Festival Nghề truyền thống Huế: Phục hồi, phát triển nghề truyền thống

03:02 | 28/04/2023

Theo dõi Du lịch - Năng lượng xanh trên
|
Sau gần 20 năm tổ chức, Festival Nghề truyền thống (NTT) Huế ở tỉnh thừa thiên Huế đã để lại nhiều dấu ấn đặc sắc và có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Thành công lớn nhất sự phục hồi, phát triển của NTT cũng như khơi dậy niềm đam mê sáng tạo của các thế hệ nghệ nhân.
Thừa Thiên Huế tổ chức nhiều sự kiện đón khách du lịch dịp lễ 30/4-1/5Thừa Thiên Huế tổ chức nhiều sự kiện đón khách du lịch dịp lễ 30/4-1/5
Tạo tính tương tác, hài hòa, mang dấu ấn mới lạ cho Festival Nghề truyền thống Huế 2023Tạo tính tương tác, hài hòa, mang dấu ấn mới lạ cho Festival Nghề truyền thống Huế 2023
Festival Nghề truyền thống Huế: Phục hồi, phát triển nghề truyền thống
Hình ảnh mang biểu tượng Festival Nghề truyền thống Huế 2023

Hồi sinh nghề truyền thống

Một trong những dấu ấn đậm nét tại các kỳ festival gần đây đó là yếu tố quốc tế ngày càng rõ nét hơn, có hiệu quả hơn. Các chương trình, hoạt động đa sắc màu quốc gia qua các kỳ Festival NTT phần nào củng cố và tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị và mở rộng quan hệ giao lưu hợp tác văn hóa giữa TP. Huế với các nước Á - Âu, từng bước hướng đến tính quốc tế của Festival NTT Huế. Trong đó, mỗi kỳ festival được tổ chức thành công đã góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu xây dựng TP. Huế xứng đáng là thành phố Văn hóa ASEAN, thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam.

Theo Chủ tịch UBND TP. Huế, Trưởng ban Tổ chức Festiavl NTT Huế 2023, ông Võ Lê Nhật, nói đến hiệu quả của Festival NTT Huế, không thể không kể đến những tác động tích cực đến sự hồi sinh và phát triển của các ngành nghề truyền thống trên địa bàn. Thời gian qua, các nghệ nhân đã tạo được nhiều mẫu thiết kế sản phẩm đa dạng, mang tính nghệ thuật và thẩm mỹ cao, đồng thời có ý thức và tập trung nhiều hơn cho việc sáng tác, sản xuất các sản phẩm quà tặng, lưu niệm phục vụ nhu cầu của du khách. Sau mỗi kỳ Festival NTT Huế, các nghề và LNTT ở địa phương có nhiều triển vọng hồi sinh, phát triển rõ rệt, như: pháp lam, chế tác nhà rường, nghề may (may áo dài truyền thống), thêu tranh, nón lá, gốm…

Festival Nghề truyền thống Huế: Phục hồi, phát triển nghề truyền thống
Không khí Festival Nghề truyền thống Huế 2023 đang rộn ràng khắp các ngã đường phố Huế

Để bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề và LNTT trên địa bàn, TP. Huế đang ưu tiên việc phát triển nghề và làng nghề phải gắn với phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế kết hợp dịch vụ văn hóa, du lịch. Trong đó, chú trọng phát huy giá trị văn hóa, nâng cao giá trị sản phẩm gắn liền với phát triển dịch vụ du lịch; tập trung phát triển các sản phẩm OCOP, sản phẩm tiểu thủ công nghiệp gắn việc phát triển các ngành nghề nông thôn và làng nghề trên địa bàn.

Kết nối các tour tuyến du lịch

Thành công mà các kỳ Festival NTT Huế mang lại không chỉ dừng lại ở việc khôi phục và phát triển nghề và LNTT mà còn hình thành, kết nối các tour tuyến du lịch tham quan làng nghề. Để khôi phục, phát triển nghề và LNTT, TP. Huế đã triển khai nhiều giải pháp phát triển NTT gắn với phát triển du lịch và ưu tiên phát triển du lịch văn hóa làng nghề. Trong đó, khuyến khích, tạo điều kiện và hỗ trợ các DN lữ hành xây dựng và hình thành nhiều các tour du lịch về các cơ sở nghề, làng nghề trên địa bàn thành phố, tập trung mọi nguồn lực xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận nghề, LNTT theo quy định.

