Khai thác du lịch vùng phá Tam Giang - Cầu Hai

09:10 | 29/01/2023

Theo dõi Du lịch - Năng lượng xanh trên
|
Tam Giang - Cầu Hai là một trong những hệ thống đầm phá quan trọng và đẹp nhất miền Trung. Chạy dọc duyên hải tỉnh Thừa Thiên Huế, phá Tam Giang trải dài trên địa phận của 4 huyện là Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà và Phú Vang, có diện tích rộng khoảng 52km2. Đây là vùng đầm phá nước lợ lớn nhất Đông Nam Á và hiện đang được quan tâm phát triển kinh tế - xã hội nói chung, du lịch nói riêng.
Khám phá Tam Giang - Cầu HaiKhám phá Tam Giang - Cầu Hai
Vẻ hút hồn của phá Tam Giang - Đầm phá lớn nhất Đông Nam ÁVẻ hút hồn của phá Tam Giang - Đầm phá lớn nhất Đông Nam Á
Khai thác du lịch vùng phá Tam Giang - Cầu Hai
Trên đầm phá Tam Giang. Ảnh: Vũ Anh Dũng

Những giá trị cho hoạt động du lịch

Phá Tam Giang là nơi hội tụ của ba con sông lớn (sông Ô Lâu, sông Hương và sông Bồ) trước khi đổ ra cửa biển Thuận An. Từ cửa sông Ô Lâu đến cửa sông Hương, phá Tam Giang kéo dài khoảng 27km và có diện tích khoảng 5.200ha. Xưa kia, phá Tam Giang cùng với cửa Thuận An và sông Hương là đường thủy chính để lên kinh thành Huế, ai muốn lên kinh đều phải vượt phá. Vì cửa ra biển hẹp nên có nhiều xoáy nước, vì vậy nếu gặp sóng to gió lớn sẽ dễ bị lật thuyền. Vào thời nhà Nguyễn, có một vị quan tên là Nguyễn Khoa Đăng đã cho quân lính phá đáy nước, mở rộng cửa ra biển. Từ đó, những tai nạn đắm thuyền, lật tàu đã giảm hẳn.

Hiện nay, đầm phá Tam Giang - Cầu Hai có hệ sinh thái được đánh giá là tiêu biểu của Việt Nam bởi tính đa dạng sinh học cao, trong đó có nhiều loại hải sản mang giá trị kinh tế và đặc thù. Đây còn là nơi cung cấp nguồn sống cho trên 332.000 người sống phụ thuộc hoàn toàn hoặc một phần vào đầm phá, chiếm 29,2% dân số của Thừa Thiên Huế.

Đầm Chuồn (đầm Cầu Hai) còn được gọi là “dải màu sắc” bởi với mỗi thời điểm trong ngày, đầm lại khoác lên những vẻ đẹp riêng, khi thì bình yên lãng mạn, khi thì rực rỡ hút mắt. Nếu như buổi sáng đầm Chuồn như một cô gái khoác lên màu áo cam hồng thì tới trưa chiếc áo lại rực rỡ tươi tắn. Khi chiều tà dần buông, không gian lại mang vẻ đẹp tím hồng đằm thắm rất đặc trưng của xứ Huế. Khu du lịch sinh thái cộng đồng đầm Chuồn có diện tích hơn 100ha. Trên mặt nước mênh mông của đầm, du khách có thể thấy những căn nhà chồ độc đáo được dựng từ tre lồ ô có diện tích khoảng 5m2. Đây vừa là nơi sinh hoạt của ngư dân vừa là nơi nghỉ ngơi, ngắm sao và ăn uống của khách du lịch. Vào khoảng tháng 4 - 7, du khách sẽ được hòa mình vào bầu không khí náo nức của mùa đánh bắt thủy hải sản và tham gia vào Lễ hội Tổ làng Chuồn từ ngày 15 - 17/7 âm lịch.

Đến phá Tam Giang không thể không ghé qua làng chài Thái Dương Hạ. Tại đây, du khách sẽ được ngắm toàn cảnh khu chợ nhộn nhịp trên phá với những chiếc thuyền nhỏ buôn bán đủ thứ hàng hóa. Chiều xuống, làng chài lại đón những chiếc ghe thuyền trở về sau một ngày đánh bắt thủy hải sản như cá dìa, cá hanh, cá vượt, cá nâu, cá lệch, cá chình, tôm sú, mực, ghẹ… Đến Thái Dương Hạ, du khách còn có thể ghé thăm đình làng Thái Dương Hạ với kiến trúc uy nghi, cổ kính; chùa Trấn Quốc - ngôi chùa đẹp và cổ nhất phá Tam Giang. Nếu tới đây vào thời gian diễn ra Lễ hội cầu ngư (11 tháng giêng âm lịch), du khách sẽ được tham gia các hoạt động văn hóa tâm linh, lịch sử, các nghi lễ cổ truyền của dân tộc và trải nghiệm cuộc sống làng chài, tìm hiểu đời sống của bà con miền sông nước.

