức bắt đầu các hoạt động tại ATF 2019

Có thể thấy, kể từ khi được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, trên cơ sở tuân thủ Công ước quốc tế về Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới năm 1972 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, tỉnh và TP Hạ Long đã ban hành nhiều quy hoạch, kế hoạch, văn bản chỉ đạo, triển khai nhiệm vụ quản lý, nhằm bảo tồn nguyên vẹn và phát huy bền vững giá trị Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Như: Quy hoạch chi tiết bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Vịnh Hạ Long; Quy chế quản lý, bảo vệ, phát huy di sản Vịnh Hạ Long; Quy định tạm thời về quản lý hoạt động tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long; Kế hoạch quản lý Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long giai đoạn 2017-2021; các quy định quản lý hoạt động xuồng cao tốc, kayak, đò chèo tay, phương tiện thủy nhỏ trên Vịnh; quy định về quản lý phí tham quan …

bao ve ben vung di san vinh ha long
Một góc Vịnh Hạ Long. Ảnh:Khánh Giang

Theo đó, công tác nghiệp vụ, nghiên cứu khoa học được quan tâm, đẩy mạnh, làm cơ sở quan trọng trong triển khai các chương trình quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị của Di sản. Các phương tiện, trang thiết bị làm việc, hạ tầng phục vụ đón tiếp khách tham quan được quan tâm đầu tư, đảm bảo kỹ thuật, mỹ thuật và an toàn.

Hoạt động của các phương tiện phục vụ du lịch như tàu tham quan, tàu lưu trú nghỉ đêm, xuồng cao tốc, đò chèo tay, kayak được quản lý chặt chẽ. 100% tàu du lịch đang hoạt động; 1.465 kayak; 210 đò chèo tay của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh được ký hợp đồng dịch vụ hoặc hợp đồng neo đậu, quay trở, cập cảng/bến, đón trả khách tham quan trên Vịnh Hạ Long. Các trường hợp vi phạm hợp đồng đều bị xử lý nghiêm. Qua đó đã đảm bảo hoạt động dịch vụ tuân thủ đúng quy định, chất lượng sản phẩm được nâng lên.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc xử lý các vi phạm về khai thác thủy sản trong vùng lõi Vịnh Hạ Long vẫn còn bất cập, chưa triệt để, việc tuyên truyền đôi khi còn hình thức, trong khi đó, ý thức của một số ngư dân còn hạn chế. Tại buổi đối thoại của UBND tỉnh với 141 hộ ngư dân TX Quảng Yên và Vân Đồn liên quan đến kiến nghị thu hẹp vùng cấm khai thác thủy sản trên Vịnh Hạ Long vào ngày 17/12/2018, nhiều ngư dân còn băn khoăn về vùng khai thác, phạm vi khai thác.

Trong đó, nhiều trường hợp không nắm rõ được phạm vi, vùng được khai thác theo giấy phép khai thác thủy sản mà mình được cấp; một số ngư dân có giấy phép khai thác ở vùng lộng nhưng vẫn khai thác trong vùng lõi của Vịnh Hạ Long. Nhiều trường hợp đã bị xử phạt nhưng vẫn tái diễn.

bao ve ben vung di san vinh ha long
Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) xử phạt phương tiện vi phạm khai thác thủy sản trên Vịnh Hạ Long. Ảnh: Việt Hoa

Cũng tại buổi đối thoại này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Văn Diện đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong công tác tuyên truyền, cấp giấy phép khai thác. Buổi đối thoại cũng thể hiện quan điểm kiên quyết, quyết liệt của UBND tỉnh trong việc bảo vệ di sản thiên nhiên thế giới, đảm bảo thực hiện nghiêm quy định của pháp luật, cũng như tăng cường bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long.

Theo đó, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành khẩn trương rà soát, tổ chức tập huấn, tuyên truyền ngay cho ngư dân biết về vùng cấm, vùng cấm tạm thời, quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hoạt động khai thác thủy sản trái quy định nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của ngư dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật, các công ước, quy ước quốc tế về khai thác thủy sản trên Vịnh Hạ Long, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đồng chí yêu cầu các cơ quan chức năng, địa phương tăng cường biện pháp nhằm siết chặt công tác quản lý hoạt động đánh bắt, khai thác thủy sản trên Vịnh, tăng cường xử lý vi phạm, xử lý nghiêm các trường hợp tái phạm; đồng thời tìm hướng tháo gỡ khó khăn, giải quyết việc làm cho ngư dân...

Được biết, trong năm 2018, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long chủ trì phối hợp với lực lượng chức năng phát hiện và xử lý trên 200 trường hợp vi phạm trên Vịnh, trong đó có 92 trường hợp vi phạm về khai thác thủy sản. Lực lượng chức năng đã tịch thu, tiêu hủy 14 bộ kích điện, 1 bình ắc quy, 1 máy nén khí, 1 bộ lưới te, 130m dây điện, 59 bộ ngư cụ khai thác nhuyễn thể, 125 lồng bát quái, 7 te xiệc...

Với sự nỗ lực của các cấp, ngành, tình trạng vi phạm trên Vịnh đã giảm thiểu, hạn chế rất nhiều. Nhưng để nâng cao hiệu quả bảo vệ Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long không chỉ là việc của cơ quan nhà nước, mà cần sự vào cuộc của cả cộng đồng, người dân cùng chung tay, lên án các hành vi xâm hại di sản, bảo vệ môi trường biển.

Báo Quảng Ninh

Chuyên trang du lịch rất mong nhận được bài viết, hình ảnh của bạn đọc. Xin vui lòng gửi về: [email protected]