Chư Păh đánh thức tiềm năng du lịch

03:04 | 07/09/2021

Theo dõi Du lịch - Năng lượng xanh trên
|
Với bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa và cảnh quan thiên nhiên phong phú, huyện Chư Păh (Gia Lai) thực hiện những chính sách thúc đẩy phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội của địa phương.
Núi Chư Hreng - Điểm đến hấp dẫn giới trẻ Kon TumNúi Chư Hreng - Điểm đến hấp dẫn giới trẻ Kon Tum
Khám phá 3 điểm san hô cổ nổi tiếng tại Ninh ThuậnKhám phá 3 điểm san hô cổ nổi tiếng tại Ninh Thuận

Vùng đất nhiều thắng cảnh

Huyện Chư Păh có lợi thế khi nằm giữa 2 thành phố Pleiku và Kon Tum, có quốc lộ 14 chạy qua. Cùng với đó, Chư Păh có nhiều thắng cảnh đẹp, khí hậu trong lành, tài nguyên rừng và hệ sinh thái động-thực vật đa dạng. Thêm vào đó, nơi đây có nhiều di tích lịch sử, đa dạng các lễ hội truyền thống và các loại hình văn hóa đặc trưng của người Jrai, Bahnar nên là yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để phát triển du lịch.

Du lịch khám phá thiên nhiên có thể kể đến núi lửa Chư Đang Ya (xã Chư Đang Ya) cách trung tâm TP Pleiku khoảng 30 km về hướng Đông Bắc và cách điểm du lịch Biển Hồ (TP Pleiku) 20 km. Đây là một trong những ngọn núi lửa đã ngừng hoạt động cách đây hàng triệu năm, nằm ẩn mình giữa đại ngàn hoang sơ.

Từ trên cao nhìn xuống, ngọn núi tựa như một cái phễu khổng lồ. Đặc biệt, vào khoảng tháng 10 hàng năm, núi lửa Chư Đang Ya được bao phủ bởi sắc vàng của hoa dã quỳ. Với cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, khí hậu trong lành, nơi này có thể tạo ra các sản phẩm du lịch đặc sắc, mang dấu ấn riêng.

Cũng trên tuyến du lịch này, du khách có thể dừng chân chiêm ngưỡng hàng thông cổ thụ ở xã Nghĩa Hưng. Vẻ đẹp đồi chè hấp dẫn du khách bởi màu xanh bạt ngàn, hương thơm thoang thoảng của lá chè. Nhiều bạn trẻ yêu mến vẻ đẹp lãng mạn của hàng thông trăm tuổi này thường gọi bằng mỹ từ “con đường Hàn Quốc”.

Chư Păh đánh thức tiềm năng du lịch
Lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya năm 2018 thu hút nhiều du khách trong và ngoài tỉnh. Ảnh: Phan Nguyên

Ngoài ra, đến Chư Păh còn phải nhắc đến các địa danh nổi tiếng như: thác Công chúa (làng Kép, xã Ia Mơ Nông), gành Đá Đĩa ở làng Vân (thị trấn Ia Ly), núi Chư Nâm (xã Nghĩa Hưng)... Ngoài cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, du khách có thể tham quan làng Phung, làng Kép (xã Ia Mơ Nông) với nghề dệt thổ cẩm truyền thống được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Nhà rông (xã Hà Tây) với vẻ đẹp cổ kính mang nét nguyên sơ của cộng đồng người Jrai; du lịch tâm linh có chùa Bửu Minh (xã Nghĩa Hưng), tịnh xá Ngọc Như (thị trấn Phú Hòa) hay nhà thờ H’Bâu (dưới chân núi lửa Chư Đang Ya)… Đến Chư Păh, du khách còn có thể được các nghệ nhân hướng dẫn trải nghiệm các hoạt động đan lát, tạc tượng, chế tác nhạc cụ, dệt thổ cẩm và tận hưởng văn hóa ẩm thực, thưởng thức âm nhạc cồng chiêng...

Đánh thức tiềm năng du lịch

Để khai thác tiềm năng, lợi thế, huyện Chư Păh đã xây dựng Đề án đẩy mạnh thu hút đầu tư và phát triển dịch vụ, du lịch giai đoạn 2021-2025 nhằm góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng nhanh tỷ trọng ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế địa phương.

Theo đó, huyện tận dụng các nguồn lực tập trung đầu tư xây dựng và nâng cấp các tuyến đường dẫn đến các điểm du lịch tiềm năng; vận động người dân đầu tư phát triển cơ sở lưu trú (nhà nghỉ, homestay) và các cơ sở dịch vụ du lịch như: ăn uống, vui chơi, giải trí, mua sắm…; xây dựng các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng của địa phương như: thổ cẩm, các sản phẩm măng tre, chuối rừng…. đạt tiêu chuẩn OCOP để tạo thành sản phẩm du lịch đặc trưng. Đồng thời, phối hợp với nhà đầu tư triển khai các hạng mục dự án đã đăng ký như: Khu du lịch Biển Hồ - Chư Đang Ya, Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Ia Ly.

Ông Nguyễn Minh Đức - Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Chư Păh - cho biết: “Huyện Chư Păh đã và đang xây dựng chính sách hỗ trợ đẩy mạnh liên kết, mở rộng mối quan hệ và kết nối cho các doanh nghiệp du lịch của địa phương với các đối tác trong việc phát triển du lịch đến tầm nhìn 2030 theo hướng bền vững và bảo vệ môi trường. Khai thác sử dụng có bảo tồn, giữ gìn môi trường sống, các giá trị văn hóa truyền thống của người dân bản địa. Huyện cũng đã xây dựng chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục và có cơ chế ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư phát triển du lịch, nhất là loại hình du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng, các hoạt động vui chơi giải trí…”.

https://dulich.petrotimes.vn/

Báo Gia Lai