Du lịch “khát” nhân lực chuyên nghiệp

10:44 | 20/04/2019

Theo dõi Du lịch - Năng lượng xanh trên
|
Du lịch nước ta đang tăng trưởng rất mạnh mẽ, tuy nhiên vẫn chưa khai thác hết tiềm năng vì nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan. Có một cản ngại lớn cần được tháo gỡ để ngành du lịch cất cánh, đó là chất lượng nguồn nhân lực.      

Nhân lực yếu, năng suất thấp

Theo Tổng cục Du lịch, mỗi năm toàn ngành du lịch cần thêm gần 40.000 lao động nhưng lượng sinh viên chuyên ngành ra trường chỉ khoảng 15.000 người/năm, trong đó chỉ có hơn 12% có trình độ cao đẳng, đại học trở lên. Trong 1,3 triệu lao động du lịch của cả nước (chiếm khoảng 2,5% tổng số lao động cả nước) chỉ có 42% được đào tạo về du lịch, 38% được đào tạo từ các ngành khác chuyển sang và khoảng 20% chưa qua đào tạo chính quy mà chỉ được huấn luyện tại chỗ.

du lich khat nhan luc chuyen nghiep
Nước ta là một điểm đến thu hút khách du lịch quốc tế

Do đó, chất lượng nguồn nhân lực là vấn đề rất đáng lo ngại hiện nay. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tất cả các ngành nghề, nhân lực nhóm ngành liên quan đến du lịch hiện có năng suất lao động thấp; tốc độ tăng trưởng năng suất lao động cũng thấp và gần như là thấp nhất so với các quốc gia trong khu vực ASEAN.

Năm 2018, ngành du lịch Việt Nam đón 15,5 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu du lịch cả nước 23 tỉ USD, đóng góp 7,5% vào GDP. Đây là mức tăng doanh thu ấn tượng, tuy nhiên năng suất khá thấp, mỗi lao động du lịch chỉ tạo ra 3.477 USD/năm. Trong khi đó, ở Singapore, đất nước với số dân gần 5,9 triệu người, trong đó khoảng 80% làm việc trong ngành du lịch, mỗi lao động tạo ra 47.713 USD/năm, gấp 15 lần; còn ở Thái Lan, mỗi lao động du lịch tạo ra 8.369 USD/năm, gấp 2,5 lần...

Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vietravel, năng suất lao động và chất lượng nguồn nhân lực trong ngành du lịch nước ta khá kém so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, khó cạnh tranh so với lao động các quốc gia trong khu vực, lao động nước ngoài dễ tràn vào và “thắng thế” lao động trong nước, khi du lịch là một trong những ngành nghề được tự do di chuyển lao động thông qua các thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương. Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đã chính thức công bố Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về chuẩn nghề nghiệp (MRA-TP). Với thỏa thuận này, lao động trong ngành du lịch - khách sạn có cơ hội làm việc ở bất kỳ quốc gia nào trong khối nếu đạt chuẩn nghề.

Đào tạo theo hướng nào?

Mất cân bằng, thừa và thiếu không đúng chỗ được cho là vấn đề cốt lõi của nguồn nhân lực du lịch nước ta hiện nay. Cơ cấu lao động trong ngành du lịch hiện chưa hợp lý, nguồn nhân lực phổ thông chưa qua đào tạo rất đông đảo, nhưng tìm kiếm nhân sự được đào tạo bài bản, đúng ngành nghề, có chất lượng tốt vô cùng khó khăn. Đặc biệt, nhân sự quản trị, giám sát viên có chuyên môn sâu, cao theo từng yêu cầu của từng bộ phận dịch vụ để cung cấp cho các khu du lịch, các khách sạn cao cấp, điểm tham quan đang rất thiếu.

du lich khat nhan luc chuyen nghiep
Ngành du lịch đang rất thiếu nguồn nhân lực lành nghề

Thực trạng này đã được nhìn nhận bởi các nhà đầu tư quan tâm đến du lịch nước ta. Các nhà đầu tư đã chỉ ra rằng, trong khi Việt Nam đang tập trung xây dựng hình ảnh “Điểm đến cao cấp” thì tình trạng thiếu lao động du lịch chuyên nghiệp rất đáng quan ngại. Về định hướng lâu dài, cần đầu tư vào dàn lãnh đạo du lịch mới có khả năng thích ứng với tốc độ tăng trưởng nhanh của ngành du lịch. Đây là những nhân sự quản lý cấp cao, cấp trung có khả năng lãnh đạo, bản lĩnh kinh doanh và am hiểu văn hóa toàn cầu.

Việc đào tạo hiện nay cũng có nhiều quan ngại. Theo các doanh nghiệp du lịch, việc đào tạo chuyên ngành du lịch hoặc các ngành nghề liên quan đến du lịch chưa đáp ứng yêu cầu và mong muốn của các doanh nghiệp, hầu như sinh viên ra trường đều phải đào tạo lại hoặc sinh viên phải lựa chọn hướng đi khác vì không thể đáp ứng yêu cầu thực tế.

