Địa điểm lý tưởng cho “người yêu thích đồ cổ”

14:05 | 19/01/2022

Theo dõi Du lịch - Năng lượng xanh trên
|
Đồ cổ chứa đựng những thông điệp, câu chuyện thú vị của quá khứ đã qua. Đồng thời cũng là sở thích sưu tập đặc biệt của nhiều người yêu chuộng lối sống hoài niệm. Phía dưới là những địa điểm buôn bán, trưng bày đồ cổ nổi tiếng tại Thành phố Hồ Chí Minh thu hút đông đảo người địa phương và du khách ngoại quốc thường xuyên tìm đến.
"Bình thường mới" du lịch lữ hành
Hồ Ring Chư Sê: Hồ Ring Chư Sê: "Biển lạc giữa rừng"

Phố đồ cổ Lê Công Kiều (Phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1)

Địa điểm lý tưởng cho “người yêu thích đồ cổ”

Phố Lê Công Kiều dài khoảng 300 m được giới hạn bởi đường Phó Đức Chính và Nguyễn Thái Bình với hơn 40 cửa hàng lớn nhỏ buôn bán đồ cổ từ thế kỷ trước. Mỗi cửa hàng tại nơi đây thường chỉ chuyên bán một đến hai dòng cổ vật, đồ xưa hay kỷ vật nhất định như gốm sứ, đồng đúc hoặc đồ thờ tự, gia dụng. Một vài cửa hàng ngoài buôn bán đồ cổ còn có thêm hàng mỹ nghệ và tranh vẽ nghệ thuật cỡ lớn. Hoạt động buôn bán ở phố Lê Công Kiều bắt đầu nhộn nhịp từ khoảng 7:00 sáng và kéo dài cho đến lúc phố phường lên đèn thì tạm nghỉ.

Những bộ ấm trà thời nhà Nguyễn, chén gốm men trắng thời Lý - Trần, tượng thần Champa bằng sa thạch hay đèn măng xông, máy cát-sét, tiền giấy Đông Dương được bày bán đều có tuổi đời không dưới chục năm, thậm chí có món đồ lên đến hàng trăm năm. Hằng ngày, con phố đón rất nhiều lượt khách du lịch và người dân địa phương tìm đến chụp ảnh, sưu tầm đồ cổ. Những người yêu thích đồ cổ thường truyền tai nhau cách lựa chọn món đồ cổ tại phố phải xem tỉ mỉ kiểu dáng đẹp, chất liệu độc đáo, còn nguyên vẹn, không sứt mẻ và đặc biệt là thời gian, niên đại phải lâu.

Chợ “ve chai” (Hẻm 255/47 Nơ Trang Long, phường 13, Quận Bình Thạnh)

Địa điểm lý tưởng cho “người yêu thích đồ cổ”

Chợ “ve chai” nằm gọn trong khuôn viên quán cà phê sân vườn Cao Minh tại hẻm 255/47 Nơ Trang Long, Quận Bình Thạnh. Từ rạng sáng, các chủ gian hàng đã tấp nập tụ họp, trưng bày sản phẩm của mình, trong đó có các loại đồ cổ, đồ xưa hay những món đồ họ cảm thấy không dùng đến sẽ đem bán cho những người cần. Vì thế mà tên gọi phiên chợ “ve chai” bắt nguồn từ đó. Rất đông người địa phương tìm đến đây thưởng thức cà phê trong tiếng nhạc du dương, sân vườn thoáng đãng rồi dạo quanh các gian hàng mua sắm. Nét đặc trưng tại chợ là người mua tự do ngắm nghía chậm rãi cho đến khi hài lòng mà không bị người bán phàn nàn hay thúc ép. Máy nghe nhạc bằng đĩa than, bộ tách trà dòng gốm Lái Thiêu, bật lửa Zippo hay chiếc máy ảnh cơ hiệu Zenit từ thời Liên Xô là những món đồ có thể tìm thấy tại đây. Tất cả hàng hoá tại chợ được minh bạch về xuất xứ, nguồn gốc cũng như có giá cả phải chăng.

Chợ Nhật Tảo (Đường Nhật Tảo, Phường 7, Quận 10)

Địa điểm lý tưởng cho “người yêu thích đồ cổ”

Nhật Tảo là tên gọi khu chợ trời chuyên bán thiết bị điện tử cũ và mới nằm trên con đường cùng tên và chỉ cách sân vận động Thống Nhất khoảng vài trăm mét. Hơn 20 năm hoạt động, chợ Nhật Tảo được biết đến là địa điểm buôn bán các mặt hàng điện tử và linh kiện điện máy nổi tiếng ở thành phố.

