Đối mặt với sự khinh thường

18:54 | 01/05/2019

Theo dõi Du lịch - Năng lượng xanh trên
|
Tô Thức (1037-1101), tự Tử Chiêm, hiệu Đông Pha cư sĩ, nên còn gọi là Tô Đông Pha, là danh sĩ nổi tiếng thời Tống.
doi mat voi su khinh thuong

Tô Đông Pha cùng cha và em trai là 3 trong số 8 đại văn hào lớn nhất (Bát đại gia) Trung Quốc suốt 7 thế kỷ, từ thế kỷ VII đến thế kỷ XIII.

Một lần ngao du sơn thủy, Tô Thức ghé một đạo quán dâng hương. Đạo sĩ nơi đây thấy vị khách ăn mặc đơn giản, dáng vẻ bình thường, nghĩ Tô Thức là dân thường nên không dùng kính ngữ, khi mời ngồi chỉ nói một chữ “ngồi”, lúc sai đệ tử dâng trà cũng chỉ nói một chữ “trà”. Sau một hồi trò chuyện, đạo sĩ thấy người đối diện khí chất bất phàm, tri thức như biển cả, liền mời Tô Thức vào đại điện và nói “mời ngồi”, sai đệ tử “dâng trà”.

Trò chuyện thêm, tới lúc biết đây và Đông Pha cư sĩ, đạo sĩ liền mời ông tới một gian phòng khách an tĩnh và “kính mời ngồi”, sai đệ tử “dâng trà thơm”.

Câu chuyện là minh chứng cho thấy sự tôn trọng của người khác đối với một người không hoàn toàn nằm ở vẻ bên ngoài hay xuất thân, mà phụ thuộc vào giá trị bản thân của người đó.

Đối mặt với sự khinh thường của người khác, đừng nên ca thán, cũng đừng vội thất vọng! Để có được sự kính trọng của đạo sĩ, Tô Thức đã phải trải qua hai lần bị coi nhẹ, tới lần thứ ba mới được uống tách trà thơm. Nhưng cả ba lần, ông đều không hề nổi giận mà dùng chính trí tuệ cùng đạo hạnh của mình để cảm hóa người đối diện.

Lời bàn:
Viên kim cương dù không may bị đánh rơi trên bãi biển, bị xem như một viên đá tầm thường, thậm chí bị sóng biển vùi lấp, giá trị của kim cương vẫn vĩnh viễn không bị lu mờ như cát sỏi, hào quang sớm muộn sẽ tỏa sáng

.

Diệu Linh

Chuyên trang du lịch rất mong nhận được bài viết, hình ảnh của bạn đọc. Xin vui lòng gửi về: [email protected]