Theo lãnh đạo UBND TP. Huế, để phát triển loại hình du lịch làng nghề, thời gian tới thành phố tiếp tục đầu tư hạ tầng nhằm khai thác có hiệu quả kinh tế du lịch tại các vùng có LNTT; chỉ đạo các phòng chuyên môn nghiên cứu xây dựng chính sách ưu đãi, tạo điều kiện cho các làng nghề thủ công phát triển, như ưu đãi nguồn vốn vay, tìm nguồn cung cấp nguyên liệu cho sản xuất, giúp đỡ tạo đầu ra cho sản phẩm, xây dựng mối liên kết các đơn vị du lịch với các làng nghề, đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu của du khách.

TP. Huế đã và đang tiếp tục kêu gọi đầu tư dự án khu du lịch, nghỉ duỡng sinh thái, dự án khu vui chơi giải trí, khu trưng bày và biểu diễn văn hoá Huế kết hợp khu mua sắm, góp phần làm phong phú các dịch vụ du lịch, tăng thời gian lưu trú của du khách khi đến Huế. Ngoài ra, đẩy mạnh nhóm dự án thúc đẩy ngành kinh tế đêm, như dự án phát triển dịch vụ homestay trong khu vực thành nội, hoàn thành dự án Phố đêm Hoàng Thành Huế để hoàn thiện các hoạt động gắn liền với dự án đêm Hoàng cung để biến khu vực Ðại Nội thành một Hoàng Cung sống động về đêm…

Dấu ấn tại Festival 2023

Nối tiếp thành công của 8 kỳ festival, Festival NTT Huế lần thứ 9 - 2023 được kỳ vọng có nhiều thay đổi, sáng tạo, đặc sắc, là nơi hội tụ “Tinh hoa nghề Việt”. Trong đó, chương trình thắp lửa NTT trong lễ khai mạc vào tối 28/4 tại sân khấu Quảng trường trước Trường Quốc Học với những màn nghệ thuật đặc sắc, được thiết kế, dàn dựng theo một câu chuyện xuyên suốt mang tên “Bàn tay người thợ”. Điểm khác biệt của sân khấu khai mạc năm nay là sân khấu được trải dài từ Bia Quốc học sang cổng trường và hoàn toàn mở, sử dụng thực cảnh hiện hữu, không lắp đặt thêm các cấu kiện ảnh hưởng đến vẻ đẹp tuyệt tác của hai công trình mang dấu ấn lịch sử Huế.

Một chương trình mới tại festival năm nay là đêm giao lưu nghệ thuật giữa các thành phố kết nghĩa với Huế trong nước và quốc tế diễn ra lúc 20h00 ngày 30/4, hứa hẹn sẽ là một chương trình đa sắc màu, đa cung bậc và đa phong cách, tạo nên một lễ hội thực thụ. Ngoài ra, triển lãm Thiết kế Sáng tạo thủ công được tổ chức từ ngày 28/4 đến 5/5 cũng là sáng kiến mới tại lễ hội lần này. Nơi đây sẽ giới thiệu các thiết kế sáng tạo của nhiều nghệ sĩ, DN và nghệ nhân trong lĩnh vực thủ công cùng với hội thảo tư vấn kinh doanh online dành cho các làng nghề và hộ kinh doanh NTT vào sáng 29/4.

Theo lãnh đạo UBND TP. Huế, với chủ trương tổ chức lễ hội để phục vụ các DN, cơ sở làng nghề cũng như người dân Huế và khách du lịch - chủ thể chính của Festival NTT Huế, gắn với xây dựng hình ảnh Huế - điểm du lịch hấp dẫn, lý tưởng, thân thiện và an toàn, tại Festival 2023, thành phố chú trọng đến việc xây dựng các chương trình theo hướng xã hội hóa về khâu tổ chức, chú trọng tính hấp dẫn, cộng đồng, đáp ứng yêu cầu cao về nghệ thuật và trải đều liên tục trong suốt thời gian diễn ra lễ hội, hy vọng sẽ mang đến một “chiếc áo mới” trong suốt 8 ngày đêm.

Bài, ảnh: Thanh Hương/ Báo Thừa Thiên Huế

https://dulich.petrotimes.vn/

Chuyên trang du lịch rất mong nhận được bài viết, hình ảnh của bạn đọc. Xin vui lòng gửi về: [email protected]