Theo Vietravel, hằng năm công ty có kế hoạch tuyển dụng gần 300 nhân sự, chưa tính đến số lượng hướng dẫn viên. Tuy nhiên, lượng sinh viên được tuyển dụng vào công ty phải thông qua các lớp đào tạo và làm việc thực tế, trải qua giai đoạn thử việc mới được tiếp nhận, vì hầu như tất cả ứng viên cần phải đào tạo lại mới đáp ứng được yêu cầu thực tế. Tuy số lượng ứng viên nộp hồ sơ khá đông nhưng Vietravel rất khó chọn lựa được ứng viên đáp ứng tốt cho các vị trí công việc phù hợp.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ đánh giá, ngoại ngữ gần như là điều kiện bắt buộc để làm việc trong lĩnh vực du lịch, tuy nhiên, nhiều cơ sở đào tạo hiện nay chưa chú trọng yêu cầu đầu ra về ngoại ngữ cho sinh viên trong ngành du lịch, đang đánh đồng đầu ra ngoại ngữ với các ngành nghề khác, nên khi ra trường, các sinh viên phải tự đào tạo thêm để đáp ứng yêu cầu thực tế hoặc sẽ không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyền dụng, phải tìm nghề khác.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Du lịch TP HCM - cho biết, tính đến năm 2018, thành phố có 5.418 hướng dẫn viên du lịch đang hành nghề đã được cấp thẻ. Tuy nhiên có tới 30-45% hướng dẫn viên du lịch không đạt chuẩn ngoại ngữ, đặc biệt, một số ngoại ngữ như tiếng Nhật, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga còn rất hạn chế. Trong khi du khách quốc tế đến từ các quốc gia khác nhau tăng mạnh qua các năm thì số lượng hướng dẫn viên quốc tế đa dạng ngoại ngữ lại tăng không tương xứng. Trong thời gian qua lượt khách từ Hàn Quốc hay Trung Quốc, Nhật Bản tăng mạnh, nhưng số lượng hướng dẫn viên du lịch người Việt Nam thạo ngôn ngữ các nước này lại rất hạn chế. Bên cạnh số lượng gần 2.000 hướng dẫn viên du lịch thạo tiếng Anh, chỉ có chưa tới 300 hướng dẫn viên thạo các thứ tiếng nước ngoài khác. Điều này tạo ra một rào cản rất lớn cho việc tiếp cận các thị trường tiềm năng cho du lịch của TP HCM.

Các công ty du lịch cho rằng, so với yêu cầu thị trường và thực tế đào tạo hiện nay thì các chương trình đào tạo của Việt Nam cần đi sâu hơn vào đào tạo ngoại ngữ, cập nhật thêm các kiến thức, kỹ năng mới theo sự vận động của du lịch thế giới và Việt Nam; có kế hoạch và định hướng đào tạo nhân sự hướng vào 3 cấp chính: Cấp quản lý, cấp doanh nghiệp, cấp tiếp xúc trực tiếp với khách hàng.

Bên cạnh yếu tố ngoại ngữ, “phông” văn hóa của người làm du lịch cũng là yếu tố cần được chú trọng. Bởi sự cân bằng giữa văn hóa - kinh tế là rất quan trọng đối với những người làm du lịch. Đó là đạo đức kinh doanh, là sự am hiểu và thấm nhuần văn hóa của đất nước, của địa phương và sự tôn trọng, cởi mở có chọn lọc với văn hóa quốc tế. Sự gắn bó văn hóa - kinh tế phải có ở tất cả các vị trí công việc trong ngành du lịch. Trong đó, các cán bộ quản lý Nhà nước về du lịch, quản lý kinh doanh du lịch, bên cạnh trình độ quản lý, tinh thông nghiệp vụ, còn cần am hiểu văn hóa Việt Nam, văn hóa các quốc gia trên thế giới, văn hóa ứng xử quốc tế. Và, mỗi người dân địa phương cũng cần thể hiện sự hiếu khách và tôn trọng những nét văn hóa khác biệt của du khách quốc tế.

Mỗi người làm du lịch cần ý thức mình là “đại sứ văn hóa” của đất nước, địa phương.

Từ năm 2016 đến năm 2018, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đã tăng 55%. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng thu từ khách du lịch 3 năm (2016, 2017, 2018) lần lượt là 400 nghìn tỉ đồng, 510,90 nghìn tỉ đồng và 620 nghìn tỉ đồng.

Hoàng Tuyết

Chuyên trang du lịch rất mong nhận được bài viết, hình ảnh của bạn đọc. Xin vui lòng gửi về: [email protected]