Du xuân vãng cảnh chùa

09:30 | 03/02/2022

Theo dõi Du lịch - Năng lượng xanh trên
|
Huyện Đức Trọng hiện có 56 cơ sở Phật giáo, thì riêng thôn Phú An (xã Phú Hội) đã có hơn 20 chùa, tịnh thất, tịnh xá. Do vậy, người dân địa phương thường gọi khu vực này là “làng chùa”. Đây được xem là nơi quy tụ nhiều chùa chiềng nhất tỉnh Lâm Đồng.
Du xuân vãng cảnh chùa
Vĩnh Minh Tự viện nằm tại khu vực trung tâm của “làng chùa” nên thu hút đông đảo khách thập phương, Phật tử đến chiêm ngưỡng, hành lễ, niệm Phật, tỏ lòng thành kính và dành chút thời gian tĩnh tâm, thư thái tinh thần

Truyền thống văn hóa lâu đời của người Việt là đi lễ chùa vào những ngày đầu xuân. Sau khi thắp nén hương thơm lên bàn thờ Tổ tiên, mừng tuổi ông bà, cha mẹ, nhiều người lên đường đến chùa lễ Phật và tìm giây phút thảnh thơi sau một năm làm việc vất vả. Đối với nhiều người, thì đây cũng là dịp để cầu phúc lộc, cầu cho con cháu năm mới mạnh khỏe, bình an, làm ăn phát đạt, cho cuộc sống an bình, có được nhiều sức khỏe, vui vầy cùng con cháu.

Từ ngã ba thôn Phú An đi vào khoảng hơn 1 km, trong khuôn viên thoáng rợp bóng cây xanh, nằm trên ngọn đồi khá cao là Vĩnh Minh Tự viện, một ngôi chùa khá nổi tiếng trong khu vực “làng chùa”, được nhiều người biết đến. Tự viện ban đầu chỉ là một tịnh thất nhỏ được cố Hoà thượng Thích Tâm Thanh tạo dựng vào năm 1973 làm nơi tịnh dưỡng sau những ngày thuyết giảng. Sau ngày đất nước thống nhất, nhận thấy duyên hoá độ có nhiều thuận lợi, năm 1983, Hòa thượng phát nguyện công đức, xây dựng Vĩnh Minh Tự viện. Từ đó đến nay, nơi đây trở thành điểm đến của không ít du khách hành hương, cũng như những người đến thọ giáo, quy y.

Du xuân vãng cảnh chùa
Cổng Nhất quan với những cột trụ màu đỏ dẫn lối đi vào Vĩnh Minh Tự viện

Từ xa, khách du xuân đã nhìn thấy cổng Nhất quan với những cột trụ màu đỏ, mái cong, tiếp đó là Quế Lam kiều - cây cầu bắc qua ao sen Liên Trì nối với con đường đá dẫn lên chùa. Dọc hai bên được tạo dựng nhiều hòn giả sơn, hình tượng và đặc biệt là tượng Phật A Di Đà cao 32 m được an vị vào cuối năm 2010. Tại đây, du khách và phật tử đã có thể nghe rõ tiếng tụng kinh, niệm Phật vọng ra từ khu Chánh điện.

Cổng Tam quan được cấu tạo từ những viên đá cuội tự nhiên, sắp xếp hài hòa, đẹp mắt và sau bốn mươi bậc cấp bằng đá là khu Chánh điện với khoảng sân rộng, bày trí nhiều chậu bon sai đủ dáng vẻ. Ẩn dưới rặng cây cổ thụ, Chánh điện Vĩnh Minh Tự viện cổ kính, trang nghiêm, hướng về phía Nam, mái và tường của Chánh điện được chạm trổ kỳ công với biểu tượng Tứ linh và những bức phù điêu. Trên hàng cột phía trước và trong Chánh điện trang hoàng nhiều câu đối mang ý nghĩa sâu xa về phật pháp. Bên trong Chánh điện được trang trí toàn bằng gỗ, chạm trổ, lắp ghép hết sức công phu, tỉ mĩ và tinh xảo, nền điện là những mảnh gỗ nhỏ ghép lại.

Chánh điện có 2 bàn thờ Phật: Bàn trên thờ Di Đà Tam Tôn, gồm có Phật Di Đà, Quan Âm và Thế Chí. Bàn dưới thờ tượng Phật Bổn Sư. Khoảng cách giữa hai bàn thờ khá rộng, có bục gỗ cao nối liền - là nơi dành cho Chư Tăng hành lễ. Phía trên các tượng Phật, một ngôi tháp cao vút vượt lên mái chùa, đó là nơi lấy không khí từ bên ngoài vào và giúp cho tiếng chuông chùa cùng tiếng tụng niệm vang vọng, ngân xa. Vĩnh Minh Tự viện nằm tại khu vực trung tâm của “làng chùa” nên thu hút đông đảo khách thập phương, Phật tử đến chiêm ngưỡng, hành lễ, niệm phật, tỏ lòng thành kính và dành chút thời gian tĩnh tâm, thư thái tinh thần.

