Du lịch Bắc Giang nỗ lực phục hồi và phát triển

09:06 | 08/12/2023

Theo dõi Du lịch - Năng lượng xanh trên
|
Cùng với đà phục hồi của các ngành kinh tế khác, du lịch Bắc Giang đang nỗ lực phục hồi và phát triển để tận dụng triệt để tiềm năng vốn có của mình. Đến nay, ngành du lịch tỉnh Bắc Giang đang có bước phát triển mới, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh.
Top 5 địa điểm du lịch Bắc Giang không nên bỏ quaTop 5 địa điểm du lịch Bắc Giang không nên bỏ qua
Cấm Sơn - Hạ Long trên cạn, điểm du lịch sinh thái thú vị ở Bắc GiangCấm Sơn - Hạ Long trên cạn, điểm du lịch sinh thái thú vị ở Bắc Giang
Du lịch Bắc Giang nỗ lực phục hồi và phát triển
Bắc Giang là địa phương có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp

Khách du lịch đến Bắc Giang tăng 48,1%

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang, năm 2023 lượng khách du lịch đến tỉnh ước đạt khoảng 2 triệu lượt khách, tăng 48,1% so với cùng kỳ, vượt 33% kế hoạch; trong đó lượng khách quốc tế đến Bắc Giang đạt hơn 16 nghìn lượt, khách nội địa đạt gần 2 triệu lượt khách. Tổng doanh thu từ các hoạt động kinh doanh du lịch ước đạt 850 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ.

Có được kết quả trên là do thời gian qua tỉnh Bắc Giang chú trọng công tác tuyên truyền, quảng bá; quan tâm tới công tác liên kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh vùng, liên vùng. Nhờ đó hình ảnh du lịch Bắc Giang đã được du khách trong và ngoài nước biết đến như: Điểm du lịch chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà, làng cổ Thổ Hà, khu di tích chiến thắng Xương Giang, khu di tích tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử, khu di tích khởi nghĩa Yên Thế, khu du lịch sinh thái Suối Mỡ,… Gần đây, vùng cây ăn quả huyện Lục Ngạn đang được biết đến như một điểm du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng thu hút được khá nhiều du khách quan tâm.

Năm 2023, lượng khách du lịch đến tỉnh ước đạt khoảng 2 triệu lượt khách, tăng 48,1% so với cùng kỳ, vượt 33% kế hoạch; trong đó lượng khách quốc tế đến Bắc Giang đạt hơn 16 nghìn lượt, khách nội địa đạt gần 2 triệu lượt khách. Tổng doanh thu từ các hoạt động kinh doanh du lịch ước đạt 850 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ.

Tuy lượng khách du lịch đến Bắc Giang tăng song đối tượng khách du lịch chủ yếu là tự phát của các học sinh, sinh viên, các nhóm phật tử hành hương hay các đoàn khoa học đi nghiên cứu hoặc khách công vụ. Mức chi phí cho các chuyến du lịch thấp và cách thức tổ chức thiếu bài bản. Nguyên nhân cũng do tỉnh chưa có các khu, điểm du lịch thực sự hấp dẫn du khách; thiếu những sản phẩm du lịch đặc trưng và các dịch vụ phục vụ du lịch để giữ chân du khác lưu trú tại tỉnh như: Các hoạt động vui chơi, giải trí, hoạt động kinh tế đêm, nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại lớn. Lượng khách du lịch đến tỉnh tuy có tăng, song số lượng còn ít và chủ yếu đi trong ngày. Doanh thu từ dịch vụ du lịch thấp, giá trị gia tăng chiếm tỷ lệ nhỏ trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch

Bắc Giang là địa phương có địa hình phong phú và đa dạng, có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp có thể khai thác xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng như: Hồ Cấm Sơn, hồ Khuôn Thần, Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử, Rừng nguyên sinh Khe Rỗ, khu du lịch sinh thái Suối Mỡ, điểm du lịch cộng đồng bản Ven Yên Thế… Đặc biệt tỉnh có vùng cây ăn quả quanh năm tươi tốt ở các huyện Lục Ngạn, Lục Nam là một điểm đến vô cùng hấp dẫn với du khách, rất phù hợp cho việc phát triển du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng.

Bên cạnh đó, hệ thống di tích lịch sử, văn hóa của tỉnh phong phú, đa dạng. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có khoảng 750 di tích xếp hạng các cấp, trong đó có 5 di tích và cụm di tích Quốc gia đặc biệt (với 34 điểm); 95 di tích quốc gia; 617 di tích cấp tỉnh; có 4 hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia. Cùng đó tỉnh có quan họ, ca trù, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ và thực hành nghi lễ Then người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Toàn tỉnh có gần 800 lễ hội được tổ chức, trong đó có 12 lễ hội cấp huyện, còn lại là lễ hội cấp xã. Với hệ thống di tích lịch sử, văn hóa phong phú của mình, Bắc Giang có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch văn hóa - tâm linh.

