Đà Lạt: Lăng mộ Nguyễn Hữu Hào bị "lãng quên" theo thời gian

14:03 | 10/04/2021

Theo dõi Du lịch - Năng lượng xanh trên
|
Cho đến nay, ngay cả những người đã sống lâu năm ở Đà Lạt, cũng mấy ai biết rằng phía Tây Nam của thành phố này, có một quần thể lăng mộ tráng lệ Long Mỹ Quận công Nguyễn Hữu Hào, cha ruột Nam phương Hoàng hậu - Nguyễn Hữu Thị Lan, tức quốc trượng Hoàng đế Bảo Đại - Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy.
Đà Lạt: Lăng mộ Nguyễn Hữu Hào bị
Lăng mộ bằng đá của Nguyễn Hữu Hào từ trên nhìn xuống

Ông Nguyễn Hữu Hào là cha của Nam Phương Hoàng hậu. Ông sinh ra ở Gò Công, thuộc tỉnh Tiền Giang. Sinh thời, ông là một đại điền chủ rất giàu có ở đất Nam kỳ. Vào năm 1928 gia đình ông Nguyễn Hữu Hào đã có hơn 1.000 mẫu ruộng. Đến tuổi lập gia đình, ông cưới bà Lê Thị Bình - con gái của đại điền chủ huyện sĩ Lê Phát Đạt. Vốn là một người yêu vùng đất cao nguyên, gia đình ông đã di chuyển đến Đà Lạt và khai hóa các mảnh đất ở đây, xây dựng hoặc mua lại nhiều biệt thự. Vợ chồng ông Nguyễn Hữu Hào sinh được 2 cô con gái, trong đó có một người được gả cho Vua Bảo Đại, chính là Nam Phương Hoàng hậu.

Ngay lần gặp gỡ đầu tiên, vị Hoàng đế trẻ tuổi này đã “say nắng” trước nhan sắc và tài hành lễ theo nghi thức cung đình của Nguyễn Hữu Thị Lan. Bảo Đại nhanh chóng mê mẫn trước sắc đẹp thùy mị của Nguyễn Hữu Thị Lan. Thậm chí, trước khi nhận lời cưới Hoàng đế, Nguyễn Hữu Thị Lan còn ra 4 “điều kiện” với Bảo Đại, trong đó có việc phải phong Hoàng hậu cho cô ngay sau lễ cưới. Đây là điều mà trong các vị vua trước đó dưới triều đại nhà Nguyễn chưa từng có tiền lệ. Thông thường, việc phong Hoàng hậu chỉ được thực hiện sau khi người đó đã qua đời.

Bên cạnh đó, Nguyễn Hữu Thị Lan đề nghị được giữ nguyên đạo Thiên chúa, Bảo Đại vẫn theo đạo Phật và được Tòa thánh La Mã cho phép đặc biệt hai người lấy nhau, giữ hai tôn giáo khác nhau, không ai được bắt buộc ai về tôn giao. Đây cũng là điều chưa từng có tiền lệ.

Ngày 6/2/1934, tại điện Kiến Trung trong Hoàng thành Huế, đã diễn ra lễ cưới của Nguyễn Hữu Thị Lan và vị Hoàng đế cuối cùng của xã hội phong kiến Việt Nam. Sau khi phong Nguyễn Hữu Thị Lan là Nam phương Hoàng hậu, 3 năm sau, ngày 30/7/1937, Bảo Đại phong tước quốc trượng Nguyễn Hữu Hào là Long Mỹ Quận công. Nửa tháng sau ông Nguyễn Hữu Hào qua đời ở Đà Lạt. Bà Lê Thị Bính cũng được nhà vua phong tước Nhị phẩm phu nhân.

Những ngày cuối đời, vợ chồng ông Nguyễn Hữu Hào chỉ sống ở Đà Lạt mà rất ít khi trở về quê hương Gò Công. Khi bắt đầu lâm bệnh nặng và biết sẽ khó qua khỏi, ông có nguyện vọng sau khi qua đời sẽ được chôn cất tại Đà Lạt. Khu lăng mộ Nguyễn Hữu Hào được xây dựng liên tục trong vòng 4 năm. Đây là một công trình kiến trúc công phu và uy nghi, tráng lệ được Vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương cho khởi công xây dựng làm nơi yên nghỉ cho cha mẹ của mình.

Trước đây, khu lăng mộ này được rất ít người biết đến lăng mộ được che phủ bởi rừng thông xanh ngát, thế nên rất ít người để ý đến. Mãi đến sau năm 1990, khu di tích này mới được giao cho một đơn vị du lịch trông coi và tiến hành cải tạo, trùng tu.

Đà Lạt: Lăng mộ Nguyễn Hữu Hào bị
Đường lên lăng gọi là nhất chính đạo. Lối đi này giờ đây trở nên hoang phế, cỏ mọc um tùm, dấu hiệu của nhiều năm không có bước chân người lui tới.

Khu lăng mộ được xây dựng bề thế, uy nghi trên ngọn đồi rộng 4ha, xung quanh bao phủ bởi rất nhiều hàng thông cao sừng sững. Điều đầu tiên khiến bạn ấn tượng bởi công trình này chính là chiếc cổng lăng với 4 trụ biểu cao, trên đỉnh gắn hình bông sen và hai con chó ngao cách điệu. Lối lên lăng được xây dựng thẳng tắp từ cổng đi vào với độ dốc thoai thoải, gồm tổng cộng 158 bậc thang dẫn đến lăng mộ. Hai bên lối đi vào là những hàng thông mọc ngay ngắn, bên cạnh đó, cỏ dại và rong rêu cũng phủ lên những bậc thang, tạo nên một sự hoang vu nhưng rất trang nghiêm.

Trước khi bước đến lăng mộ, bạn phải đi qua một sân tế, sau đó dẫn lên sân chầu bằng 13 bậc và xuống bằng một lối khác cũng có 13 bậc. Để vào chính lăng phải tiếp tục qua 20 bậc nữa, đây cũng là lối lên xuống duy nhất. Mộ ông Nguyễn Hữu Hào và bà Lê Thị Bình được tạc bằng đá xanh nguyên khối với nhiều hoa văn công phu thể hiện quyền uy, sự giàu có. Hai ngôi mộ được đặt song song cạnh nhau trong một tòa lăng được xây dựng theo lối kiến trúc phảng phất dấu ấn cung đình Huế. Lăng mộ có mái vòm và cây thánh giá trên đỉnh. Trên khu lăng mộ của ông Nguyễn Hữu Hào hiện còn hai văn bia được tạc trên đá xanh do hai người con gái của ông tạo lập nhằm truy niệm công đức sinh thành của đấng thân sinh.

Trong khoảng thời gian gần đây, khu lăng mộ này được nhiều người biết đến hơn thông qua các trang mạng xã hội, đặc biệt là giới trẻ. Ít ai ngờ rằng gần trung tâm thành phố lại có một di tích lịch sử gần như bị bỏ quên. Cỏ dại và rong rêu đã phủ ngập tràn những bậc thang, tường đá. Khi được biết đến, nhiều du khách vô cùng ấn tượng và nhất định phải tìm đến thăm khu lăng mộ Quận công Nguyễn Hữu Hào.

https://dulich.petrotimes.vn/

Thúy An (t/h)

Chuyên trang du lịch rất mong nhận được bài viết, hình ảnh của bạn đọc. Xin vui lòng gửi về: [email protected]