Hòn Sơn- Viên ngọc xanh trên biển Tây Nam

10:21 | 10/02/2020

Theo dõi Du lịch - Năng lượng xanh trên
|
Việt Nam ta nước non xanh ngàn dặm. Có những nơi đã đi vào thơ ca nổi tiếng từ lâu, nhưng cũng có những nơi lặng lẽ, hoang sơ ít người biết đến. Ở biển trời Tây Nam có rất nhiều hòn đảo nhỏ như chuỗi ngọc trời ban, mà khi bạn đặt chân đến rồi, lúc về bạn sẽ còn lưu luyến mãi.
hon son vien ngoc xanh tren bien tay namKhám phá vẻ đẹp hoang sơ, bình dị của đảo Hòn Sơn

Từ thành phố Rạch Giá, bạn chỉ mất khoảng 90 phút đồng hồ với hải trình 65 km để khám phá một nơi đẹp tuyệt vời, nho nhỏ, xinh xinh như thế. Đó chính là hòn đảo có tên gọi thân thương là Hòn Sơn, Hòn Rái hay Hòn Sơn Rái, nhưng về mặt hành chính nó được định danh là xã Lại Sơn, huyện Kiên Hải tỉnh Kiên Giang.

hon son vien ngoc xanh tren bien tay nam

Cầu cảng Hòn Sơn

Hòn Sơn cảnh đẹp nên thơ

Nhìn từ trên cao xuống, Hòn Sơn mang hình thù của một chú Rái Cá ngộ nghĩnh đang lội trên mặt biển Vịnh Thái Lan đầu hướng về Rạch Giá. Theo lời các cụ già trên đảo, Hòn Sơn ngày xưa có nhiều rái cá sinh sống. Nhưng cũng có lời kể rằng trong hành trình chúa Nguyễn Ánh trốn chạy quân Tây Sơn, ông và đoàn tùy tùng đã phiêu dạt đến hòn đảo này. Trong lúc đói khát, Nguyễn Ánh đã được được thần Rái Cá dẫn đường đến suối nước và bắt cá cho ăn để vượt qua cơn khốn quẫn. Sau khi lên ngôi, vua Gia Long đã phong cho loài Rái Cá ở đây tước vị “Lang Lại tướng quân” và đặt tên cho đảo là “Sơn Rái”. Có lẽ những mẩu chuyện này ít nhiều cũng giải thích cho tên gọi khác của Hòn Sơn.

Hòn Sơn có diện tích tự nhiên 11,5 km2 có 7 đỉnh núi nhấp nhô và được viền quanh bởi 6 bãi biển đẹp. Đất lành chim đậu, từ một hòn đảo vắng hoang sơ đầu thế kỷ 18, đến nay, Hòn Sơn đã có hơn 2.400 hộ gia đình với 8.200 nhân khẩu sinh sống. Người dân chủ yếu sống bằng nghề nuôi trồng, đánh bắt hải sản, đóng tàu, chế biến tôm, cá, mực khô và làm nước mắm.

hon son vien ngoc xanh tren bien tay nam
Vẻ đẹp bình yên của Bãi Nhà

Nhiều du khách đến thăm Hòn Sơn rất thích được leo lên đỉnh Yên Ngựa để xem thác nước chảy từ núi xuống. Nếu có sức khỏe tốt bạn có thể chinh phục đỉnh Ma Thiên Lãnh có độ cao 450 mét so với mặt biển. Xuất phát từ trung tâm Bãi Nhà, chúng ta đi theo lối bậc thang nằm giữa những rẫy xoài, chuối, mãng cầu, và những vạt rừng nguyên sinh để lên đỉnh núi. Nghe nói đã có một số tu sỹ lên hang núi này ẩn cư để tu thiền tịnh. Đỉnh Ma Thiên Lãnh có một tảng đá lớn gọi là Sân Tiên. Từ vị trí này vào những ngày trời trong xanh, bạn có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn toàn cảnh biển đảo hùng vĩ trong Vịnh Thái Lan. May mắn hơn thì bạn có thể bắt gặp nhiều loại chim cư trú và những đàn khỉ nô đùa trên những cành cây dưới những tán rừng rậm rạp.

