Homestay - thế mạnh và đặc trưng của du lịch Long Hồ (Vĩnh Long)

14:05 | 27/12/2023

Theo dõi Du lịch - Năng lượng xanh trên
|
Với vị trí địa lý đặc biệt thuận lợi, nằm cạnh trung tâm TP Vĩnh Long, các điểm du lịch homestay trên cù lao xã An Bình, huyện Long Hồ (Vĩnh Long) được mệnh danh là “Đệ nhất homestay”, bên cạnh các thế mạnh về du lịch sinh thái, sông nước miệt vườn, những vườn trái cây trĩu quả, những công trình kiến trúc văn hóa, lịch sử độc đáo mang đậm dấu ấn lịch sử, những làng nghề truyền thống hình thành và phát triển hàng trăm năm, đã thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm trong thời gian qua. Chính những thế mạnh trên đã góp phần giúp 9 homestay nơi đây đạt Giải thưởng Du lịch ASEAN.
Check in Bến cảng hành khách hiện đại nhất Vĩnh LongCheck in Bến cảng hành khách hiện đại nhất Vĩnh Long
Trải nghiệm về miền “Di sản đương đại Mang Thít”Trải nghiệm về miền “Di sản đương đại Mang Thít”
Homestay- thế mạnh và đặc trưng của du lịch Long Hồ (Vĩnh Long)
Long Hồ đang nỗ lực khẳng định những sản phẩm du lịch mang màu sắc riêng

Một trong những loại hình du lịch đặc trưng thu hút đông đảo du khách đến Long Hồ tham quan, trải nghiệm đó chính là loại hình du lịch homestay và du lịch sinh thái miệt vườn. Đây được xem là thế mạnh, là một trong những điểm sáng cho ngành du lịch tỉnh Vĩnh Long nói chung và du lịch Long Hồ nói riêng.

Du lịch homestay thời gian qua luôn gắn liền với những trải nghiệm thú vị về những nét sinh hoạt độc đáo của người dân địa phương.

Du lịch sinh thái miệt vườn của tỉnh đang tập trung khai thác trên diện tích khoảng 60km2 vùng đất 4 xã cù lao của huyện Long Hồ, gồm: An Bình, Bình Hòa Phước, Hòa Ninh và Đồng Phú. Vùng đất được ví là “thủ phủ vườn cây ăn trái”, với các vườn cây ăn trái trĩu quả, xanh tươi quanh năm, như: chôm chôm, xoài, nhãn, sầu riêng, măng cụt, mít,…

Khoảng những năm 1990-2000, được xem là thời kỳ vàng son của du lịch homestay Vĩnh Long nói chung, Long Hồ nói riêng, được rất nhiều các tỉnh, thành phố trong khu vực và cả nước đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm, cách làm.

Đến thời điểm hiện tại toàn huyện có 18 cơ sở kinh doanh loại hình du lịch homestay (chiếm 72% loại hình du dịch homestay của tỉnh). Một trong những hoạt động thú vị tại các homestay chính là thưởng thức những món ăn dân dã miền sông nước.

Du khách cũng có thể cùng chủ nhà tự tay ra vườn hái rau, câu cá, bắt gà… sau đó tự chế biến thành những món ăn mình thích, được nghe chủ nhà kể về những nét sinh hoạt truyền thống của cư dân bản địa.

Du khách cũng có thể đạp xe dọc các đường làng trải nghiệm cảnh sinh hoạt người dân địa phương. Để phục vụ đa dạng nhu cầu của khách du lịch, vào buổi tối các chủ cơ sở homestay thường tổ chức giao lưu đờn ca tài tử để du khách có những phút giây thật sự thư giãn, tri nghiệm cuộc sống miệt vườn, sông nước.

Đến với du lịch homestay, du khách sẽ trở thành những thành viên trong gia đình để cùng khám phá nét văn hóa, phong tục tập quán của người dân địa phương như: chèo xuồng, chài lưới, tát mương bắt cá, làm bánh, nấu ăn, đạp xe dạo quanh đường làng, tham quan vườn cây ăn trái, nhâm nhi ly rượu đế cùng các món ăn dân dã địa phương, nghe đờn ca tài tử Nam Bộ thả hồn theo những làn điệu vọng cổ hòa quyện với phong cảnh cây trái, sông nước miệt vườn thơ mộng, hữu tình.

Đặc biệt, khi màn đêm buông xuống, du khách được thực tế chiêm nghiệm nét sinh hoạt văn hóa đậm chất Nam Bộ từ thời xa xưa, khi được tự tay đốt đuốc đi đến đình làng xem hát bội.

