Dấu hiệu hồi sinh từ làng nghề đúc lư đồng

01:04 | 13/01/2020

Theo dõi Du lịch - Năng lượng xanh trên
|
Một trong những bộ lư đồng lớn nhất miền Nam đặt tại đền Bến Dược, Củ Chi, Tp.HCM, đã khẳng định tài năng và niềm tự hào của những nghệ nhân đúc đồng ở làng lư An Hội. Tuy vậy, trong bối cảnh nhiều làng nghề truyền thống dần mai một, làng lư An Hội cũng không ngoại lệ. Thế nhưng, bằng sự tâm huyết của những nghệ nhân làng lư An Hội đang có dấu hiệu hồi sinh.
dau hieu hoi sinh tu lang nghe duc lu dongLàng gốm cổ Bồ Bát- “Cái nôi” của làng nghề Bát Tràng
dau hieu hoi sinh tu lang nghe duc lu dongHà Nội công nhận thêm 02 điểm du lịch làng nghề
dau hieu hoi sinh tu lang nghe duc lu dong
Một nghệ nhân đang nặn khuôn

Làng nghề đúc lư đồng An Hội ở Gò Vấp, Tp. HCM đã có trên 100 năm tuổi, một thời nổi tiếng và qui mô bậc nhất ở miền Nam. Tuy vậy, cho đến nay vẫn chưa xác định ai là người đầu tiên đưa kỹ thuật đúc đồng vào đây. Số đông nghệ nhân cho rằng, chính những người ở Huế di dân và mang theo nghề vào đây từ thế kỷ 18. Tuy nhiên đến nay một trong những gia tộc được công nhận có nhiều đời theo nghề đúc đồng và được cả làng An Hội coi như “sư tổ” của nghề là gia tộc họ Trần, đứng đầu là nghệ nhân Trần Văn Kỉnh. Sau khi ông mất, con cháu nhiều đời của ông vẫn kế nghiệp cho đến tận ngày nay như lò lư Hai Thắng (Trần Văn Thắng), Ba Cồn (Trần Văn Cồn), Tư Tỷ (Trần Văn Tỷ)…

Theo nghệ nhân Trần Văn Thắng (72 tuổi), vào thời cực thịnh làng lư An Hội có 40 – 50 lò, sản phẩm bán ra khắp Nam Kỳ lục tỉnh và thỉnh thoảng còn xuất sang các nước trong khu vực châu Á. Nay số lượng lò đếm không đủ trên đầu ngón tay. Cũng giống như những làng nghề thủ công truyền thống khác, nghệ nhân đúc lư đồng An Hội luôn giữ bí mật nghề nghiệp. Kỹ thuật chế tác luôn được coi là bí quyết của từng lò và từng dòng họ. Theo tục truyền, bí quyết trong nghề nằm ở khâu pha chế đồng, làm khuôn, bịt lư và nấu đồng. Muốn bộ lư đồng có màu sắc đẹp, người thợ phải pha thêm kẽm. Tỷ lệ pha chế gia giảm tùy thuộc vào đặc tính kỹ thuật và vật đúc. Song, khâu chạm trổ luôn đặt lên hàng đầu, đòi hỏi rất công phu và tỉ mỉ. Để chạm trổ được lư, ngoài sự tinh tế, chuẩn xác, người thợ còn phải có đầu óc thẩm mỹ, điều này được thể hiện rõ qua từng nét chạm khắc trên lư. Đặc biệt thể hiện qua các nét chạm khắc hình tứ linh đòi hỏi sự tinh xảo rất cao. Do vậy, không phải ai cũng có thể trở thành thợ chạm, vì nó vừa là công việc của người thợ thủ công, vừa là công việc của một nghệ nhân có năng khiếu thẩm mỹ và tay nghề cao.

Những ngày giáp Tết Nguyên đán được coi là cao điểm sản xuất lư Tết. Một thợ đúc đồng ở lò lư Hai Thắng cho biết, vào thời điểm này của mấy năm trước, thầy thợ vừa làm vừa chơi. Năm nay thì ngược lại, làm cả ngày lẫn đêm mới đủ hàng để giao. Lý giải về sự hồi sinh của làng nghề, một nghệ nhân ở đây tâm sự, trước đây, nhiều gia đình giảm bớt các lễ nghi, nên trên bàn thờ, bộ lư đồng truyền thống được thay bằng bộ lư gốm sứ. Nhưng giờ đây, đời sống đang dần khá hơn, lễ nghi được nhiều người chú trọng hơn. Trong khi giá cả bộ lư đồng hiện tầm 3 triệu đồng, không hề vượt quá khả năng của nhiều gia đình nên họ không ngại mua sắm.

Nghệ nhân Hai Thắng, cho biết các lò lư còn tồn tại đến nay từng trải qua những năm tháng dài sống khắc khoải, sản phẩm làm chỉ đủ sống đắp đổi qua ngày. Hầu hết các lò lư còn đỏ lửa cho đến giờ đều có tâm niệm đây là nghề gia truyền nên cố giữ lấy chứ thật ra nhiều lúc cũng muốn bỏ nghề. Nghệ nhân ở làng lư đồng An Hội cho biết, nghề đúc lư đồng là một trong những nghề thủ công khá phức tạp, đòi hỏi kỹ thuật cao, thường gặp nguy hiểm trong lúc đổ đồng. Do đặc tính của sản phẩm liên quan đến tín ngưỡng nên xung quanh nghề này có rất nhiều điều kiêng kỵ. Chẳng hạn như một đêm trước khi đúc lư, các nghệ nhân phải làm lễ cúng lò, cầu bình an cho người thợ và mẻ đồng được suôn sẻ. Trước khi chuẩn bị đốt lò nung khuôn, đổ đồng, người thợ còn phải “ăn chay nằm đất”, kiêng cữ để giữ cho lòng thanh sạch. Những người ngoài gia tộc, hoặc không thân tín không được phép bén mảng vào khu đổ đồng. Sự kiêng kỵ này có lẽ gắn liền với việc giữ bí mật nghề nghiệp chăng?

Trong bối cảnh nhiều làng nghề truyền thống dần mai một, làng lư đồng An Hội đang có dấu hiệu hồi sinh là điều đáng mừng. Bởi làng nghề này từ lâu đã được kỳ vọng là địa chỉ văn hóa, du lịch rất khó phai trong tâm trí của những người hoài cổ.

https://dulich.petrotimes.vn

Cao Phương

baodulich.net.vn

Chuyên trang du lịch rất mong nhận được bài viết, hình ảnh của bạn đọc. Xin vui lòng gửi về: [email protected]