hon son vien ngoc xanh tren bien tay nam
Hòn Sơn ngày càng hấp dẫn du khách

Xuống núi, dạo quanh con đường nhỏ dài hơn chục km quanh đảo với nhiều hoa dại và tán cây rừng, bạn sẽ được thả hồn mình để phiêu du nghe tiếng sóng vỗ rì rào ngày đêm không ngớt. Phong cảnh Hòn Sơn lúc sáng sớm hay hoàng hôn cũng đều rất tuyệt. Đến Hòn Sơn bạn đừng quên mang theo chiếc máy ảnh nhỏ để ghi lại những khoảnh khắc của cuộc sống thanh bình, thơ mộng giữa chốn biển khơi bao la, hùng vĩ nhé.

hon son vien ngoc xanh tren bien tay nam

hon son vien ngoc xanh tren bien tay nam

Khách du lịch thích thú tắm biển tại Bãi Bàng - Hòn Sơn

Con đường nhỏ quanh đảo sẽ lần lượt đưa bạn đến với 6 bãi biển tuyệt đẹp của Hòn Sơn. Dù bạn tắm ở bãi nào thì nước biển Hòn Sơn vẫn luôn trong xanh

hon son vien ngoc xanh tren bien tay nam
Con đường bê tông chạy quanh đảo Hòn Sơn

Bãi Bàng ở phía Đông là nơi có phong cảnh đẹp nhất Hòn Sơn. Bãi có hình vòng cung, dài khoảng 1km có cát trắng và nhiều cây dừa nghiêng bóng rất nên thơ. Tại đây có dòng suối Tiên nước mát lạnh, trong vắt chảy từ đỉnh núi Ma Thiên Lãnh xuống, giúp du khách có thể tắm nước ngọt sảng khoái sau khi đã ngâm mình dưới làn nước trong xanh của biển. Bãi Nhà nằm ở phía Nam, là nơi có cầu cảng và khu vực có đông dân cư sinh sống. Tàu thuyền qua lại nơi đây tấp nập.

hon son vien ngoc xanh tren bien tay nam
Bãi Bàng

Bãi Bàng nằm hướng Đông Bắc, nơi có cầu cảng phụ thường được dụng vào mùa gió chướng. Phong cảnh nơi đây cũng khá kỳ vỹ với với biển xanh, bãi cát vàng hình vòng cung ôm lấy biển. Những rặng núi bao phủ bởi đá hoa cương bị phong hóa mạnh, phía trên có rừng tạp. Từ mép nước tới lưng chừng núi là một rừng dừa xanh tốt cho bạn tận hưởng không khí trong lành, mát mẻ của biển khơi. Đã đến đây rồi thì bạn nhớ thưởng cho mình một trái dừa tươi vì dừa ở đây rất ngọt. Bãi Thiên Tuế nằm ở phía Tây có những khối đá tạo hình kỳ thú của thiên nhiên khiến ta không khỏi ngỡ ngàng với vẻ đẹp hoang sơ và độc đáo. Ở đây tàu thuyền cũng neo đậu tấp nập và những dãy nhà mọc san sát nhau tại bãi biển. Bãi Đá Chài và Bãi Giếng nằm sát bãi Thiên Tuế, dựa lưng vào dãy núi có rừng cây nguyên sinh. Ở đây có những mô đá phẳng nguyên khối chạy dài ra mép nước. Không gian thoáng đãng nơi đây rất phù hợp để tổ chức vui chơi, cắm trại.

Ẩm thực Hòn Sơn đa dạng và khó quên

Sau thời gian trải nghiệm lên non xanh, xuống biển biếc, bạn có thể tìm nơi nào đó để nghỉ ngơi, thư giãn và ngắm hoàng hôn. Hòn Sơn chưa có những nhà hàng khách sạn sang trọng nhưng chỉ cần vào một quán nhậu bình dân, hoặc đến thăm một lồng bè cá bạn cũng có thể được chủ nhân thiết đãi nhiều loại sản vật biển Kiên Hải như: các loại ốc, cua, ghẹ, mực, tôm tích, cá bóp cá thu, cá bống mú… Khi đến Hòn Sơn du khách còn được thưởng thức nhiều đặc sản tuyệt vời với cách chế biến cũng rất đặc trưng của người dân xứ đảo.

hon son vien ngoc xanh tren bien tay nam
Nghệ sỹ Vân Sơn, Bảo Liêm và hàng ngàn du khách cảm nhận sự ấm áp của tình người xứ đảo và thưởng thức miễn phí các món hải sản ngon tuyệt trong dịp Lễ hội Nghinh Ông

