Nghề gốm gắn với du lịch ở Mộc Châu

14:00 | 13/04/2021

Theo dõi Du lịch - Năng lượng xanh trên
|
Mộc Châu có nhiều nghề thủ công truyền thống, nhưng chưa có nghề nào được đầu tư bài bản và đủ nổi bật để phục vụ khách du lịch tới trải nghiệm. Những ngày qua, được lăn lộn tại xưởng gốm Mộc Châu Pottery, chúng tôi thấy những tín hiệu mừng.
5 món ăn Mộc Châu 5 món ăn Mộc Châu "gây bão" năm 2021
Về Mộc Châu khám phá Về Mộc Châu khám phá "thác Nàng Tiên", đi tìm "Phố núi Tình yêu"

Xưởng gốm Mộc Châu Pottery của Hợp tác xã Đặc sản Tây Bắc nằm tại tiểu khu Bó Bun, thị trấn Nông trường Mộc Châu đang có 2 học viên và 1 nghệ nhân hoạt động sản xuất các sản phẩm gốm từ đất sét. Xưởng rộng chừng 300m2, nhưng đủ máy móc và quy trình để cho ra những lọ hoa, bình cảnh, cốc, đĩa gốm đẹp như gốm Bát Tràng, Chu Đậu, Hương Canh… Thậm chí còn có những nét độc đáo, khác biệt.

Những bình gốm Mộc Châu khá đa dạng về kiểu dáng, mẫu mã, màu sắc và tất cả đều được làm thủ công 100%. Nói sơ thì không thấy có gì khác biệt làm lợi thế cạnh tranh, có nhìn tận mắt mới thấy điểm nổi trội, đó là: các sản phẩm đều có một phần đất sét và một phần đất Mộc Châu, men được tạo từ nguyên liệu ở Mộc Châu, và hoa văn trên các sản phẩm mang đậm dấu ấn Tây Bắc, được tạo ra bằng tinh thần Tây Bắc của những cô học viên người H'Mông bé nhỏ, nhưng chịu khó vô cùng.

Nghề gốm gắn với du lịch ở Mộc Châu

Nhìn những người thợ trẻ thoăn thoắt vuốt nặn gốm bên bàn xoay, hay miệt mài, tỉ mẩn từng nét vẽ trang trí sản phẩm dưới sự hướng dẫn chu đáo của nghệ nhân Phạm Tiến Khang chúng tôi hiểu rằng trong các em đã bắt đầu hình thành tình yêu với gốm và thả hồn vào những tác phẩm trên gốm.

Em Hoàng Thị Sanh (người H'Mông) ở bản Pa Khen 1, thị trấn Nông trường Mộc Châu cho biết: "Ngay từ nhỏ, chúng em đã được các bà, các mẹ dạy các họa tiết thêu các bộ trang phục dân tộc nên khi học làm nghề gốm dưới sự hướng dẫn của nghệ nhân em cảm thấy rất thích thú và phù hợp với khả năng của mình. Em sẽ cố gắng kiên trì để học nghề và tạo ra nhiều sản phẩm gốm đẹp và có hoa văn đặc trưng của người H'Mông. Thấy nhiều khách du lịch vào tham quan, khen ngợi và mua sản phẩm về Hà Nội, Sài Gòn làm quà, chúng em vui lắm!".

Nghề gốm gắn với du lịch ở Mộc Châu

Nghệ nhân Phạm Tiến Khang, thành viên HTX Đặc sản Tây Bắc cho biết: "Qua nghiên cứu, tìm hiểu, tôi thấy nghệ thuật gốm phù hợp với những người phụ nữ dân tộc ở Tây Bắc vì gốm là một loại hình nghệ thuật mang tính dân gian sâu sắc được tạo nên từ trí sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo của người thợ gốm và những người phụ nữ dân tộc đã quen với những họa tiết thêu may truyền thống nên dễ dàng truyền tải những họa tiết đó lên các sản phẩm gốm. Với tâm niệm “Để nghề để nghiệp còn quý hơn để vàng để bạc cho con cháu mai sau”, tôi muốn góp một chút công sức và khả năng của mình để đào tạo ra một lớp thợ gốm trẻ có đủ niềm đam mê để cùng nhau tạo nên những sản phẩm độc đáo, mới mẻ mang đậm nét truyền thống và độc đáo riêng của vùng núi rừng Tây Bắc, xây dựng nghề gốm ở Mộc Châu".

Những ngày chúng tôi ở đây, thấy nghệ nhân và học viên bận bịu đâm ra cũng sốt ruột, họ miệt mài dựng bình, tạo hình, khắc hoa văn, làm men, quét men, vào lò… có buổi cả thầy trò lại hối hả chất đồ đạc lên xe ô tô di chuyển vào cơ sở 2 cách đó 3km để đón khách du lịch đến trải nghiệm.

Không gian trải nghiệm ở cơ sở 2 nằm trong bản Chiềng Đi, có suối, có cây xanh và có khoảng sân rộng để khách du lịch tới tìm hiểu về nghề gốm, trải nghiệm làm thợ gốm. Hôm chúng tôi theo nghệ nhân Khang vào cơ sở 2, đã thấy học sinh lớp 7A4 trường THCS Mộc Lỵ đứng đầy sân, bạn chụp ảnh checkin, bạn háo hức nhìn nghệ nhân chuẩn bị dụng cụ để làm gốm.