Nhận thấy những tiềm năng, lợi thế rất lớn để phát triển du lịch, trong những năm qua, tỉnh Bắc Giang có rất nhiều chính sách ưu tiên để phát triển du lịch, chú trọng tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch; thu hút các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lớn có nguồn lực, kinh nghiệm xây dựng các khu, điểm du lịch trên địa bàn.

Phát triển ngành du lịch nhanh, bền vững

Thực hiện Nghị quyết 112/NQ-TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang về việc phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030. Tỉnh Bắc Giang xác định: Phát triển du lịch là trở thành ngành kinh tế quan trọng và ngày càng chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, chú trọng liên kết du lịch và các ngành kinh tế khác tạo nên chuỗi giá trị cho sản phẩm du lịch địa phương.

Tỉnh cũng đặt mục tiêu hình thành một số khu du lịch, dịch vụ tổng hợp cấp tỉnh, hạ tầng dịch vụ, du lịch ở thành phố Bắc Giang và trung tâm các huyện; trong đó có một số khu du lịch có quy mô lớn, thương hiệu nổi bật, tạo sức lan tỏa cho phát triển du lịch của tỉnh và trở thành khu du lịch quốc gia. Xây dựng thương hiệu du lịch Bắc Giang là điểm đến hấp dẫn của khu vực Trung du và miền núi phía Bắc.

Du lịch Bắc Giang nỗ lực phục hồi và phát triển
Khung cảnh tuyệt sắc của Hồ Khuôn Thần

Bắc Giang sẽ ưu tiên tập trung xây dựng và phát triển 4 sản phẩm du lịch chính của tỉnh là Du lịch văn hóa - tâm linh; du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng; du lịch vui chơi, giải trí, thể thao (golf); du lịch cộng đồng gắn với vùng cây ăn quả, làng nghề truyền thống, sản phẩm nông nghiệp, nông thôn và các di sản văn hóa được UNESCO công nhận.

Trong đó, tiếp tục xây dựng, bảo tồn và phát triển di sản văn hóa hiện có gắn với “Con đường Hoằng dương Phật pháp của các Phật tổ Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử” và phục dựng các điểm di tích theo dấu chân Phật Hoàng qua đó, xây dựng phát triển “Du lịch Tây Yên Tử” thành thương hiệu du lịch của Bắc Giang. Tiếp tục thu hút đầu tư dự án tại Khuôn Thần, huyện Lục Ngạn; khu nghỉ dưỡng đạt tiêu chuẩn 5 sao.

Thu hút đầu tư xây dựng khu vui chơi, giải trí, thể thao (golf) gắn với dãy núi Nham Biền huyện Yên Dũng và thành phố Bắc Giang và một số sân golf tại huyện Yên Thế, Lạng Giang, Lục Nam. Du lịch cộng đồng gắn với vùng cây ăn quả, sản phẩm nông nghiệp nông thôn tại huyện Lục Nam, Lục Ngạn và Sơn Động và Yên Thế.

Kết nối các tour du lịch và thị trường khách du lịch theo hướng: Hà Nội - thành phố Bắc Giang - Lục Nam - Lục Ngạn - Sơn Động - Quảng Ninh (khai thác lợi thế sinh thái rừng để đón du khách từ Quảng Ninh sang và ngược lại); Hà Nội - thành phố Bắc Giang - Việt Yên - Hiệp Hòa; Hà Nội - thành phố Bắc Giang - Tân Yên - Yên Thế; Hà Nội - thành phố Bắc Giang - Yên Dũng - Côn Sơn - Kiếp Bạc, Hải Dương (du lịch đường bộ và đường sông).

Với những giải pháp đồng bộ, hiệu quả, cùng định hướng, chính sách phát triển du lịch phù hợp cho từng giai đoạn, trong thời gian không xa du lịch Bắc Giang sẽ phát triển hiệu quả và bền vững, là điểm đến hấp dẫn của khu vực Đông Bắc bộ, Trung du và Miền núi phía Bắc, trở thành ngành kinh tế quan trọng và ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế như mục tiêu của tỉnh đã đặt ra.

An Nhiên/ Cổng TTĐT tỉnh Bắc Giang

https://dulich.petrotimes.vn/

Chuyên trang du lịch rất mong nhận được bài viết, hình ảnh của bạn đọc. Xin vui lòng gửi về: [email protected]