Du lịch sinh thái của huyện Long Hồ hình thành phát triển từ rất sớm vào những năm đầu thập niên 80 thế kỷ XX trên địa bàn các xã cù lao. Trong đó, mô hình trải nghiệm cùng ăn, cùng làm, cùng ở tại nhà dân (homestay) của Long Hồ có thể nói là cái nôi của loại hình mang đậm nét đặc trưng của du lịch sông nước miệt vườn Nam Bộ.

Bên cạnh mô hình homestay, Long Hồ còn phát triển song song loại hình tham quan vườn cây ăn trái, trong đó có 20 nhà vườn kinh doanh dịch vụ chủ yếu phục vụ du khách trong nước tham quan vườn trái cây theo hình thức “bao bụng” kết hợp phục vụ ẩm thực theo yêu cầu của khách du lịch; làng nghề sản xuất cốm kẹo Cửu Long và cơ sở sản xuất mật ong Hai Nương.

Du khách tham quan trải nghiệm quy trình làm nón lá từ làng nghề chằm nón tại TT Long Hồ, tham quan Khu lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng và nhiều di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh khác.

Từ những thế mạnh nêu trên nên lượng khách đến với Long Hồ cũng chiếm đến hơn 72% khách du lịch đến tỉnh Vĩnh Long. Trong năm 2023, lượng khách đến Long Hồ đạt khoảng 223.300 lượt khách, tăng 36%, tổng doanh thu ước đạt 92 tỷ đồng, tăng 42% so cùng kỳ, đây là mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

Homestay- thế mạnh và đặc trưng của du lịch Long Hồ (Vĩnh Long)
Du khách cũng có thể cùng chủ nhà tự tay chế biến món ăn, được nghe chủ nhà kể về những nét sinh hoạt truyền thống của cư dân bản địa

Trong thời gian tới, huyện Long Hồ tiếp tục đẩy mạnh phát triển 2 loại hình du lịch là homestay nghỉ dưỡng và tham quan vườn cây ăn trái. Quan tâm đào tạo nguồn nhân lực quản lý và kinh doanh du lịch. Đẩy nhanh việc xây dựng chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch chất lượng, hiệu quả, trên cơ sở thống nhất về giá dịch vụ, hài hòa về quyền lợi và nghĩa vụ giữa các thành phần tham gia.

Có thể nhận thấy rằng, du lịch Long Hồ đang nỗ lực khẳng định những sản phẩm đặc trưng nhất, mang màu sắc riêng biệt so với các địa phương khác, từng bước khẳng định vị thế du lịch trong khu vực ĐBSCL.

Hy vọng rằng, loại hình du lịch homestay sẽ ngày càng phát triển bền vững, trở thành niềm tự hào cho du lịch Long Hồ nói riêng và du lịch Vĩnh Long nói chung, góp phần từng bước đưa ngành du lịch Vĩnh Long trở thành ngành kinh tế quan trọng vào năm 2030.

Long Hồ hiện có 9 cơ sở đạt tiêu chuẩn ASEAN homestay giai đoạn 2017-2019, 2019-2021 và 2023

Cụ thể, Homestay Út Trinh đã được BTC Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) 2017, tặng Giải thưởng ASEAN homestay standard 2017-2019. Đây là giải thưởng vinh danh những homestay đạt chất lượng dịch vụ tốt và có tính kết nối cao với cộng đồng. Tại ATF 2019, BTC đã trao Giải thưởng Homestay ASEAN giai đoạn 2019-2021 cho Phương Thảo Homestay (tại ấp An Thạnh, xã An Bình, huyện Long Hồ). Đây là 1 trong 5 đơn vị đại diện cho Việt Nam được trao giải thưởng lần này. Đặc biệt, trong năm 2023, BTC ATF 2023 đã trao các Giải thưởng Du lịch ASEAN 2023 cho các đơn vị trong cụm homestay trên địa bàn xã An Bình, huyện Long Hồ, gồm Út Thủy, Sáu Thành, Năm Thành, Ba Lình, Ngọc Phượng và Ngọc Sang.

Bài, ảnh: Võ Trung Sơn (Phó Chủ tịch UBND huyện Long Hồ)/ Báo Vĩnh Long

https://dulich.petrotimes.vn/

Chuyên trang du lịch rất mong nhận được bài viết, hình ảnh của bạn đọc. Xin vui lòng gửi về: [email protected]