Hồ Xuân Hương bốn mùa thay sắc
Bầu Tiên - Điểm đến mới ở Bắc Giang |
Khám phá vẻ đẹp động Vái Giời - Chốn bồng lai tiên cảnh ở Ninh Bình |
Cây cầu "huyền thoại" ở hồ Xuân Hương. |
Để buổi sáng cuối cùng rời Đà Lạt, tôi cũng vòng qua. Để ngắm nhìn những cây thông rất diễm lệ đang trầm ngâm cùng sương mù sớm mai. Và trong ánh nắng rất mềm chào một ngày mới, ngoái nhìn lại mặt hồ im lặng như tấm gương soi trầm mặc cùng nhân gian.
Để vào thành phố Đà Lạt, bạn sẽ chạm gặp hồ Xuân Hương. Ôm trọn một phần hồ, đưa mắt ngắm nhìn, có khi vòng qua con đường ven đồi Cù, và không thể không qua cầu Ông Đạo - đó là chiếc cầu ngăn hồ và để thoát nước, dòng nước ấy tạo ra thác Cam Ly.
Và có lẽ bạn đã xem một gameshow, có câu hỏi khiến bạn bất chợt cảm thấy dẫu bạn đã từng dừng chân ở hồ Xuân Hương, chụp không biết bao nhiêu tấm ảnh ở đó, nhưng không biết hồ là hình bán nghuyệt, hình tròn, trăng lười liềm? Để rồi sẽ ngạc nhiên khi biết hồ có hình lưỡi liềm, không phải hồ tự nhiên mà do con người tạo nên.
Theo tư liệu, thành phố Đà Lạt được ghi nhận hình thành từ năm 1893, thời điểm bác sĩ Alexandre Yersin lần đầu tiên đặt chân đến cao nguyên Lâm Viên khi đó chỉ là một miền đất còn hoang sơ, và hồ Xuân Hương chưa có. Mãi đến năm 1919 hồ Xuân Hương mới được khởi công xây dựng bằng cách nạo vét thung lũng có nguồn nước đổ về tạo ra thác Cam Ly. Sau khi xây dựng xong hồ Xuân Hương, một đập chắn và cầu chắn giữ dòng nước gọi là cầu ông Đạo (mọi người cho rằng tên ông Đạo là là do ông quản đạo vào thời đó xây). Cầu Ông Đạo ngày nay đã được xây lại trên nền cầu cũ vào dịp xả nước hồ Xuân Hương năm 2011. Lúc bấy giờ hồ nước này có tên tiếng pháp cũ là Grand Lac (hồ nước lớn). Vào năm 1953 hồ nước được đổi tên thành Hồ Xuân Hương.
| |
Không gian xanh mát và vẻ đẹp thơ mộng ở hồ Xuân Hương. |
Tôi đã chứng kiến sự thay đổi của hồ Xuân Hương một thời gian gần 5 năm đi học ở Đà Lạt. Vào thời điểm đó, ban đêm rất vắng, những cây tùng bách ven hồ có những bệ tròn thường có những cặp tình nhân mặc kệ lạnh lẽo, ngồi nói chuyện yêu đương. Vào thời điểm đó, đồi Cù vẫn mở cửa tự do cho mọi người lên chơi, sau này biến thành sân golf có rào chắn. Ngay bãi cỏ trước Quảng trường Lâm Viên bây giờ có một sân bay trực thăng.
Hồ Xuân Hương theo giải thích có hai ý nghĩa, một là hồ có mùi hương vào mùa Xuân và lấy tên nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Đó là hồ trong phố, là nơi chốn du khách tìm đến và là nơi có biết bao nhiêu hình ảnh lưu giữ. Những bãi cỏ và những cây thông bao quanh hồ là vẻ đẹp không thể nào cưỡng nổi khi chạm gặp. Những cây thông ở đây luôn xanh tươi mặc kệ bốn mùa trôi qua. Ở hồ Xuân Hương có chiếc cầu “huyền thoại" hay hàng tùng trăm năm. Cây cầu trắng có rẽ đôi rất đẹp là nơi để chụp ảnh. Vào buổi chiều tối, dọc theo nơi này trở thành nơi bán bắp nướng, khoai nướng, bánh tráng nướng và sữa đậu nành. Những hàng quán này kéo dài đến đường Lê Thị Hồng Gấm, tạo nên một không gian đặc trưng của Đà Lạt.
Hồ Xuân Hương có khi xanh biếc vào mùa nắng, rồi chuyển màu khi những cơn mưa mùa rơi xuống. Khi mưa, người vẫn dạo phố với những chiếc dù đủ màu sắc tạo nét duyên. Khi lạnh, lứa đôi từ nhiều nơi tìm tới, mặc những chiếc áo lạnh thời trang, những chiếc mũ len che kín tay cùng dạo, dẫu bước chân đi chẳng biết sẽ đến đâu. Để có khi lên Quảng trường Lâm Viên chụp ảnh với hai biểu trưng nổi bật ở đây là bông át-ti-sô và hoa dã quỳ, hoặc vào Thủy Tạ, nhấm nháp ly cà phê nóng, nhìn những cặp đôi đạp pê-đa-lô trên hồ.
Quảng trường Lâm Viên. |
Những quán cà phê như Thanh Thủy với những chiếc dù màu tím, hay cà phê Bích Câu là hai điểm đến được du khách chọn lựa. Ngồi để ngắm nhìn xa xa là nóc chuông Trường Cao đẳng Sư phạm, ngắm những thảm hoa nở bốn mùa.
Hồ Xuân Hương bốn mùa thay sắc tạo thêm sự ảo diệu. Đó là mùa Xuân những cây mai anh đào nằm im ắng bỗng bung nở làm hồng cả đất trời, khiến cho chân đi chỉ muốn dừng lại. Là buổi sáng sương mù trôi trên mặt hồ vào mùa đông giống như cảnh thần tiên, hay mùa thu trời đất trong xanh, ven những lối đi những bông hoa cẩm tú cầu, xác pháo… được chăm sóc nở chen, và ven hồ có những bông hoa dại nở li ti. Cả khi mùa hè mưa mù đất mù trời, hồ Xuân Hương ẩn hiện trong nhạt nhòa cũng là một cảm giác khác.
Không là một hồ nước trên cao nguyên. Hồ Xuân Hương còn là nơi để đến, để nhớ về và khi rời Đà Lạt, vẫy bàn tay chào và hẹn sẽ trở lại.
Khuê Việt Trường