Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024: Khám phá những công trình trên “Giao lộ di sản”
Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội là một sự kiện nổi bật trong kế hoạch tổ chức các hoạt động Hà Nội tham gia Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO năm 2024-2025 của TP Hà Nội, nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô trong các lĩnh vực thiết kế sáng tạo, triển khai các nhiệm vụ thực hiện các sáng kiến và cam kết của Hà Nội khi gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, hướng tới xây dựng Lễ hội thiết kế sáng tạo thành phố.
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia |
Với chủ đề “Giao lộ sáng tạo”, lần đầu tiên Lễ hội giới thiệu một hình thức trải nghiệm mới hướng đến công chúng tham gia, đó là bố trí không gian lễ hội theo tuyến, giúp khai mở những giao điểm sáng tạo xuyên lịch sử và đa thế hệ, gắn chặt với các công trình di sản đặc sắc có tính biểu tượng của Hà Nội.
Hình thức mới mẻ này sẽ giúp kết nối thêm nhiều hoạt động, sự kiện sáng tạo, thu hút các cộng đồng sáng tạo, sẽ giúp từng bước định hình một hình thức tổ chức lễ hội đặc sắc và bài bản. Đồng thời, thiết kế lễ hội theo tuyến giúp gia tăng sự tích cực tham gia, khuyến khích sự tìm hiểu và tự do lựa chọn của người trải nghiệm.
Khu vực chính của Lễ hội Thiết kế sáng tạo năm 2024 là tuyến trải nghiệm sáng tạo với điểm trung tâm là Quảng trường Cách mạng Tháng Tám (đảo giao thông trước Nhà hát Lớn) với 2 trục Bắc Nam (phố Lý Thái Tổ - phố Lê Thánh Tông) và Đông Tây (dốc Bác Cổ - phố Tràng Tiền) gồm các công trình kiến trúc: Cung Thiếu nhi Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bắc Bộ phủ, Nhà hát Lớn, Đại học Tổng hợp; các vườn hoa trên các tuyến phố Phan Chu Trinh, Lý Thường Kiệt và các địa điểm cộng hưởng sáng tạo sẽ trở thành không gian của văn hóa, nghệ thuật và sáng tạo.
Bản đồ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 |
Trên tuyến chính, người dân sẽ được thưởng lãm, tham gia hơn 100 hoạt động, sự kiện sáng tạo. Nếu tính theo trục Bắc Nam, Cung Thiếu nhi Hà Nội sẽ là điểm khởi đầu. Đây cũng là nơi diễn ra nhiều sự kiện văn hóa - sáng tạo nhất. Tại đây sẽ có các cuộc triển lãm - workshop - tọa đàm về nghệ thuật thị giác như: Triển lãm Chèo Méo giới thiệu tác phẩm của trẻ tự kỷ, sân chơi mẫu tự Điềm Phùng Thị, cuộc thi vẽ tranh trên sân.
Những buổi trình chiếu - tọa đàm về điện ảnh như: Tọa đàm Culi không bao giờ khóc - buổi tọa đàm nói về thành phố như một nhân vật điện ảnh; Tọa đàm Xây dựng hình ảnh Hà Nội trong điện ảnh qua các thời kỳ; chiếu phim Hãy tha thứ cho em (sản xuất năm 1992, đạo diễn Lưu Trọng Ninh) hay những hoạt động tương tác - triển lãm, biểu diễn nghệ thuật khác.
Trong khi đó, “điểm hút” giới trẻ đến Bảo tàng Lịch sử quốc gia là một show diễn về thời trang của các đơn vị nghiên cứu, phục hồi các loại cổ phục và thực hành âm nhạc mang tên “Kế vãng khai lai”.
Tại Nhà hát Lớn, ngoài những show âm nhạc, thời trang sẽ có một Lễ diễu hành giới thiệu đến công chúng cộng đồng sáng tạo của Thành phố Hà Nội. Lễ diễu hành được tổ chức nhằm tôn vinh, quảng bá 7 lĩnh vực sáng tạo bao gồm: Thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian, thiết kế, phim ảnh, ẩm thực, văn học, nghệ thuật truyền thống và âm nhạc. 7 tác phẩm đại diện cho 7 lĩnh vực được tạo hình độc đáo, kết hợp giữa sáng tạo truyền thống và sáng tạo hiện đại, tạo nên một bức tranh đa dạng.
Nhà khách Chính phủ |
Ngoài ra, Lễ diễu hành còn có các đoàn riêng biệt theo nhóm các đơn vị với biểu trưng cho mỗi lĩnh vực, sử dụng những cách thể hiện đa dạng và cuốn hút. Đặc biệt, các xe buýt du lịch hai tầng sẽ được huy động sử dụng như những sân khấu di động, biểu diễn các màn trình diễn ấn tượng và âm thanh sôi động.