Hầu hết các cửa hàng tại đây buôn bán thân thiện, nhiệt tình cho người mua vào lựa chọn, ngắm nghía và sử dụng thử hàng hoá thoải mái với mức giá rất bình dân. Sở dĩ thiết bị điện tử, linh kiện điện máy ở chợ phong phú và có giá bình dân là nhờ nguồn cung cấp từ những thiết bị hỏng một vài chi tiết hoặc đã qua thời, được mua về để lấy linh kiện bán cho người cần dùng.

Nhiều mặt hàng điện tử và thiết bị điện máy từ các thương hiệu nổi tiếng đã qua thời rất lâu đều có mặt tại chợ Nhật Tảo. Vì vậy, nơi đây thu hút rất nhiều “tín đồ điện tử” là người địa phương và cả du khách ngoại quốc tìm đến sưu tầm. Chợ cũng tập trung rất nhiều người thợ lành nghề trong việc sửa chữa các loại mặt hàng thuộc về thiết bị điện tử và linh kiện điện máy.

Căn phòng số 16 – Sưu tập Vương Hồng Sển (Số 2, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phường Bến Nghé, Quận 1)

Địa điểm lý tưởng cho “người yêu thích đồ cổ”

Căn phòng số 16 – Sưu tập Vương Hồng Sển nằm trong toà nhà Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quận 1. Ông Vương Hồng Sển (1902 - 1996) là một nhà nghiên cứu văn hóa và sưu tập cổ vật nổi tiếng ở miền Nam. Trong suốt cuộc đời, ông say mê tìm hiểu và sưu tập được hơn 800 cổ vật, trong đó nhiều nhất, độc đáo nhất là đồ gốm men xanh trắng thế kỷ XVIII - XIX. Ông đã góp phần đáng kể trong việc xác định niên đại một số loại hình đồ gốm và hướng dẫn kỹ năng ban đầu cho những người thích sưu tầm đồ cổ. Các công trình nghiên cứu của ông được giới chuyên môn đánh giá cao. Đến cuối đời, với lòng mong muốn sưu tập của mình được bảo tồn, ông lập di chúc hiến tặng toàn bộ cổ vật và sách vở cho nhà nước. Ngày nay căn phòng trưng bày này giới thiệu các loại hiện vật bằng nhiều chất liệu của các nước Việt Nam, Trung Quốc, Campuchia, Nhật Bản, Thái Lan, Pháp sản xuất từ thế kỷ X - XIX thuộc sưu tập Vương Hồng Sển thu hút nhiều lượt du khách ngoại quốc và chuyên gia đồ cổ tìm đến tham quan và nghiên cứu.

Tư gia ông Đinh Công Tường (Khu phố 5, Phường Hiệp Thành, Quận 12)

Địa điểm lý tưởng cho “người yêu thích đồ cổ”

Ông Đinh Công Tường bắt đầu sự nghiệp sưu tầm cổ vật, đồ xưa từ những năm đầu thập niên 80 thế kỷ trước. Ngày nay, bên trong tư gia rộng lớn gần 800 m2 của ông trưng bày và sắp đặt hàng trăm ngàn cổ vật từ thế kỷ I đến thế kỷ XX ở khắp mọi nơi, từ ngoài sân vườn dẫn vào lối đi đến những phòng trưng bày. Những món cổ vật mà ông sưu tầm được trong nhiều chuyến du ngoạn không chỉ gói gọn từ Bắc vào Nam mà còn ra cả ngoài nước như Pháp, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hồng Kông,… Ngoài số lượng lớn cổ vật thuộc nhiều dòng gốm sứ khác nhau như Đông Sơn, Sa Huỳnh, Óc Eo, Chăm Pa, Lý - Trần - Lê, Chu Đậu, Quảng Đức, Cây Mai, Biên Hòa - Lái Thiêu, ông còn sưu tập cổ vật bằng đồng, bạc, đá quý, gỗ hiếm.

Hiện nay, ông Đinh Công Tường được nhiều tổ chức tặng bằng kỷ lục về Bộ sưu tập lộc bình xưa có số lượng nhiều nhất Việt Nam, Bộ sưu tập “Gốm sứ xưa và nay nhiều nhất Đông Dương”, Bộ sưu tập đĩa cổ xưa có số lượng nhiều nhất Việt Nam. Tư gia ông thường tiếp đón bạn bè, người thân và cả du khách tìm đến tham quan, chiêm ngưỡng nhiều món đồ cổ quý giá độc nhất mà không nơi đâu có được.

https://dulich.petrotimes.vn/

Visithcmc.vn

Chuyên trang du lịch rất mong nhận được bài viết, hình ảnh của bạn đọc. Xin vui lòng gửi về: [email protected]