Nghề gốm gắn với du lịch ở Mộc Châu

Sau vài câu ngắn gọn giới thiệu về lịch sử nghề gốm, về ý nghĩa buổi trải nghiệm, học sinh được hướng dẫn các kỹ thuật dựng một chiếc cốc đơn giản từ những nắm đất sét đơn thuần và cầm bút khắc, vẽ hình trên cốc. Các em được chia thành 2 nhóm, nhóm dựng hình, nhóm khắc cốc, sau đó đổi ca. Ai nấy đều vui vẻ, hớn hở nặn nặn vê vê rồi xếp trồng các “con lươn” lên nhau, sau đó dùng bàn xoay và bàn tay khéo léo vuốt phẳng thành hình cái cốc. Nhìn tưởng dễ, mà bắt tay vào làm lại không dễ chút nào, có nhóm làm rõ nhanh, nhưng chỉ một chốc, cái cốc sụp đổ xuống vì cho nhiều nước quá, đất mềm, có nhóm lúc đầu tạo ra hình chiếc cốc hình tròn, sau một chốc đã thành hình trái tim hoặc cái bát loe miệng… Trải nghiệm này đem lại khá nhiều tiếng cười sảng khoái.

Nhóm khắc cốc yên tĩnh hơn, mọi người đều tập trung rất sâu cho sản phẩm của mình, đầu tiên là khắc tên, sau đó khắc lên một dòng chữ gì đó thật “đẳng cấp”, rồi vẽ một vài hình trang trí thật khác biệt, bạn vẽ hoa, vẽ lá, bạn vẽ “ơ măng ớt” (Among Us - siêu anh hùng trong phim hoạt hình), bạn viết những lời có cánh bày tỏ tình cảm yêu thương với gia đình mình... Nếu như tạo hình thiên về tính kiên nhẫn, tỉ mẫn, thì ở phần này, bạn nào có năng khiếu thẩm mỹ, có bàn tay khéo léo sẽ thể hiện được ngay với sự trầm trồ ngợi khen của các bạn khác, của phụ huynh và của nghệ nhân.

Nghề gốm gắn với du lịch ở Mộc Châu
Nghề gốm gắn với du lịch ở Mộc Châu
Nghề gốm gắn với du lịch ở Mộc Châu
Nghề gốm gắn với du lịch ở Mộc Châu
Các em học sinh chăm chú tạo ra các sản phẩm của mình.

Các sản phẩm làm xong được thu lại đem về cơ sở 1 làm men và nung, sau đó sẽ trả về tận trường cho các con. Những sản phẩm ấy, dù không quá tinh xảo, không cầu kì nhưng ẩn chứa bên trong chính là sự sáng tạo, cảm xúc thật của người làm ra, khác với những sản phẩm gốm công nghiệp ở chợ hay siêu thị, trong đó có cả nét văn hóa đặc trưng của mỗi cá nhân trên từng sản phẩm. Vì thế học sinh ai cũng thích, và cha mẹ học sinh cũng say mê mà nặn, mà khắc hình.

Nghệ nhân Phạm Tiến Khang cho biết: "HTX Đặc sản Tây Bắc đã phối hợp tổ chức cho hơn 1.000 em học sinh trên địa bàn huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La đến tham quan và trải nghiệm những điều thú vị với chương trình “Hành trình của đất”, một ngày cùng làm gốm Mộc Châu. Không chỉ giúp các em giải trí sau những ngày học hành căng thẳng mà giúp các em sẽ biết yêu quý và trân trọng hơn các sản phẩm từ gốm. Từ một nắm đất vô tri vô giác, các em có thể phát triển được sự đam mê, sáng tạo, óc thẩm mỹ và đặc biệt là rèn luyện tính kiên nhẫn, sự tỉ mỉ thông qua các thao tác thủ công. Trong thời gian tới, khi đào tạo học viên thật vững và đông đảo hơn, chúng tôi sẽ mở rộng và nâng cấp sản phẩm lên, sản xuất các sản phẩm như vòng đeo tay, cổ, các vật dụng gốm trang trí để làm quà tặng du lịch, đồng thời mở rộng cách thức trải nghiệm, hướng tới khách du lịch nước ngoài đến tự tay làm những sản phẩm gốm nhỏ xinh đầy màu sắc làm quà tặng cho bạn bè, người thân".

Hy vọng, trong tương lai, nghề gốm ở Mộc Châu sẽ được quan tâm đầu tư đúng mức, đúng hướng, trở thành một trong những kênh giáo dục không chỉ về kiến thức trên lớp học mà bên cạnh đó là kĩ năng sống, rèn luyện cả trí, thể, mỹ cho thế hệ mầm non tương lai của đất nước. Đồng thời, tạo ra những sản phẩm quảng bá hình ảnh của khu du lịch Mộc Châu cũng như những nét văn hóa đặc trưng của các đồng bào dân tộc nơi đây đến với du khách trong và ngoài nước.

https://dulich.petrotimes.vn/

Thành Đạo

Chuyên trang du lịch rất mong nhận được bài viết, hình ảnh của bạn đọc. Xin vui lòng gửi về: [email protected]