Điểm cuối của “trục sáng tạo” sẽ là Đại học Quốc gia Hà Nội (Đại học Tổng hợp cũ), nơi tần suất các hoạt động văn hóa - sáng tạo chỉ đứng thứ hai sau Cung Thiếu nhi Hà Nội. Đây sẽ là nơi được các nghệ sỹ, nhà sáng tạo đầu tư nhiều công sức nhất là tổ hợp triển lãm nghệ thuật tương tác Cảm thức Đông Dương. Tại đây sẽ trưng bày cụm các tác phẩm nghệ thuật tương tác độc đáo, gợi mở những cảm thức xưa cũ về kiến trúc và mỹ thuật Đông Dương, trong cảm quan đa dạng của những kiến trúc sư, họa sỹ và nghệ sỹ hiện tại.
Các tác phẩm nghệ thuật thị giác “phủ kín” sảnh chính của tòa nhà cho đến giảng đường, các mái vòm của tòa nhà… Các nghệ sỹ sử dụng nhiều công nghệ sắp đặt hiện đại để “kể” những nét đẹp của quá khứ, giúp công chúng cảm nhận đa chiều, đa giác quan về nghệ thuật, kiến trúc Đông Dương. Cảm thức Đông Dương - chính là cảm thức đã đặt nền móng cho nền kiến trúc, mỹ thuật và thiết kế hiện đại của Việt Nam.
Lễ hội còn có các công trình pavilion (công trình kiến trúc biểu trưng ngoài trời) với “Hành lang Ấu Trĩ” tại Cung Thiếu nhi, pavilion “Dòng” tại Bắc bộ Phủ và Vườn hoa Diên Hồng, pavilion “Bảo tàng lịch sử tương lai” tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia; cùng với đó là trưng bày về các không gian sáng tạo, các hoạt động triển lãm - trưng bày - sắp đặt nghệ thuật, các buổi biểu diễn nghệ thuật và nhiều hoạt động trải nghiệm sáng tạo khác.
Đặc biệt, toàn bộ những di sản kiến trúc này được Ban tổ chức Lễ hội Thiết kế sáng tạo 2024 xâu chuỗi trong một tour khám phá tinh hoa di sản kiến trúc. Cũng theo Ban tổ chức, Lễ hội đang tích cực tạo ra một cuộc đối thoại liên thế hệ, kết nối giữa lịch sử và tương lai, hướng đến thế hệ trẻ, làm nổi bật tinh thần sáng tạo xưa và nay. Tất cả các chương trình khám phá các tác phẩm nghệ thuật, các chương trình thời trang, âm nhạc đều sẽ được mở cửa miễn phí cho công chúng tới trải nghiệm.
Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết, trong định hướng xây dựng “Thành phố sáng tạo”, bên cạnh triển khai các sáng kiến cam kết với UNESCO, thành phố đã và đang phát triển sản phẩm công nghiệp văn hóa ở 12 nhóm ngành nghề lĩnh vực, hình thành môi trường thúc đẩy sáng tạo; xây dựng hạ tầng cơ sở, đặc biệt hạ tầng về khoa học công nghệ. Thành phố cũng kêu gọi cộng đồng, các kiến trúc sư và giới trẻ cùng chung tay thiết kế sáng tạo, hiện thực hóa tầm nhìn biến Hà Nội trở thành kinh đô sáng tạo của Đông Nam Á trong lĩnh vực thiết kế. |
N.H
Hà Nội chính thức được UNESCO đưa vào Mạng lưới thành phố sáng tạo của thế giới |
Phát động cuộc thi vẽ “Hà Nội - Thành phố sáng tạo” |
Phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo của Việt Nam |
- Trải nghiệm "Chợ phiên vùng cao - Chào năm mới 2025” tại Hà Nội
- Tuần lễ Du lịch TP HCM lần 4: Lan tỏa tinh thần gắn kết cộng đồng
- Quảng Bình đón những du khách đầu tiên đến từ Chungcheong (Hàn Quốc)
- Xếp hạng 6 di tích quốc gia đặc biệt
- Tuần phim kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam
- TP HCM: Tập huấn công tác truyền thông cho lao động ngành Du lịch năm 2024
- Việt Nam giữ vững danh hiệu Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới
- Lễ hội Văn hóa ẩm thực Hà Nội 2024: “Hà Nội kết nối năm châu”
- Nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc tại phố cổ Hà Nội
- Hơn 60 quốc gia tham gia Liên hoan Ẩm thực quốc tế 2024 tại Hà Nội