Mang vẻ đẹp hoang sơ và thơ mộng, rừng ngập mặn Rú Chá trở thành điểm đến ưa thích của nhiều khách du lịch, đặc biệt là các bạn trẻ. Đây là một khu rừng nguyên sinh duy nhất còn sót lại trên phá Tam Giang với hệ sinh thái phong phú và đa dạng. Theo tiếng địa phương, “rú” nghĩa là rừng núi, còn “chá” là tên một loài cây mọc chiếm 90% diện tích nơi đây. Ghé thăm Rú Chá, du khách sẽ được tận hưởng những phút giây thư giãn trong không gian thoáng mát, yên bình giữa màu xanh ngắt của các loại cây ngập mặn như sú, mắm, vẹt... và thưởng thức nhiềm món ăn chế biến từ tôm cá tươi ngon.

Khai thác du lịch vùng phá Tam Giang - Cầu Hai
Hoàng hôn trên đầm phá Tam Giang. Ảnh: Nông Thanh Toàn

Đẩy mạnh phát triển du lịch vùng đầm phá

Được thiên nhiên ban tặng vẻ đẹp độc đáo, phá Tam Giang thu hút ngày càng nhiều khách du lịch tới tham quan, trải nghiệm. Hiện nay, vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đã được khai thác trên diện tích khoảng 7.000ha, bước đầu hình thành các tour du lịch sinh thái, loại hình du lịch cộng đồng và các sản phẩm dịch vụ du lịch trên vùng đầm phá.

Qua 13 năm thực hiện Quyết định 1955/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển kinh tế - xã hội đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, sự phát triển của khu vực này chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế đặc trưng sẵn có. Thời gian qua, Thừa Thiên Huế đã thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai như đầu tư mới, nâng cấp, sửa chữa, đặc biệt là các dự án hạ tầng quan trọng về giao thông, thủy lợi, phòng tránh thiên tai, bảo vệ môi trường. Một số địa phương tại vùng phá Tam Giang đã tận dụng tốt thời cơ và tiềm năng để phát triển các loại hình kinh tế, đặc biệt là du lịch dịch vụ. Khu vực đầm Chuồn thuộc xã Phú An, huyện Phú Vang là một ví dụ. UBND Xã Phú An đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hộ gia đình vay vốn, xây dựng thêm các nhà chồ, nhà hàng các món đặc sản địa phương phục vụ khách du lịch. Khách du lịch đến vùng đầm phá đã làm tăng thu nhập cho các hộ sinh sống trên đầm, giải quyết việc làm cho các lao động nhàn rỗi, từ đó góp phần xóa đói giảm nghèo cho bà con vùng đầm phá. Nhận thức rõ về hiệu quả phát triển du lịch, các địa phương trong vùng đầm phá Tam Giang đã thực hiện khá hiệu quả công tác quảng bá, khuyến khích người dân địa phương làm dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.

Mới đây, tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Quyết định phê duyệt đề cương Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đến năm 2030. Đề án đã xác định ưu tiên các nhiệm vụ và giải pháp về phát triển thủy sản, phát triển nền nông nghiệp sinh thái phù hợp với đặc thù của vùng đầm phá, đưa du lịch thành ngành kinh tế chủ lực, song hành với việc phát triển công nghiệp, tiêu thủ công nghiệp, bảo vệ môi trường, cảnh quan vùng đầm phá; xây dựng vùng bảo tồn đa dạng sinh học, nuôi trồng thủy sản, bảo tồn gen và phát triển gen của thủy sản tại đây; có chương trình phát triển bền vững sinh kế cho người dân, khai thác loài cá bản địa, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm…

Hy vọng trong thời gian tới, hoạt động du lịch tại phá Tam Giang - Cầu Hai sẽ có thêm nhiều khởi sắc, mang lại hiệu quả tích cực cho kinh tế - xã hội địa phương và cuộc sống của người dân vùng đầm phá này.

Khai thác du lịch vùng phá Tam Giang - Cầu Hai
Đầm phá Cầu Hai một sáng bình minh. Ảnh: Nguyễn Văn Việt

Tài liệu tham khảo:

1. Trần Thuý Anh (Chủ biên) (2016), Giáo trình du lịch văn hoá – Những vấn đề lý luận và nghiệp vụ, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

2. Bùi Thanh Hương (2007). Nghiên cứu các mô hình du lịch cộng đồng ở Việt Nam. Khoa Quản Trị Kinh Doanh và Du lịch, Trường đại học Hà Nội.

3. Nguyễn Phạm Hùng (2020), Du lịch văn hoá, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội...

ThS. Vương Hồng Ngọc/ Tạp chí Du lịch

https://dulich.petrotimes.vn/

Chuyên trang du lịch rất mong nhận được bài viết, hình ảnh của bạn đọc. Xin vui lòng gửi về: [email protected]