Nước mắm Hòn Sơn tuy sản lượng chưa nhiều nhưng ngon có tiếng, đã xuất sang Campuchia và tiêu thụ ở nhiều nơi trong nước. Người xưa có thơ rằng: “Nước mắm Hòn dầm con cá bẹ/ Bởi mê nước mắm Hòn, em trốn mẹ theo anh”. Người dân ở Hòn Sơn đánh bắt cá cơm theo mùa, từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch. Xưa, người ta làm nước mắm bằng cách cho cá ướp vào lu, hũ, khạp đem phơi nắng rồi khuấy đều, đậy nắp lại. Vài tháng sau họ đem ra nấu, lọc lấy nước mắm, còn xác cá thì bỏ đi. Nay, có gia đình dùng thùng gỗ hoặc bồn xi măng để ủ cá. Cứ một lớp cá rắc một lớp muối lên trên, trung bình cứ 3 chén cá thì 1 chén muối. Cá được ủ chín bằng cách phơi nắng từ 6 – 12 tháng. Trong quá trình phơi cá mắm được khuấy đều, lại thêm thính gạo rang cho nước mắm có màu vàng đẹp và thơm.

Văn hóa xứ đảo

Trên đảo Hòn Sơn hiện có nhiều cơ sở thờ tự tín ngưỡng tôn giáo mang đậm nét văn hóa biển đảo như: Đền thờ Nam Hải Đại tướng quân, Đình thần Lại Sơn, Miễu Bà Cố Chủ, Thánh Thất Cao Đài, Chùa Hải Sơn. Đây là những nơi linh thiêng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân.

hon son vien ngoc xanh tren bien tay nam
Miếu Bà Cố Chủ trên đảo Hòn Sơn

Theo người dân trên đảo, Miếu Bà Cố Chủ là nơi thờ người phụ nữ đầu tiên đến khai phá Hòn Sơn Rái và được người dân xem là thần cai quản vùng biển Lại Sơn. Để tưởng nhớ đến công ơn to lớn của Bà, người dân nơi đây đã lập miếu thờ, tổ chức lễ cúng vào ngày 09 tháng 9 âm lịch hàng năm.

Đến Hòn Sơn, bạn nhớ viếng thăm Di tích LSVH Đình thần Nam Hải tọa lạc ở Bãi Thiên Tuế. Đây cũng là nơi bảo quản nhiều bộ xương cá Ông. Lễ hội Nghinh Ông vào ngày 15 và 16 tháng 10 âm lịch hàng năm là một nét đẹp văn hoá đặc trưng của người dân trên đảo.

hon son vien ngoc xanh tren bien tay nam
Lăng Ông Nam Hải

Đây cũng là dịp khôi phục các hoạt động văn hoá thể thao, các trò chơi dân gian mang tính tập thể, cộng đồng. Ngay từ trước ngày diễn ra chính hội, quang cảnh Hòn Sơn đông vui tấp nập. Trước bãi Thiên Tuế chật kín ghe xuồng. Các thuyền đánh cá đều treo cờ phướn, bày mâm cúng cùng với hương hoa. Ngoài các lễ tế tại đình, đông vui nhất là là nghi thức Nghinh Ông trên biển.

hon son vien ngoc xanh tren bien tay nam
hon son vien ngoc xanh tren bien tay nam
Lễ hội Nghinh Ông Kiên Hải ở Hòn Sơn

Đám rước Cá Ông đi từ Dinh xuống bãi Thiên Tuế rồi đi một vòng Hòn Sơn, trong tiếng trống lân giục giã. Khi quay trở lại đình người ta tổ chức lễ Chánh tế. Ngư dân tin rằng ông Nam Hải đã về ngự tại đình, chứng giám cho lòng thành của họ. Lễ hội này góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần và khơi dậy truyền thống văn hoá của ngư dân miền biển, đồng thời làm bước đệm trong công tác thu hút du lịch cho đảo.

Hãy một lần đến với Hòn Sơn để chiêm ngưỡng vẻ đẹp nên thơ, trải nghiệm văn hóa xứ đảo mang đậm tình người và thưởng thức những món ngon ẩm thực khó quên bạn nhé!

https://dulich.petrotimes.vn/

Bùi Công Ba

Chuyên trang du lịch rất mong nhận được bài viết, hình ảnh của bạn đọc. Xin vui lòng gửi về: [email protected]