Anh Lê Hưng đến từ Bình Thuận cho biết: Đây là lần đầu tiên đến với Vĩnh Minh Tự viện, được mọi người giới thiệu về chùa, nên gia đình anh ghé tham quan, chiêm bái cúng Phật. Hôm nay, nhà anh đi đúng dịp thời tiết đẹp, nên chụp được rất nhiều hình tại chùa. Còn bạn Tuyết Anh đến từ Nha Trang chia sẻ: Cứ mỗi khi tết đến thì gia đình mình có dịp đến chùa để thắp nén nhang kính lạy Phật và cầu công cho gia đình và bản thân một năm mới được bình an và hạnh phúc, mọi điều may mắn hơn. Khi đến chùa, thấy quang cảnh nơi đây mát mẻ, thư giãn, làm cho tâm hồn nhẹ nhàng, thoải mái hơn.

Trong khuôn viên Vĩnh Minh Tự viện còn nhiều công trình khác như Bảo tháp Minh Tích Ấn, gồm 8 tầng, cao 25 m. Tầng trên cùng thờ Xá lợi Phật được thỉnh từ Tích Lan, Ấn độ. Bên cạnh tháp Minh Tích Ấn là Chơn Nghiêm bảo tháp, nơi an táng cố Hòa thượng Thích Tâm Thanh. Ngôi tháp hình lục giác gồm 3 tầng làm toàn bộ bằng đá rất đặc biệt và được chạm khắc sắc sảo, tinh tế. Trước tháp là một tấm bia ghi lại những dấu ấn trong cuộc đời của Hòa thượng Thích Tâm Thanh.

Du xuân vãng cảnh chùa
Cổng Tam quan được cấu tạo từ những viên đá cuội tự nhiên, sắp xếp hài hòa, đẹp mắt

Phía trái Chánh điện, một lối đi với hai hàng tùng thẳng tắp dẫn đến hai dãy nhà ngang, bốn phía có tường bao bọc rất yên tĩnh và mát mẻ. Đây là khu vực Nhà lưu niệm Ân Sư, lưu giữ những di vật của Hòa Thượng Tâm Thanh và những Tăng phòng dành cho các vị chuyên tu nhập thất. Đây cũng chính là nơi mà Hòa Thượng Tâm Thanh đã nhập thất tĩnh tu trong những ngày cuối đời.

Vĩnh Minh Tự viện là một trong những ngôi chùa nổi bật giữa lòng “làng chùa” Phú An với lối kiến trúc hài hòa, dung hợp nhiều nét đẹp của văn hóa Á Đông, vừa cổ kính vừa hiện đại. Từ lâu, Vĩnh Minh Tự viện đã trở thành điểm dừng chân của đông đảo du khách thập phương và của nhiều người dân huyện Đức Trọng khi tết đến, xuân về. Không khí yên tĩnh, thoáng mát ở chốn thiền môn sẽ giúp cho con người trở nên thư thái hơn. Vãn cảnh chùa trong những ngày đầu xuân không chỉ để tìm vui mà còn là dịp để cầu lộc, cầu phúc, cầu duyên hoặc thả hồn trong không khí thanh tĩnh, thoát tục, giúp lòng người yên tĩnh, tâm trong - ý sáng.

Du xuân vãng cảnh chùa
Khuôn viên thoáng rợp bóng cây xanh, nằm trên ngọn đồi khá cao là Vĩnh Minh Tự viện, một ngôi chùa khá nổi tiếng trong khu vực “làng chùa”, được nhiều người biết đến

Những ngày này, khi hương xuân đã tràn ngập đất trời, thì dường như người ta lại mong muốn tìm về một khung cảnh, một không gian gợi mở tâm hồn, như một dịp để nhìn lại chính mình trong thời gian qua, chiêm nghiệm nhiều điều trong cuộc sống, để hướng về những giá trị chân - thiện - mĩ. Đầu năm vãn cảnh chùa như đã thành một thói quen, nét sinh hoạt văn hóa của người dân Việt Nam. Họ tìm đến một không gian linh thiêng, nhìn những chiếc lá rơi, lắng nghe tiếng gió xào xạc, tiếng chuông mõ tụng niệm... khiến lòng người thanh thản vô cùng. Cảm thấy mình vẫn tràn đầy nghị lực, niềm tin và năng lượng để tiếp tục chào đón năm mới, tiếp tục cống hiến sức lực cho cộng đồng, tiếp tục yêu thương mọi người và được yêu thương…

Du xuân vãng cảnh chùa
Chơn Nghiêm bảo tháp, nơi an táng cố Hòa thượng Thích Tâm Thanh. Ngôi tháp hình lục giác gồm 3 tầng làm toàn bộ bằng đá rất đặc biệt và được chạm khắc sắc sảo, tinh tế

https://dulich.petrotimes.vn/

Báo Lâm Đồng

Chuyên trang du lịch rất mong nhận được bài viết, hình ảnh của bạn đọc. Xin vui lòng gửi về: [email protected]