Đến Thánh địa La Vang

14:22 | 05/09/2022

Theo dõi Du lịch - Năng lượng xanh trên
|
Từ Quảng Trị, chúng tôi theo đường Quốc lộ 1A trong cơn mưa tầm tã để đến Thánh địa La Vang. Nơi đây có nhiều huyền thoại và là nơi chốn để những tín đồ Thiên Chúa giáo làm cuộc hành hương tìm về vào ngày 15/8 hằng năm mà họ gọi là “Kiệu”.

Theo đó, cứ ba năm thì có một Kiệu lớn, và năm 2011 này là Kiệu lớn tại Thánh Địa. La Vang đã trở thành điểm đến không chỉ của các tín đồ Thiên Chúa, mà của rất nhiều du khách trên dặm đường dài tìm hiểu đất nước.

Nhà thờ La Vang trong Thánh địa thuộc huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị nằm trong khuôn viên rộng 21 hecta, từ Quảng Trị tới đường rẽ vào là 20km, và nơi đây cũng chỉ cách thành phố Huế 40 km.

Đến Thánh địa La Vang

Xe rẽ vào con đường bên phải, và chừng 1 km là đã thấy khu Thánh địa La Vang. Cả một khoảng sân rộng với lều bạt che là nơi những người hành hương tạm ở để dự lễ. Thường thì không cần tới ngày lễ, mà những cuộc hành hương vẫn thường diễn ra đủ mọi thời gian trong năm, vì tất cả tín đồ tôn giáo đều tin rằng lời cầu nguyện nơi Đức Mẹ linh hiển xuất hiện rất linh nghiệm.

Theo đó thì vào năm 1798 Đức Mẹ Maria hiển linh ở khu vực này, chuyện lưu truyền từ người này đến người nọ. Sau khi Đức Mẹ hiển linh thì nhà thờ đã được xây dựng gần nơi 3 cây đa. Năm 1961, Thánh địa La Vang được Tòa thánh Vatican phong là Tiểu Vương Cung Thánh đường La Vang. Về sự tích Đức Mẹ hiển linh, theo Tư liệu Tòa Tổng Giám mục Huế - 1998, thì vào triều đại vua Cảnh Thịnh (lên ngôi năm 1792) ông đã ra chiếu chỉ cấm đạo (ngày 17/8/1798), chính việc cấm đạo này đã khiến khiến các tín đồ ở gần đồi Dinh Cát (Quảng Trị) phải trốn chạy vì nếu không sẽ bị bắt tù đày và mang cái chết. Họ đã trốn lánh tại núi rừng La Vang.

Vào thời đó tại La Vang là khu rừng núi hiểm trở, không có dân cư, quan nha không tới được. Nhưng chính vì sự hiểm trở ấy mà những người trốn lánh phải sống trong thiếu thốn, khổ sở, bệnh tật. Vào một hôm trong cơn tuyệt vọng, những người trốn lánh nhìn thấy một người phụ nữ xinh đẹp, áo choàng rộng, trên tay bồng Chúa Hài Đồng, hai bên có hai thiên thần cầm đèn chầu. Đó chính là Đức Mẹ Maria hiển linh. Đức Mẹ âu yếm, an ủi giáo dân vui lòng chịu khó sẽ thoát khỏi nạn kiếp. Đức Mẹ dạy cho họ hái một loại lá cây có sẵn xung quanh đó, đem nấu nước uống trị các các chứng bệnh (lá vằng).

Đến Thánh địa La Vang

Năm 1885 ngôi nhà thờ ở đây cũng như những nhà thờ khác trong vùng, không thoát khỏi sự kỳ thị tôn giáo đã bị đốt thành tro bụi để không ai có thể theo đạo. Đến năm 1886 Đức Cha Caspar (Lộc) tiến hành xây dựng lại nhà thờ trên nền cũ, lợp ngói. Việc xây dựng kéo dài tới 15 năm do điều kiện thời đó đem vật liệu rất khó khăn. Năm 1924, nhà thờ La Vang lại tiếp tục xây dựng rộng hơn theo đồ án của kiến trúc sư Carpentier, đến năm 1928 thì hoàn tất. Năm 1959 tiếp tục được nâng cấp rộng hơn.

Nhưng đến năm 1972 thì do chiến tranh, nhà thờ La Vang đã bị đạn bom tàn phá chỉ còn phần chính là tháp chuông đang sừng sững như nhân chứng một thời với tường gạch loang lổ vết đạn. Những kiến trúc được xây dựng từ năm 1995 đến năm 2004 gồm: Tháp chuông Nhà nguyện Đức Mẹ, Nhà nguyện Thánh Thể (2002), Công trường Mân Côi, Lễ đài, Nhà hành hương (2004)…

Khi chúng tôi đến Thánh địa, ghé vào khu ở tạm của các tín đồ hành hương. Chúng tôi nhìn thấy mọi người nấu nướng, chuẩn bị bữa ăn trưa của mình với những tiếng cười vui rộn rã, như ở nơi này không hề vướng bận ưu phiền. Mưa dịu dàng nhỏ giọt trên đất thánh địa. Chúng tôi đi tới tháp chuông còn lưu giữ đầy vết đạn bom. Một vết tích sau chiến tranh, nhưng thấm đẫm ở đó sự linh thiêng, một sự huyễn hoặc và cảm giác an bình đến lạ. Trên dấu vết của một phần nhà thờ La Vang cũ bị loang lổ đạn bom ấy là chiếc đồng hồ vẫn quay đều những chiếc kim báo thời gian. Tháp chuông với những mảng tường loang lổ ấy như một sự khẳng định về ý chí của sức mạnh tâm linh, là điểm tham quan đầy đức tin của mọi người.

Trong cơn mưa thời tiết đó, chúng tôi dừng ngắm nhà thờ La Vang và nghe những câu chuyện kể như huyền thoại.

Đó là cách đây 200 năm, vùng đất này gần như chưa có dấu chân người, vẫn là một nơi đầy thú dữ, cách duy nhất đối với những người gặp thú rừng là phải la cho vang lên, tiếng la dội vào núi đá vang rất xa, thế là địa danh “La Vang” thành hình. Cách khác là ở đây có một loại lá gọi là lá vằng - một loại lá mà khi tới La Vang, các tín đồ vẫn mua về dùng để chữa bệnh do khi hiển linh Đức Mẹ đã chỉ - âm lá vằng đọc chệch thành La Vang.

Đến Thánh địa La Vang

Nhưng dẫu theo một nguyên nhân nào để thành tên La Vang, thì ở nơi mà theo truyền thuyết Đức Mẹ từng hiển linh, nơi có một tháp chuông nhà thờ bị bom đạn phá tan giờ trở thành di tích, đã là nơi kéo hàng trăm ngàn người có đạo hay không có đạo tìm tới. Dưới một gốc cây đa lớn là tượng Đức Mẹ khá độc đáo trong chiếc áo dài Việt. Dọc theo khuôn viên công viên trước nhà thờ là các tượng Thánh tạo cho không khí trở nên hiển linh. Còn nơi tháp chuông loang lổ dấu đạn bom đã trở thành nơi lưu giữ hình ảnh của rất nhiều người khi tới đây. Và cũng ở nhà nguyện phía sau tháp chuông, mọi người yên lặng cầu nguyện cho niềm tin của mình.

https://dulich.petrotimes.vn/

Khuê Việt Trường

Chuyên trang du lịch rất mong nhận được bài viết, hình ảnh của bạn đọc. Xin vui lòng gửi về: [email protected]